Friday, March 29, 2024

Châu Long (Kỳ 31)


LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 31


 


Châu Long nóng muốn nghe xem hai ông bạn nói gì về mình? Hay là họ biết mình là nhi nữ chăng? Nghĩ tới đây… mồ hôi nàng toát ra, tai đỏ rực.


Pháp tâm vô tình nói thêm:


– Anh thẹn à? Làm gì mà đỏ mặt lên thế? Giá anh xõa tóc xuống… thì ai cũng bảo anh là con gái!


Nàng giật mình, chắc chắn là khi nàng đang viết kinh thì cái thằng ranh con này đã lục lọi tay nải của nàng, nên nói như thế để dò ý nàng.


Tức bực, nàng nói xẵng:


– Gớm! Cái chú tiểu này định tu làm sư hổ mang hay sao đây? Mà chỉ nói nhảm cả ngày, không sợ tội với đức phật sao?


Pháp tâm thấy nàng nổi nóng, hoảng sợ, vội dịu giọng, thôi, nếu anh không muốn giã gạo tối nay cũng không sao, tôi cũng kể cho anh nghe chuyện mà thầy đã nói với ông bạn đấy.


Châu Long biết là thế nào chú Tiểu cũng kể cho nàng nghe nên hạ giọng:


– Tôi đã hứa là tối nay đỡ chú giã gạo, là thế nào tôi cũng làm, tối nay lên phòng gọi tôi.


Pháp tâm gật đầu, ra ngoài.


Nàng ngả lưng xuống trỏng, nhìn lên mái nhà, chiếc nhà ngói, mấy cái gỗ rui đen nhoáng, tầng trên cao, mạng nhện chi chít, nàng muốn không nghĩ đến ai, đến, chuyện gì… đếm từng hòn ngói một.


Pháp Tâm khe khẽ đập vào tay nàng gọi:


– Anh Lương? Anh ngủ đấy à? Xuống giã gạo với tôi không?


Châu Long choàng dậy, mình ngủ từ bao giờ? Pháp Tâm đã đến lâu chưa? Nàng băn khoăn nhìn vào tận mắt chú Tiểu.


Pháp Tâm tủm tỉm: Anh còn ngái ngủ phải không? Gớm, anh ngủ nói mê lầm nhầm.


Cứ để Pháp Tâm nói, nàng không trả lời, đi theo xuống nhà giã gạo. Chú Tiểu thắp đèn, đổ thúng gạo mới say vào cối, cả hai dận chân lên chiếc chầy bằng gỗ lim, nặng trình trịch, tay níu vào dây thừng buộc trên mái nhà, hai người dịp dàng giãn chầy giã gạo.


– Thầy đã đi ngủ chưa?


– Ðâu có cả hai người còn đang ngồi uống nước trà… không biết ngày xưa hai người thân nhau thế nào… mà thầy bảo tôi mang cái hỏa lò, than tầu, siêu nước, bình trà, rồi thầy bảo để thầy đun nước pha trà một mình, không cần đến tôi hầu nữa, cho phép tôi đi nghỉ.


Châu Long muốn biết vị sư đang nói chuyện gì về nàng, bèn giả vờ khát nước, lấy cớ đi uống nước để mặc Pháp Tâm một mình. Xuống nhà dưới, qua phòng bà vãi… nàng nghe tiếng ngáy của bà ta ầm ầm như người xay lúa!


Trên thư phòng ngọn đèn bạch lạp vẫn còn chiếu sáng… mà xa quá, nàng không biết hai người còn ngồi uống trà, nói chuyện, hay đã đi ngủ rồi.


Rón rén, qua sân tới gần cửa thư phòng, nàng nghe rõ tiếng cười vang của nhà sư trong đêm vắng, lánh ra sau nhà, ngồi lẳng lặng nghe…


– Này… Trần Thiếu Tâm! Ðời anh bây giờ, thật là thanh nhàn cửa Phật! Sớm chiêu… chiều mộ, chắc hồn anh cũng siêu thoát theo gót đức Thế tôn luôn luôn đấy nhỉ? Còn tôi không thể trốn việc quan đi ở chùa được như anh đó!


Quan Ngự Sử, nói xong cười vang… nhà sư cũng vui không kém vui.


– Chu Mạnh Tử… anh chỉ nói đến đời tôi… còn anh? Từ hai mươi năm nay anh bước lên con đường vinh hiển, quan cao, chức trọng, chẳng hay anh đã sinh ra được bao nhiêu quý tử?


– Tôi thành gia thất hai năm, trước khi được bổ đi làm Tri Huyện Cẩm Khê… tiện nội cũng là con nhà gia giáo, vẫn ở nhà… thờ chồng, nuôi con, trời cho chúng tôi một trai một gái, cháu gái tên là Vân Lan năm nay 15 tuổi, đã hứa hôn cùng con trai ông bạn đồng khoa, nay mai tôi cũng cho cháu tiến kinh để gặp vị hôn phu của nó… khi nào làm lễ Thành hôn cháu, tôi sẽ được hân hạnh mời anh, chắc anh nghĩ tình bằng hữu, cố giao… không nỡ chối từ.


Còn thằng con trai của tôi, tên là Chu Mạnh Ðức, mới có tám tuổi thôi, mẹ nó nuông chiều… nên cháu còn dại lắm!


Mỗi khi tôi đi vắng… như thế này, ở nhà toàn đàn bà, chắc nó buồn, vì nó rất quấn quýt với cha.


– Sao anh không mang cháu đến chùa cho nó vui!


– Tôi sợ lại bị nhầm như lần trước… thì cả hai cha con cùng điên… hỏng cả! Nếu tôi kiếm được một tên Thư đồng cho Mạnh Ðức, thì đi đâu tôi cũng mang nó đi.


– Bao giờ anh sẽ tiến kinh?


– Vào khoảng hơn một tháng nữa.


Nhà sư nghĩ ngay đến Châu Lương, nói nhỏ hơn với bạn:


– Tôi có một người học trò nghèo, ở trong chùa đã gần một năm nay, tôi yêu hắn lắm, tuy thân hình hắn mảnh khảnh yểu điệu như con gái… mà tính nết hiên ngang, học hành lỗi lạc, hắn muốn tiến kinh tìm một người bà cô, vì nghèo lắm, phải vừa đi… vừa làm… lấy tiền lộ phí. Tôi coi hắn ta như học trò của tôi vậy! Ðây, anh coi quyển kinh Bồ Tát, sư cụ đứng lên đi ra án thư lấy quyển sách mà Châu Long đang chép dở, đưa cho Chu Mạnh Tử xem.


Mạnh Tử đeo kính lên mắt, soi đèn lại gần… gật gù… Chữ rất tốt, tỏ chí trượng phu…


Mà quái lạ! Sao nét ngang, nét phẩy, lại yểu điệu như phượng múa trước long đình!! Môn đồ của anh còn ở trong cửa Phật không?


– Còn… hắn muốn đi lắm, xong tôi thương người thư sinh yếu ớt, muốn tìm người cẩn thận… gửi gắm cho hắn đi theo. Chắc môn đồ của tôi cùng anh có duyên hội ngộ! Nếu hắn ta có diễm phúc được anh nuôi làm Thư đồng… giúp hắn vô kinh, hắn sẽ được cơm no, áo ấm đi theo hầu anh thẳng tới kinh thành, và cháu Mạnh Ðức lại có bạn trai, hắn sẽ giúp Mạnh Ðức học thêm, thì tôi mới yên tâm… và cảm ơn anh… trời phật sẽ độ cho gia đình anh phúc như Nam Hải… thọ tựa Nam Sơn! Anh nghĩ sao?


Chu Mạnh Tử chưa trả lời vội… như các nhà nho, ông lẳng lặng nhìn theo làn khói tỏa trên ngọn bạch lạp… xa xăm. Rồi chậm chãi trả lời:


– Liệu tôi có thể xem mặt hắn ta? Nếu được, tôi sẽ bàn cùng tiện nội.


Nhà sư hiểu ý gật đầu.


Châu Long ngồi bên ngoài… đã nghe rõ hết câu chuyện mà hai ông bạn tâm tình… đời của nàng sẽ sắp đi tới một quãng khác, phó mặc cho vận mệnh run rủi, đến đâu hay đấy!


Lòng hoang mang, hối hận, sư cụ thương nàng như một đứa con, từ hơn một năm nay… người đã hết lòng dạy dỗ, không một phút nào mà nhà sư nghĩ nàng là phận gái! Nàng tự thẹn… đã lừa dối nhà sư. Nếu việc vỡ lở ra, thì… nhà sư sẽ mang tiếng với đời, lòng nhà sư trong như nước suối! Ðức nhà sư rộng như Nam Hải, nàng hối hận quá!!


Rời nơi thềm cửa Thư phòng, rón rén lên tam bảo vào điện phật thắp đèn hương trước tượng Quan Âm Thị Kính, quỳ xuống đất khấn:


Con kính lạy đức Quan Âm Thị Kính. Chỉ có ngài mới hiểu được hoàn cảnh của con! Vạn bất đắc dĩ… con phải nói dối thầy. Lòng con trinh bạch. Ơn thầy dạy dỗ. Con chưa có chút gì để báo đền công đức người, nếu sau này, con gặp được Dương Lễ, con nguyện sẽ về đây lạy tạ công đức của thầy, và thắp hương kính lạy người. Con cầu xin người che chở cho mắt trần không biết được con là phận gái. Nếu có xảy ra điều gì oan trái… có người biết con là nhi nữ… trong một năm trời ở cùng với sư cụ, thì… thà con bội lời thề cũ với Dương Lễ, mà tự vẫn để rửa sạch tiếng oan cho thầy! Nói đến đấy… hai hàng lệ ngọc lả tả rơi xuống áo nàng.

MỚI CẬP NHẬT