Thursday, April 25, 2024

Vĩnh biệt Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Minh Tâm

Tôi có cơ duyên may mắn được gặp thiền sư một lần trong đời, khi hội nghị Phật Giáo Quốc Tế VESAK 2008 diễn ra tại Hà Nội. Khi đó, tôi phụ giúp các thầy Việt Nam gửi thư cho các thầy từ nhiều nơi trên thế giới làm visa về dự hội nghị. Tôi phụ các thầy một số việc nên được cấp thẻ vào khuôn viên bên trong hội trường trong tuần lễ hội nghị Phật Giáo Quốc Tế ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong ngày Tết Tân Sửu 2021. Lúc này, sức khỏe của thiền sư đã suy yếu. (Hình: VNExpress)

Tôi nhớ nhất là cái cảm giác khi thiền sư xuất hiện ở hội nghị. Nhớ như in cái giây phút mà mình nhận thấy luồng năng lượng từ bi, ung dung tỏa ra mạnh mẽ từ thiền sư cùng những người tháp tùng thiền sư ngày hôm đó.

Cả phái đoàn của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khoảng 200 người, gồm cả người nước ngoài và người Việt đến từ Làng Mai, có chương trình thực hành và nói chuyện về thiền định trong hội nghị. Thật khó có thể diễn tả hết được cảm giác của mình giây phút đó. Năng lượng tuyệt vời bình yên an trú trong giây phút hiện tại. Đối với tôi, thiền sư luôn là một bậc trí tuệ sáng ngời, Người là một cuốn sách mình có thể đọc cả đời không hết.

Có một câu chuyện thú vị mà tôi chưa khi nào viết ra. Sư phụ của tôi lúc đó nhận ngồi đàn cho Thiền Sư Thích Nhất Hạnh làm lễ chuẩn tế bình đẳng giải oan cho các vong linh trên đất Việt. Tôi được nghe sư phụ kể nhiều điều khi làm lễ tâm linh này, đáng kính và ngưỡng mộ. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một người rất từ bi, có trái tim lớn, bình đẳng, bác ái, một nhân cách lớn.

Còn một duyên đặc biệt này nữa mà chỉ có tôi và ông xã người Mỹ luôn ghi nhớ. Đó là lần đầu tiên vào Tháng Chín, 2011, chúng tôi chú ý đến nhau trên OK Cupid Dating Site, cũng  là lúc mà anh ý làm quen với tôi và tôi đọc “Profile” của anh, thấy anh nhắc đến Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Thế giới thật nhỏ bé, anh là độc giả người Mỹ rất kính trọng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Anh nói thầy cũng từng đã qua trường Đại Học Columbia ở New York nói chuyện với sinh viên. Anh luôn nhắc từ “Mindfulness” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

“In mindfulness one is not only restful and happy, but alert and awake. Meditation is not evasion; it is a serene encounter with reality.”

Một trong những quyển sách nổi tiếng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. (Hình: Minh Tâm Facebook)

Cái tên của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có lẽ là điểm nhấn quan trọng đã mang chúng tôi tới gần nhau vào ngày đó, cách đây hơn mười năm và từ “MINDFULNESS” trong các bài giảng của thiền sư đã trở nên một từ dùng hàng ngày trong tổ ấm của vợ chồng tôi trên đồi Chuông ngày nay.

Hôm nay thiền sư đã rời xa cõi tạm này. Tôi xúc động khi biết tin. Tôi gõ Google để search thêm chia sẻ mọi người tìm đọc những quyển sách hay và những câu nói ý nghĩa của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để kính tưởng nhớ ông:

“Giác ngộ luôn luôn hiện hữu. Sự giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, đó là lúc bạn chạm tay vào điều kỳ diệu của việc được sống. Đó cũng là một loại giác ngộ.”

Có lẽ những ai yêu thích thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng như thường xuyên đọc sách của ông đều sẽ biết câu nói hay và đầy ý nghĩa này của ông.

Cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20. (Hình: Minh Tâm Facebook)

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam. Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế. Ông xuất gia theo Thiền Tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu.

Ông là người đưa ra khái niệm “Phật Giáo dấn thân” trong cuốn “Việt Nam: Hoa Sen Trong Biển Lửa.” Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giải thích về “Phật Giáo dấn thân”: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.”

“Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền,” ông nhấn mạnh.

Con mong Người an nghỉ bình yên. Nam-Mô-Adi-Đà-Phật!

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm