Friday, April 19, 2024

1960, một năm ba tạp chí văn học ra đời

Viên Linh/Người Việt

Năm 1960 có tới ba tạp chí văn học nghệ thuật cùng xuất bản ở Sài Gòn, trong đó hai tờ mới ra lần đầu là Hiện Đại và Thế Kỷ Hai Mươi, còn tờ Sáng Tạo tục bản ra bộ mới số 1, sau khoảng chín tháng ngưng bặt không thông báo sau khi bộ cũ ra được liên tục 31 số.

Trong một năm 1960 có tới ba tạp chí xuất hiện, ba người chủ trương đều có tên tuổi: Hiện Đại của Nguyên Sa, Thế Kỷ Hai Mươi của Trần Hồng Châu tức Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch – khoa trưởng Văn Khoa Sài Gòn, và Sáng Tạo của Mai Thảo.

Năm ấy hẳn có những điều đáng tìm hiểu. Hay ít nhất thử đặt ba tờ tạp chí ấy bên nhau, hay ít nhất so sánh ba tờ ấy ở địa hạt này hay ở phương diện nọ, người tò mò có thể tìm ra những điều đáng suy ngẫm.

Tháng Tư, 1960: Hiện Đại ra mắt số 1.

Tháng Bảy, 1960: Thế Kỷ Hai Mươi ra mắt số 1.

Tháng Bảy, 1960: Sáng Tạo bộ mới ra mắt số 1.

Ba tờ tạp chí xuất hiện cách nhau chỉ có ba tháng từ Tháng Tư đến Tháng Bảy trong cùng một năm! Nếu ta kể thêm tạp chí văn học thứ tư là tờ Văn Nghệ, ra mắt số 1 vào Tháng Hai, 1961, cách mấy tờ trên khoảng bảy tháng, ta có thể nói không sai: “Trong vòng bảy tám tháng, bốn tờ tạp chí văn học nghệ thuật tên tuổi của miền Nam Việt Nam đều cũng hiện diện.” Người chủ trương tờ tạp chí thư tư là nhà văn Lý Hoàng Phong. Sự việc trên như thế nào?

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu. Về năm 1960 và về Sài Gòn tôi đã viết: “1960 – Sài Gòn, thủ đô văn hóa miền Nam… nơi đó có đến ba bốn viện đại học lớn, những trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ, nơi đặt trụ sở các trung tâm văn hóa Đông Tây (Hoa Kỳ, Pháp, Đức…), nơi hằng tuần có những cuộc diễn thuyết và triển lãm nghệ thuật, nơi hằng ngày có trên 10 tờ nhật báo xuất bản.”

“Sài Gòn chính xác hơn là nơi đã xuất hiện những trào lưu học thuật chính dòng, nối nguồn từ di sản văn hóa dân tộc, tồn tại lâu dài, và xuất hiện hay du nhập những trường phái văn nghệ ảnh hưởng trong cả nước mãi mãi. Sài Gòn là thủ đô văn hóa Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi, điểm cao nhất của văn chương báo chí là năm 1960, chính năm này có tới năm bảy tờ báo cùng xuất bản hay tục bản liên tiếp…”

Về người chủ trương Hiện Đại và bộ biên tập: “Nguyên Sa có mặt trên Sáng Tạo bộ cũ từ cuối thập niên 1950 nhưng mãi đến 1960 mới đứng ra chủ trương tờ Hiện Đại, hai số đầu của Hiện Đại giống như Sáng Tạo bộ cũ, kể cả tên tuổi tác giả in ngoài bìa: dẫn đầu là Mai Thảo, Mặc Đỗ, Thanh Tâm Tuyền, chỉ khác ở chỗ có thêm nhóm các giáo sư Nguyễn Duy Diễn, Lữ Hồ, Lê Xuân Khoa, Lý Quốc Sỉnh, Thuần Phong, Lưu Trung Khảo… và phần trị sự có ít ra là hai người: Thanh Nam, Thái Thủy.”

Người chủ trương Hiện Đại là một nhà giáo, một nhà thơ, người chủ trương Thế Kỷ Hai Mươi cũng thế, Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch khi làm thơ ký là Trần Hồng Châu.

Tờ Thế Kỷ Hai Mươi xuất hiện từ Tháng Bảy, nổi bật về mặt vật chất: báo in khổ lớn, lại là tờ báo văn học có trả lương hằng tháng cho một họa sĩ kiêm thư ký tòa soạn. Báo này trả 500 đồng nhuận bút cho một bài thơ, 2,000 hoặc 3,000 cho một truyện ngắn. Thế Kỷ tràn trề minh họa của Ngọc Dũng, văn và thơ đều có tranh vẽ kèm theo.

Về mặt biên khảo, tờ báo quy tụ những tên tuổi trong giới khoa bảng, người ta thấy ngay trong số 1 có bài “Vụ Án Kiều” của Thanh Lãng, “Tìm Hiểu Tác Phẩm Văn Nghệ” của Nguyễn Văn Trung, “Đối Tượng của Văn Học Sử” của Nguyễn Sỹ Tế.

Tới số 3 có bài “Sáng Tạo Văn Nghệ” của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, thêm “Văn Nghệ Hiện Sinh” của Nguyễn Văn Trung. Phần sáng tác có đủ các tác giả của Sáng Tạo bộ cũ như Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Kiêm Minh, Trần Lê Nguyễn, Duy Thanh, và thêm Kiêm Minh, Phạm Duy…

Sáng Tạo số 1 bộ mới chấm dứt thời kỳ dung hòa của 31 số bộ cũ. Hai ba cuộc thảo luận bàn tròn của Sáng Tạo 1960 gây sôi nổi dư luận bời những phát biểu gay gắt của Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn.

Cuộc thảo luận thứ nhất chủ đề là “Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết,” các nhà văn tham dự hoàn toàn là các tác giả nòng cốt của Sáng tạo: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Thái Tuấn.”

Bìa tạp chí Hiện Đại. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Tới số hai nhóm Sáng Tạo tổ chức nói chuyện về chủ đề “Nói Chuyện về Thơ Bây Giờ” với sự tham dự của bộ biên thập, chỉ thêm nhà biên khảo Lê Huy Oanh.

Tới số ba cuộc thảo luận bàn tròn có chủ đề “Ngôn Ngữ Mới Trong Hội Họa,” nhưng tới cuộc thảo luân bàn tròn thứ tư chủ đề “Nhìn Lại Văn Nghệ Tiền Chiến ở Việt Nam” mới thực sự gây sôi nổi dư luận. Có những câu tuyên bố nảy lửa, dù muốn dù không đã gây xúc phạm tới một vài nhà văn nhà thơ trước 1945 lúc ấy đang còn hiện diện ở miền Nam, chẳng hạn Nhất Linh, Đỗ Đức Thu. Dưới đây là vài trích dẫn của người viết bài này:

-Thanh Tâm Tuyền: “Nói ngay lập tức: Nghệ thuật tiền chiến ở Việt Nam là nghệ thuật thành hình bằng sự tiếp nhận ảnh hưởng Tây phương và chấm dứt ở biến cố lịch sử 1945… Riêng với tôi, tôi nói không ngượng ngập: số lớn những tác phẩm ấy tôi đều đọc hồi còn học tiểu học… Xét theo quan điểm người làm nghệ thuật hôm nay, nghệ thuật tiền chiến chỉ có giá trị của một thời kỳ tập sự làm quen với kỹ thuật mới du nhập từ Tây phương. Trong địa hạt văn chương thì là sự trau dồi từ ngữ và cú pháp mới. Nghĩa là hoàn toàn ngôn ngữ. Còn tất cả những gì thật là nghệ thuật thì đều ấu trĩ.”

-Mai Thảo (chủ nhiệm Sáng Tạo): “Cái thiếu căn bản của nghệ thuật tiền chiến theo tôi, là nó không có được những công trình nghệ thuật đáng kể, những tác phẩm lớn. Lấy Tự Lực Văn Đoàn làm thí dụ: Ta có thể nhận rằng họ đã thực hiện được những tiến bộ ở phạm vi báo chí (Phong Hóa, Ngày Nay…) và chỉ ở phạm vi này mà thôi.”

Sau bốn cuộc Thảo Luận Bàn Tròn, Sáng Tạo chỉ còn xuất bản thêm ba số nữa, tới số 7 là đóng cửa hẳn. Số 1 ra vào Tháng Bảy, 1960, nhưng số 7 chỉ xuất hiện vào Tháng Chín, 1961, nghĩa là phải hai tháng mới có một số. Nhưng tờ tạp chí đã thực hiện được những gì nhóm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Thái Tuấn… muốn thực hiện: chuyển hướng văn học nghệ thuật từ tiền chiến qua hậu chiến, hướng về cuộc tân tạo nghệ thuật Việt Nam.

Năm 1960 kết thúc được hai tháng thì tạp chí văn học nghệ thuật thứ tư xuất hiện, đó là tờ Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong. Tờ báo này sống tới năm 1963 với gần 30 số báo, quy tụ hầu hết những tác giả trẻ từng xuất hiện trên ba tờ Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi và Sáng Tạo. Đó là chuyện khác sẽ có dịp được nói đến.

Để tìm một kết luận cho năm 1960 và ba tờ tạp chí nói ở trên, thật là khó, bởi kết luận, hay nhận định về sự phồn thịnh của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, đặc biệt trong năm 1960, cần sự thảo luận của nhiều người và nhiều ngành khác nhau, mặc dù người viết bài này có bài vở đăng cả trên ba tạp chí đó, nội trong năm ấy.

Xin đề nghị một cái nhìn: Hãy suy nghĩ về sinh hoạt văn hóa chung của miền Nam (trích dẫn theo Đoàn Thêm), chỉ trong năm 1960 mà thôi. (Bài tới có thể chúng tôi sẽ duyệt lại các sinh hoạt những năm trước đó).

-15 Tháng Giêng, 1960: Tổng Thống Ngô Đình Diệm thăm Đài Loan năm ngày, trong có phái đoàn văn hóa.

-19 Tháng Giêng, 1960: Hà Nội đem xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm có văn nghệ sĩ bị tù chung thân khổ sai, nhiều người bị tù nặng nhẹ khác.

-15 Tháng Hai, 1960: Ở Sài Gòn xuất hiện kiểu mũ mới cho phụ nữ.

-3 Tháng Ba, 1960: Một phái đoàn phụ nữ Miến Điện qua Sài Gòn dự lễ Hai Bà Trưng.

-31 Tháng Ba, 1960: Triển lãm Hội Họa Mùa Xuân Canh Tý, ba họa sĩ được trao giải nhất nhì ba ngày bế mạc: Văn Đen, Phạm Đăng Tín, Nguyễn Trung.

-13 Tháng Năm, 1960: Sài Gòn tổ chức Đại Hội Văn Nghệ chống Cộng Sản.

-3 Tháng Bảy, 1960: Thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa tại đường Tự Do để văn nghệ sĩ có chỗ hội họp.

-9 Tháng Chín, 1960: Nhà thơ Léopole Senghor được dân bầu làm Tổng Thống Sénégal.

-28 Tháng Chín, 1960: Một làng đại học được thành lập ở Thủ Đức.

Niềm mơ ước rất thú vị của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80

MỚI CẬP NHẬT