Thursday, March 28, 2024

Bụi và Rác (kỳ 38)

Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê. Tôi nhớ lại mấy ngày ở Nha Trang. Cái chết của ông anh tôi. Bọn ruồi xanh ruồi vàng nhảy vào chiếm đoạt ngôi nhà của một người vừa mới nằm xuống. Chị dâu tôi và chữ ký trên tờ giấy viết sẵn của tên công an. Từ sau ngày mẹ tôi khuất núi, chị như một bà mẹ.
Tôi biết chị lo sợ tôi bị tù tội. Nếu không có chuyện tôi bị bọn công an bắt làm con tin, chắc gì chị đã chịu thua. Nhưng chị cứu tôi mà chị không nghĩ là chị còn ba đứa con đang nằm trong các trại cải tạo. Những giọt máu của chị đang sống trong cảnh tù đầy và bầy con nheo nhóc của chị đang chờ ăn từng bữa.

“Thưa thầy.”

Một người trẻ tuổi dựng vội chiếc xe đạp ở lề đường gọi chào tôi.

“Kiệt! Trời ơi, lâu dữ. Sao nghe nói em về dưới quê? Ngồi xuống đây!”

Kiệt kéo ghế ngồi cạnh tôi. Mới có mấy năm mà Kiệt đã lớn hẳn.

“Em ở dưới mới lên chừng tuần nay. Em vượt biên bị bắt ngã Mỹ Tho. Bị giam cả sáu tháng trời.”

“Rồi lên trên này em ở đâu?”

“Em ở nhà dì em, ở khu Nancy . Mà lâu nay thầy có vô trường không?”

“Không. Tại sao?”

“Em cũng không vô trường, nhưng đứa em con bà dì của em nói trường cũng đã thay đổi thêm mấy đợt. Nhiều thầy, cô đã xin nghỉ hoặc vượt biên. Ông Hiên hiệu trưởng cách mạng cũng thôi rồi, thấy có biết không?”

“Ông Hiên bị mất chức sao?” Tôi ngạc nhiên.

“Dạ không. Người ta nói ông Hiên đã đổi ngành xin làm công tác sở giáo dục quận.”

“Cô Loan dạy sử địa là em ông Hiên có chồng làm tới đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã vượt biên với cả nhà. Người ta nói ông Hiên che chở cho chồng cô Loan khai gian không học tập, bây giờ trốn luôn.”

“Thiệt vậy sao?”

“Ðó là người ta nói vậy. Chớ em thì em nghe bà dì em nói bà vợ ông Hiên mới đây đã tự tử. Thành ra ông
Hiên tuyệt vọng, không còn tha thiết cách mạng nữa.”

“Tự tử. Bà vợ ông Hiên tự tử?”

“Dạ, dì em nói bả tự tử vì bên thành ủy được bên công an báo cáo rằng trong thời gian ông Hiên bị tù Côn Ðảo, bà Hiên ra vô Tổng Nha Cảnh Sát khai báo điềm chỉ chỗ ở của cán bộ nằm vùng để mong cứu chồng ra sớm. Hồ sơ đó vẫn còn nguyên trong Tổng Nha nên bên công an nắm được. Bà Hiên nói đó là vu cáo. Và bà tự tử. Ông Hiên bị hạ tầng công tác.”

“Không thể hiểu nổi!”

Tôi nhớ lại cái hình ảnh Hiên gọi tôi vào văn phòng hiệu trưởng. Ðó là một người đàn ông trung niên gầy ốm xanh xao. Hiên có dáng đi của một người lúc nào cũng như sắp ngã. Ðôi mắt luôn luôn nhấp nháy như sợ ánh sáng. Bàn tay trái hay sờ lên lỗ tai. Hút thuốc nhiều và không biết cười. Hiên thuộc loại người có cái bề ngoài đau khổ. Tiếng nói nhỏ gần như mất hết sức sống. Ðiểm đặc biệt: y là người trầm tĩnh.

Tôi nhớ lời phê của Hiên trên tờ giấy xin nghỉ của tôi mà sau này vô tình hay cố ý Sự đã cho tôi một bản.

Hiên xem tôi là một người phóng đãng trong một xã hội đồi trụy và phản động. Phóng đãng không phải là phóng khoáng. Tôi hiểu điều đó.

“Hạ tầng công tác?” như vậy là hạ tầng công tác sao?

Phóng khoáng hay phóng đãng, trắng hay đen, rốt cuộc rồi cũng vậy thôi.

“Chừng nào Kiệt về dưới?”

“Thưa thầy, cuối tháng.”

“Em có tính đi nữa không?”

Kiệt mở to mắt nhìn tôi dò hỏi. Ði hay ở là chuyện bình thường của người Sài Gòn. Vấn đề là có nên nói thật chuyện này với người đối diện hay không mới là điều đáng suy nghĩ. Bất cứ thứ gì ở Sài Gòn lúc này cũng có thể xảy ra. Người ta yêu nhau vội vàng, sống vội vàng, giành giựt vội vàng… Người ta tố nhau, lường gạt nhau, đâm chém nhau… chỉ vì một lý do rất tầm thường. Người ta sống như thể chút nữa đây người ta không còn có mặt trên cõi đời này. Những lời trăn -> trăng trối không nói ra nhưng ai cũng hiểu.

“Thưa thầy,” Kiệt hơi ngần ngừ, “em có chuyến đi vào cuối tháng, ngõ Rạch Sỏi, Thầy có muốn đi với em không?”

“Tôi cũng đang tính. Một người quen hứa cho một chỗ. Ngã Bạc Liêu. Nhưng mấy hôm nay không gặp ông ta. Ðiều kiện trong chuyến đi của Kiệt ra sao?”

“Em nghĩ là em có thể dành cho thầy một chỗ được. Nếu cô và em bé cùng đi thì em có thể bàn với chủ ghe. Có thể không đòi hỏi gì thêm đâu. Em bảo đảm mà!”

Kiệt ngập ngừng bưng ly cà phê lên uống ực một hơi như uống nước lạnh.

“Có lẽ em phải đi mua thêm mấy thứ lặt vặt. Thầy suy nghĩ. Chủ nhật em sẽ đến nhà thầy.”

MỚI CẬP NHẬT