Thursday, March 28, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 103)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 103


 


Không, không, không phải là những tiếng thở dài hoan lạc mà nó đã rất quen, mà mụ thường thốt ra trong lúc làm ái tình, cũng không phải là tiếng gù gù dịu dàng của con bồ câu mái, cũng không phải là tiếng cười khêu gợi.


Mồ hôi lạnh nhỏ giọt đầm đìa trên khuôn mặt bà chủ nó, tóc như xơ gai, không gội, không chải, bết vào thái dương, những sự quằn quại trên giường, đó là những cái con két lần đầu tiên nhìn thấy và nó yên lặng. Nó muốn kêu to: “Canavaro! Canavaro!” Nhưng tiếng nói không thoát ra khỏi cổ họng.


Bà chủ đáng thương của nó rên rỉ, cánh tay tàn úa, bệu bạo đưa tấm khăn trải giường lên và để nó rơi xuống; mụ ngộp thở. Không phấn son, hai má song húp, mụ có mùi mồ hôi chua và thịt bắt đầu ôi. Ðôi giầy ban vẹt gót, méo mó của mụ, thò ra dưới gầm giường và lòng người ta quặn đau khi nhìn thấy chúng. Ðôi giầy ban này khiến người ta xúc động hơn cả chính chủ nó.


Zorba ngồi trên đầu giường, nhìn đôi giầy và mắt hắn không thể dời đi chỗ khác được. Hắn bặm môi để nước mắt khỏi trào ra. Tôi đi vào, ngồi sau lưng hắn, nhưng hắn không nghe thấy tôi.


Mụ đàn bà đáng thương thở một cách khó khăn. Zorba gỡ một cái mũ trang hoàng bằng những bông hồng vải để quạt cho mụ. Hắn đưa bàn tay hộ pháp qua lại rất nhanh và vụng về, như thể hắn đang cố gắng quạt cho đống than ướt bắt lửa.


Mụ mở mắt, kinh sợ, nhìn quanh. Tất cả đều tối đen, mụ không nhận ra người nào, kể cả Zorba đang quạt cho mụ bằng cái mũ hoa.


Tất cả đều tối đen và đáng sợ xung quanh mụ; những đám hơi nước xanh từ đất bốc lên và thay đổi hình thể, trở thành những cái miệng chế nhạo, những đôi chân cong như cái móc, những đôi cánh đen.


– Mụ bấm móng tay vào cái gối đã hoen ố vì nước mắt, nước bọt và mồ hôi và mụ hét lên:


– Tôi không muốn chết! Tôi không muốn!


Nhưng hai người khóc mướn trong làng đã nghe phong phanh tình trạng của mụ và vừa đến. Họ lẻn vào phòng và ngồi dưới đất, dựa lưng vào tường.


Con két nhận thấy họ, bằng cặp mắt tròn xoe của nó, nó tức giận, vươn cổ ra và kêu: “Canav…” Nhưng Zorba, phát khùng, đập vào lồng và con chim nín tắp.


Một lần nửa tiếng hét tuyệt vọng lại nổi lên:


– Tôi không muốn chết! Tôi không muốn!


Hai gã thanh niên non choẹt, rám nắng thò đầu vào cửa, chăm chú ngó con bệnh, hài lòng, chúng nháy nhau và biến mất.


Chẳng bao lâu sau, người ta nghe thấy trong sân những tiếng kêu quang quác sợ hãi và tiếng đập cánh; một người nào đó đang đuổi bắt gà.


Mụ đàn bà khóc mướn đầu tiên, mụ Malamatenia, quay sang đồng bạn:


– Dì đã thấy chúng nó chưa? Chúng vội vàng quá, những quân chết đã chết khát; chúng đang vặn cổ gà và nhai rau ráu. Cả tụi vô lại trong làng đã tụ tập, trong sân, chẳng bao lâu nữa chúng nó sẽ nhào vô vơ vét hết!


Ðoạn, quay về phía giường người đang hấp hối, mụ sốt ruột lẩm bẩm:


– Chết đi, bạn già! Lẹ lên, lẹ lên để chúng tôi cũng có cơ hội nhặt nhạnh một cái gì.


Dì Lenio chúm cái miệng móm nhỏ xíu, nói:


– Nói thật chứ, mệ Malamatenia, chúng làm vậy là phải… “Nếu mi muốn ăn cái chi, hãy xoáy; nếu mi muốn cái chi, hãy lấy trộm!” Mẹ tôi thường khuyên tôi như vậy. Chúng ta chỉ có việc hát thật mau những bài vãn ca để nhặt nhạnh một nắm gạo, một chút đường, một cái xoong, và rồi chúng ta có thể cầu phước cho vong hồn mụ. Mụ không có cha mẹ, con cái, vậy thì ai sẽ ăn những con gà và con thỏ của mụ? Ai sẽ uống rượu của mụ? Ai sẽ thừa hưởng tất cả những cuộn chỉ, lược và kẹo bánh này? Hê! Tôi xin thú thực với mệ Malamatenia, Chúa tha thứ cho tôi, đời là thế, tôi cũng muốn nhặt nhạnh!


– Chờ chút đã, đừng hấp tấp quá như vậy! Mệ Malamatenia vừa nói vừa nắm cánh tay đồng bạn. Tôi cũng thế, tôi xin thề, tôi cũng có ý nghĩ đó, đây không sợ gì phải giấu qué đâu nhé, nhưng hãy chờ cho đến lúc mụ chết xong xuôi đã.


Trong khi đó mụ đàn bà hấp hối lục lọi điên cuồng dưới gối. Vừa khi cảm thấy nguy hiểm tới, mụ lục rương lấy ra cây thánh giá bằng xương trắng bóng mà mụ hoàn toàn quên mất bao năm nay giữa những chiếc chemise rách và những tấm giẻ nhung, tận dưới đáy hòm, như thể đấng Christ là một phương thuốc người ta chỉ dùng trong trường hợp trọng bệnh và vô tích sự chừng nào người ta còn sống mạnh, ăn, uống, và làm ái tình được.


Cuối cùng mụ mò thấy cây thánh giá, mụ ghì nó vào bộ ngực đầm đìa mồ hôi.


– Giê-su yêu dấu, Giê-su yêu dấu của tôi… mụ vừa thì thầm một cách say đắm vừa ghì lấy người tình cuối cùng của mụ.


Lời nói của mụ, nửa Pháp nửa Hy Lạp, nhưng đầy dịu dàng và đam mê, vô cùng lộn xộn. Con két nghe mụ nói. Nó cảm thấy rằng giọng nói của mụ đã thay đổi, nhớ lại những đêm dài thức trắng trước kia và phấn khởi kêu lên bằng một giọng khàn khàn, tựa một con gà trống kêu gọi mặt trời:


– Canavaro! Canavaro!

MỚI CẬP NHẬT