Thursday, March 28, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ 121)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ 121


 


Zorba lắc đầu:


– Không, ông không tự do. Cái dây trói buộc của ông dài hơn người khác một chút. Có thế thôi. Ông có một sợi dây trói buộc dài, ông chủ, nhưng ông không bao giờ cắt đứt nó. Và khi người ta không cắt đứt sợi dây đó…


– Một ngày kia tôi sẽ cắt đứt nó! Tôi nói một cách thách đố, bởi những lời nói của Zorba đã đụng vào một vết thương hé miệng trong tôi và tôi đau đớn.


– Khó lắm, ông chủ, khó lắm. Muốn vậy, phải có một chút điên; điên, ông nghe chưa? Phải liều lĩnh! Nhưng ông, ông có một cái đầu rắn chắc và nó sẽ thắng ông. Ðầu óc là một tên chủ tiệm bán thực phẩm sổ sách, tôi đã chi bao nhiêu, tôi đã thu bao nhiêu nó ghi giữ tiền, đây là lời của tôi, đây là lỗ lã! Ðó là một tên lái buôn, có con thận trọng; nó không chịu chơi hết mình, nó luôn dè sẻn dành dụm lại. Nó không bao giờ cắt đứt sợi dây. A, không! Nó nắm thật chặt lấy, quân chó đểu! Nếu sợi dây tuột khỏi tay nó, nó hỏng, lúa đời, thật đáng thương! Nhưng nếu ông không cắt đứt sợi dây, nói tôi nghe, đời có còn hương vị gì? Hương vị nước ốc ao bèo! Không phải là rượu rhum khiến ta nhìn thấy mặt trái của đời!


Hắn nín lặng, tự chuốc rượu uống, nhưng đổi ý kiến.


– Ông phải thứ lỗi cho tôi, ông chủ, tôi là một kẻ quê kệch vụng về. Những chữ dính vào răng tôi như bùn dính vào chân. Tôi không thể đặt những câu hoa mĩ và khen tặng. Tôi không thể làm được. Nhưng ông hiểu, ông chủ.


Hắn cạn ly và nhìn tôi:


– Ông hiểu! Hắn la lớn như thể thình lình cơn giận dữ bỗng tràn ngập hắn. Ông hiểu, và chính vì thế ông bất an. Nếu ông không hiểu, ông đã sung sướng! Ông thiếu cái gì? Ông còn trẻ thông minh, ông có tiền, có sức khỏe, ông là một kẻ trung hậu nhân từ; ông không thiếu gì hết. Không thiếu gì hết, thế mới giận chứ! Trừ một điều duy nhất – điên cuồng. Và khi thiếu cái đó, ông chủ…


Hắn lắc cái đầu to lớn và lại im lặng.


Tôi suýt bật khóc. Tất cả những điều Zorba nói đều đúng. Lúc còn nhỏ, tôi đầy những rung động điên cuồng những ước vọng vượt quá con người và thế giới không thể chứa đựng nổi tôi.


Dần dần, với thời gian tôi trở nên khôn ngoan. Tôi thiết định những giới hạn, tách biệt cái khả thể khỏi cái bất khả, nhân loại khỏi thần linh, tôi giữ chặt cái diều của tôi để nó khỏi thoát bay.


Một ngôi sao băng lớn rạch ngang trời; Zorba giật nẩy mình, trợn tròn mắt, như thể lần đầu tiên hắn nhìn thấy một ngôi sao băng.


– Ông thấy ngôi sao không? Hắn hỏi.


– Có.


Chúng tôi yên lặng.


Hốt nhiên Zorba vươn cao cái cổ khẳng khiu căng lồng ngực ra và thốt lên một tiếng kêu man rợ và tuyệt vọng. Và lập tức tiếng kêu đó biến thành tiếng nói của con người, và từ đáy lòng Zorba dâng lên một điệu Thổ Nhĩ Kỳ buồn bã, đầy thê lương và cô đơn.


Lòng đất cũng bửa ra làn đôi, nọc độc êm ái dịu dàng của Ðông Phương trào ra. Tôi cảm thấy trong tôi bao nhiêu dây nhợ còn nối kết tôi với can đảm và hy vọng mục nát dần:


Iki kiklik tependé otiyor


Otme dé, kiklik, bemin dertim yetiyor, aman! Aman!


Sa mạc, cát mịn ngút mắt. Không khí rung động, hồng,xanh, vàng; thái dương nổ vỡ, tâm hồn thốt lên một tiếng điên cuồng và mừng quýnh vì bởi không có tiếng thét nào đáp lại. Mắt tôi đầm đìa lệ.


“Ðôi đa đa hót trên non;


Mày đừng hót nữa đa đa, sầu riêng đã đủ héo hon ta rồi, aman, aman!”


Zorba nín lặng. Hắn lấy ngón tay quyệt phắt những giọt mồ hôi trên trán. Hắn cúi xuống, đăm đăm nhìn mặt đất.


Một hồi lâu sau tôi hỏi.


– Bài hát Thổ Nhĩ Kỳ đó là bài nào thế, Zorba?


– Bài hát của người chăn giữ lạc đà. Ðó là bài hát tên chăn lạc đà hát trong sa mạc. Bao năm qua tôi không nhớ nó. Thế mà tối nay…


Hắn ngẩng đầu lên nhìn tôi; giọng hắn tắc nghẹn cổ họng hắn se lại.


– Ông chủ, đã đến giờ ông đi ngủ rồi đó. Ngày mai ông phải dậy từ sớm để đến Candia kịp chuyến tầu. Chúc ông ngủ ngon!


– Tôi không buồn ngủ, tôi đáp. Tôi sẽ thức với bác. Ðây là buổi tối cuối cùng chúng ta sống với nhau.


– Chính vì lẽ đó chúng ta phải sớm kết thúc nó! Hắn vừa la vừa úp cái ly không, dấu hiệu hắn không muốn uống nữa. Ðó, như vậy đó, như những người đàn ông đích thực dứt hẳn thuốc lá, rượu hay cờ bạc. Như một vị anh hùng Hy Lạp, một Palikari.


“Cha tôi cũng là một Palikari dũng cảm. Ðừng thèm nhìn tôi. Tôi chỉ là một kẻ yếu đuối cạnh cha tôi. Tôi không bén gót cha tôi. Cha tôi là một trong những người Hy Lạp ngày xưa mà người ta thường nhắc đến. Khi ông bắt tay người ta, ông gần như nghiền nát xương người ta ra.

MỚI CẬP NHẬT