Friday, March 29, 2024

‘20 Năm Binh Nghiệp,’ hồi ký của Tôn Thất Đính

Viên Linh

Từ sau năm 1975 ở hải ngoại cho đến nay, hơn 40 năm qua, không biết bao nhiêu cuốn hồi ký đã được in ra, người viết bài này đọc cũng nhiều, cả những cuốn hơn ngàn trang, mà do không có cơ duyên, mãi Tháng Mười Một này của năm 2018, cuốn hồi ký có nhan đề “20 Năm Binh Nghiệp” của cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính mới hiện ra.

Cuốn sách bao nylon, tái bản ở San Jose năm 1998, với lời đề tặng của tác giả cho vợ chồng một vị đại sứ dưới ghi năm 1999, tới nay 2018 tình cờ mới tới tay tôi, nghĩa là cũng qua 20 năm nữa, mà cuốn sách cũng vẫn mới tinh!

Tác phẩm của cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính mà tôi có trong tay có khuôn khổ vừa nhìn qua biết ngay là thuộc loại ấn phẩm in bằng máy nhỏ, cắt xén rồi bắt buộc phải nhỏ hơn 5.5 x 8.5 inch (phân Anh, tương đương 14 cm x 21.50 cm). Sách dày 456 trang, giấy trắng, nơi bìa trước bên dưới nhan đề “20 Năm Binh Nghiệp” là tấm hình màu chân dung tác giả trong binh phục và mũ beret nhảy dù cùng khăn quàng cổ với hàng chữ: “Hồi Ký của Tôn Thất Đính.” Bìa sau là “Tóm Lược Tiểu Sử Tác Giả” in chữ nhỏ, khá chi tiết.

Đọc vào trong qua “Lời Cảm Tạ” của cựu Trung Tướng Đính, mới thấy rõ cuốn sách đã in lại trên báo Chánh Đạo ở San Jose trong sáu năm mới xong, từ 1992 tới mùa Thu năm 1998; tôi chỉ được đọc trong mùa Đông 2018, 20 năm sau.

Ở Việt Nam nó đã được đăng từng kỳ trên nhật báo Công Luận từ 1968, đấy là tờ báo của chính Trung Tướng Đính, lúc ấy là thượng nghị sĩ, hợp tác xuất bản với cựu Trung Tướng Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Đôn.

Phần biên tập của tờ báo như tôi còn nhớ có ký giả Lê Hiền, nhà văn Duyên Anh coi trang trong, tôi viết truyện dài từng kỳ “Cuối Cùng Em Đã Đến.” Tòa soạn Công Luận ở góc đường Gia Long và con đường nhỏ đâm thẳng vào cửa sau chợ Bến Thành; cửa trước nhìn ra Bùng Binh (tôi không còn nhớ rõ trước Tháng Mười Một, 1963, bùng binh này tên gì, nhưng sau đó nó mang tên Quách Thị Trang, là tên thiếu nữ đã bị đạn thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở ngay đây).

Hai mươi – “20 Năm Binh Nghiệp”-  ở đây được ghi là 1945-1965; ghi chú thêm: “tức tự truyện Nghĩa Biển Tình Sông.” Đây thực sự là một tự truyện, và là một tự truyện duy nhất có các nhân vật thật, những đối thoại thật, những con người thật, những trận đánh thật với các tướng lãnh thật, tôi tin là không một tự truyện nào khác có nhiều cái thật như thế.

Thời gian và không gian ở đây cũng thật. Tác giả đã rất khiêm tốn viết trong “Lời Cảm Tạ” in trên ba trang nơi đầu cuốn sách: “Nghĩa Biển Tình Sông” không phải là một hồi ký chính trị, vì lẽ dễ hiểu, chúng tôi không bao giờ có vọng tưởng làm chính trị suốt cuộc đời binh nghiệp của bản thân. Dù sau 1963 đến 1975, tuy có tham gia vào sinh hoạt quốc gia ở một vài lãnh vực nghị trường, nhưng chúng tôi cũng luôn luôn hướng về Quốc Phòng làm đối tượng, lấy tư tưởng binh nghiệp phục vụ quốc gia, mặc dù đã không được đồng minh Hoa Kỳ hay nền Đệ Nhị Cộng Hòa hợp tác.”

Tôi đã cảm động khi đọc những dòng trên, và ở nhiều chương đoạn khác của cuốn hồi ký, và mỗi lần rời mắt khỏi trang sách, lại nhớ đến tác giả. Tôi đã gặp ông, thấy ông hằng ngày trong những tháng đầu khi cộng tác với nhật báo Công Luận của ông năm 1968.

Một lần ở hải ngoại cách đây hơn 30 năm tôi nhìn thấy ông cuốc bộ bên kia đường Wilson ở Arlington, Virginia, còn tôi đi bên này đường, cách biệt vì một dòng xe cộ ngược xuôi, tôi nghe ai gọi tên mình, nhìn thoáng quanh thì thấy ông, chỉ biết khua tay chào hỏi.

Nghĩ lại gần một năm lui tới tòa báo Công Luận của ông, đó là thời gian thật đẹp của báo chí Sài Gòn, những năm thoát kiểm duyệt của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, những năm tự do báo chí, Sài Gòn và 18 tờ nhật báo, nhà văn nhà báo nào có chút tên tuổi cũng cộng tác ít ra là với hai ba tờ trong cùng một thời gian.

Tôi cùng Duyên Anh phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật trong tờ Công Luận, và mỗi người còn viết một “truyện dài từ kỳ” (feuilleton) trên tờ báo này, Duyên Anh rất thân với ông Đính, thường rủ tôi đi ăn trưa với ông, chúng tôi đi bộ từ tòa báo ra các quán ăn quanh đấy.

Ông Đính thích ăn cơm Tây, do đó phải đi bộ hơi xa, có khi ra tới Thanh Bạch trên đường Lê Lợi, hay một tiệm gì đó bên cạnh rạp xi nê đồng hạng Vĩnh Lợi. (Xi nê đồng hạng hay xi nê thường trực có cùng một nghĩa: xi nê rẻ tiền, chiếu liên tục, hết phim là quay lại từ đầu, và mỗi suất thường là hai phim [chiếu trong khoảng 4 tiếng đồng hồ] chứ ít khi một phim. Nhiều người vào xi nê thường trực để ngủ: rạp bắt buộc có máy lạnh, ngồi xem tới giờ thứ ba là có khi ngủ mất rồi).

Tác giả Tôn Thất Đính là tên thật, sinh ngày 20 Tháng Mười Một, 1926, tại Đà Lạt. Năm 1943 là thông phán tòa xứ Đà Lạt, năm 1945-1952 (ghi theo bìa sách) gia nhập Bảo Vệ Quân, dự khóa huấn luyện hạ sĩ quan đầu tiên tại Đập Đá, Huế; học khóa Kỵ Binh Thiết Giáp tại Saumur, Pháp; đại đội trưởng Ngự Lâm Quân, Huế. Huấn luyện viên Trung Tâm Huấn Luyện Văn Thánh, thăng trung úy. Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 12 Việt Nam.

Thăng đại úy, phân khu trưởng Phân Khu Hòa Luật, Quảng Bình. Tham mưu trưởng Chiến Đoàn Lưu Động Pháp (GM 2) tại Ninh Giang, Bắc Việt. Dự khóa Huấn luyện Tham mưu Quân Sự cao cấp, Hà Nội, thủ khoa. Thăng thiếu tá Khu Trưởng Khu Duyên Hải Thái Bình, Bắc Việt kiêm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Việt Nam.

Năm 1952, trung tá tư lệnh Liên Đoàn Chiến Thuật 31 (GM31) tại Hải Dương. Phục vụ tại Nam Định, Ninh Bình. Phó tư lệnh hành quân cho Đại Tá Pháp Vanuxem chiến dịch Auvergn triệt thoái khỏi Ninh Bình, Phát Diệm về đóng tại Tuy Hòa, Nha Trang. Chỉ huy trưởng tiếp thu Bình Định Quảng Ngãi.

Năm 1954, tư lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Thăng đại tá, dự khóa Tham Mưu Cao Cấp tại Texas. Năm 1958 Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Huế. Học War College chỉ huy sư đoàn binh chủng hỗn hợp tại Okinawa.

Năm 1961, thiếu tướng tư lệnh Quân Đoàn 2 Vùng II Chiến Thuật. Năm 1963 phó chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Năm 1963 tổng trấn Đô Thành Sài Gòn-Chợ Lớn kiêm Tư Lệnh Vùng III Chiến Thuật.

Năm 1967, đắc cử thượng nghị sĩ Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa trong liên danh Hoa Sen. Năm 1968 chủ nhiệm nhật báo Công Luận, Sài Gòn.

Một đoạn trích “Hồi Ký Tôn Thất Đính:”

“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Lời sấm truyền ấy của danh tướng Lý Thường Kiệt đã vang rền ý nghĩa suốt cả ngàn năm lịch sử Việt Nam cho ta thấy chẳng có một chủ nghĩa bá quyền ngoại lai nào tồn tại được trên đất nước Việt Nam thì cuộc đấu tranh chủ nghĩa chưa trọn nửa thế kỷ (nay) chưa thể nói đã hạ hồi phân giải nghĩa hơn thua… khi bao đế quốc Á-Âu đến Việt Nam đã phải ra đi vì tiềm năng dân tộc… cho nên chẳng đế quốc chủ nghĩa nào vượt qua được lời sấm truyền độc lập của ta đâu. Lịch sử đã từng chứng minh cho lịch sử… (Tôn Thất Đính, trang 15, “20 Năm Binh Nghiệp-Nghĩa Biển Tình Sông”). (Viên Linh)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT