Thursday, March 28, 2024

Cuối năm, suy nghiệm từ lịch sử cận đại


From:Truong Sinh Chung <
[email protected]>


To: Các anh chị HH3


Thursday, December 29, 2011 03:35am


 


Các bạn HH3 thân mến,


Chỉ còn 2 ngày nữa là vào năm mới 2012. Thường thì vào những ngày năm tàn tháng tận như thế, các truyền thông, từ báo chí, radio, đến cả TV, đều làm những cái reportage loại như “hồi cố” hay nhìn lại (revue) các đại sự trong năm ở bản xứ cũng như trên thế giới. Người Ðức thì cũng thế.










Chân dung cụ bà Irena Sendler.


Nhưng Ðức sẽ không là Ðức nếu họ chỉ làm đến mức độ “trung-bình” kiểu như hầu hết truyền thông khắp thế giới đang làm. Cũng là những cái nhìn lại nhưng họ là sâu xa hơn, tỉ mỉ hơn và soi rọi ở 1 quãng thời gian lâu hơn,t heo bản tính Nhật-Nhĩ Man mà cả người Ðức cũng như những người “nước ngoài” thường đều phải la lên: “Typisch Deutsch! Typical German!


Thay vì làm những cái revue thông thường cho năm 2011, họ phóng ra rùm beng ở những đài TV loại “nghiêm túc” 1 loạt các thứ hồi cố trong… mấy chục năm qua! Trong đó có những vụ tàn sát kiểu Diệt Chủng, đối với dân Do Thái, Sinti, Roma, dân Ba Lan, dân Slavia, Nga, v.v…; và để cho những buổi phát hình này bớt “ khô khan” đơn điệu, họ cho xen vào đó là 1 bộ phim mà hơn 10 năm nay vẫn được coi như là 1 bộ phim bắt buộc trình chiếu trong chương trình học về môn sử của cấp trung học ở Ðức: Bộ phim “Schindlers Liste” (Schindler’s List) của ông Steven Spielberg.


Kể từ đầu tuần nay, bộ phim này đã được 2 đài truyền hình khác nhau cho chiếu với “thông lệ” là bộ phim này khi được chiếu, thì phải cho chiếu từ đầu đến cuối, cấm không được xen vào những mục quảng cáo và ngay cả là nói tin tức, trong suốt thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ chiếu bộ phim!


Mấy đứa con tôi, kể từ khi bộ phim này được chiếu đầu tiên tại Ðức (năm 1997), đều được nhà trường chiếu cho xem ở trong lớp học. Chúng nó hồi đó khi xem xong ở trường về là đều kể cho tôi nghe về cái tội tày trời của chính phủ Ðức thời ấy. Ðặc biệt là sự hất hủi, chèn ép của xã hội Ðức vào thời những năm 50 đối với ông Schindler, khi việc làm của ông ta được truyền thông khám phá và lan truyền ra: Ông ta đã tạ thế trong một hoàn cảnh vật chất nghèo nàn, đến nỗi phải lãnh tiền cứu trợ xã hội.


Nhưng ông ta lại là 1 trong vài người Ðức được danh dự chôn tại Nghĩa Ðịa Quốc Gia của Israel.


Tôi chỉ nói với các con tôi rằng thật ra vào những giờ phút đạo đức bị đảo lộn và bị chà đạp như thế thì vẫn còn rất nhiều cá nhân đã chứng tỏ bản chất cao thượng của con người, ở bất cứ thời nào, nơi nào. Vào năm 1997, Ba Lan và cả Ðông Âu được giải phóng, và nước Ðức cũng đang bước lên trên đường văn minh và cởi mở hơn trước rất nhiều, nên ngoài chuyện ông Schindler ra thì công lao của bà Irena Sendler ở Ba Lan cũng được “khám phá” loan truyền ra. Vì trước 1989, những việc làm của bà bị coi như là… phản động, nên bị cấm không cho ai được nhắc đến, ngay trên xứ sở của bà.


Kèm theo đây ,là 1 cái pps mà tôi nhận được cũng mấy năm nay, về vị Nữ Bồ Tát này: Bà ta đã cứu vớt được hơn 2500 đứa trẻ Do Thái trong các cuộc truy lùng của bọn SS và Gestapo của Ðức Quốc Xã. Bị Gestapo bắt và tra tấn đến gẫy cả 2 chân nhưng bà Sendler không hề khai ra tên bất cứ 1 đứa trẻ nào cũng như những người đã giúp đỡ bà làm công việc cứu trẻ con Do Thái thời ấy. Cuối cùng bà bị xử bắn vào cuối năm 1943, nhưng nhờ tổ chức phục quốc của Ba Lan dùng tiền đã mua chuộc được đám hành hình, bà đã được thả ra vào phút cuối cùng. Tổ chức này, sau đó, cũng bị chính quyền Ba Lan liệt vào loại tổ chức phản động và bị cấm hoạt động. Những người trong tổ chức này đã hy sinh thời chống Hitler, không được vinh danh là anh hùng dân tộc. Trong đó có cha của cố Tổng Thống Kaczynski.


Ngày 30.7.2006, ở vào tuổi 96, khi được nhận huy chương cao nhất của Ðức tại Munchen, trong chiếc xe lăn tay (vì gẫy chân trong hơn 60 năm qua), trước mặt những người Do Thái hiện diện và những đứa trẻ mà bà đã cứu sống cách nay hơn 60 năm, bà Sendler đã nói rằng, bà chưa bao giờ coi mình là anh hùng, mà: “…Những đứa trẻ được cứu thoát đã chứng minh được giá trị việc làm của tôi ở trên thế gian này; nhưng đó không phải là lý do đáng được khen thưởng như thế. Ngược lại, tôi vẫn bị lương tâm tôi tự khiển trách,vì đáng lẽ ra tôi còn có thể cứu vớt thêm nhiều trẻ con hơn nữa! Sự nuối tiếc này sẽ đeo đuổi tôi cho đến chết!…”


Ngày 12.5.2008, bà cụ Irena Sendler đã qua đời vào tuổi 98 tại Ba Lan.


Câu nói này của bà ta lại có sự trùng hợp rất ‘tình cờ’ và lạ lùng với câu nói của ông Schindler, khi ông ta chia tay với các tù nhân Do Thái vào ngày 1.5.1945,1 ngày sau khi nước Ðức đầu hàng để chạy trốn. Ông ta nói: Tôi là tên Nazi, tôi là kẻ phạm tội… và hối hận, vì “Ðáng lẽ tôi còn có thể cứu sống thêm nhiều người nữa, nhưng tôi đã không làm…”


Liên tiếp trong 3 ngày nay, tôi xem lại bộ phim Schindlers Lister, và tự nhiên tôi nhớ lại cái pps đề cập tới bà Irena Sendler.


Xin chuyển đến các bạn, tuy là vào cuối năm nhưng tôi nghĩ, đây có lẽ cũng là dịp để mình suy nghiệm và đối chiếu, để hiểu sâu xa và trung thực thêm về lịch sử cận đại của thế giới. “Lịch sử chỉ là 1 sự lập lại…!”


Thân chào,


Ch.Tr.Sinh


 


From: Truong Sinh Chung <[email protected]>


To: Các anh chị HH3


Thursday, December 29, 2011 08:16 pm


 


… Cái Email mới vừa gửi sang các anh chị, vì cái tính bộp chộp, tôi quên nhắc thêm một vài chi tiết nhỏ, nay xin bổ sung như sau:


– Như ông Oskar Schindler, cuộc đời của bà cụ Irena Sendler cũng đã được quay thành phim, 1 công trình hợp tác giữa Mỹ và Ba Lan. Bộ phim này có tựa là: The Courageous Heart of Trena Sendler, phát hành vào năm 2009 (bên Ðức này chưa chiếu!). Tôi mới coi được những tài liệu liên quan đến bộ phim này.


Ông đạo diễn Steven Spielberg đã quay bộ phim Schindler’s List và đã được TT Ðức tặng huy chương Liên Bang với Ngôi Sao vào năm 1998, vì bộ phim này chỉ ra “…rằng trách nhiệm của từng cá nhân không bao giờ biến mất, cho dù là dưới chế độ độc tài. Chúng ta không nhất thiết phải là những anh hùng toàn hảo, nhưng chúng ta có bổn phận phải hành động, ngay cả khi trong tình trạng ta phải dùng 1 cái muỗng để múc cạn 1 đại dương. ‘Ai mà đã cứu sống dù chỉ là 1 sinh mạng, thì đã cứu sống cả thế giới’*. Ðó là cái niềm tin của cuối thế kỷ 20 này, cần phải được truyền lại cho những thế hệ mai sau” (…dass die personliche Verantwortung des einzelnen niemals erlischt – auch nicht in einer Diktatur. Wir mussen keine perfekten Helden sein, aber wir haben die Pflicht zu handeln, selbst wenn es scheint, dass wir mit einem Loffel den Ozean ausschopfen. Wer nur einem Menschen das Leben rettet, rettet die ganze Welt.’ Das ist die Botschaft des zu Ende gehenden 20.Jahrhunderts an die kommenden Generationen”).* Ðây là 1 ngạn ngữ của Do Thái, rất gần với triết lý nhà Phật.


Trong lời phát biểu cảm tưởng, ông đạo diễn Spielberg đã nói: “Lịch sử về gia tộc tôi đã chắp nối lại thành vòng, gia đình tôi có gốc ở Ba Lan, không xa đây lắm và tôi lại nhận được huy chương ở Berlin này!” -(Chú thích: Chính gia đình ông Spielberg cũng bị Nazi Ðức bắt vào trại tập trung và sát hại!)


Và vào năm 2004, ông ta cũng được TT nước Ý tặng danh hiệu Kỵ Sĩ Danh Dự vì “đã lập nên 1 chứng từ về những bạo hành trong lịch sử.”


Bộ phim The Courageous Heart of Irena Sendler theo tôi nghĩ nó cũng sẽ làm người xem rất cảm động, vì đó là những chuyện có thật của những người thật, y như phim Schindler’s List. Vậy xin giới thiệu đến… các bạn…


Thân chào,


Ch.Tr.Sinh.



 

MỚI CẬP NHẬT