Friday, March 29, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 113)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 113


 


Mệt mỏi, tôi đi ngủ. Khi tôi trở dậy vào lúc bình minh, tôi trông thấy Zorba đang pha cà phê bên tôi. Cặp mắt hắn mọng đỏ vì đã thức đêm. Nhưng đôi môi chề ra như môi dê của hắn mỉm cười một cách ranh mãnh.


– Ðêm qua tôi không ngủ, ông chủ, tôi phải làm vài việc.


– Việc gì, lão ba que xỏ lá?


– Tôi làm phép lạ.


Hắn cười và đặt ngón tay lên:


– Tôi không nói đâu! Ngày mai là ngày khánh thành đường dây cáp. Những con heo thiến mập sẽ đến ban phước lành, lúc họ sẽ báo phép lạ mới của Ðức Bà Trừng Phạt – vĩ đại thay uy quyền Ðức Mẹ!


Hắn đưa tôi cà phê, tôi tiếp:


– Ông biết không, tôi sẽ là một tu viện trưởng tốt. Nếu tôi mở một tu viện, tôi cá với ông là tôi sẽ làm cho tất cả những tu viện khác phải đóng cửa và sẽ cướp hết khách hàng của họ. Bạn thích nước mắt ư? Một miếng bọt biển nhỏ thấm nước đặt sau những thánh tượng và tất cả những ông thánh của tôi sẽ khóc theo ý muốn. Sấm sét ư? Tôi sẽ nhét vào gầm Bàn Thánh một bộ máy phát ra tiếng nổ như pháo. Ma quỉ ư? Hai gã tu sĩ tâm phúc của tôi quấn khăn trải giường đêm đêm đi đi lại lại trên nóc tu viện. Và hàng năm, vào ngày lễ Ðức Mẹ tôi tụ tập một bọn què quặt, mù lòa và tê liệt cho người ta thấy họ lại nhìn thấy ánh sáng và đứng dậy nhẩy múa ca ngợi Ðức Bà!


-Tại sao ông cười, ông chủ? Trước kia tôi có một ông chú, ông thấy một con la sắp chết. Người ta bỏ nó trong núi cho nó chết. Chú tôi mang về nhà. Buổi sáng nào ông cũng mang nó đi ăn cỏ và buổi tối lại dẫn nó về. Dân làng kêu: “Kìa, cha nội Haralambos, cha nội định làm gì với con lừa sống dở chết dở đó?”


– Tôi dùng nó để mở xưởng chế tạo phân lừa. Này, ông chủ, trong tay tôi, tu viện sẽ trở thành một xưởng chế tạo phép lạ!


 


25


 


Suốt đời tôi không bao giờ quên được buổi chiều trước ngày mồng một Tháng Năm. Ðường dây cáp đã sẵn sàng, cột trụ, dây cáp và ròng rọc sáng chói trong ánh mặt trời ban mai. Những thân cây thông lớn đã được chất đống trên đỉnh núi và thợ thuyền đã túc trực trên đó chờ lúc móc thân cây vào dây cáp và thả xuống biển.


Một lá cờ Hy Lạp lớn phất phới trên đỉnh cột ở điểm khởi hành trên núi và một lá trên đỉnh cột ở mức đến, trên bờ biển. Trước cửa lều, Zorba đã đặt một thùng vang nhỏ. Cạnh đó, một công nhân đang quay một con cừu béo trên một cây sắt nhọn. Sau lễ ban phước lành và lễ khánh thành, quan khách phải uống một ly rượu và chúc mừng chúng tôi trịnh trọng.


Zorba cũng đã tháo lồng két và đặt nó trên một tảng đá cao gần cột trụ thứ nhất.


– Cũng như tôi thấy chủ nó vậy, hắn vừa lẩm bẩm vừa nhìn nó một cách dịu dàng.


Hắn móc túi lấy một nắm đậu phộng cho con két.


Zorba mặc bộ quần áo diện nhất của hắn: áo chemise mở nút, veston xanh lá cây, quần dài xám, giầy gót cao su mềm. Quá hơn nữa, hắn còn lấy sáp chuốt bộ ria lúc này đã bắt đầu bạc mầu.


Như một đức ông tiếp đón những công hầu bá tử khác, hắn lăng xăng chạy ra chào mừng những thân hào đang lục đục đến, và giải thích cho họ thế nào là đường sắt treo, đâu là lợi ích mà làng sẽ thâu lượm được, và Ðức Mẹ Ðồng Trinh trong ân sủng vô biên của Ðức Mẹ – đã mang lại cho hắn ánh sáng để thực hiện kế hoạch này ra sao. Hắn nói:


– Ðó là một công trình quan trọng. Phải tìm độ dốc cho chính xác – cả một khoa học! Tôi đã moi óc hàng mấy tháng trường, nhưng vô hiệu quả. Hiển nhiên là đối với những công việc vĩ đại, đầu óc con người chưa đủ, cần phải có sự phò trợ của Thượng Ðế… Ðức Mẹ Ðồng Trinh thấy tôi lao khổ và Ðức Mẹ thương hại tôi: “Tội nghiệp Zorba, Ðức Mẹ nói, hắn không phải là một kẻ xấu, hắn làm tất cả vì lợi ích của làng, ta phải giúp hắn một tay mới được.” Ôi, phép lạ!


Zorba ngừng lại và làm dấu ba lần…


– Ôi, phép lạ! Một đêm, trong lúc tôi đang ngủ, một thiếu phụ mặc quần áo đen đến trước mặt tôi – đó là Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Ðức Mẹ cầm trong tay một đường sắt treo kiểu mẫu, không lớn hơn chừng này. Ðức Mẹ nói: “Zorba, ta mang cho mi kiểu mẫu từ trên Thiên Ðàng. Ðây, theo độ dốc này và hãy nhận phước lành của ta!” Nói xong, Ðức Mẹ biến mất. Tôi hốt hoảng thức dậy, chạy tới chỗ thí nghiệm, và tôi thấy gì? Ðường dây tự nó đã mắc đúng độ dốc chính xác! Và nó ngào ngạt mùi an-tức-hương, chứng tỏ rằng bàn tay Ðức Mẹ đã chạm đến!


Kondamanolio há miệng định hỏi, thì từ con đường đá lởm chởm, năm tu sĩ cưỡi la đã lần lượt kéo ra. Một người thứ sáu, vác một cây thánh giá gỗ lớn trên vai vừa chạy vừa la hét đằng trước họ. Chúng tôi cố gắng đoán xem y la hét gì, nhưng đành chịu.


Chúng tôi nghe thấy những bài thánh ca. Ðám tu sĩ vẫy tay, làm dấu, móng lừa phản chiếu ánh sáng từ núi đá.

MỚI CẬP NHẬT