Thursday, March 28, 2024

Châu Long (Kỳ 34)


LGT:
Lưu Bình-Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.

 

Kỳ 34

 

Uống nước xong, ông đeo kính lên, lấy sách ra đọc, ông hỏi nàng đã học đến đâu… nhà sư đã dạy nàng những sách gì?

Nàng trả lời minh bạch, không ấp úng, ông rất thích trí… vì có người nói chuyện bình văn lúc đêm khuya.

Nàng muốn xin phép thầy đi nghỉ… ông đã chỉ tay đến chiếc chõng tre nhỏ nói:

– Tối nay con ngủ trong khoang, bên ngoài sương lạnh.

Nàng dùng mình… không biết có nên nằm cùng trong khoang với ông này không?

Ban ngày ông nhìn mình hau háu! Có lúc lại khen ta mềm mại như con gái, nếu ban đêm ông ta mò… thì ta biết kêu ai!!!

Mà nếu từ chối xin ra ngoài ngủ… thì còn bọn người lính lệ. Ngủ trên ván thuyền, chẳng nhẽ ta lại xin nằm chỗ khác! Ðang chưa biết tính sao… thì Chu Mạnh Tử lại nói:

– Ðêm qua con say rượu còn mệt, con nên thay quần áo đi nằm…

Nàng nhận lời ngay cho ông yên tâm:

– Dạ, thưa thầy, con xin phép rũ chiếu, buông màn để thầy đi nghỉ ạ.

Ông gật đầu. Nàng đứng lên ra làm giường cho ông chủ. Thỉnh thoảng nàng nhìn trộm xem ý tứ ông ra sao, thấy ông vẫn điềm nhiên xem sách… nàng yên tâm.

– Thưa thầy, cho phép con dọn dẹp án thư, sách vở… rước thầy đi nghỉ ạ.

Ông ngáp dài… vươn vai, đứng lên cởi cái áo dài, uống nốt chén trà còn dở… rồi vào trong màn ngủ.

Châu Long ghép màn cho thầy, quay ra dọn dĩa chén, nàng cố làm thật lâu… đợi cho ông ngủ… mới đi nằm.

Ghé vào trong màn, thấy ông đã ngủ, tiếng ngáy đều đều… nàng tắt đèn, cởi chiếc áo ngoài, lấy cái tay nải làm gối, đặt mình nằm trên chõng.

Vì lạ nhà… lo cho tương lai vận mệnh, nghĩ quanh, nghĩ quẩn, không ngủ được, những tiếng sóng nước vỗ vào mạn thuyền, tiếng ngáy của mấy người lính ở bên ngoài, cái đêm nay… sao mà dài thế!

Trở dậy nàng khẽ hé cửa khoang trông ra ngoài, ánh trăng tỏ sáng, trên màn trời xanh thẫm, cho chít những vì sao… lóng lánh, Châu Long tìm ông Thần Nông.

Nàng còn nhớ, khi còn bé, mỗi đêm trời đẹp như đêm nay, hai cha con nàng vẫn ngồi trên thềm nhìn lên trời, cha chỉ cho nàng những vì sao hợp lại thành ông Thần Nông đội mũ cánh chuồn… những ngày đầm ấm ấy… nay chỉ còn lại trong trí nhớ mà thôi.

Vầng trăng tròn vành vạch, cây đa vẫn còn… mà thằng Cuội đi đâu nhỉ?

Thuyền vẫn từ từ trôi, hai bên bờ sông những hàng cây rủ xuống nước, nàng đếm từng cây một, rồi đoán, cây này… là cây gì… cứ ngồi thế cho tới khi trời bắt đầu tang tảng sáng.

Ở trong màn, Chu Mạnh Tử ho sù sụ, Châu Long vội bước vào khoang thuyền, ghé mình lên trên chõng giả vờ ngủ….

Mạnh Tử ngồi dậy, mở màn, đi lẹt xẹt ra cái án thư, rót chén nước, hút điếu thuốc lào, nàng giả vờ nhắm mắt ngủ, ông quan nhìn về phía giường nàng, rồi lại trèo lên giường nằm nghỉ.

Không biết nàng chợp ngủ tự lúc nào? Khi mở mắt ra trời đã sáng bạch, Chu Mạnh Tử đang ngồi uống nước trà, ông dậy đã từ lâu, không muốn gọi nàng dậy, ông đã đun nước pha trà một mình.

Nàng tự hỏi:

– Thầy dậy từ bao giờ? Sao không gọi ta? Ta là thư đồng kia mà!

Công việc lau án thư, trà nước là của ta, hay là thầy rình ta chăng? Nàng cố nghĩ xem là đêm nằm mơ những gì? Có nói mê không? Mà không thể nào nhớ lại được.

Châu Long ngồi dậy sửa lại áo khăn, rồi lên tiếng:

– Thưa thầy đã dậy ạ, con đi pha nước hầu thầy…

Chu Mạnh Tử nhìn nàng từ đầu đến chân hỏi:

– Ðêm qua con có ngủ được không? Thầy dậy đã từ lâu… mà ta muốn cho con nghỉ, ở trên thuyền ta có lính hầu. Bao giờ tới nhà… con sẽ được hầu ta nghe!

Tiếng nói êm đềm, mắt ông nhìn thẳng thắn, nàng hối hận, vì đã nghi oan cho ông.

Còn hai ngày nữa đi trên dòng sông phải tiếp xúc với mấy người đàn ông lạ.

Nàng nhất tâm coi ông thầy mới này như là sư cụ, là thầy học của nàng.

Mà khi thuyền cập bến, ta sẽ gặp những ai? Sẽ sống chung đụng với bao nhiêu người? Bao nhiêu lâu? Những người ấy sẽ đối với nàng thế nào? Chưa bao giờ sống trong hoàn cảnh tôi đòi.

Mặc dầu là Chu Mạnh Tử coi nàng như người học trò. Nhưng nhà sư đã nói là ông quan này kiếm người thư đồng kia mà.

Châu Long sẽ đủ cơm ăn, áo mặc, biết đâu ông lại trả công nữa…

Ðời oái oăm thật! Nếu nàng là con nhà có của, cha mẹ nàng còn sống. Tuổi vừa thanh xuân, biết đâu là nàng chẳng có gia đình rồi.

Trời đã cho nàng đẹp gái, thông minh… lại xui khiến cho Lễ đến làm việc giúp mẹ nàng, rồi cùng nàng chỉ non thề bể, từ bấy đến nay… không hợp mà tan! Mới mười mấy tuổi đầu, mà chịu đựng bao nhiêu là thảm họa.

Bóng chim tăm cá, biết Lễ ở đâu mà tìm? Cũng chẳng biết là Lễ còn nhớ lời ước xưa… hay là học thành tài, đã bội lời thề mà tham phú phụ bần chăng?

Nghĩ đến đấy… nàng muốn xóa hết cả quá khứ, muốn thú thật với thầy mình là phận gái!!

Một làn gió lạnh lướt trên má nàng, làm nàng rùng mình, đứng lên đi ra mũi thuyền.

Xem người lái đò hai tay rẻo rang đẩy những mái chèo trong làn nước bạc… con thuyền vẫn ngoan ngoãn từ từ trôi, không biết trong đầu hắn ta có suy nghĩ như nàng không?

Cất tiếng chào… Chào bác… đêm qua bác ngủ ngon không? Sáng nay trời hơi lạnh bác nhỉ? Mình đi còn mấy ngày nữa thì tới nhà?

– À, đây mình qua làng Trọi.

Tiếng sóng vỗ đều đều vào mạn thuyền, anh lái đò cất tiếng hát xẩm, giọng ai oán, não nùng.

Sáng trăng xuông, mà sáng tỏ cái đêm hôm rầm… nửa đêm về sáng… trăng bằng cái ngọn tre… anh trót yêu em… thì yêu cho trọn một bề… để em tha thẩn… ngồi kề dưới bóng ông trăng… cái sự tình này mà thấu cho chăng? Ðể em… là em thơ thẩn dưới bóng ông trăng chịu sầu… cái mối tương tư… một dịp dôi, ba cầu… Bắc nam… là nam đôi ngả, chịu sầu… là sầu đôi nơi. Cái con chim khôn… chết mệt về mồi… nó kêu… là kêu ríu rít đợi người… là người… tình quân.

Tiếng hát xẩm của anh ta đi sâu vào tim não nàng… những lời ca như mũi tên cắm vào tim nàng… tâm sự của nàng lúc này chỉ có trời biết… đất biết.

Mênh mông dưới nước trên trời… một con tầu chạy… một người một trăng.

Ðang ngao ngán thương thân trách phận, không biết mình sẽ trôi rạt vào đâu? Mà bây giờ Lễ ở đâu? Có biết là nàng đang đi tìm không?

Câu: Cái con chim khôn chết mệt vì mồi… Châu Long tưởng mình là con chim khôn… mà Lễ là mồi vậy?

Lại nghĩ đến câu sách dạy: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng… nàng với Lễ đúng ra thì thật vô duyên! Trong mấy năm trường Lễ ăn, ở trong nhà nàng thì cả hai cùng dửng dưng… đến khi Lễ từ biệt ra đi… lúc ấy mới hứa cùng nhau trăm năm đầu bạc!

Biết đâu cái ngày trời cho hội ngộ… thì hai mái tóc xanh đã điểm hoa râm?

MỚI CẬP NHẬT