Tuesday, April 23, 2024

Bụi và Rác (Kỳ 27)


Kỳ 27



Trước những câu hỏi loại đó giữa một bầu không khí ngờ vực, người ta thường phải trả lời, “đi chi, đi đâu, đất nước đã hòa bình thống nhất, ở lại xây dựng tổ quốc chớ,” hoặc “tôi xuống tàu rồi mà trở lên vì thấy dầu sao quê nhà vẫn hơn…” vân vân và vân vân.


Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại. Tôi đã chờ trước tòa Ðại Sứ Mỹ suốt một ngày trời. Tôi đã leo lên sân thượng của một ngôi nhà bỏ trống mà người ta đồn là sẽ có máy bay trực thăng của Ðệ Thất Hạm Ðội đáp xuống. Tôi đã chạy quanh chạy quẩn như con chuột chạy trong một cái hộp. Tôi đã làm mọi cách, nhưng vô ích, nơi nào tôi ghé vào tạt qua cũng gặp một rừng người chen chúc xô đẩy nhau, đạp lên nhau. Ðó là lúc Quỳnh đi đứng nặng nề, chờ giây phút sanh nở.


Giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu. Ừ, giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu thì dễ cho tôi biết là bao nhiêu. Có lẽ chúng tôi đã xuống tàu, đã lên máy bay, đã ở một nơi nào khác không phải ở đây. Không phải ở lại đây, để thở một bầu không khí lo sợ, ngột ngạt, để chờ đợi một điều không may đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, để như một người mua vé số hồi hộp chờ đợi cái lô độc đắc là một chỗ tại một nông trường cải tạo. “Giá mà…” không, không giá với hành gì hết. Ý nghĩ ấy dù chỉ thoáng qua óc tôi thôi, tôi cũng không đáng giá một đồng xu teng, chứ đừng nói chi một đồng bạc cắc. Sao tôi lại không nghĩ rằng giá mà không có tôi, có lẽ Quỳnh đã đi khỏi đất nước này từ lâu. Giá mà không có tôi, Quỳnh đã không xé cái tấm vé máy bay của hãng hàng không CAL ngay giữa một Saigon giới nghiêm, một Saigon chênh vênh bên bờ vực của một cuộc chiến sắp hạ màn?



Chương Tám


Chúng tôi đến nơi không kịp. Anh cả tôi đã qua đời, khi chiếc xe đò thổ tả chở chúng tôi nằm bẹp dí ở Phan Thiết. Dù sao chúng tôi cũng còn được nhìn mặt anh trước khi liệm. Ngôi nhà đó, nơi ba lần trở về tôi đã làm ba cuộc chia tay với những người thân yêu nhất đời tôi. Cha tôi chết trong cơn say. Mẹ tôi qua đời khi đứng giữa sân vươn tay hái chùm nhãn. Giờ đây ông anh cả tôi nằm chết ngay trên chiếc giường cha tôi đã nằm. Cả ba lần trở về quê, không lần nào tôi kịp nắm tay những người ruột thịt ấy nghe được một lời trối trăn.


Còn có gì thê thảm hơn nhìn một người chết. Và còn có gì đau xót hơn nhìn một người thân yêu nằm đó nhưng đã mất sự sống. Khuôn mặt ông anh tôi lúc này sao giống hệt khuôn mặt cha tôi ở cái ngày ra đi vĩnh viễn.


Tôi không khóc, không cách nào khóc được. Xung quanh tôi mọi người rì rầm sụt sùi. Ngôi nhà tràn ngập không khí lạnh lẽo. Mùi tử khí xông tận mũi tôi. Người chị dâu tôi hai con mắt đỏ hoe nhưng bình tĩnh. Hai đứa con trai lớn vẫn còn trong trại học tập chắc là chưa kịp hay tin cha các cháu đã qua đời.


Tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Bên kia hàng rào là ngôi trường nữ tiểu học đâu lưng với ngôi trường nam tiểu học, nơi mà tôi từng cắp sách đến đó trong suốt thời thơ ấu. Sân cát sủi bụi mù trời trong những giờ ra chơi. Bọn con trai bên này, bọn con gái bên kia. Chúng tôi lớn dần lên, lớn dần lên mỗi ngày mà không biết. Một thầy giáo già chết. Một cô giáo qua đời. Một ông hiệu trưởng đổi đi. Tôi lớn lên mỗi ngày nhìn bao nhiêu biến cố tấp giật rồi tan biến, không khác nào những cơn sóng biển cứ đánh vào bờ cát dưới kia.

MỚI CẬP NHẬT