Thursday, March 28, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 102)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


 


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 102


 


23


 


Rạng đông, Zorba ngồi dậy và đánh thức tôi:


– Ông dậy chưa?


– Có chuyện gì đó Zorba?


– Ðêm qua tôi nằm mơ. Một giấc mơ kỳ cục. Tôi tưởng chúng ta sắp đi du lịch đến nơi rồi. Nghe đây, ông sắp cười nôn ruột cho mà xem. Có một con tàu lớn bằng cả một tỉnh đậu trong hải cảng. Nó kéo còi, sắp sửa rời bến. Tôi từ làng vừa đi vừa chạy tới cho kịp chuyến tàu, tôi xách một con két trên tay. Tôi tới tàu và trèo lên boong. Viên thuyền trưởng chạy lại. “Vé! Y kêu lên. Bao nhiêu? Tôi vừa hỏi vừa thò tay vào túi lấy một nắm tiền. Một ngàn drachma .Ông làm ơn lấy tám trăm thôi được không? Tôi hỏi. Không, một ngàn. Tôi chỉ có tám trăm, lấy đi. Một ngàn, không kém một xu. Nếu không xuống tàu gấp! Tôi tức giận nói: Nghe đây, thuyền trưởng, vì quyền lợi của ông lấy tám trăm tôi đưa cho ông đi, nếu không tôi sẽ thức dậy và thế là ông mất hết tất cả!”


Zorba phá lên cười:


– Con người thực là cái máy kỳ cục! Hắn kinh ngạc nói. Mình nhét cho nó đầy bánh, rượu, cá, củ cải đỏ và từ nó phát ra tiếng thở dài, tiếng cười và mộng mị. Giống như một cái xưởng chế tạo. Tôi tin chắc rằng có một thứ phim nói trong đầu chúng ta.


Ðột nhiên hắn nhảy xuống khỏi giường:


– Nhưng tại sao lại có con két? Hắn lo lắng la lên. Con két đi với tôi, thế là nghĩa lý gì? A, tôi e rằng…


Hắn chưa kịp nói rứt câu. Một người đưa tin, lùn, tóc đỏ hoe, đúng là hiện thân của quỉ sứ, hổn hển chạy vào lều.


– Lạy Chúa tôi! Mụ đáng thương kêu gào đòi bác sĩ! Mụ nói mụ sắp chết, vâng, sắp chết, và cái chết của mụ sẽ đè nặng lên lương tâm các ông, mụ nói.


Tôi cảm thấy xấu hổ. Trong nỗi tuyệt vọng mà góa phụ đã xô chúng tôi xuống, chúng tôi đã hoàn toàn quên mất người bạn già.


– Mụ đang đau dữ lắm, thật tội nghiệp, gã tóc đỏ tiếp tục ba hoa nói, mụ ho đến nỗi toàn thể lữ quán của mụ lung lay. Vâng, đúng là một thứ ho lừa! Khụ! Khụ! Cả làng đều rung động!


Tôi la lên:


– Im đi! Ðừng mang chuyện đó ra làm trò cười!


Tôi đi lấy một mảnh giấy và viết một bức thư:


– Ði mau, mang lá thư này tới thầy thuốc và đừng trở lại cho đến khi chính mắt bác trông thấy ông ta leo lên con ngựa cái của ông ta. Bác hiểu chưa? Thôi, bây giờ đi đi!


Gã cầm lấy lá thư nhét vào thắt lưng và chạy không nói một lời.


– Chờ tôi một lát, tôi cùng đi với bác, tôi nói.


– Tôi vội lắm, hắn đáp, và bước ra ngoài.


Một lát sau, tôi cũng đi về phía làng. Khu vườn vắng vẻ của góa phụ dâng hương trong không gian. Mimitho đang ngồi co ro trước nhà, tiu nghỉu như một con chó bị đòn. Gã gầy dộc hẳn đi! Cặp mắt gã đỏ ngầu và trũng sâu, thiêu đốt. Gã quay lại, nhìn ra tôi và lượm một hòn đá.


– Em làm gì ở đây, Mimitho? Tôi vừa hỏi vừa đưa mắt buồn rầu nhìn khu vườn.


Tôi nhớ tới hai cánh tay ấm áp và toàn năng choàng qua cổ tôi… Hương thơm của hoa chanh và dầu nguyệt quế phảng phất trong không gian. Chúng tôi lặng thinh. Trong ánh hoàng hôn tôi trông thấy cặp mắt đen láy nồng nàn khát vọng, hàm răng đánh bằng lá hồ đào, bóng, sắc nhọn và trắng muốt.


Mimitho càu nhàu:


– Tại sao ông hỏi tôi vậy? Ði đi, đi lo công chuyện của ông đi.


– Em muốn hút không?


– Tôi không hút nữa. Tất cả các ông đều là bọn bẩn thỉu. Tất cả! Tất cả! Tất cả!


Gã ngừng lại, hổn hển, có vẻ đang kiếm một chữ mà gã tìm chưa ra.


– Bẩn thỉu… Khốn nạn… Dối trá… Sát nhân…


Dường như cuối cùng gã đã tìm thấy danh từ gã muốn kiếm, gã có vẻ thoải mái, vỗ tay.


– Sát nhân! Sát nhân! Sát nhân! Gã la lên bằng một giọng chát chúa và phá lên cười.


Tim tôi se lại:


– Em có lý, Mimitho, em có lý, tôi vừa lẩm bẩm vừa vội vã bỏ đi.


Tới cổng làng, tôi trông thấy lão Anagnosti đứng chống gậy, mỉm cười chăm chú nhìn hai con bướm vàng đuổi bắt nhau trên đám cỏ xuân. Bây giờ lão đã già và lão không còn lo lắng về đồng ruộng và vợ con, lão có thì giờ đưa mắt vô tư nhìn thế giới xung quanh. Trông thấy bóng tôi trên mặt đất, lão ngẩng đầu lên.


– Ngọn gió nào đã đưa con lại đây sớm như vậy? Lão hỏi.


Nhưng chắc hẳn lão đã trông thấy khuôn mặt lo âu của tôi và không chờ đợi tôi trả lời, lão nói tiếp:


– Mau lên con, mau lên con. Lão không biết con có thể thấy mụ còn sống hay không… Ôi, thật tội nghiệp!


Cái giường rộng đã dùng quá lâu, người bạn đồng hành trung kiên nhất của mụ Hortense, đã được khiêng ra giữa gian phòng nhỏ bé của mụ và choán hết cả gian phòng. Trên đầu mụ, con két, cố vấn riêng tận của mụ, cúi xuống, tư lự và lo âu với cánh xanh, mũ trùm đầu vàng và cặp mắt tròn độc ác. Nó cúi xuống nhìn bà chủ của nó đang nằm rên rỉ và nó nghiêng cái đầu giống hệt đầu người về một bên để lắng nghe.

MỚI CẬP NHẬT