Thursday, March 28, 2024

Alexis Zorba con người chịu chơi (Kỳ cuối)


Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.


Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.


Nguyễn Hữu Hiệu


 


Kỳ cuối


 


Tôi la lên:


– Quan trọng gì đâu? Tình yêu mạnh hơn cái chết.


Hắn lại mỉm cười chua chát, nhưng không nói gì cả. Tôi cảm thấy thân thể hắn tan rã trong bóng tối, trở thành tiếng nức nở, thở dài và chế lời diễu cợt.


Hương vị cái chết đọng trên môi tôi trong nhiều ngày. Cái chết đã đi vào đời tôi với một khuôn mặt quen thuộc thân yêu, như một người bạn đến đón ta và kiên nhẫn ngồi chờ trong một góc cho đến khi ta làm xong công việc.


Nhưng bóng của Zorba luôn luôn lởn vởn quanh tôi ghen tuông.


Một đêm, tôi ngồi một mình trong nhà tôi bên bờ biển trên đảo Aegina. Tôi cảm thấy sung sướng, cửa sổ hướng ra biển mở rộng, ánh trăng đi vào, biển thở dài, nó cũng sung sướng. Thân thể tôi mệt mỏi một cách khoái lạc vì bơi quá nhiều, say giấc điệp.


Ðột nhiên giữa hạnh phúc chứa chan đó, Zorba hiện lên trên giấc mơ của tôi vào lúc bình minh. Tôi không nhớ nổi hắn nói gì cũng không nhớ tại sao hắn tới. Nhưng khi tỉnh dậy, trái tim tôi muốn nổ tung ra. Không biết tại sao, mắt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi vô cùng ao ước phục hồi lại cuộc sống chúng tôi đã sống bên nhau trên bờ biển Crete, bắt trí nhớ tôi hồi tưởng và thu thập tất cả những lời nói, tiếng la hét, điệu bộ, tiếng cười, tiếng khóc, những bước nhẩy của Zorba tản mác trong đầu óc tôi, để bảo toàn chúng.


Ước vọng này mãnh liệt đến nỗi tôi sợ hãi thấy đó là dấu hiệu chỉ ở một nơi nào đó trên trái đất, Zorba đang hấp hối. Bởi vì tôi cảm thấy tâm hồn tôi ràng buộc mật thiết với tâm hồn hắn đến nỗi không thể người này chết mà người kia không bị lay động và kêu gào đau đớn.


Tôi lưỡng lự giây lát không muốn thu góp tất cả những kỷ niệm của tôi về Zorba và biến nó thành lời. Một sự sợ hãi trẻ con choáng ngợp tôi. Tôi tự nhủ: “Nếu ta làm như vậy, như thế có nghĩa là Zorba thật sự đang trong cơn hiểm nghèo. Ta phải chống lại bàn tay vô hình thúc đẩy tay ta.”


Tôi chống cự hai ngày, ba ngày, một tuần lễ. Tôi chuyên chú vào việc viết lách khác, du ngoạn suốt ngày và đọc rất nhiều. Với chiến lược đó tôi cố lẩn tránh sự hiện diện vô hình. Nhưng toàn thể tâm trí tôi tập trung với một cảm thức lo âu nặng trĩu trên Zorba.


Một hôm, tôi ngồi trên sân thượng nhà tôi, trên mặt biển. Lúc ấy vào giữa trưa. Mặt trời thiêu đốt và tôi đang ngắm sườn núi trần trụi và duyên dáng của đảo Salamis. Thình lình, bị thúc đẩy bởi bàn tay thần thánh, tôi lấy giấy, nằm dài trên sân cát nóng bỏng của sân thượng và bắt đầu thuật lại những lời nói và việc làm của Zorba.


Tôi viết một cách say mê, vội vàng làm sống lại quá khứ, cố gắng nhớ lại và phục sinh trọn vẹn Zorba một cách trung thành. Tôi cảm thấy nếu hắn biến mất chính tôi là kẻ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, vì thế tôi làm việc ngày đêm để vẽ chân dung bạn tôi một cách vẹn toàn.


Tôi làm việc như những tên phù thủy của những bộ lạc man di ở Phi Châu vẽ hình tổ tiên mà trông thấy trong mộng lên vách động, cố gắng vẽ càng giống chừng nào càng hay chừng ấy, để linh hồn tổ tiên có thể nhận ra thể xác và nhập vào.


Trong vài tuần lễ huyền sử vàng son về Zorba đã hoàn tất.


Hôm đó, vào lúc xế chiều, tôi lại ngồi trên sân thượng ngắm biển. Trên lòng tôi là tập bản thảo đã hoàn tất.


Tôi cảm thấy hân hoan và nhẹ nhõm như vừa cất được một gánh nặng. Tôi giống như một bà mẹ vừa sinh nở và bồng đứa trẻ sơ sinh trên tay.


Sau rặng núi Peloponnesus, mặt trời đỏ rực đang lặn. Ngay lúc đó Soula, một cô thôn nữ nhỏ bé mang thư từ trên tỉnh gởi về cho tôi, lên sân thượng. Cô ta trao cho tôi một lá thư và chạy biến. Tôi hiểu. Ít ra hình như tôi hiểu, bởi vì, khi tôi giở lá thư ra đọc, tôi không đứng nhỏm dậy và thốt lên một tiếng kêu, tôi không kinh hoàng. Tôi biết chắc. Tôi biết rằng vào giây phút đích xác, trong khi tôi đặt tập bản thảo trên đùi và nhìn mặt trời lặn, tôi sẽ nhận được lá thư này.


Bình thản, tôi đọc lá thư. Lá thư từ một làng gần Skoplije ở Serbia gửi đến, và được viết tàm tạm bằng tiếng Ðức. Tôi dịch:


“Tôi là giáo viên trong làng và tôi viết để báo cho ông tin buồn rằng Alexis Zorba, chủ nhân hầm đá trắng ở đây, mất vào hồi 6 giờ chiều Chủ Nhựt tuần trước. Trong lúc hấp hối, ông ta mời tôi tới. Ông ta nói:


“- Lại đây, ông thầy giáo. Tôi có một người bạn ở Hy Lạp. Khi tôi chết rồi, viết cho ông ấy rằng cho đến phút cuối cùng, tôi rất tỉnh táo và nghĩ đến ông ấy và tôi không hề hối hận mảy may về bất cứ việc gì tôi làm. Nói với ông ấy tôi mong ông ấy được khỏe mạnh và đã đến lúc ông ấy phải tỏ ra thông minh.


“- Nghe thêm đã. Nếu một gã tư tế đến để tôi xưng tội và làm phép bí tích cho tôi, bảo lão hãy xéo cho mau và ban cho tôi sự nguyền rủa của lão! Tôi đã làm vô khối và làm vô khối chuyện trong đời tôi, nhưng tôi thấy như thế vẫn chưa đủ. Những người như tôi phải sống hàng ngàn năm. Chúc ông ngủ ngon!


“Ðó là những lời cuối cùng của ông ta. Ngay sau đó ông ta ngồi nhỏm dậy trên giường, xô khăn trải giường và muốn đứng dậy. Chúng tôi chạy lại ngăn ông ta – Lyuba, vợ ông ta, tôi cùng với vài người hàng xóm khỏe mạnh khác. Nhưng ông ta gạt phắt chúng tôi ra, nhẩy xuống giường và đi tới cửa sổ. Ở đó, ông ta bám lấy khuôn cửa, nhìn về dẫy núi xa xa, mở to mắt và bắt đầu cười, đoạn hí lên như một con ngựa. Ông ta đứng như vậy, móng tay cắm sâu vào khuôn cửa sổ mà chết.


“Vợ ông ta, Lyuba, nhờ tôi viết cho ông rằng bà gửi lời chào ông, rằng người quá cố thường nói với bà ta về ông, và ra lệnh cho bà gửi biếu ông cây santuri làm kỷ niệm sau khi ông ta mất.


“Do đó bà góa phụ yêu cầu ông, khi nào ông có dịp qua làng chúng tôi, xin mời ông quá bộ tới nghỉ đêm tại nhà bà, và buổi sáng khi ông ra đi, ông mang theo cây santuri.”


(Hết)

MỚI CẬP NHẬT