Friday, April 19, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 120)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 120


 


26


Thế là hết. Zorba thu dọn dây cáp, dụng cụ, xe goòng nhỏ, sắt vụn và gỗ để làm nhà và chất thành một đống trên bãi biển để chờ thuyền đến chở đi.


Tôi nói:


– Tôi tặng bác đó, Zorba. Của bác hết tất cả. Chúc bác may mắn.


Zorba nuốt nước bọt như thể hắn muốn nén một tiếng nức nở.


Hắn thì thầm:


– Chúng ta chia tay nhau ư? Ông định đi đâu, ông chủ?


– Tôi sắp đi ngoại quốc, Zorba. Hãy còn khá nhiều giấy má cho nó gậm nhấm, cái con dê ở trong tôi.


– Ông chưa sửa đổi mình sao, ông chủ?


– Có chứ, Zorba, nhờ bác, nhưng tôi đang đi con đường của bác, tôi sắp làm với sách vở điều bác đã làm với những trái anh đào; tôi sắp ngốn sách vở đến độ buồn nôn, tôi sẽ mửa ra và sẽ thoát khỏi nó mãi mãi.


– Và tôi sẽ ra sao khi không có ông bầu bạn, ông chủ?


– Ðừng phiền não, Zorba, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau, biết đâu, sức mạnh con người thật khủng khiếp. Một ngày kia chúng ta sẽ thực hiện dự định vĩ đại của chúng ta; chúng ta sẽ xây một tu viện của riêng chúng ta, không Thượng Ðế cũng chẳng ma quỉ gì ráo, chỉ có những con người tự do; và bác sẽ đứng ở cổng. Zorba, tay cầm một chùm chìa khóa thật lớn để mở và đóng cổng, hệt như Thánh Peter…


Zorba, ngồi bệt dưới đất, lưng dựa vào lều, rót rượu không ngừng, uống cạn và không nói gì cả.


Ðêm đã xuống, chúng tôi dùng bữa xong. Chúng tôi nhắp rượu từng ngụm nhỏ và chuyện trò với nhau lần cuối cùng.


Sáng sớm mai chúng tôi sẽ chia tay.


– Vâng, vâng…, Zorba vừa nói vừa bứt ria và cạn ly. Vâng, vâng…


Trời đầy sao, đêm trên đầu chúng tôi lai láng, xanh biếc; trong chúng tôi, tâm hồn chúng tôi muốn nguôi sầu, nhưng tự kìm hãm.


“Hãy nói với hắn lời từ biệt mãi mãi, tôi nghĩ. Hãy nhìn hắn thật kỹ; không bao giờ, không bao giờ nữa mắt ngươi còn thấy lại Zorba!”


Chút nữa thì tôi lao vào bộ ngực già nua của Zorba và nức nở khóc, nhưng tôi xấu hổ. Tôi cố gắng cười để che đậy cảm xúc, nhưng tôi không đạt được mục đích. Cổ họng tôi se lại.


Tôi nhìn Zorba đang vươn cái cổ như cổ chim mồi ra lặng lẽ uống. Tôi nhìn hắn và mắt tôi mơ màng. Cuộc đời, miền bí ẩn tàn khốc là gì? Người ta gặp nhau để biệt ly như những chiếc lá mà gió cuốn bay; cặp mắt cố ghi giữ uổng công hình ảnh của khuôn mặt, thân thể hay cử chỉ của “người yêu dấu” trong một vài năm ta không còn nhớ được đôi mắt chàng xanh hay đen.


“Nó phải được làm bằng đồng, nó phải được làm bằng thép, cái tâm hồn con người! Tôi kêu thầm trong tôi. Nó không được làm bằng hư không!”


Zorba uống, giữ cái đầu to lớn thẳng, bất động. Dường như hắn lắng nghe trong đêm những bước chân lại gần hay dời xa trong tận cùng con người hắn.


– Bác đang nghĩ gì đó, Zorba?


– Ông muốn tôi nghĩ gì, ông chủ? Không nghĩ gì hết. Không nghĩ gì hết. Tôi không nghĩ ngợi gì hết!


Lát sau, hắn lại rót rượu đầy ly:


– Chúc ông chủ mạnh khỏe!


Chúng tôi cụng ly. Cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng một nỗi buồn tê tái như thế này không thể kéo dài lâu hơn nữa. Chúng tôi phải bật khóc hay say sưa hoặc bắt đầu nhẩy một cách cuồng dại.


– Chơi đàn đi, Zorba! Tôi đề nghị.


– Tôi đã nói rồi mà, ông chủ. Cây santuri cần một tâm hồn vui vẻ. Tôi sẽ chơi trong một tháng, có thể trong hai tháng, trong hai năm, tôi không biết! Tôi sẽ hát hai kẻ ly biệt nhau mãi mãi thế nào!


– Mãi mãi! Tôi kinh sợ la lên.


Tôi đã thầm nhủ cái tiếng không thể cứu vãn được này trong tôi, nhưng tôi không chờ đợi nghe nói ra. Tôi sợ hãi.


– Mãi mãi! Zorba vừa nhắc lại vừa nuốt nước miếng một cách khó khăn. Vâng, mãi mãi. Ðiều ông vừa nói rằng chúng ta sẽ còn tái ngộ, xây dựng tu viện của chúng ta là những lời an ủi không xứng đáng, tôi không chấp nhận! Tôi không muốn vậy. Sao? Chúng ta có phải là đàn bà yếu đuối đâu mà phải cần những lời an ủi? Vâng, mãi mãi!


– Có thể sẽ ở lại đây với bác…, tôi nói, thất kinh vì sự dịu dàng man rợ của Zorba. Có thể tôi sẽ đi với bác. Tôi tự do!

MỚI CẬP NHẬT