Saturday, April 20, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 109)

 





Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969. – Nguyễn Hữu Hiệu





 


Kỳ 109


 


Mấy ngày trôi qua. Lúa đã chín và những bông nặng trĩu xuống. Trên những cây ô-liu, những con ve sầu cứa không khí, những con côn trùng lóng lánh bay vù vù trong ánh sáng thiêu đốt. Một làn hơi nước từ biển bốc lên.


Sáng nào Zorba cũng lặng lẽ tới núi từ sớm tinh mơ. Việc đặt dây cáp sắp kết thúc. Cột trụ đã trồng, dây cáp đã căng và những ròng rọc đã được móc vào. Zorba làm việc trở về vào lúc hoàng hôn, mệt lả. Hắn nhóm lửa, sửa soạn bữa ăn và chúng tôi ăn tối. Chúng tôi tránh đánh thức những con quỉ kinh khủng đang ngủ trong chúng tôi – tình yêu, cái chết, sự sợ hãi. Không bao giờ chúng tôi nói về góa phụ hay mụ Hortense hoặc Thượng Ðế. Lặng lẽ, chúng tôi ngắm biển xa xa.


Trước sự im lặng của Zorba, những tiếng nói vĩnh cửu và phù phiếm một lần nữa lại nổi lên trong tôi. Một lần nữa ngực tôi lại choáng ngợp kinh hoàng. Tôi tự hỏi: “Thế giới này là gì? Mục đích của nó ra sao và bằng cách nào những kiếp sống phù du của chúng ta có thể hiệp trợ nhau đạt tới? Mục đích của con người là cùng với vật chất tạo ra nguồn hân hoan, theo Zorba; tạo ra tinh thần, theo những kẻ khác; nhưng nó đồng qui trên một bình diện khác. Nhưng tại sao? Nhằm mục tiêu nào? Và khi thân thể tiêu tan, có còn lại chút gì của cái ta gọi là linh hồn chăng? Hay không còn lại gì hết và khát vọng bất tử không thể làm nguôi được của chúng ta bắt nguồn không phải từ sự kiện chúng ta bất tử, nhưng từ sự kiện qua cuộc đời ngắn chẳng đầy gang của chúng ta, chúng ta phục vụ cho một cái gì bất tử?


Một hôm tôi trở dậy tắm rửa. Trái đất dường như cũng trở dậy và tắm gội. Nó rực rỡ, mới tinh khôi. Tôi đi về làng. Bên trái tôi, biển xanh chàm im lìm. Bên phải, phía xa xa, cánh đồng lúa lấp lánh như một đạo quân võ trang trường thương bằng vàng. Tôi đi qua cây Vả của Cô, phủ đầy lá xanh và những cây vả nhỏ xíu, vượt qua vườn của góa phụ thật nhanh, không quay lại, và đi vào làng. Lữ quán nhỏ bây giờ bỏ hoang, vắng vẻ. Cánh cửa ra vào và cửa sổ không còn nữa; chó tha hồ chạy rông trong sân, phòng ốc trống trơn. Trong sạch. Chỉ còn lại một đôi giầy băng-túp rách tả tơi, vẹt gót với một búp len đỏ nằm trong một góc nhà. Trung thành, nó còn giữ lại hình thể chân bà chủ nó. Ðôi giầy băng-túp khốn khổ này, trắc ẩn hơn tâm hồn con người, chưa quên bàn chân thân yêu và bị bạc đãi vô cùng.


Tôi trở về nhà hơi muộn. Zorba đã nhóm lửa và sửa soạn làm bếp. Khi hắn ngẩng đầu lên đón tôi, hắn biết ngay tôi đã đi đâu. Hắn cau mày. Sau biết bao ngày im lặng, tối nay hắn mở khóa trái tim và nói như muốn tự minh oan:


– Tất cả mọi đau buồn đều bửa trái tim tôi ra làm đôi. Nhưng nó, tên bị rạch mặt sứt sẹo và đầy vết thương đó, nó khép miệng lại trong nháy mắt và không ai nhìn thấy vết thương đã thành sẹo, vì thế tôi chịu đựng lì lợm.


– Bác quên mụ Bouboulina đáng thương nhanh quá, Zorba, tôi nói bằng một giọng khá tàn bạo, ngoài ý muốn.


Zorba bực tức, hét to:


– Một con đường mới, những dự định mới! Tôi đã thôi hồi tưởng cái gì đã xảy ra ngày hôm qua, thôi thắc mắc cái gì sẽ xảy ra ngày mai. Cái gì đang xảy ra ngày hôm nay, trong giây phút này, đó mới chính là cái tôi quan tâm. Tôi nói: Mi đang làm gì đó Zorba? Ta đang ngủ. Vậy, hãy ngủ cho ngon! Mi đang làm gì đó Zorba? Ta đang làm việc. Vậy hãy làm việc cho hăng. Mi đang làm gì đó, Zorba? Ta đang hôn một người đàn bà. Vậy, hãy hôn nàng cho say đắm, Zorba! Và hãy quên tất cả, không còn kẻ nào khác trên trần gian, chỉ có nàng và mi thôi, hôn đi!


Một lát sau, hắn tiếp:


– Khi mụ Bouboulina còn sống, không có một thứ Canavaro nào làm mụ sung sướng bằng tôi, lão Zorba tả tơi này. Tại sao vậy? Ông sẽ hỏi tôi. Bởi vì tất cả những tên Canavaro trên thế giới, trong khi hôn mụ, vẫn còn bận tâm về hạm đội của họ, về đảo Crete, về vua chúa của họ và vợ con họ. Nhưng tôi, tôi quên hết tất cả, tất cả, và mụ, con đĩ, mụ hiểu điều đó lắm – và hãy ghi nhớ điều đó, nhà đại thông thái, đối với đàn bà, không có lạc thú nào lớn hơn. Người đàn bà thực thụ, nghe kỹ lấy để mà biết đường mà xử thế, sung sướng nhiều lạc thú nàng ban cho hơn là lạc thú nàng nhận được từ người đàn ông.


Hắn cúi xuống để thêm củi vào bếp lửa và im lặng.


Tôi nhìn hắn và rất sung sướng. Tôi cảm thấy những giây phút sống trên bãi biển cô tịch này đơn giản, nhưng đầy giá trị nhân bản sâu xa và bữa ăn của chúng tôi mỗi buổi chiều tựa những nồi xúp mà thủy thủ thường nấu khi đổ bộ xuống một bãi biển hoang vắng – với cá, sò, hành và rất nhiều hạt tiêu – những nồi xúp này ngon hơn bất cứ một món nào khác và vô song trong việc bồi dưỡng tâm hồn con người. Ở đây, tại địa cầu trái đất chúng tôi cũng giống như hai kẻ đắm tàu.


– Ngày mốt chúng ta sẽ khánh thành đường dây cáp treo, Zorba nói theo dòng tư tưởng của hắn. Tôi không đi trên mặt đất nữa, tôi bay bổng, tôi cảm thấy những cái ròng rọc trên vai tôi!


Tôi hỏi:


– Bác có nhớ cái mồi bác ném ra để nhử tôi trong quán café ở Piraeus không, Zorba? Bác nói bác biết nấu những món xúp tuyệt vời – và tình cờ đó lại là món tôi thích nhất. Bác có biết thế không?

MỚI CẬP NHẬT