Friday, March 29, 2024

Ca từ và bài kệ 1000 năm của Tăng Thống Khuông Việt



Viên Linh


 


Ngày 15 tháng 2 niên hiệu Thuận Thiên nhà Lý (nhằm ngày 22 tháng 3, 1011) vị Tăng Thống đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam là Thiền Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933-1011) viên tịch. Khi sắp mất, người đọc bốn câu kệ cho đại đệ tử Ða Bảo, mà bài kệ đó đã trở thành bất tử trong 1000 năm qua:


 










Tháp Bình Sơn tại Vĩnh Phú, thế kỷ XI. (Hình: Encyclopedia Hanoi Vietnam through 1000 pictures)


Mộc trung nguyên hữu hỏa


Nguyên hỏa phục hoàn sinh


Nhược vị mộc vô hỏa


Toán tại hà do manh?


Trong cây vốn có lửa


Có lửa, lửa mới bừng


Nếu bảo cây không lửa


Cọ xát do đâu bùng.


 


Khuông Việt thiền sư người ấp Sóc Sơn, làng Trường Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, thọ giới Cụ túc (chấp qui từ 200 tới 500 giới luật để thành Tỳ kheo) tại chùa Khai Quốc tại kinh đô Hoa Lư. Sư được Vua Ðinh Tiên Hoàng (925-979) phong làm Tăng Thống lúc mới 40 tuổi, được dự việc nước, việc quân đến chục năm, thời vua Lê Ðại Hành từng tiếp sứ nhà Tống vào năm 986. Trong dịp này sư sáng tác một bài “ca từ” tiễn đưa Nguyễn Giác, nhan đề là “Vương lang qui” (Chàng Vương trở về). Theo học giả Lê Mạnh Thát, người nghiên cứu đến gốc ngọn tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh, thì đây cũng là bài ca từ đầu tiên của văn học Việt Nam, và cũng có thể là một trong những bài từ đầu tiên của Trung Hoa nữa, trước cả ca từ của Tô Ðông Pha, Âu Dương Tu đời Tống. Từ là một thể ca dùng trong các cuộc đưa tiễn, thể loại này có 4 vế (mỗi vế 2 câu), câu đầu 7 tiếng, câu sau 5 tiếng, nhưng chỉ có 47 tiếng, vì trong vế thứ 3, câu đầu chỉ được dùng 6 tiếng. Nhưng cũng có những khác biệt.


Câu chuyện của sứ nhà Tống qua Việt Nam đã trở thành một giai thoại văn chương giữa hai nước, vì từ lúc tới cho đến khi về, sứ thần Nguyễn Giác đều làm thơ, cả thơ đối đáp, với các danh sĩ đời tiền Lê, (980-1009), lúc tới thì nghe thơ của pháp sư Ðỗ Thuận trong vai người lái đò, nên làm thơ tặng Ðỗ Thuận; khi về thì được mang về bài “Vương lang qui” của Khuông Việt:


 


Trời lành gió thuận, gấm buồm dương


Thần tiên về đế hương


Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang


Trời xanh xa dặm trường


Tình day dứt chén lên đường


Bịn rịn sứ tình lang


Nguyện đem thâm ý vì Nam bang


Phân minh tâu Thượng hoàng.


(Theo Lê Mạnh Thát)


 


Trong tác phẩm “Ngàn Năm Lịch Sử qua Thơ Cổ,” nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm đã cho in cả phần Hán văn và phần phiên âm, trong khi trong các sách khác, như Tinh Tuyển Văn Học Việt Nam tập 3 (Văn Học Thế Kỷ X-XIV) của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004, chỉ in bản dịch Việt ngữ như trong sách của Lê Mạnh Thát. Sách của nhà thơ Phạm Khắc Hàm không có bản dịch bài từ của riêng ông, thay vào đó là bản dịch của Trần Thanh Mại, số câu chữ gần sát đúng, nhưng có tới 50 tiếng, chứ không phải 47, và tác giả Ngàn Năm Lịch Sử qua Thơ Cổ cho rằng đây là “bài từ duy nhất” trong suốt ba triều đại thơ ca Lê Lý Trần! Lại là một bài từ ngoại giao. Ông kết luận, cho biết, Thiền Sư Tăng Thống Khuông Việt quả là một người cao kiến: ông dùng thể “Từ” với sứ nhà Tống, vì thời nhà Tống, thể Từ thịnh hành nhất, điều ấy cho thấy không qua Tầu nhưng Khuông Việt thấu rõ văn học Tầu lúc đó, và dùng ngay sở trường của giặc (ta mới đánh Tống đại bại ở Ải Chi Lăng), để nói chuyện với họ. Ca từ và Kệ của Thiền Sư Khuông Việt trong văn học Việt Nam tới nay là 1000 năm đã vô cùng cao viễn, dù ít oi và lẻ loi.


(27 tháng 2, 2012)

MỚI CẬP NHẬT