Thursday, March 28, 2024

Vĩnh Biệt Hai Đàn Anh Ngô Quyền

Hình Triết Trần

Trong vòng 5 ngày, Hội cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa mất đi hai nam sinh thông minh, đa tài: anh Nguyễn Ngọc Xuân -NQ K7, và anh Phạm Kim Phi Hùng -NQ K14.

Họ cùng quê Tân Ba, một làng ngoại ô, nhỏ xíu của Biên Hòa ngày trước, lúc nước sông Đồng Nai còn trong vắt, hai bờ sông bên lỡ, bên bồi vẫn là nơi chơi đùa thời thơ dại của cả hai anh, của hầu hết học sinh Ngô Quyền ngày đó.

Khi anh Xuân đậu Tú tài, chuẩn bị thi vào Quốc gia Hành chánh, thì anh Hùng chuẩn bị thi vào lớp 6 Ngô Quyền, một kỳ thi tuyển không dễ dàng vì cả tỉnh Biên Hòa thời đó có hàng trăm trường Tiểu học nhưng chỉ có một ngôi trường Trung học công lập duy nhất. Họ không biết nhau, nhưng như truyền thống của làng quê Tân Ba, của trường Ngô Quyền, cả hai anh đều chăm học, và đều là học trò giỏi của lớp, của trường Ngô Quyền.

Chúng tôi biết anh Hùng từ hồi học Tiểu học vì Biên Hòa là một tỉnh lỵ nhỏ “đi dăm ba bước đã về chốn cũ”, Ba Mẹ anh quen với Ba Mẹ chúng tôi, thỉnh thoảng chạm mặt anh, nhưng chưa bao giờ nói chuyện. Thế hệ của chúng tôi, cuối thế kỷ 20, không nói chuyện với người khác phái, dù học chung trường, ở gần nhà, biết cả “tông chi họ hàng” của nhau, nhưng ra đường vẫn cứ nhìn thẳng.

Sau tháng 4 năm 1975, vì vận nước, chúng tôi không còn ở cùng thành phố, nhưng hiểu nhau hơn vì cả Ba anh, lẫn Ba chúng tôi đều vướng vào cảnh “tù không tội”. Chúng tôi, những đứa học trò mặt mày còn nguyên nét trẻ thơ, bị gạt ra ngoài lề xã hội với “bản án” rất rõ ràng, được công an Phường ghi trên giấy trắng mực đen: “thành phần thứ 14 trong xã hội”(chỉ đứng trên thành phần thứ 15, là thành phần tù hình sự).

Anh Hùng lao vào học, tìm quên trong kiến thức, đặc biệt là môn Lý Hóa. Anh đậu thủ khoa vào Đại học Bách khoa Saigon niên khóa 1976-1977 với số điểm gần như tuyệt đối 29/30 cho 3 môn Toán, Lý, Hóa. Vậy mà Ban Tuyển sinh tỉnh Đồng Nai lúc đó không cho anh đi học vì lý do “cha có nợ máu với nhân dân”.

Anh mang chất xám và tuổi 17 đầy sức sống của mình về làm ruộng một thời gian rồi được Mẹ cho vượt biển vì không có một chỗ dung thân cho anh trên chính quê hương mình.

Lúc anh Xuân xong Trung học, chúng tôi mới bắt đầu đi học. Nên mãi đến về sau, sau này, lúc Hội cựu học sinh Ngô Quyền ở hải ngoại có website, chúng tôi mới biết chs NQ K7 Nguyễn Ngọc Xuân, và biết anh là bạn học của Thầy Thu (thầy dạy Tân Toán học cho chúng tôi thời Trung học.)

Nhờ có website, nơi hội tụ của nhiều thế hệ chs Ngô Quyền, các anh chị chs NQ viết về thời học trò , chúng tôi biết được thành tích học tập lẫy lừng đậu Tú tài ban B ưu hạng của anh Xuân.

Anh Xuân giúp ban biên tập website Ngô Quyền dựng lại trường xưa trên youtube qua những hình ảnh của giai đoạn 1956-1975. Nghĩ đến một số đàn em có công ngày cày bừa trả nợ áo cơm, tối thức khuya “vác ngà voi”, anh có làm cho chúng tôi một youtube cá nhân, và có tặng chúng tôi một bài thơ khi chúng tôi về thăm quê nhà ở Nha Trang vào dịp Tết năm 2011, trong đó có hai câu rất hay

“Biển về trải cát em nằm
Giao thừa sóng hát thì thầm ca dao”

Đầu tháng 9 năm nay, không hẹn mà cả hai anh cùng rời trần gian. Anh Hùng bỏ cuộc đời ngày 5 tháng 9 (ngày lễ Vu Lan năm 2017) ở Toronto, Canada. Nỗi buồn chưa nguôi, chúng tôi được tin anh Xuân xuôi tay ở Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày 10 tháng 9 năm 2017.

Từ California, xin chân thành thắp nén hương lòng hướng về Toronto và Đà Nẵng, cầu mong hai anh được thanh thoát ở thế giới bên kia. Và xin mượn hai câu thơ của Thiền Sư Mãn Giác để thay lời vĩnh biệt chs NQ K7 Nguyễn Ngọc Xuân, và chs NQ K14 Phạm Kim Phi Hùng :

“Ta từ vô lượng về chơi
Ngồi trên đỉnh núi mỉm cười với trăng”

Nguyễn Trần Diệu Hương
California, cuối hè đầu thu 2017

[disqus_shortcode_codeable]