Tuesday, April 23, 2024

Châu Long (Kỳ 63)

 





LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.




 


Kỳ 63


 


Lễ sợ Lưu Bình quá say làm xằng, gọi lính:


– Cho mời Dương phu nhân ra chào quan thủ khoa!


Tụi lính dạ ran… Lưu Bình không thèm để ý…


Vén bức rèm… Châu Long lộng lẫy như một nàng tiên… Cúi đầu chào Lưu Bình.


Bình tưởng mình say quá, trông nhầm… Anh dụi mắt… Với chén nước lạnh cho dã rượu.


Mà Châu Long vẫn đứng trước mặt anh!


Châu Long, lại là vợ của Dương Lễ!!! Ta tỉnh hay say… Nàng đứng trước mặt ta… Ta tỉnh hay mê? Thức hay ngủ?


Châu Long, người mà ta thầm yêu trộm nhớ, người mà ta kính mến, người ân nhân của ta, lại là vợ của Dương Lễ!!!


Dương Lễ ơi! Ngươi theo dõi ta đến tận đâu?


Lễ lại cho vén rèm một lần nữa… Lần này… Thì chẳng phải là yêu tinh hay tiên nữ… Mà là hai cụ Lưu. Cha mẹ của Lưu Bình!


Hai cụ tuy già… Mà khỏe mạnh, hồng hào.


Lưu Bình ngẩn ngơ, tưởng là mình đã chết đi, mà đây là Diêm Vương cho đứng trước mặt cha mẹ để hỏi tội bất hiếu!


Anh gục đầu xuống bàn, khóc nức nở… Cha mẹ anh đến gần đỡ anh dậy nói:


– Lưu Bình! Con đứng lên… Cởi mũ áo ra, quỳ xuống đất lạy tạ ơn minh quân Dương Lễ. Vì có ngài che chở nuôi dưỡng mà vợ chồng ta sống đến ngày nay, vì ngài mà con được học hành thành đạt. Ngài đã hy sinh cho vợ ngài đi nuôi con ăn học. Châu Long không phải là tiên… Mà cũng không phải là yêu tinh đâu con ạ, mà Châu Long là người vợ yêu quý của Dương Lễ! Chuyện còn dài… Tỉnh lại đi con!


Lưu Bình gạt nước mắt nói:


– Con muốn chàng Dương kể lại hết cho con nghe!


Thong thả… Dương Lễ kể hết chuyện từ lúc đi tìm mẹ con Châu Long… Và Lưu Bình tới ngày nay.


Lễ nói tiếp:


– Nếu ta chỉ vì tình bằng hữu mà mang bạn về cùng hưởng phú quý thì bạn chỉ là bần dân mãi mãi… Ta biết là bạn rất thông minh… Nên ta phải buộc lòng mà khiêu khích người, sỉ nhục người… Cho người phẫn chí, cố làm nên để trả thù người bội bạc là ta… Ngày nay ơn trời, bạn đã thành người hữu dụng, ta trả lại bạn hai thân, để bạn báo hiếu song thân… Hiếu nghĩa vẹn toàn… Ta với Châu Long sẽ yên tâm cùng nhau hưởng thú thanh nhàn trong nơi rừng xanh núi đỏ an trị dân lành…


Nghe xong Lưu Bình cởi mũ áo, cân đai… Quỳ xuống đất như một tội nhân, vừa lạy cha mẹ và vợ chồng Dương Lễ tạ ân… Bạn đã thay anh nuôi dưỡng song thân… Tạ ơn bạn đã vì tình bằng hữu mà sỉ nhục kích thích anh, tạ ơn Châu Long đã hy sinh trong hơn hai năm trời nuôi dưỡng anh, giúp đỡ anh đèn sách…


Tạ tội bất hiếu với cha mẹ. Trông Lưu Bình lúc này thật là thảm hại!


Hết cả mọi người xung quanh đều mủi lòng rơi lệ!


Lưu Bình thú thật với bạn là anh đã căm giận Dương Lễ tím cả tâm can!


Từ đây anh nguyện sẽ thờ Dương Lễ và Châu Long như các bậc hiền nhân, đã trọng đạo thánh hiền… Ðã làm gương cho hậu thế!


***


Lưu Bình đón cha mẹ về làng vinh quy bái tổ… Cho tỏ rạng tổ tiên, anh không muốn làm rể các quan lại ở triều đình… Muốn gả các cô tiểu thư cho ông Trạng mới! Vì anh không muốn vào luồn, ra cúi… Cũng không màng đến các cô thiếu nữ đẹp… Lẳng lơ như ngày xưa anh thích, muốn kiếm một người hiền phụ.


Trong làng Xà… Vợ chồng ông lý trưởng đã về chầu tiên tổ.


Liên, người vợ trẻ của Hoàng… Ở lại nuôi con, con bé kháu khỉnh, giống cha như đúc, mẹ nó hiền lành làm ruộng ở nhà. Láng giềng hàng xóm ai cũng khen ngợi đức tính của người quả phụ… (Người ta đồn rằng, chồng nàng, Hoàng đã chết mất tích).


Lưu Bình nhờ người nhắn hỏi nàng làm vợ… Và nuôi nấng đứa con mồ côi của Hoàng.


Từ đây… Gia đình họ Lưu hạnh phúc đề huề… Lưu Bình được bổ đi làm quan ở một tỉnh gần Dương Lễ…


Không một lễ, Tết nào mà gia đình họ Lưu quên đến tạ ơn vợ chồng Dương Lễ.


Châu Long đã sinh ra một đứa con trai. Nàng bàn với chồng là Tết này về quê, thắp hương cúng trên mồ cha mẹ… Nhân dịp viếng thăm bà Hậu và Châu Lương.


Nàng cũng muốn trọn lời nguyện ước xưa… Về chùa Thổ Hà… đền ơn, trả nghĩa vị thiền sư… Thắp hương trước phật đài Quan Âm Thị Kính… Vợ chồng Lưu Bình cũng muốn đi cùng… Nàng vui vẻ nhận lời.


Trong khi Lưu Bình, Dương Lễ đi ngắm phong cảnh thôn quê và các đình, chùa ở các làng lân cận.


Châu Long và Liên dắt tay con bé (con của Hoàng) tới lễ chùa Thổ Hà.


Quen đường lối cũ. Không rung chuông, mà vào thẳng trong sân chùa… Con Vện… Ngày xưa, tuy đã già… Xong nó đâu có quên nàng!


Châu Long sụp ngồi xuống, vuốt ve con chó, nó liếm tay nàng, đuôi ve vẩy, như muốn nói chuyện cũ với nàng…


Nàng bế nó lên lòng… Hỏi: Sư cụ ở đâu? Tự nhiên hai mắt con Vện đỏ hoe, ủ rũ… Nó rên rỉ… Như muốn nói gì…


Vào thẳng trai phòng, gặp bà vãi đang lau chùi bàn ghế, có mấy năm trời xa vắng Thổ Hà… Cảnh vật không thay đổi, mà bà vãi đã quá già! Lưng bà còng xuống, đôi mắt bà lèm nhèm. Lấy vạt áo chùi mắt, rồi cúi xuống chắp tay lạy Châu Long.


Nàng cầm hai tay bà hỏi, sư cụ ở đâu, nàng muốn vào yết kiến!


Bà vãi mở to mắt, cố nhìn gần mặt nàng… Biết nàng là khách ở xa đến lễ Phật, chứ không phải người đệ tử của nhà chùa.


Chậm rãi bà trả lời:


– Thượng tọa… tịch từ bốn tháng nay!!!


Châu Long lảo đảo suýt ngã! Hai hàng lệ rơi tầm tã. Nghẹn ngào như nói một mình…


Thầy ơi! Con về đây để quỳ xin tạ tội cùng thầy… Mà thầy chẳng đợi con! Thầy sớm vội cỡi hạc xe tiên! Ðau đớn lòng con… Thầy ơi!


Ngồi một lát, để bình tĩnh lại tâm hồn, nàng bảo bà vãi ra ngoài sân mời Liên và đứa nhỏ vào trai phòng.


Nhờ bà vãi đưa đến Tháp của vị sư… Ðể thắp hương cầu nguyện, Châu Long thắp bó hương trầm, quỳ trước tháp của vị sư… Nàng đã khóc và kể lể với người ân nhân đã khuất, những thiên ai sử đã qua.


Ai không biết, tự hỏi, tại sao mà một thiếu phụ… Một bà mệnh phụ này… Là ai? Mà lại khóc lóc thảm thiết bên mộ nhà sư như vậy?


Trên cõi Nát Bàn… Vị Thượng tọa Trần Thiếu Tâm đã hiểu thấu lòng nàng. Một làn gió thoảng, thổi những khói hương trên mộ… Như bao tỏa hết thân hình nàng…


Tay nàng vuốt ve trên cái bia đá, ghi tên tuổi vị Thượng tọa, vái lạy ba lần, rồi nói thầm với vong hồn người đã khuất:


– Con xin lạy tạ thầy… Dù sao con vẫn là một thư sinh Châu Lương, người học trò mà thầy đã hết lòng dạy dỗ… Con nguyện sẽ không làm gì thất đức khỏi phụ lòng thầy…


Rồi lững thững ra đi.


Châu Long trở về chùa, lòng nặng như chì… Bà vãi đi từ đằng xa lại vẫn kính cẩn chắp tay miệng nói:


– Mô Phật… Mời người đến trai phòng xơi nước trà…


Nàng hỏi bà vãi:


– Bây giờ ai là đại đức thay sư cụ ở trong chùa?


– Dạ thưa Hòa Thượng Thích Kiến Ðức.


– Còn chú tiểu Kính Tâm đâu?


– Dạ thưa, Kính Tâm đã lên sư thầy… Ði lập đàn cho một làng bên cạnh ạ.


Châu Long thở dài… Nàng muốn gặp vị sư thế chân sư cụ… Ðể cúng một món tiền vào chùa.


(Còn tiếp)


 

MỚI CẬP NHẬT