Thursday, March 28, 2024

Châu Long (Kỳ 47)




LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.




 


Kỳ 47


 


Từ mấy hôm nay việc quan bề bộn mà Dương Lễ thấy lòng thoải mái, không phải là anh đã lãng quên Châu Long và Lưu Bình, mà linh tính đã báo cho anh là vận mệnh của anh đã sáng tỏ… Ðêm đêm Lễ xem thiên văn, thấy vị sao Văn Xương không mờ ám như xưa nữa, và sáng sớm nào anh cũng đứng ngắm vị sao Mai lóng lánh như hòn ngọc Lưu Ly trước cửa phòng của anh, mắt anh nhấp nháy luôn…


Phải chăng là Châu Long đã tìm ra tăm tích của anh?


Lễ chỉ thầm mong một mình thôi! Biết có ai mà tâm sự?


Một buổi bình minh, Lễ đi lên đồi, xem những đóa hoa hàm tiếu… mấy giọt sương trong vắt còn đọng lại trên những cánh hoa, mấy con hươu non đang nhẩy nhót chạy đùa nhau… vô tư lự như tận hưởng tự do… rồi lẩn vào phong cảnh của núi rừng… đôi mắt Lễ nhìn xa tận chân trời. Bỗng thấy một người, một ngựa chạy về phía dinh quan Trấn Thủ.


Ðã từ lâu anh chưa có tin gì hỏa tốc… mà sao gã thiếu niên trên mình ngựa, bụi bám đầy, vó ngựa như đã chạy từ xa về không nghỉ, anh đoán chắc là gã đi từ xa đến đây.


Lễ từ từ bước xuống đồi, đón gã ta ở vệ đường, vì anh ăn mặc rất là giản dị, nên gã thiếu niên tưởng anh là thổ dân, gã xuống ngựa, chào sơ sơ thôi, rồi hỏi:


– Này chú em! Có phải đây là dinh quan Trấn Thủ Dương Lễ không? Vừa nói vừa cho tay móc trong túi lấy hai đồng tiền đưa cho Lễ!


Lễ mỉm cười xua tay:


-Ông anh cất tiền đi… theo ta, ta sẽ đưa đến tận ngài…


Gã thiếu niên nhìn Lễ từ đầu đến chân, gã ngạc nhiên, vì Lễ không có giống người miền núi!


Con ngựa mệt. Khát nước, mũi nó thở phì phì.


Lễ ra vuốt ve con ngựa nói:


-Mi mệt lắm phải không? Mi đi tự đâu tới đây? Mi đã muốn báo ta điều gì?


Con ngựa liếm mép… vẫy đuôi… hí lên ba bận.


Gã thiếu niên thấy vậy nói:


-Chú ơi, ta cũng mệt lắm, chú đỡ ta dắt ngựa lên đồn đi. Ðường còn xa không hở chú?


Lễ không trả lời, dắt con ngựa đi trước, tới gần chòi canh, anh vẫy tay ra hiệu cho lính gác xuống.


Hai người lính gác chạy tới trước mặt Lễ chắp tay:


-Bẩm quan lớn, người đã dậy sớm xuống núi từ bao giờ?


Gã thiếu niên thất sắc… quỳ xuống đất:


-Trăm lạy ngài. Ngài tha tội cho con, con người trần mắt thịt, không biết là quan lớn giáng lâm!


Lễ giơ tay đỡ gã đứng lên, dịu dàng hỏi:


-Nhà ngươi đi từ đâu đến? Mà tìm ta làm chi?


-Bẩm quan lớn… con là gia đồng của Hoàng Thế phủ, Hoàng công tử sai con mang một bức thư hỏa tốc và căn dặn con phải đưa tận tay ngài.


Nói xong gã giở gói hành lý lấy ra một bức thư có đóng dấu triện của Hoàng gia đỏ chói.


Lễ cầm lá thư trong tay… tim anh như ngừng đập, không biết là tin lành hay tin dữ?


Anh nhắm mắt trong vài giây đồng hồ, cất lá thư vào trong túi áo, sai bọn lính đưa gã mang thư vào trong chòi cho nghỉ và ăn uống, lại sai dắt con ngựa về chuồng tắm rửa cho nó được nghỉ ngơi…


Lễ đi thẳng ra vườn hoa, ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, tay hơi run run mở bức thư ra đọc, không ai biết những chữ gì viết trong lá thư… Lễ đã cười ha hả, cười chẩy cả nước mắt ra, rồi anh lại khóc… gục đầu xuống đầu gối.


Lòng anh rung động, vài phút sau Lễ trấn tĩnh tâm hồn, trở về dinh ăn điểm tâm, Lễ cho gọi gã mang thư tới. Gã khúm núm chắp tay đợi lệnh.


Lễ hỏi:


-Hoàng công tử thành hôn từ bao giờ?


-Bẩm quan lớn, công tử con kết hôn với tiểu thư con gái quan Ngự Sử Chu Mạnh Tử gần hai tháng nay.


Lễ gật gù:


-Thế chú đi từ bao lâu? Từ kinh thành tới đây mất bao nhiêu ngày?


Gã hoảng sợ, tưởng là Dương Lễ muốn gạn xem gã có đi chơi ở dọc đường không, mà bây giờ mới tới đây!


Gã chối luôn:


-Bẩm quan lớn… con đi từ kinh thành tới đây mất…


Gã lẩm nhẩm tính… là mười tám ngày ạ.


Lễ lẩm bẩm như nói một mình:


-Bạn ta Hoàng Thế Phiệt đã tìm thấy Châu Long từ mười tám hôm nay… trong mười tám ngày đằng đẵng… ta không biết là Châu Long còn sống… mười tám ngày ta còn vớt chút hy vọng trong lòng…


Gã mang thư tưởng là ông quan lớn đang trách là đi những mười tám ngày… vội quỳ xuống đất gục đầu nói:


-Bẩm quan lớn, con đi cả ngày, cả đêm, ngủ trên mình ngựa.


Lễ hiểu ngay, bèn vỗ vai gã nói:


-Ta sẽ hậu thưởng cho nhà ngươi.


Gã không ngờ Lễ lại vỗ về gã, tưởng là Lễ điên khùng!!


Gã lủi ra ngoài biến mất, Lễ cho gọi các thư lại và người nhà đến hầu… bắt lính sắp hành lý… đóng yên cho một con ngựa thật khỏe.


Với thư lại anh giao phó công việc quan trọng hàng ngày… Mời hai vợ chồng Cụ Lưu lên tư thất nhờ hai Cụ trông nom đỡ việc nhà… để anh tiến kinh ngay buổi trưa nay… Lễ vẫn biết là bỏ tạm chỗ trấn nhậm đi như thế, phải mang tội nặng với triều đình, nhưng từ khi anh trấn nhậm ở đây. Ðất trị, dân an, không có ai nghèo đói, không có trộm cướp, dân rất yêu mến và kính nể quan phụ mẫu, nếu anh vắng mặt ít lâu cũng không thể xảy ra chuyện gì đáng tiếc!


Lễ lên đường ngay từ lúc đã giao phó công việc cho hết cả mọi người, lại cho phép gã mang thư ở lại nghỉ vài ngày với bọn lính, khi nào lấy sức lại sẽ lại trở về nhà.


Lễ đi có một mình trên lưng con ngựa quý, không quản nắng mưa, ngày đi đêm nghỉ, thỉnh thoảng lại dừng bước trên đường cho con ngựa ăn cỏ và nằm nghỉ trên những ngọn đồi xanh ngắt.


Còn Lễ thì có gì ăn nấy, khi nào mệt quá, lại vào nhà trọ ngủ một giấc, khi tỉnh dậy lại đi… Lễ và con ngựa đi như thu đường ngắn lại, mười ngày sau. Dương Lễ đã tới cửa nhà Hoàng Thế Phiệt. Quần áo tả tơi, hành lý thì bụi bám đầy.


Người nhà của Hoàng Thế Phiệt tưởng anh là người đi xa về… nhầm nhà… họ xua đuổi anh.


Lễ ngẫm nghĩ: Mình thay đổi đến thế ư… mình khác xưa nhiều lắm!!! Mấy chú lính này, ngày xưa vẫn hầu mình trà nước với Hoàng Thế Phiệt mà ngày nay không ai nhận ra mình!


Lễ dắt con ngựa đi ra ngoài tửu điếm, uống chén nước trà nóng, soi thấy mình trong kính, anh bật cười… ừ ta người ngợm thế này, thân hình bụi bám, đầu tóc bơ phờ… làm sao mà ai có thể nhận ra mình đây!


Anh hỏi thuê một căn phòng, tắm rửa sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề… lại hóa ra Dương Lễ ngày xưa! Trở lại nhà Hoàng Thế Phiệt.


Nhờ lính gác cổng vào thưa với công tử là có Dương Lễ đến thăm.


-Kính công tử, có một người thư sinh tự xưng là Dương Lễ, muốn xin công tử tiếp ạ.


Hoàng Thế Phiệt nghĩ, Dương Lễ!!! Có lẽ nào Dương Lễ đã tới kinh thành mau lẹ như thế? Anh chàng làm gì có cánh mà bay như vậy? Ta phải ra xem cho tỏ thật hư mới được!


Anh đặt chén nước trà xuống bàn… sửa lại áo khăn đứng lên đi ra ngoài.


Vân Lan đứng đằng sau bức rèm gấm… nhìn trộm xem hình dáng Dương Lễ ra sao?

MỚI CẬP NHẬT