Thursday, March 28, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 106)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 106


 


Hai mụ đàn bà khác lẻn vào phòng nhào tới cái rương, thò tay vào và chụp lấy một vài cái khăn tay nhỏ xíu, hai ba cái khăn bông, ba đôi vớ, một cái nịt vớ, nhét vào áo lót quay về phía người chết nằm trên giường và làm dấu.


Mụ Malamatenia nhìn hai mụ già ăn cắp rương và nổi giận:


– Hát tiếp đi dì, hát tiếp đi, tôi trở lại liền! Mụ hét lên với dì Lenio, và mụ cũng dúi đầu vào trong rương.


Những miếng giẻ sa tanh, một cái váy mầu hoa cà lỗi thời, một đôi giày săng đan đỏ cổ lỗ sĩ, một cây quạt gãy, một cây dù đỏ thắm mới tinh và tận dưới đáy, một cái mũ thủy sư đô đốc hình tam giác. Một món quà ngày xưa người ta tặng cho mụ Bouboulina. Khi chỉ có một mình trong nhà mụ thường đội lên, nghiêm trang và buồn rầu ngắm mình trong gương.


Có người lại gần cửa. Mấy mụ già lảng ra, dì Lenio lại bíu lấy giường người chết và bắt đầu vừa đấm ngực vừa la:


“…và những bông cẩm chướng đỏ thẫm đeo quanh cổ ngươi…”


Zorba bước vào, nhìn người chết, bây giờ đang nằm im lặng, êm ả, vàng vọt và phủ đầy ruồi, tay khoanh trước ngực, và một giải băng lụa nhỏ quanh cổ.


“Một hòn đất, hắn nghĩ, một hòn đất biết đói khát, cười nói, ôm hôn. Một cục bùn khóc lóc. Và bây giờ? Quỉ sứ nào đem ta ra tới trần gian và quỉ sứ nào đem chúng ta đi?”


Hắn nhổ bọt và ngồi xuống.


Ngoài sân bọn thanh niên đã hợp lại khiêu vũ. Gã chơi thất huyền cầm tuyệt kỹ, Fanurio, đã đến và họ dẹp bàn ghế qua một bên, quẳng những thùng dầu, thùng đựng nước, chậu giặt, dọn chỗ để khiêu vũ.


Những hương mục xuất hiện: bác Anagnosti với cây gậy dài đầu uốn cong và áo chemise trắng rộng; Kondomanolio, tròn quay và dơ dáy; vị giáo viên với một cái nghiên mực lớn trong thắt lưng và một quản bút xanh giắt sau tai. Lão Mavrandoni không có mặt, lão đã đi vào trong núi như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật.


– Rất sung sướng được gặp lại các con! Bác Anagnosti vừa nói vừa giơ tay lên. Rất sung sướng vì các con vui đùa! Ăn uống đi, cầu Chúa ban phước lành cho các con! Nhưng không được la hét. Người chết có thể nghe, các con nên nhớ, người chết có thể nghe.


Kondomanolio giải thích:


– Các bác tới để làm bản kê khai của cải của người chết để chia cho những người nghèo trong làng. Các con đều ăn uống, no say cả, thế là đủ rồi! Không được khuân tất cả đồ đạc ở đây đi, nếu không… Nhìn đây!


Nói đoạn lão khua cây gậy trong không khí, vẻ đe dọa.


Ðằng sau ba quan viên xuất hiện một bọn chừng chục mụ đàn bà đầu bù tóc rối, chân đất, quần áo rách như tổ đỉa. Mỗi người cắp một cái bị không và khoác một cái giỏ trên lưng. Họ lén lút đi tới, rón rén, im lặng.


Bác Anagnosti quay lại, thấy họ và tức giận:


– Ê! Bọn cha căng chú kiết kia, bước đi cho mau! Sao! Ðịnh nhào vô cướp hả? Người ta kê khai tất cả, lần lượt từng thứ một rồi chia đều cho người nghèo trong trật tự và công bằng. Bước đi cho mau, nghe rõ chưa?


Vị hương sư móc thắt lưng lấy ra cái nghiên mực bằng đồng, giở một tờ giấy khổ lớn ra rồi đi tới cửa tiệm nhỏ để bắt đầu làm bản kê khai.


Nhưng ngay lúc đó, người ta nghe thấy một tiếng động chát chúa ố như thể có người đập trên những cái hộp sắt, như thể những cuộn chỉ rơi xuống, ly tách xô vào nhau và bể. Và trong bếp, người ta nghe thấy tiếng nhộn nhạo om sòm của xoong chảo, đĩa bát và muỗng nĩa.


Lão Kondomanolio vừa lao vào bếp vừa vung cây gậy. Những mụ già, đàn ông, con nít nhào vào như gió qua cửa, leo cả qua cửa sổ, trèo qua giậu và nhẩy từ bao lơn xuống, mỗi người lấy cái họ có thể vồ lấy được: xoong, chảo, nệm, thỏ… Một vài kẻ gỡ cả cánh cửa và vác trên lưng. Mimitho cũng lấy đôi giầy ban của người quá cố, buộc vào một sợi dây đeo quanh cổ ố trông tựa như mụ Hortense ngồi cưỡi trên vai gã và chỉ có đôi giầy mụ có thể trông thấy rõ…


Vị hương sư cau mày, thu cái nghiên mực vào thắt lưng, gấp tờ giấy tinh tuyền lại đoạn lẳng lặng không nói một lời với vẻ cao kỳ bị sỉ nhục nặng nề vượt qua ngưỡng cửa và khuất dạng.


Bác Anagnosti đáng thương vừa gầm thét, van xin đám dân nghèo ngừng lại vừa khua gậy dọa nạt họ:


– Nhục nhã lắm! Nhục nhã lắm! Người quá cố đang nghe các người đó, biết không?


– Tôi có phải đi gọi thầy tư tế đến không? Mimitho hỏi.


– Thầy tư tế nào? Ðồ khùng! Kondomanolio điên tiết quát. Mụ là dân Tây Âu; mi không thấy mụ làm dấu thế nào à? Bằng bốn ngón tay – như thế này – đồ bị trục xuất khỏi giáo hội! Thôi hãy đem chôn mụ xuống đất đi, trước khi mụ bắt đầu hôi thối và gieo bệnh truyền nhiễm khắp làng!


– Mụ bắt đầu có đầy sâu, coi đây, tôi xin thề có Chúa! Mimitho vừa kêu lên vừa làm dấu.

MỚI CẬP NHẬT