Thursday, March 28, 2024

Châu Long (Kỳ 30)


LGT:
Lưu Bình-Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 30


 


Nhà sư giật mình, từ ngày thế phát cho đến bây giờ, có ai biết tên và dám gọi tên cúng cơm của người ra đâu.


Ngảnh cổ lại nhà sư cũng kêu to:


– Chu Mạnh Tử!


Cả một quãng đời niên thiếu của hai người như diễn lại trước nhà sư và người lạ mặt.


Chợt sư cụ cảm thấy mình đã già… và nhớ lại là mình là vị sư Thích Thiên Kính!


Nét mặt hoan hỷ, mà từ bi… chắp tay chào Chu Mạnh Tử:


– Bần tăng xin kính chào quan Ngự sử… Hôm nay ngài hạ cố thăm bần tăng! Nếu ngài không chê bát cơm chay của cửa Phật, xin mời ngài ở lại thụ trai với bần tăng!


Chu Mạnh Tử vỗ vai nhà sư nói:


– Bạch sư cụ… rồi nói sẽ hơn, anh đã lên sư cụ rồi kia à?


Ông cười khà khà…


– Thôi từ hơn 20 năm nay chúng ta chưa được gặp nhau, anh hãy bỏ tiếng quan Ngự Sử… và tôi tạm quên anh là sư cụ… chúng ta uống rượu ngâm thơ… nhớ lại cái thời bần sỹ nghe được chăng? Ông bạn Trần Thiếu Tâm của tôi?


Nhà sư cười theo:


– Chu Mạnh Tử! Anh tưởng tôi quên lời hẹn trên bến sông Thương rồi chăng?


Chu Mạnh Tử ngâm:


– Tao khách văn nhân tri ky thiểu… yên ba giang thượng sư nhân sầu…


Trên bến sông Thương, trông theo dòng nước, bên đục, bên trong, anh và tôi đã chia tay nhau, mỗi người đi theo một vận mệnh, anh chỉ để lại cho tôi ba chữ Thích Thiên Kính, tôi nhìn theo dõi bóng anh… tới khi trăng lặn mới ra về, từ 20 năm nay tôi vẫn hằng mong nhớ, tôi chỉ ước mong trời Phật cho trước khi tôi về chầu tiên tổ… sẽ được gặp mặt anh một lần, mà càng mong càng mất.


Mỗi khi tôi được bổ đi làm quận tỉnh nào, tôi cũng đi thăm viếng các nhà chùa, họa may có gặp anh chăng?


Cách đây hai năm, huyện Cẩm Khê, có một nhà sư tên Thiên Kính từ trần… dân báo cho tôi hay, tôi chắc là kiếp này mình không gặp nhau nữa, tôi đang oán trách trời, nhất định đi bộ tới chùa, tiễn đưa anh về đất Phật, trước linh cữu anh tôi đã khóc mãi… không ai biết tôi với vị sư Thiên Kính liên lạc thế nào, ai cũng mủi lòng rơi lệ. Khi an táng nhà sư Thiên Kính xong, nhà chùa mời tôi ở lại uống nước trà, vừa mệt, vừa đau lòng sinh ly tử biệt, tôi nhận lời về chùa, vừa đi vừa nói chuyện đến vị sư Thiên Kính. Hỏi ra thì vị sư này thọ chưa đến lục tuần!!! Tôi ngờ ngợ là không phải là anh, hỏi kỹ ra thì chỉ có cái tên Thiên Kính là của anh thôi!


Bất giác tôi nghĩ đến vai trò, mà tôi mới đóng, tôi cười… cười ngất đi, cười vì sung sướng quá anh ạ, khi tỉnh dậy, tôi nằm trên cái giường tre của sư cụ, họ tưởng tôi khóc quá, hóa điên, không ai dám rời tôi một bước.


Tôi cũng không buồn giảng nghĩa cho mọi người biết vì sao có trận cười của tôi.


Linh hồn của nhà sư Thiên Kính cũng hiểu lòng dạ mà tha lỗi cho tôi.


Từ đấy tôi vẫn hết tâm tìm anh, thật là Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, cách đây một tháng, có người nói đến tên Thiên Kính thiền sư, không vội vã như lần trước, cho người đi dò xét kỹ xem có đúng thật là anh không?


Lý trưởng trong làng cho biết tên họ, quê quán của anh, tôi không còn nghi ngờ gì nữa, mới cho cầm thiếp hẹn ngày đến thăm anh.


Hôm nay trời quang mây tạnh, chúng mình sống lại vài ngày, hồi tưởng đến những ngày niên thiếu khác…


Vị sư nghe chuyện mà Chu Mạnh Tử kể, người vui quá, quên đứt là mình đã cắt tóc đi tu từ hơn 20 năm nay. Phút chốc trở thành người niên thiếu, hóm hỉnh của ngày xưa, người vỗ tay cười khanh khách, dắt tay Mạnh Tử tới trai phòng.


Nhà sư ghé miệng vào tai Mạnh Tử hỏi:


– À… cô hàng bán hoa, bây giờ ở đâu nhỉ? Anh còn nhớ không? Vì cô ta mà suýt nữa hai đứa mình tuyệt giao.


Mạnh Tử cười nói huyên thiên.


Chú tiểu Pháp Tâm pha trà, rót nước… từ ngày xưa đến bây giờ, chưa bao giờ chú thấy sư cụ vui như thế.


Tối hôm ấy, Chu Mạnh Tử ngủ lại ở chùa, hai người bạn cũ nói chuyện với nhau dưới ngọn đèn dầu lạc tới gần sáng mới đi ngủ.


Cả ngày hôm ấy Châu Long không phải hầu thầy, nàng định thu xếp quần áo vào cái tay nải, rồi vài hôm nữa xin phép thầy lên đường.


Bà vãi đã thấy nàng đang ở trong phòng, bà ngó đầu vào hỏi: Cậu Lương đấy à? Cái bài kinh mà hôm nọ cậu dậy tôi, mà từ ba hôm nay tôi chỉ nhớ lõm bõm thôi, cậu ngồi không… nhờ cậu đọc lại giùm tôi nào. Ðể khi nào mưa gió sấm chớp tôi đọc cho đỡ sợ.


Châu Long hơi bực mình, vì cái bà vãi này dốt quá! Dậy bao nhiêu lần mà vẫn không nhớ. Bất đắc dĩ, nàng phải mở cửa cho bà ta vào, bà mở gói bằng lá chuối ra, có cái bắp ngô nếp luộc, còn nóng hổi, đưa cho nàng. Rồi ngồi xệp xuống đất, vẻ mặt đực ra… vì thành tâm!


Nàng lấy sách ra nói đùa, đây, bà rỏng tai mà nghe đọc theo tôi nhé.


Vâng!


Nam mô cho êm tiếng sấm


Nam mô cho ấm tiếng chuông


Nam mô mười phương chư phật.


Nam mô trời đất chứng minh…


Nam mô các quan chúng sinh phù hộ…


Nam mô đại lộ thần quan…


Nam mô tai nạn thoát qua…


Nam mô sáu chữ di đà…


Lòng ngay tôi giữ, gian tà mặc ai…


Nam mô bản sư thích ca mâu ni phật!


Bà ta cứ đọc vài câu lại hỏi: nam mô cái gì kia hở cậu? Cậu đọc lại, tôi quên mất rồi, nàng đang định xếp sách kinh lại, thì bà vãi năn nỉ… hay là cậu viết ra giấy cho tôi đeo vào dải yếm, cũng như đọc chứ gì?


Nàng bật cười, bà vãi có biết đọc đâu! Xong lòng thành, tin tưởng Phật thật là vô bờ bến!


Châu Long muốn bà vãi ra ngoài để mình dọn quần áo, thì bà cứ nheo nhéo mãi, nàng dỗ: Vâng bà cứ xuống bếp làm việc đi, ngày mai tôi sẽ viết cho bà.


Sung sướng, bà vãi cám ơn rối rít, rồi ra khép cửa cho nàng nghỉ.


Nàng thở dài, khoan khoái, lấy quần áo đàn bà, xếp xuống đáy tay nải. Ðùng một cái, chú Tiểu mở toang cửa chạy vào phòng! Nàng quơ hết cả áo phụ nữ, vo viên đút vào tay nải…


Chú tiểu tò mò hỏi:


– Gớm, anh làm gì mà vò quần áo nhanh thế? Rồi ghé vào tai nàng nói: Thầy đang nói chuyện anh với ông bạn đấy.


Mở to mắt… nàng hỏi:


– Chuyện gì? Thầy nói gì về tôi?


Láu lỉnh, Pháp tâm bảo:


– Tối nay anh giúp tôi giã gạo… tôi sẽ nói chuyện gì… cho anh nghe.

MỚI CẬP NHẬT