Saturday, April 20, 2024

Bụi và Rác (kỳ 37)

Tôi nghĩ là chị an ủi tôi. Quỳnh thì không nói năng chi. Suốt những ngày còn lại ở Nha Trang, cô bế con ra biển ngồi trên bờ cát nhìn màu xanh của trời và nước. Lần đầu tiên khi Quỳnh nói muốn đi biển, tôi theo cô thả bộ xuống bãi. Tôi chỉ cho Quỳnh biết những nơi ngày xưa tôi thường hay đến. Cây dừa này hình như lúc nào cũng vậy, không có vẻ gì như bị già đi vì năm tháng. Những lùm cây này cũng vậy hình như mới vừa hôm qua tôi chui vào trong đó núp trốn những thằng bạn học ở trường về réo gọi tên tôi vì bị thầy giáo nhắc trong lớp học. Nhà “dây thép” này thì có vẻ như nhỏ hơn, cọ đơn nữa. Nó đứng một mình. Xung quanh trống trơn không thấy nhà cửa cây cối nào để che đỡ. Sau lưng là biển. Trước mặt là con đường trải hắc ín vắng tanh. Tôi nói cho Quỳnh nghe những kỷ niệm của tôi về cái quán ăn mang tên Fregate, nơi tôi và Bouquet Odette chui dưới gậm bàn nhìn những người lớn nhảy nhót. Và bụi dương, cái khách sạn Hotel Beau Rivage này, trường hải quân, Cầu Ðá, hải học viện, Ðồng Ðế… chỗ nào tôi cũng thấy có chút dấu vết tôi… Quỳnh đã nghe tôi nói với một nỗi lạnh lùng mà trước đây chưa bao giờ tôi nhìn thấy. Những lần sau Quỳnh đi biển một mình. Tôi để cô tự do với thiên nhiên. Quỳnh nói đứng bên bờ biển tâm hồn mình rộng lượn hơn.

Cô trầm lặng suốt những ngày còn lại ở Nha Trang cho đến khi trở về. Chúng tôi như bị ngăn lại bởi một tấm màn voan mỏng. Tại sao? Tôi chưa hiểu. Tôi đi tìm ông Công. Tôi muốn xuống Bạc Liêu xem tình hình ra sao. Bác Ngô trước nhà cho biết ông Công có đến tìm tôi mấy lần. Có lẽ sắp có chuyến đi. Ông Công có hứa với tôi là bao giờ ông cho hai đứa con ông đi, ông sẽ dành cho gia đình tôi một chỗ thôi, số còn lại cứ đóng vàng tính theo đầu người.

Tôi ra quán cà phê vỉa hè trước nhà bà Luật Sư Ðại. Nơi đây tôi chắc chắn thế nào cũng sẽ gặp mấy “đệ tử” của ông Công. Nhưng khi đến nơi, tôi mới biết là không có đứa nào cả, mặc dù quán vẫn đông khách như thường lệ. Những người trẻ và cả những người sồn sồn mỗi người trước mặt một ly cà phê đang nói về những người khác hiện đã đến được bến bờ tự do. Một người kể chuyện tiếu lâm thời đại. Ông ta nói nhỏ cho vừa đủ mấy bàn nghe. Và cả đám cười. Những câu chuyện tôi đã từng được nghe, nhưng lần nào nghe lại cũng phải cười cay đắng. Mỗi lần tôi như thấy câu chuyện có thay đổi thêm bớt. cắt xén đôi chút… nhưng nội dung thì vẫn là một. Ðại khái một đoàn xe chở đám cán bộ cao cấp trong đó có Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng trên đường đi Long An, Gần tới cầu Bến Lức thì thấy một người nằm giữa đường xe không cách nào lách qua được. Công an áo vàng xách súng chạy tới, kể cả đám du kích đang gác cầu, dí súng vào đầu người đàn ông nằm giữa đường bắt tránh cho xe thủ tướng đi. Nhưng người kia sau khi ngước mắt lên nhìn mấy tên công an và đoàn xe, lại gục đầu xuống bám chặt chân tay lên mặt đường.

“Con người là vốn quý nhất! Phải trọng con người!” Thủ tướng thường dặn cán bộ công nhân viên như vậy. Không ai dám làm mạnh người nằm dưới đường kia. Sau cùng tên công an xếp sòng đến bên xe Phạm Văn Ðồng: “Báo cáo đồng chí thủ tướng, chúng tôi đã nói hết lời nhưng tên phản động kia không chịu đứng dậy đi. Xin đồng chí thủ tướng cho phép dùng “bạo lực cách mạng” để triệt tiêu bọn phản động dám ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của chúng ta.” Thủ Tướng Ðồng, sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, mở cửa xe bước ra, từ từ đến chỗ người đàn ông nằm. Và mọi người ngạc nhiên không hiểu thủ tướng nói gì mà người đàn ông vụt đứng dậy chạy một mạch băng qua ruộng, xuống dưới chân cầu, mất hút. Tên xếp sòng công an ngơ ngác. Sau khi mở cửa xe cho thủ tướng ngồi vào, hắn hỏi: “Báo cáo đồng chí thủ tướng, xin đồng chí thủ tướng cho biết đã nói gì khiến tên phản động phải bỏ chạy?” Thủ Tướng Ðồng ngó và mặt tên công an cười: “Tôi nói nếu anh không đứng dậy đi tôi coi như kể từ nay anh đã chính thức được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam.”

MỚI CẬP NHẬT