Friday, March 29, 2024

Châu Long (Kỳ 33)


LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 33


 


Nàng thầm cảm ơn sư cụ, tủm tỉm cười. Châu Long say rượu!! Ðôi mắt huyền lóng lánh. Má đỏ hồng hồng, nàng cảm thấy trong mình nóng quá!


 Chưa có bao giờ nàng bị như thế! Muốn nói mà líu lưỡi… nàng xin phép thầy và quan Ngự Sử đứng lên, mà vừa đặt chân xuống đất… ngã lăn kềnh ra!


Nhà sư và ông bạn, biết là nàng say rượu, cả hai cùng vực nàng vào trong phòng, đặt lên giường, kéo chăn đắp lên mình cho nàng ngủ.


Sâm sẩm tối nàng mới hồi tỉnh dậy, đầu nhức, mắt hoa… nàng cố nghĩ lại hồi buổi sáng, mà không làm sao nhớ lại một tý gì. Cố đứng lên… lại lảo đảo, muốn ngã, lại gục xuống giường, tự nhiên nàng khóc, khóc vì bực tức, vì nhức đầu… vì không biết bây giờ là mấy giờ? Mà làm sao nàng lại nằm trong giường? Khi khóc hết nước mắt, thấy trong mình nhẹ nhõm, mà cái nhức đầu cũng theo nước mắt mà biến đi mất.


Châu Long đứng dậy, sửa sang lại quần áo, chải lại đầu, quấn lại khăn, rồi ra vại nước lấy hai bàn tay múc nước vỗ lên mặt, nước lạnh làm cho nàng tỉnh hẳn, soi bóng mình trong vại nước, thấy đôi mắt còn rất đỏ, nàng lại lấy khăn mặt rấp vào nước lạnh đắp lên mặt…


Nhà sư đứng trên thềm vẫn nhìn nàng không bỏ sót một cử chỉ nào của nàng từ khi ở trong phòng bước ra.


Dịu dàng, người đến gần Châu Long nói:


– Lương! Con khóc làm gì? Con vẫn biết thế nào cũng có ngày con phải rời bỏ nơi cửa phật, phải xa thầy… xa bạn vậy con hãy nén nỗi buồn vui vẻ lên cho thầy an dạ.


Nàng biết là nhà sư hiểu nhầm, nàng đâu có khóc vì cảnh biệt ly, xong không sửa lại, lần đầu tiên, nàng nắm hai tay nhà sư. Quỳ xuống sân gạch hãy còn ướt vì nước mưa.


– Ơn thầy dạy dỗ, con xin ghi lòng tạc dạ, con cầu xin Thượng Ðế tối cao, và các chư Phật từ bi, cho con có một ngày về đây kính lạy tạ ơn thầy…


Tiếng gót giầy của Chu Mạnh Tử làm nàng phải đứng lên, nhà sư ngảnh lại nhìn bạn.


– Thế nào? Con đã khỏi say rượu chưa? Nước lã dã rượu đó, hành lý của con đâu? Ðể ta cho người ra bến thuyền, gọi gia đồng lên bưng đỡ con.


Nàng vội đỡ lời:


– Kính thưa thượng quan, hành lý của tiểu sinh có gì đâu… mà phải phiền đến người nhà, tiểu sinh xin phép Thượng quan cho đi ngắm lại cảnh chùa… từ biệt chú Tiểu Pháp Tâm và bà vãi, rồi tiểu sinh xin theo ngài xuống thuyền.


Chu Mạnh Tử gật đầu.


Châu Long đi ra vườn, ngắm nốt một lần cuối cùng phong cảnh thanh tịnh của nơi đất phật, mỗi cụm hoa, một hàng cỏ, tay nàng vun tưới, cây Ðào, cây Mận, cũng tay nàng xén lá, tỉa hoa, cảnh vật như u buồn níu nàng ở lại, nàng vuốt ve mấy đóa hoa hồng, con chó của nhà chùa cũng coi nàng như bạn cố tri, nó cứ quanh quẩn ở chân nàng, liếm tay nàng, nó dí sát vào người nàng như muốn nói gì.


Châu Long ngồi xuống đất, đầu con vật đặt lên đùi nàng… nó đợi… nàng xoa đầu nó, nói với nó như đứa trẻ con:


– Vện! Vện ở lại nhé, hôm nay ta rời cảnh chùa, xa lìa thầy ta, xa tất cả những người đã giúp đỡ ta trong khi ta phiêu bạt như chiếc lá rụng giữa rừng, cửa phật từ bi… đã mở rộng đón ta… ta đã sống trong một năm trời êm ấm, nay nhờ có dịp may, ta ra đi, xong ta nguyện có ngày trở lại, viếng cảnh cũ, người xưa, chắc Vện còn nhớ ta chăng?


Con Vện nhìn nàng, nó liếm tay nàng rên rỉ… như muốn nói là nó hiểu lòng nàng rồi, nàng cứ ra đi… nó sẽ giữ kín những câu tâm sự mà nàng đã nói với nó…


Khăn gói đã sẵn sàng từ lâu! Chỉ việc đeo lên lưng, tất cả gia sản, hành lý của nàng có thế thôi, quay lại nhìn chiếc giường tre, chiếc ghế gỗ, cái dĩa đèn dầu lạc, nàng nhớ tiếc… thở dài, rồi ra ngoài khép cửa lại.


Chú tiểu và bà vãi còn ở ngoài ruộng dâu chưa về.


Quan Ngự Sử đã mặc khăn áo chỉnh tề, đứng đợi nàng.


Nhà sư đứng bên cạnh bạn, hai tay chắp lại như khi niệm phật, nét mặt tuy điềm đạm, song nàng cảm thấy nhà sư không bình tĩnh như mọi ngày.


Nàng cúi lạy nhà sư.


– Bạch thầy… con xin tạm biệt thầy, khi con gặp bà cô ở trong kinh, con sẽ nhắn tin để thầy an dạ.


Trấn nỗi buồn, nhà sư nói:


– Nam mô a di đà phật… thầy cầu chúc cho con lên đường thượng lộ bình an… thôi… đi… đi con! Người quay mặt lại phía Chu Mạnh Tử:


– Bần tăng rất hân hạnh được người hạ cố tới cửa phật thăm bần tăng… nay bần tăng xin kính chúc quý quyến tăng phúc tăng thọ. Nam mô a di đà phật…


Quan Ngự Sử không nói gì… có lẽ vì cảm động, ông không muốn cho ai biết là ông cũng mủi lòng trước cái cảnh chia ly của hai thầy trò nhà sư.


Ông rảo bước đi trước, nàng theo sau, nhà sư tiễn hai người ra tận bụi tre ngoài cổng, nhìn theo dõi khi khuất bóng mới trở vào chùa.


Thỉnh thoảng Châu Long ngảnh cổ lại, nhìn… lối cũ… đường xưa, nàng muốn con đường đất này cứ dài mãi mãi, cũng con đường ấy… mỗi khi mưa rét, nàng rất ngại đi, ngày ấy thấy nó dài làm sao! Mà hôm nay nó thu rút lại.


Lặng lẽ, không ai nói với ai… phút chốc đã tới bến đò.


Chu Mạnh Tử ngừng bước lại gọi Châu Long:


– Mình tới bến rồi con? Mà bắt đầu từ đây ta không muốn con gọi ta là thượng quan… mà gọi ta là thầy nghe!


– Bẩm. Vâng!


Ông dơ tay vẫy, một chiếc thuyền tiến lại, bốn người thủy thủ. Một người đưa tay dắt ông vào trong khoang.


Người ấy nhìn nàng dò xét… Ông vẫy tay nói:


– Vào đây con!


Rồi ông nói với người thủy thủ:


– Ðây là người thư đồng mới của ta, tên là Lương.


Rồi ông nói với Lương:


– Mấy người lái đò này là lính lệ của ta, nếu con có cần gì thì con hỏi họ, họ sẽ giúp.


Châu Long cúi đầu chào mấy người đó.


Bước vào trong khoang thuyền, rộng rãi, sạch sẽ… trời đã tối, tên lính hầu thắp cái đèn treo, dọn mâm cơm đặt lên trên bàn, rồi mời Chu Mạnh Tử xơi.


Châu Long ngồi bên ngoài ăn cùng với mấy người lính, vì là sợ quan trên nghe thấy… họ chỉ mời nhau qua loa rồi không ai nói gì trong bữa ăn.


Nàng tự nhủ: đêm nay ta thân gái một mình, xung quanh bọn người đàn ông lạ… ta phải đề phòng, làm sao cho họ không nghi ngờ mình là con gái!


Cơm xong Chu Mạnh Tử gọi người hầu vào dẹp mâm cơm, rồi gọi nàng:


– Lương! Vào pha nước trà cho thầy, công việc của nàng trên thuyền chỉ có hầu trà, xếp dọn giường chiếu và sách vở của ông thôi, ngoài những bữa cơm, ông không muốn cho nàng chung đụng với mấy người lái đò, và lính hầu.


Châu Long lúi húi róm than vào trong cái hỏa lò, đặt cái siêu nước đun sôi, rửa ấm chén.


Chậm rãi pha ấm nước trà… bưng hầu quan… nàng đứng đợi xem thầy còn sai bảo gì nữa không.

MỚI CẬP NHẬT