Tuesday, April 16, 2024

186 tác giả miền Nam, 6164 trang sách


và tấm lòng soạn giả Ngô Nguyên Nghiễm





Viên Linh



Vào đầu Xuân Canh Dần 2010, người viết bài này nhận được từ Sài Gòn gửi qua tặng cuốn biên khảo văn học nhan đề “Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi” của một người bạn 40 năm trước: nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm.

Sách bìa cứng, dày 1020 trang, và ngoài bìa cho thấy đó chỉ là cuốn I. Anh Nghiễm từng cộng tác bài vở với các tờ báo do tôi làm thư ký tòa soạn trước 1975, như Tuần báo Nghệ Thuật (chủ nhiệm Mai Thảo, 1965), Tuần báo Khởi Hành (chủ nhiệm nhạc sĩ Anh Việt, 1969), tuần báo Diễn Ðàn và sau hết, tạp chí Thời Tập khi tôi đứng tên chủ nhiệm chủ bút, từ 1970 cho tới Tháng Tư 1975. Lần này anh là soạn giả, cuốn ấy anh viết về 30 nhà văn nhà thơ miền Nam. Những người cầm bút của Sài Gòn, thủ đô văn hóa miền Nam, cũng sẽ cảm kích về cuốn sách của anh, vừa liếc qua đã thấy ngay những tên tuổi một thời, thời đã qua, từ người đã nổi tiếng tới người mới thành danh, từ kẻ không còn tới những cây bút trẻ mới bước qua ngưỡng cửa của văn chương nghệ thuật.









Chân dung nhà thơ, soạn giả Ngô Nguyên Nghiễm bên bàn viết. (Hình: Võ Thạnh Văn. Viên Linh cung cấp)


Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi


Ngô Nguyên Nghiêm không chỉ viết cho mình, anh viết cho tất cả những kẻ đồng hành với anh, như nhan đề tác phẩm. Anh viết trong trang sách mở đầu: “Khi chọn chủ đề cho bộ sách nhận định phê bình và giới thiệu các văn hữu, tôi cũng gói ghém trong sự hạn hẹp của những bằng hữu đồng hành trên suốt đoạn đường văn nghệ gần 50 năm qua [thật ra tôi đã tâm huyết thực hiện suốt gần 10 năm đằng đẵng]. (…)Ðây là tấm lòng, tạo dựng thêm một nét văn hóa cho quê hương được đầy đủ hơn về sự đóng góp của những người con tài hoa đang rải rác tử sinh trên đất nước. “Sinh,” người sống còn có thể biện bạch và thay đổi chủ hướng trên bước đường tác nghiệp. “Tử,” những bằng hữu văn nghệ đã trở về ba tấc đất, buông xuôi lại ý nguyện cho người còn lại kế thừa. Không phải ai cũng như ai, nên tác phẩm đến với quần chúng còn quá hạn hẹp, vì người làm văn nghệ tài sản chỉ là một túi thơ. Từng bữa chạy vội vàng trên bước đường trăng soi, còn lại là những giọt mồ hôi hiện thực chảy xuống, cực nhọc góp lại cho con cái mình chút ấm no và chút khí lực để bước vội trên đường học vấn. Bạn hữu, giây phút nói thật này, xin xem như một cảm thông. Với người khuất bóng là một hoài niệm, với người còn trang trải nợ tằm là giây phút hiến dâng nghĩa tình của nhau trong bao nhiêu năm tháng đồng hành, lăn lóc bước đi trên con đường văn nghệ vậy.” (Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Tình Với Một Cảm Thông, 2009, in ở đầu cuốn I).


Cuốn I xuất hiện từ hơn ba năm trước. Cách đây hai tuần là cuốn thứ VI, gọi là cuốn “viên mãn,” hay cuốn chót, được phát hành. Rải rác trong ba năm qua độc giả nhận được các cuốn kế tiếp. Như thế, bộ sách về văn học miền Nam này tổng cộng hơn 6164 trang, soạn và in ấn xong trong vòng hơn ba năm mới xong, trong khi tác giả dự trù sẽ xong trong vòng 1000 ngày, có 186 nhà văn nhà thơ nhà biên khảo và nghệ sĩ góp mặt. Có 157 trường hợp hoàn tất, 29 trường hợp cần bổ sung. Hãy xem anh trình bày một tác giả ra sao?


Ðọc lần lượt, so sánh nhiều bài với nhau, người đọc thấy có cùng một công thức:


1. Trang 1 là tên và ảnh chụp tác giả được nói đến.


2. Tiểu sử văn học kèm với phác họa tác giả do một họa sĩ vẽ.


3. Trang bút tự, chữ ký.


4. Ảnh bìa các tác phẩm tiêu biểu của tác giả.


5. Bài chính về tác giả do nhà chủ biên Ngô Nguyên Nghiễm viết.


6. Bài phỏng vấn tác giả do một văn hữu phỏng vấn.


7. Sáng tác thơ văn do chính tác giả chọn lựa. Cả chục trang.


8. Một hay hai bài viết về tác giả do các nhà văn trong văn giới viết, bổ túc cho bài của chủ biên bộ sách.


Với 8 khoản dành cho một người, mỗi người như thế được dành vài chục trang, ngắn dài khác nhau, nhưng trung bình là mỗi tác giả được dành cho 32 trang. Ta có 32 x 186 tác giả = 5952 trang. Số trang còn lại là trang trắng hay lệ sách (tựa, bạt, lý lịch sách, linh tinh). Chưa nói về phẩm chất, chỉ kể về số lượng, dường như chưa có một cuốn nhận định văn học Việt Nam nào đã dành cho các tác giả tham dự số lượng diện tích phóng khoáng đến độ đó. Ðiều này đúng như người chủ biên định từ đầu: Ngô Nguyên Nghiễm muốn các bằng hữu văn nghệ của anh trải hết được lòng mình, và anh coi sáng tác của bằng hữu văn nghệ là tâm huyết, cần được gửi tới mọi người, như anh viết trong bài lời mở đầu.


Mỗi cuốn đều được trình bày tương tự, cuối sách gồm phần thư mục dùng để biên khảo, và đặc biệt có những mục chỉ dẫn như:


-Phần địa phương trong tác phẩm (thường là 3 trang, xếp theo thứ tự abc): An Bình, An Giang, Ao Bà Om, Ba Xuyên, Bảy Núi, Bắc Ninh, Bến Thành, California, Càn Long, Cần Thơ, Cầu Chữ Y, Châu Ðốc, v.v… cho đến vần cuối cùng: Vatican, Vĩnh Long, Vĩnh Thuận, Xóm Bún, Xóm Chài,…)


-Phần văn nghệ sĩ được nhắc đến trong tác phẩm: (cũng thường là 3 trang): A Khuê, AVT, An Khê, Anh Khoa, Bạch Yến, Beaudelaire, Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng, Cao Thoại Châu, Cung Tiến, Chinh Ba, Duyên Anh, Dương Hà, Dương Trữ La, Hà Thúc Sinh, Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường, Kalim Gibran, Krisnamuti, Kim Ðịnh, Khánh Ly, Lê Thương, Lê Thánh Thư, Lỗ Trí Thâm, Lý Bạch, Mai Thảo, cho tới các vần cuối cùng: Tùng Long, Trần Tấn Quốc, Trần Tuấn Kiệt, Trần Phong Giao, Việt Chung Tử, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Whitman, Xuân Diệu…


-Phần các nghệ sĩ vẽ tranh, nặn tượng, chụp ảnh trong tác phẩm.


-Sau cùng là phần mục lục của cuốn sách. Ta thấy mỗi cuốn có cả năm bảy trăm tên tuổi.









Bộ sách 6 cuốn, 6164 trang, “Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi” viết về 186 nhà văn nhà thơ nhà biên khảo nghệ sĩ miền Nam của Ngô Nguyên Nghiễm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Bài điển hình


Nói về bộ “Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi” thì như thế, nay người điểm sách chọn ra một tác giả điển hình, như Ngô Nguyên Nghiễm là chính người chủ biên bộ “tập đại thành” văn học miền Nam này, chúng ta sẽ thấy như sau.


1. Trang 1 là tên và ảnh chụp tác giả được nói đến: Ngô Nguyên Nghiễm, chân dung tác giả do Võ Thạnh Văn chụp.


2. Tiểu sử văn học kèm với phác họa tác giả do một họa sĩ vẽ: tên thật Ngô Tấn Thiền, sinh ngày 12 tháng 8, 1944 tại Châu Ðốc (Thất Sơn-Nam Bộ). Tốt nghiệp Ðại học Dược Khoa Sài Gòn. Thơ văn được giới thiệu trên nhiều tạp chí thơ văn trong ngoài nước. Ðã xuất bản riêng 12 tác phẩm không kể có mặt trong hơn 40 tác phẩm chung với bạn hữu. Chủ trương nhà xuất bản tạp chí Khai Phá trước 1975. Hiện đang sống và viết tại Thư trang Quang Hạnh Tp Hồ Chí Minh. Phác họa tác giả do họa sĩ Rừng vẽ.


3. Trang bút tự, chữ ký.


4. Ảnh bìa các tác phẩm tiêu biểu của tác giả: Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi; 2010-2014 – Dấu Chân Vó Ngược; 1964 – Ngọn Gió Hơi Cuồng (in chung với Lưu Nhữ Thụy); 1966 – Thơ Kinh Tự (biên luận); NXB Khai Phá, 1971 – Thiên Thu Ca, thơ; Khai Phá 1972 – Người Hành Giả và Khúc Trường Ca Sinh Tử; 1974 – Tổ Ấm, NXB Trẻ 1988 – (thêm 5 tác phẩm khác).


5. Bài chính về Ngô Nguyên Nghiễm do Lâm Hảo Dũng viết.


6. Bài phỏng vấn tác giả: Trò chuyện với Ngô Nguyên Nghiễm do Minh Nguyễn thực hiện.


7. Sáng tác thơ văn do chính tác giả chọn lựa: 4 bài thơ trích trong thi phẩm Thiên Thu Ca, dài 8 trang. Thêm 4 bài khác trích trong thi phẩm Người Hành Giả và Khúc Trường Ca Sinh Tử, 8 trang.


8. Một hay hai bài viết về tác giả do các nhà văn trong văn giới viết, bổ túc cho bài của chủ biên bộ sách: Trần Tuấn Kiệt viết Nhận Ðịnh về Thơ Ngô Nguyên Nghiễm.


Phần Ngô Nguyên Nghiễm chiếm 46 trang. Ðây không phải phần dài nhất của cuốn sách hay bộ sách.


Ta hãy kiểm xem vài phần khác xem dài ngắn ra sao.



  • Cuốn I, nhà thơ Yên Bằng, người Cà Mau, dài 41 trang. Nhà biên khảo Nguyễn Tôn Nhan, người Hải Dương lớn lên ở Sài Gòn, 45 trang. Nhà thơ Việt Chung Tử, người Sa Ðéc, 32 trang.


  • Cuốn II, Họa sĩ Nguyễn Hải Chí (CHÓE), người Long An, 51 trang. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt người Sa Ðéc, 55 trang. Nhà thơ Ðặng Tấn Tới, người Bình Ðịnh, 32 trang.

  • Cuốn III, Nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh người Thừa Thiên Huế, 32 trang. Nhà văn Dương Hà người Bạc Liêu, 57 trang. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên người Biên Hòa, 47 trang.


  • Cuốn IV, Nhà thơ Phạm Nhã Dự người Gia Ðịnh 62 trang. Học giả Nguyễn Văn Hầu người An Giang 85 trang. Nhà văn Dương Trữ La người Gia Ðịnh 75 trang.


  • Cuốn V, Học giả Nguyễn Bá Thế người Cần Thơ 61 trang. Nhà văn Nguyễn Thụy Long người Hà Nội 42 trang. Họa sĩ Lê Thánh Thư người Qui Nhơn 37 trang.


  • Cuốn VI, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ người Vĩnh Long 57 trang. Nhà văn Trương Ðạm Thủy người Bến Tre 40 trang. Nhà thơ Viên Linh người Hà Nam 64 trang.

Bộ sách đã viên mãn, nhà biên soạn, soạn giả gửi bằng hữu và bạn đọc: “Quả thật, bộ sách Tác Giả Tác Phẩm – Người Ðồng Hành Quanh Tôi thu nhiếp được nhiều thành quả chưa bao giờ dám nghĩ tới. Khí phách của bằng hữu là châu ngọc sáng chiếu rạng rỡ trên tác phẩm đầy trái tim mình […].Và nên hiểu rằng, gánh vác chuyện chung dù ở đây cũng chỉ là một tiếng nói nhỏ nhoi cho công cuộc góp phần bảo tồn di sản thế hệ văn học làm tập thể anh em bạc trắng mái đầu! Bộ sách trang trọng trình diện trước văn sử đã nói lên bao nhiêu nỗ lực gánh vác mà bạn bè vươn hết sức lực, moi tận cùng tim óc, hầu cho định mệnh được hình thành.”


Trong niềm riêng tư, trên đầu bộ sách nhà biên soạn Ngô Nguyên Nghiễm có những dòng đề tặng này: “Thành kính dâng tặng: Giác linh song thân. Thầy cô và gia đình. Bằng hữu huynh đệ. Hiền thê và các con. Một thời công lao dưỡng dục và sinh tử, thấm đẫm trong văn hóa Ðông Phương.” Tôi nghĩ tấm lòng anh hẳn được soi chiếu vằng vặc như trăng sao bát ngát soi chiếu từng lá cây ngọn cỏ khe suối nước nguồn trong dãy Thất Sơn Bảy Núi, Châu Ðốc quê hương anh. Khoảng cuối năm 1955 nếu tôi nhớ không lầm, là phóng viên nhật báo Ngôn Luận, tôi đã tới Thất Sơn tham dự để tường thuật “Cuộc trở về hợp tác với chính phủ Quốc Gia của tiểu đoàn 207 của Tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh” – dịp đó tôi nhớ mãi một nóc chùa nhọn hoắt sáng lấp lánh ánh thủy tinh ngũ sắc vươn lên bàu trời bao la cao rộng; và chính tôi một thời gian rất ngắn sau đó, cũng đã tới tòa án Sài Gòn cạnh khu Khám Lớn Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, dự kiến phiên tòa của các ông Thẩm Phán Quan, Bộ Trưởng Trinh, đem người về hợp tác ra xử tử. Kỷ niệm quá khứ và viễn ảnh tương lai chúng ta đều trải qua, và mãi mãi còn nhớ. Và chúng ta vẫn sống vẫn viết với tất cả tấm lòng rực rỡ yêu thương của mình. Thân ái Nghiễm.


(VL, 18 tháng 3, 2014)

MỚI CẬP NHẬT