Tuesday, April 16, 2024

Chiếc xe tang trắng và vụ sinh niệm Mai Thảo (1927-1998)


Viên Linh


 


1. Chiếc xe tang màu trắng:


Nhà văn Mai Thảo từ trần vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 tháng 1, 1998 tại bệnh viện Fountain Valley, quận Cam, và được an táng tại nghĩa trang Peek Family đường Bolsa thành phố Westminster vào ngày 17 tháng 1 trong một tang lễ trang trọng, với hơn 300 thân hữu, thân nhân, đưa tiễn.










Khởi Hành số 10, 1997: Số báo tưởng niệm Mai Thảo khi Mai Thảo còn sống.


Sinh tại vùng biển muối Văn Lý, Nam Ðịnh vào ngày 8 tháng 6 năm 1927, ông thọ 71 tuổi, và vì không lập gia đình, chiếc xe tang đưa ông đi là một chiếc xe tang màu trắng. Những người yêu thơ chứng kiến cảnh ấy hẳn nhớ tới một bài thơ của Nguyễn Bính khóc nàng trinh nữ yểu mệnh ở Hà Nội xưa kia: “Có một chiếc xe màu trắng đục / Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi / Mang đi một chiếc quan tài trắng / Và những vòng hoa trắng lạnh người.”


Không, đám tang Mai Thảo, pháp danh Minh Tâm, không buồn, không ảm đạm như thế. Ông không vướng bận thê nhi. Hồi ở Sài gòn, mấy năm làm Tạp chí Sáng Tạo, ông cư ngụ ngay trong tòa báo, số 133B đường Ký Con, di chuyển bằng một chiếc xe hơi thùng, là một trong những nhà văn đầu tiên đi xe hơi. Sau này làm các báo Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, ông thuê một căn gác phía sau Cà Phê Chiều Tím, di chuyển bằng xe xích lô đạp. Một hai người đạp xích lô thường xuyên cho tác giả “Ðêm giã từ Hà Nội” trở thành quen biết người viết bài này, vì hôm thì Mai Thảo quên trên xe hộp thuốc Con Mèo loại 50 điếu, loại hộp tròn bằng sắt; hôm thì đến đón “ổng,” mà ổng bỏ tòa soạn đi đâu chưa về. Lúc ấy Mai Thảo là chủ nhiệm tờ Nghệ Thuật, tôi làm thư ký tòa soạn, tòa báo chỉ vỏn vẹn một căn phòng thuê của Thư Lâm Ấn thư quán, số 233 đường Phạm Ngũ Lão Sài gòn, bên hông ga xe lửa của thành phố. Chính ở đây một buổi chiều thân mẫu nhà văn tới thăm con, ngồi rất lâu, chỉ nói đi nói lại một hai câu, nhằm ý giục ông con trai lấy vợ. Cụ nói, ông con trai vẫn viết. Lâu lắm mới nói: Thôi cụ về đi mà. Cũng chính ở đây một ông già đạp xích lô kể với tôi rằng hôm qua ông suýt chết vì chở Mai Thảo đi chơi Chợ Lớn trong cả buổi chiều. “Mà cậu biết đường sá Chợ Lớn chớ? Ðường lát gạch không hà. Mà lát nghiêng, sống gạch vừa nhọn vừa gằn, chứ nó có lát mặt gạch bằng phẳng cho mình đâu?” “Mà cậu biết không, đâu phải một mình ông ngồi trên xe? Nặng ơi là nặng. Cái cô Cậu biết rồi chứ gì?” “Tôi kể cho mình cậu nghe thôi nhe.”


Tôi gật đầu nghe ông kể.


 


2. Sinh niệm:


Rời chùa Huệ Quang trên đường Magnolia, xe chạy về hướng Nam. Chương trình buổi sáng của nhà văn Mặc Thu và tôi là sau khi tới dự lễ phát tang thân mẫu nhà văn Tưởng Năng Tiến, chúng tôi sẽ đi thăm Mai Thảo. Những ngày gần đây tác giả “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời” không được khỏe. Từ căn phòng nhỏ trên lầu 2 của khu chung cư Christian Home trên đường Bolsa, anh đã phải dọn xuống tầng dưới, để khỏi phải leo 20 bậc thang mỗi khi lên xuống. Cửa phòng anh từ mấy tháng nay cũng không khóa nữa, để mỗi khi bạn bè tới thăm viếng, anh khỏi phải ngồi dậy ra mở cửa. Một tiếng gõ. Cứ vào. Chia tay ra về, cứ tự động khép cửa lại, chủ nhà khỏi phải ngồi dậy ra đóng. Lê Long Ðĩnh xưa kia ngọa triều thế nào không rõ, bây giờ biết rõ Mai Thảo ngọa triều ra sao. Mà triều đình nhà văn những ngày lưu vong, một tờ Văn đã trao cho Tả thừa tướng Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo không còn sống cái không khí hưng vượng của Sáng Tạo hay Nghệ Thuật nơi quê nhà. Quân binh dù vậy vẫn xếp hàng dọc theo mé Long sàng, có các ông Scott, Walker, ông Martell, ông Napoleon, ông Daniels, hết thảy đều sẵn sàng cung phụng cho tới tận đáy lòng chung thủy.


Nhân có anh Mặc Thu mới từ Việt Nam qua, Mai Thảo bảo tôi khui một chai Martell mới, ai đó vừa cho. Ba chúng tôi cụng ly. Anh Mặc Thu, tác giả cuốn sách rầm rộ quảng cáo hồi 1954 ở Sài Gòn, thành viên của Nhật báo Tự Do hồi ấy, đã bàn với tôi từ trước, bảo Mai Thảo: “Làm một số Khởi Hành đặc biệt về Mai Thảo nhé.” Im lặng.


Tại miền Nam các tạp chí văn chương ra một số báo đặc biệt tưởng niệm một nhà văn quá cố là chuyện rất thường. Sáng Tạo từng ra số đặc biệt tưởng niệm nhà thơ Quách Thoại. Tạp chí Văn từng ra các số tưởng niệm Ðinh Hùng, Tchya Ðái Ðức Tuấn, Lê Văn Trương; Tuần báo Khởi Hành từng tưởng niệm Song Linh và các nhà văn chết trẻ; Tạp chí Thời Tập từng ra số tưởng niệm Tam Ích, v.v. Tôi trình bày với Mai Thảo: Anh ra đi chúng tôi cũng sẽ làm số Tưởng Niệm, nhưng lúc đó anh đâu có đọc được? Ðâu biết anh em viết gì về mình? Vậy tại sao không làm một số Tiền Tưởng Niệm? Một số tưởng niệm trong khi nhà văn còn sống? Sinh Niệm. “Ông đi rồi thì cũng phải làm, – tôi nói – Chi bằng làm trước cho ông đọc chơi.”


“Làm thì làm.” Mai Thảo nói.


Mặc Thu và tôi nhìn nhau gật đầu. Thế là tháng 8 năm 1997, Khởi Hành số 10, số “Sinh Niệm Mai Thảo” ra đời. Mai Thảo đã nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Fountain Valley, hai tay cầm tờ báo đọc những bài anh em viết về mình, “coi như” mình đã chết.










Viên Linh và Mai Thảo, 1982.


Ðây có lẽ là tờ báo đầu tiên trong làng báo ra số Tưởng Niệm một nhà văn khi nhà văn còn sống sờ sờ! Ngoài bìa đề: Sinh Niệm Mai Thảo. Dưới tấm hình đẹp trai của Mai Thảo. Ðề: (Mai Thảo (1927- …)


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi đọc tờ báo, đã nổi giận với tôi: “Các ông tàn nhẫn quá!”


Tôi im lặng cho bạn bớt giận. Số báo lạ thường ấy có bài của những người sau đây:


Mặc Thu: Những ngày cuối của Mai Thảo ở Sài Gòn.


Phan Tấn Hải: Với nhà văn Mai Thảo.


Viên Linh: Mai Thảo Riêng Tây.


Và thơ, ý kiến về Mai Thảo của: Tạ Tỵ, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Ðạt. Chân dung Mai Thảo của CHÓE.


 


3 .Ngày giỗ Mai Thảo Nguyễn Ðăng Quý năm 2012: Ðọc lại một đoạn thơ Mai Thảo viết cho tác giả bài này:


“Pulau Besar, 14.1.1978


Viên Linh thân,


Ðã viết ngay cho ông khi mới tới đất Mã, chỉ vài ngày sau khi được đưa tới trại Pulau Besar này. Mong thư ông từ 2 tuần nay, hôm qua là ngày phát thư cho toàn trại, nhận được 2 thư ông cùng một lúc, mừng lắm. Tôi rời Sài Gòn, một mình, ngày 4 tháng 12 năm 1977, nằm ở một vùng biển tới đêm 6 tháng 12 thì ra khơi trên một tàu đánh cá, và sau 7 ngày đêm trên biển thì dạt vào một vùng biển Mã Lai Á, tiểu bang Trengganu. Ði thoát sang tới đây, mong gặp các bạn một mặt, nhưng mặt khác ngày nào cũng nhìn và nghĩ ngược đường trở về… Cho tôi gửi lời thăm cô ấy và tụi nhỏ.


MT.”

MỚI CẬP NHẬT