Thursday, March 28, 2024

Châu Long (Kỳ 44)

LGT: Lưu Bình-Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và Người Việt Online.


 


Kỳ 44


 


Vì nghèo ốm, không đủ sức nuôi con.


Ông đành gửi đứa con lại cho một gia đình giầu có mà không có con… người ta xin đem cô bé về làm con nuôi, người cha tự tử chết…


Cô bé được cha mẹ nuôi chiều chuộng, yêu thương, nên mười năm sau cô trở thành một cô gái dậy thì rất đẹp. Cô chỉ nhớ mang máng về gia đình thật của mình. Xong không còn ai nhớ đến nhà cửa của vợ chồng người tiều phu bất hạnh ấy nữa, cô còn hơi nhớ lại chuyện vết sẹo ở trên da đầu… là vì người anh bất hạnh đã vô ý gây ra vết thương này… thế thôi, cô yên trí là người anh đã bị cọp ăn mất từ hồi còn bé.


Ðến năm 17 tuổi. Cha mẹ nuôi của nàng cũng theo nhau tạ thế. Nàng kết hôn cùng một người con trai của một gia đình buôn bán ở miền biển xa.


Hai vợ chồng thật là phải đôi vừa lứa, khi có một đứa con trai. Người chồng muốn trở lại nơi chôn rau cắt rốn ở miền núi rừng mà những phong cảnh ấy không bao giờ anh quên, cả hai vợ chồng bồng đứa con nhỏ về quê cha đất tổ của cha nó.


Ðời sống của cái gia đình đầm ấm ấy… thật là hạnh phúc, cả hai người cùng đang tuổi thiếu niên, khỏe mạnh, đứa con trai kháu khỉnh dễ thương, được cha mẹ quý như hòn ngọc, những ngày hạnh phúc ấy họ mong cho không bao giờ hết, hay có điều gì mà phá nổi!


Một buổi nắng chiều trong cơn gió mát thoang thoảng trên thềm, đứa con đang ngủ trên chõng bằng tre, nàng vừa trông con ngủ vừa hưởng gió mát…


Âu yếm, người chồng lại gần nói, em ra đây anh nhổ tóc bạc cho… nàng đã làm gì có tóc trắng! Ngoan ngoãn… nàng cúi xuống xổ mái tóc dài đen lánh, rồi ngồi xuống đất quay lưng trước mặt chồng, để anh bới tóc tìm những sợi tóc bạc mà trên đầu người thiếu phụ ấy đã làm gì mà có tóc bạc!


Chưa trông thấy một sợi tóc trắng nào… anh đã vạch ra một vết sẹo chừng một tấc… Tóc không mọc trên da ở chỗ này, anh hỏi vợ:


– Em bị ngã từ bao giờ? Mà em không nói chuyện này cho anh nghe?


Người thiếu phụ âu yếm nhìn chồng trả lời:


– Chuyện ấy xa lắm rồi… anh ạ! Từ ngày em mới độ ba hay bốn tuổi gì đó, nàng cố tìm trong trí nhớ trong đầu.


Em có một người anh hơn em bảy tuổi, giá anh của em mà còn sống thì năm nay cũng bằng tuổi anh đấy, cha mẹ chúng em đi vắng nhà, anh của em ngồi róc cây mía ở trên thềm… em bò chơi ở dưới đất, anh vót mạnh quá, sẩy tay… con dao chém vào đầu em, em bị mất nhiều máu quá, ngất đi… anh của em tưởng là em chết, bỏ nhà đi đâu mất, cha mẹ em lùng kiếm khắp nơi trong rừng sâu, núi thẳm, không có vết tích gì của anh… người ta đồn rằng: có cậu bé bị cọp vồ, rồi mang vào rừng ăn thịt… mẹ em vì thương nhớ con trai độc nhất, buồn quá, bỏ ăn, bỏ ngủ, mắc bệnh mà từ trần, cha em một mình gà sống nuôi con, thân thể hao mòn. Con còn bé dại. Cha em đành rứt tình phụ tử. Gạt nước mắt, mà đem em cho một gia đình khá giả nuôi em, có lẽ cha em cũng chết rồi anh ạ, may mà trời cho em gặp anh… thay cha mẹ em mà che chở cho em, chứ không thì em cũng buồn mà chết theo cha mẹ.


Khi nàng kể xong câu chuyện, thì người chồng lặng lẽ vuốt tóc vợ… nước mắt chảy dòng dòng…


Người thiếu phụ nhầm tưởng là vì chuyện cũ của nàng, vì thương yêu vợ mà chồng nàng khóc! Nàng lấy vạt áo lau nước mắt cho chồng.


Bắt đầu từ phút ấy… người chồng như người mất hồn, không cười, không nói… cũng không dám nhìn tới mắt đứa con ngộ nghĩnh nữa.


Ôi! Ðau buồn! Anh muốn đập đầu vào tảng đá chết đi cho hết kiếp phong trần…


Xong anh thương vợ… thương con anh quá!


Trời ơi! Trời độc địa làm sao! Khi anh mười tuổi… trời đã cứu vớt anh, khi anh bỏ nhà ra đi, nhảy xuống dòng nước bạc tự tử, lại xui khiến cho anh gặp người từ tâm, đã vớt anh lên chữa chạy, rồi nhận làm con nuôi.


Ngày nay lại bắt gặp người em ruột, mà lại là người vợ yêu quý của anh!!!


Người vợ hiền… anh đã trao đổi cả một mối tình yêu không bờ bến.


Một đứa con vừa đẹp vừa ngoan… người vợ của anh… lại là đứa em gái thân yêu.


Dù cho cả hai anh em đều không biết trước, mà cái tội loạn luân… hôm nay anh biết nàng là em ruột, làm sao mà nhắm mắt… ái ân?


Anh muốn nói thật ra cho vợ biết, tội này, tại anh gây ra. Tại anh mà mẹ anh buồn đến chết! Tại vì anh mà gia đình cửa nát, nhà tan…


Anh cũng không muốn là vì tại anh mà người vợ hiền… người em gái của anh phải mang hận cả một kiếp người…


Ðêm hôm ấy anh đeo một gói quần áo trên vai, anh lại ra đi nữa! Anh đi mãi mãi.


Trong tâm anh chắc rằng ít lâu nữa, vợ anh sẽ quên anh… mà mang con đi lấy chồng khác.


Anh có biết đâu người thiếu phụ trẻ đẹp ngoan ngoãn ấy, chỉ có tên anh… hình bóng của anh ghi khắc trong trái tim non của nàng!


Buổi bình minh đầy hứa hẹn… bên ngoài hơi sương còn lạnh, nàng tưởng là chồng nàng đã dậy sớm ra đồng làm ruộng, nàng trở vào trong bếp đun nồi nước lá vối nóng, lấy chiếc áo ấm, mang ra đồng cho chồng, một tay bế đứa con nhỏ… một tay xách ấm nước… trong lòng vui vẻ đi trên bờ ruộng… không thấy bóng chồng đâu! Nàng đợi mãi… gió lạnh… con đói… lại trở về nhà, nấu cơm, ngồi đợi chồng…


Linh tính đã báo cho nàng là có chuyện chẳng lành đã xảy ra dưới mái nhà đầm ấm của gia đình nàng.


Trời đã tối đen như mực. Mà bóng dáng người chồng thương mến vẫn biệt vô âm tín, nàng khóc mãi… Cứ mỗi buổi sáng, nàng lại bế con đi tìm chồng, cho tới đêm khuya mới trở về nhà. Nằm lăn ra chiếu như vì mệt.


Thân nàng gầy như cây khô mộc, nàng cố bế con trèo lên đỉnh núi cao nhất cả vùng ấy. Trông xuống xung quanh, tứ phía, gào thét tên chồng đến khi khản cả cổ mới nghỉ… nắng mưa… sương gió đã đẩy nàng ngã xuống cỏ… mà vẫn ôm đứa con thơ… yếu quá… nàng không về nhà nữa… cứ ngồi đợi ở trên đỉnh núi này…


Không ai biết là nàng đợi người chồng đã bao nhiêu lâu? Tự bao giờ?


Người đời sau, lên đỉnh núi thấy hai mẹ con nàng đã thành ra đá… mà đôi mắt như vẫn nhìn tận chân trời tìm kiếm ai…


Nên gọi tên hòn núi đó là (Núi Vọng Phu)


Hai người lính gác và Dương Lễ, ngồi nghe chuyện mà rởn cả tóc gáy. Không ai bảo ai… mà cả bốn người cùng đi ra ngoài trời, nhìn về phía người thiếu phụ đợi chồng thành đá mà vẫn đợi…


Cả bốn người cùng lẩm nhẩm chẳng ai hiểu cầu gì, phải chăng đó là những lời cầu nguyện thượng đế mở lượng từ bi cho vong hồn của mẹ con nàng được siêu thoát?


Dương Lễ cho người về làng Kim Dôi, đón rước hai cha mẹ của Lưu Bình lên Lạng Sơn, cùng hưởng phú quý.

MỚI CẬP NHẬT