Tuesday, April 16, 2024

Ði một đoạn đường cùng anh ‘Ngọc Toét’

 


* Ý-Yên


 


Kỷ niệm 49 ngày ra đi của anh Ngọc Toét Ðoàn Xuân Ngọc, mời quí bạn chia sẻ một đoạn văn trong hồi ký của nhà văn Ý Yên (mpd.)


 


Anh không “toét” đâu anh. Chẳng biết vì đâu, trong trường hợp nào, Văn Quang và bạn bè đã gán cho anh cái hỗn danh ấy. Trái lại, đôi mắt anh có tầm nhìn thẳng vô người đối thoại, hiền hòa, và giọng nói nhẹ nhàng so với tầm vóc cao lớn của anh.


Toét, Ngọc Toét? Thôi thì để dễ nhớ tới một người mang cái tên khá đẹp là Ðoàn Xuân Ngọc, gần như trang lứa với những Bảo Trị, Ngọc Loan, Nguyên Khang, Cao Kỳ… của một thời Hà Nội, những cậu học sinh mới lớn tinh nghịch, ngông nghênh, dám đánh lộn với cả những lính Lê Dương thứ dữ của đoàn quân viễn chinh Pháp…


Người viết không nghe không biết anh từ trước, cho tới một buổi sáng nơi vũ đình trường Trường Ðồng Ðế, vào năm1959, cótiếng gọi, “Ê, Ngọc Toét, đi đâu thế, mày?” Hai ba ông trung úy niềm nở chạy đến bao vây Ngọc Toét cao lênh khênh hơn họ chừng nửa cái đầu. Một khẩu súng lục đeo chéo ngang ngực anh chàng có dáng dấp một Clint Eastwood, so ra một chín một mười. Họ kéo nhau vô câu lạc bộ. Anh Ngọc có lối đi lừng khừng, như theo một vũ điệu chậm, chân bước nhẹ nhàng.


Có lẽ anh Ngọc thuộc thành phần ban giám khảo cho một khóa nào đó thuộc quân trường. Vào những năm 1958-1960…, trường Ðồng Ðế, Nha Trang, KBC 4311, phụ trách huấn luyện các khóa tu nghiệp hạ sĩ quan, các khóa thể dục thể thao quân đội, khóa biệt đồng đội, các khóa biệt động quân tàn phá sắc đẹp đời trai, và các khóa sĩ quan đặc biệt da đen rắn chắc như đồng đế. Liên đoàn Quan sát, ẩn danh của Biệt Cách Dù, chiếm ngụ một khu vực trong quân trường. Trường Ðồng Ðế nổi tiêng về môn dây kinh dị và tử thần… đu dây tử thần đùa với gió núi… trăng sao… vung gươm lên quyết chiến thắng gian lao, chiến công rực rỡ trong nắng đào (nhạc Minh Chánh)…


Có những hình ảnh khó quên. Anh Ngọc thuộc về thành phần đó. Nói tới anh Ngọc, mấy sĩ quan đồng nghiệp trong văn phòng cán bộ khề khà kể chuyện không hết về anh, như con người cùng quân ngũ, là người lính, nhưng có tác phong kỳ bạt giang hồ, nhưng vẫn là lính. Anh xuất thân khóa 4-phụ Thủ Ðức, mang tên khóa Cương Quyết. Mới vừa đây, 2012, anh Ngọc tham dự một buổi họp, có mặt một vị cựu đại tá cùng khóa Thủ Ðức với anh. Ông đại tá đùa cợt tí: “Ê, Ngọc, mày chậm như rùa, còn đeo lon thiếu tá hả mày?” Anh Ngọc chậm rãi bắn từng phát một: “Ê mày, giờ mà còn lon với lá khoe mẽ, đ.m mày!” Biết tính Ngọc, vị cựu đại tá sính văn chương, tránh voi chẳng xấu mặt nào, đánh bài chuồn êm.


Năm 1960, người viết tham dự cuộc hành quân an ninh cấp liên đoàn tại Ninh Hòa, Vạn Giả, phía Bắc Nha Trang, gồm mấy địa danh để nhớ, như Hòn Khói, Ninh Chữ ven biển, mật khu Ba Hồ, Ðá Bàn vùng cận sơn. Cuộc hành quân nhằm bảo vệ chương trình bầu cử toàn quốc diễn ra hoàn hảo. Viên trung úy quận trưởng tổ chức liên hoan ăn mừng thành công. Các viên chức xã ấp, ban ngành thuộc quận được sắp xếp chỗ ngồi khá dễ chịu nơi một hội trường lớn, trong khi các sĩ quan hành quân, mang cấp bậc tương đương hay cao hơn ông trung úy, bị dồn vô mấy góc tối om, cho có lệ. Không rõ do nhiệm vụ gì, anh Ngọc cũng có mặt trong buổi họp mặt. Anh ta lừ đừ tiến lên phía cái bục sau lưng viên quận trưởng, phán rằng: “Kính… thưa… nhằm giúp vui cho ông quận và quý vị, tôi xin có chút tài mọn…” Nói rồi, Ngọc đặt bảy chai la-de cách quãng nhau, và từ cự ly chừng 20 mét, cứ mỗi phát súng từ tay Ngọc là một cái chai vỡ tung…. Ngọc đi ra khỏi cửa. Cánh sĩ quan hành quân cũng bỏ dở… cuộc vui, không một lời từ giã ngó ngàng tới ông quận. Chẳng rõ viên trung úy người nhà nước, sau đó có bẩm trình gì về Saigon chăng…, và đời quân ngũ của anh Ngọc có bị trầy trật gì chăng. Dường như là có đấy.


Từ Tháng Sáu 1975, người viết cùng đi với anh Ngọc Toét một đoạn đường thập giá. Chúng tôi… trình diện tại trường Nguyễn Tri Phương trong Chợ Lớn, mang theo13,620 đồng để “ăn học” trong một tháng. Thông cáo nhắc, nhớ mang theo áo lạnh, là chúng tôi dư đoán ra cái thời gian thiên thu theo lối cộng sản rồi. Buổi tối, có lệnh… hành quân. Ðoàn xe bít bùng chạy chậm qua phố phường Sài gòn của ta xưa, vòng vo quanh co đến sáng tinh sương thì tới nơi, thì đó là thành Ông Năm, Hóc môn, trên đoạn đường chừng 15 cây số. Gã cán bộ Bắc Kỳ hỏi đểu: “Các anh có biết đây là đâu không?”


Mưa trái mùa tới sớm hơn mọi năm, cho chúng tôi những vũng nước đọng trong sân trại công binh cũ dùng làm nước uống. Chừng mười phút sau, gã cán bộ kêu ba người tới gặp. Hai anh bạn, tuổi 30, đẹp trai, cao lớn, tiểu đoàn phó Lê, Thủy Quân Lục Chiến và phi công Xuân, C. 130. Người viết chưa hết dáng học trò, khai báo thuộc sư đoàn X. Sư đoàn tại Xuân Lộc, qua Tháng Tư vừa qua, chạm nặng với một quân đoàn đối phương, và gây cho họ những tổn thất cấp sư đoàn; điều đó làm người viết hơi e ngại khi bị chỉ định làm“đội trưởng.” Trong đội có anh Ngọc. Buổi tối sinh hoạt đầu tiên dưới ánh đèn dầu, tân đội trưởng bất đắc dĩ thưa với chiến hữu, đại ý: Thời gian tới sẽ là những thử thách; xin nhắc anh em không quên bảo vệ cho nhau, lấy thí dụ về một đàn trâu ngủ đêm ven rừng tự lập một vòng tròn bên nhau mà phòng ngăn thú dữ, những con nghé đều nằm chính giữa an toàn… Có lẽ anh Ngọc chú ý tới người viết từ đó chăng, bởi sau này, mỗi khi gặp mặt bên chai la-ve là anh kêu“ông đội” hay bút hiệu nhỏ nhoi của người viết một cách thân tình.


Một tối, gần nửa đêm, anh Ngọc khều khều chân người viết: “Ê, ông đội, liên hoan!” Không biết bằng cách nào mà ngay giữa doanh trại cộng sản, anh Ngọc tóm được một con ngan; cũng không rõ bằng cách nào anh đã nấu nướng đàng hoàng, lại có kèm theo một chai Johny Walker đủ bộ… Bữa tiệc có thêm anh Phan Phước Thìn, gốc Biên Hòa, trên nền đá lạnh, góc phòng. Hôm sau, anh em đi khai giếng nước, thấy anh Ngọc ngó ngó theo đàn ngan bên khu trại cộng sản. Thôi ông ơi, một con ngan béo là đủ rồi.


Tháng đầu tiên, người tù được thong thả, đi cà nhỏng qua lại hai trại kêu là Ðông Ðức, Tây Ðức, chơi bài, thể thao, tối tối cầu cơ, nhặt nhạnh vật dụng do Công Binh để lại… Anh Ngọc đi một vòng, tha về những mảnh, ống nhôm, ngồi hí hoáy đẽo gọt, chốc chốc đưa thanh sáo lên miệng, nghiêng đầu chúm môi thả ra những Ðàn Chim Việt… về đây khi gió mùa… ôi lũ chim giang hồ, tha thiết não lòng. Anh Ngọc làm ống sáo rất cừ, thổi sáo một cây, lại khắc hình ảnh mỹ nữ trên khung nhôm, chẳng khác gì những tác phẩm trưng bày trong tiệm. Bên khu nhà khác cũng vang vang lời sáo điệu nghệ của Tường, tiểu đoàn trưởng quân y Nhảy Dù. Xa hơn chút, hướng Ðông Ðức, Tô Kiều Ngân ngồi ngắm trăng ngoài hiên cùng một thiếu tá… đệ tử, nấu cà phê từ miếng cháy khô xin dưới bếp, rít thuốc lào, và cứ như ngày trước… đây là chương trình Dạ Lan, tiếng sáo họ Tô vang vọng qua màn đêm.


Trong thời gian chờ đợi vào đi vào… nền nếp, tù có lệnh vác cuốc ra phía sau, cuốc cuốc một chút cho giãn gân. Ðây là dịp cho anh Quách Hồng Quang và Nguyễn Văn Thịnh quan sát địa hình địa vật chuẩn bị cho cuộc trốn trại, không thành và bị xử bắn, trước khi chừng hai chục ngàn tù bị lưu đầy ra miền Bắc… xã hội chủ nghĩa.


Một buổi trưa, gã quản giáo kêu“ông đội” ra điều tra, tập trung vô anh Ngọc. Câu hỏi loanh quanh về anh Ngọc, là tiểu khu phó hẳn là nắm quân cấp trung đoàn…, là tiểu khu thì hẳn phải là CIA?… “Ông đội” vừa u ơ trả lời theo lối… trì hoãn chiến, don’t know don’t talk, không biết không nói, vừa đoán xem vì lý do nào gã quản giáo lại cần biết về anh Ngọc. Sự giải đoán giản dị, là vì anh Ngọc vốn dân Hà Nội với những Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Cao Kỳ… cùng là những học sinh ngày nào. Gã quản giáo dường như hỏi có lệ theo lệnh trên, rồi bỏ qua. Người viết không thuật chuyện lại cho anh Ngọc, ngại làm anh bận tâm. Không biết bên họ có hỏi han gì với anh Ngọc nữa chăng. Cùng ngày, đám cộng sản cũng hỏi cung nhiều bạn tù khác, đều là những nhân viên tình báo trung ương, thứ dữ bên phe mình. Những cán bộ CS hỏi cung, là những người đến từ ngoài trại, từ Saigon, những nhân viên phản gián chuyên môn. Tình báo cộng sản điều tra, là để biết về mạng lưới mà bên ta gài lại trong hàng ngũ CS, đặc biệt là phe MTGPMN. CS có điều tra là để tìm biết về chính hàng ngũ CS bên họ.


Ngày ngày từ hướng Lái Thiêu, An Sơn vang lại những hồi súng lớn, nhỏ dồn dập, kéo dài hàng tháng trời. Cán bộ CS nói, các anh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Báo chí CS đăng tin về mật khu kháng chiến tại Long Khánh bị ăn bom. Thời gian đầu, tù còn được giữ Radio, nên thường trực nghe Bột Bích Chi (BBC) và Vân Oanh (VOA) loan nhiều tin phấn khởi, cứ như ngày tổng phản công tới nơi rồi!… Khá nhiều anh em tù ta bắt đầu tập chạy vòng quanh trại, tập tạ, hy vọng gì đó… cho một ngày… Những đoàn xe từ bên ngoài vô trại, xúc hết chiến cụ, vật dụng công binh chở đi đâu mất. Tài xế thường là lính ta cũ, cũng loan nhiều tin mừng… Lại có thư từ bên ngoài tuồn qua đám tài xế, viết: Thiên thần Micae quỳ chầu bên hang đá Be Lem, ngụ ý người Mỹ (Micae) vẫn tôn trọng Hiệp định Ba lê…


Anh em tù ta tuy có đoán biết được những gian khổ ngày mai, nhưng mưa lúc nào mát mặt lúc ấy, ta vui chơi cho quên sự đời. Thoắt một cái, những chiếc mandolins, banjos, kể cả violons… được tù chế biến từ vật dụng săn nhặt. Tài thiệt. Tối tối ca vang nhạc vàng. Bên CS chưa để tâm, tạm làm ngơ. Lã Quý Trang, lính Nhảy Dù, có giọng rất mạnh và cao, ngự trên cái thùng phuy đựng nhựa đường, nghêu ngao cho cả đội bên Quốc Cộng cùng nghe. Bỗng một hôm, chen với lời ca tiếng nhạc, vang lên một giọng Trương Phi: Nghe đây! nghe đây! (Im lặng một lát), Ngọc Toét thông báo, tôi Ngọc đây, Ngọc đây, xin xung phong đi bộ đội cụ Hồ (ngưng một tí) tôi xin đi bộ đội, nhưng chỉ muốn xuống bếp… làm anh nuôi thôi!


Rồi một ngày kia cũng xảy đến, phải đến thôi. Ðợt thứ hai của con tàu Thương Tín trong đêm mùng 7 Tháng Sáu 1976 nuốt trọn hàng ngàn “cải tạo viên” và sau gần tuần lễ, nhả họ ra tại bến cảng Hải Phòng, trước khi bị đóng hộp trong các toa xe lửa theo hướng Yên Bái vùng cao. Chuyến đi ra Bắc thiệt là rợn rùng xét theo phương tiện chuyên chở và cách thức tổ chức cộng sản. Có mấy tù bỏ mình theo chuyến đi, chết té ngã, chết ngộp hơi. Nghĩ, mà thấy lạ đời. Một ông vua bên nhà, dồn hết lính tráng dưới trướng mình vô chân tường không lối thoát, để ông vua kế vị mở cửa cho đối phương tràn vô. Ngon ơ. Và người xâm lăng từ miền Bắc lên án những người giữ nhà miền Nam là… kẻ thù, đền tội khi không một cách oan ức, đến của cải sạch trơn, mang thân vô chốn lao tù chẳng biết ngày về.


Buổi chiều, nắng thắp sáng những đỉnh đồi chơ vơ Yên Bái. Ðoàn xe qua bến Âu Lâu trực chỉ Sơn La. Giữa đường, tối đêm, xe chạy chậm hẳn lại. Từ hai bên con tỉnh lộ, một hàng dài người ta lố nhố trong ánh đèn vàng vọt, đồng loạt lên cơn sốt chửi bới và ném đá lên xe. Ngọc Toét là người đầu tiên có phản ứng; cánh tay dài ngoằng của anh tung từng cục đá nhọn xuống. Có tiếng kêu đau, la ơi ới phía dưới. Anh bộ đội dẫn giải, bị viên đá trúng lưng, bực bội ra lệnh, các anh cứ ném xuống cho bỏ bố chúng nó đi. Nhưng, chỉ vài tháng sau, cảnh tiếp đón các “chú miền Nam” diễn ra khác hẳn cái cảnh đêm đen này. Một đoàn tù đi gánh củ mì bo bo về trại. Các em bé và các bà các cô chờ sẵn hai bên đường núi, các anh các chú nhớ gìn giữ sức khỏe nhá. Nắm ớt, mấy trái cam, chanh, trái ổi… làm quà mọn trao tù. Ðó là con cái những nạn nhân của phong trào đấu tố, cải cách ruộng đất năm xưa, bị chỉ định cư trú lên vùng núi.


Từ Sơn La, “cải tạo viên” bị phân phối đi các lán, các trại xa xôi khác nhau. Anh Ngọc cũng biệt tăm tích từ đó, Tháng Sáu 1976. Nhưng cái nhìn chung của tù vô màn đêm hoang dã, vô những rặng núi răng cưa xám tựa chì, trăng hồng hoang, loài chim bìm bìm lanh lảnh kêu mùa nước lên… đều như nhau. Cùng nhai thứ củ mì T. 34 diệt chủng, do “bà chị Gandhi” đánh đổi, cứ ba ký sắn Ấn độ lấy một ký gạo trắng VN. “Bà chị Gandhi” là lời xưng tụng của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Mấy tháng sau khi Tù ra miền Bắc, Tháng Chạp 1976, Thủ tướng Ðồng tiếp đón ông Cao Ủy Hồng Thập Tự Liên Hiệp Quốc. Trong những ngày hiếm hoi đó, khẩu phần lương thực của tù thuộc đoàn 776 Hoàng Liên Sơn tăng gấp đôi, trang phục mới, tóc hớt gọn gàng, tắm… nước nóng… oai quá, nhân đạo quá… Sự có mặt sớm sủa của ông Cao Ủy HTT Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 1976 cũng là một tín hiệu, một hơi sưởi ấm, một hy vọng mong manh cho thân phận tù.


Mười năm sau, 1985, tù tăng thêm mười tuổi, trung bình giữa khoảng 30-50, còn trẻ chán. Nơi “Công viên Hoàng tử “ tức Vườn hoa Ông Thượng cũ, trước Dinh Ðộc Lập và Sở Ngoại Vụ thành phố mang tên… người, các hoàng tử tù tụ tập nghe ngóng tin tức ra đi… Mỹ. (Chuyện này phong phanh đã nghe từ khi vô tù, mới ra miền Bắc, 1977, được chính thức xác nhận qua Hội nghị quốc tế tại Genève, Tháng Ba 1979 về tị nạn chính, trong đó là tù cải tạo, thuyền nhân, và con lai). Hoàng tử? Khi trong tù, các đội văn nghệ tù trình diễn vở kịch “Hoàng tử và bọn cướp “được tù ta hoan nghênh, vỗ tay rần rần. Ta hiểu ý ta; nhưng bên phía cai tù đâu có biết chăng là, cũng vỗ tay. Giấy rách giữ lấy lề. Tù tự xem mình là hoàng tử đối lại với… cai tù, thật ra cũng không quá đáng. Kết quả “học tập” mười năm, mười bảy năm, hai bên cùng hiểu nhau, chỉ là công cốc, vẫn là chuyện nín thở qua sông… Cai Tù thì giữ tù, đâu có cầm giữ được khát vọng tự do con người. Mấy vần thơ nhỏ diễn tả niềm mơ ước khôn nguôi của tù:


 


Buổi sáng leo sương tới Cổng Trời,


Chặt vầu, đốn gỗ, ngắm muôn nơi


Giờ trưa vẳng tiếng khua cạo chảo


Biết chén khoai khô đợi dưới đồi


 


Chiều đi kiếm củi ven bờ suối


Gặp mấy cô xin hát nhạc vàng.


Bỗng kẻng thu quân rền inh ỏi


Một ngày lao động rất vinh quang


 


Ðêm tối như bưng trời Nghĩa Lộ


Chui vô mền với chén bo bo


Nhâm nhi từng hạt, từng hạt nhỏ


Gửi mộng xanh đi khắp bến chờ…


 


Ðôi khi người viết lên bưu điện gởi thơ “quay tem,” cũng lê la vô đám đông. Bạn bè nhận ra nhau, lặng lẽ cảm thông. Loáng thoáng có hoàng tử mặc áo phi hành ngày nào; có hoàng tử mang nón bê rê với cánh dù và cọp dữ; chen lẫn có cô nữ quân nhân nhìn ra qua chiếc áo veste ngắn màu xanh lơ…., có phải là Thiên Nga đó chăng? Người viết không nhớ có gặp lại anh Ngọc nơi công viên… Hoàng Tử một lần nào, nhưng chắc chắn anh có đến nhà chơi, trà lài, thuốc lá phì phèo. Anh ở mãi bên Tân Thuận, đạp xe tới khu nhà thờ Ba Chuông, cũng khá xa, trời nắng Saigon nhưng không còn áo lụa Hà Ðông. Chỉ còn nỗi nhớ. Mười năm qua, anh Ngọc vẫn thế, lời nói nhẹ nhàng, nhẹ nhàng khi chàng ta pha trò vui tếu. Tếu, là nghề của chàng nhưng không bao giờ xô bồ quá trớn. Không biết vì lẽ gì, anh Ngọc tỏ ra quý mến… người viết, vẫn là “ông đội” với anh, tuy dáng thư sinh lẫn phong trần, khác hẳn dáng nét gồ ghề Django nơi anh. Thật tình, có một niềm hãnh diện khi giới thiệu anh cùng thân nhân hay bè bạn: đây là anh Ngọc Toét. Bằng thừa, vì ai ai cũng từng nghe đến tên anh, con nhà… chả cá Lã vọng Thăng Long Hà nội xưa… trong đám học sinh nghịch ngợm đánh Tây, như Bảo Trị, Cao Kỳ…


Thung lũng hoa vàng. Không rõ qua phone hay hỏi ai, anh Ngọc lại đôi lần đến thăm kẻ hèn này. Dĩ nhiên tình bạn đã hơn xưa. Không bao giờ người viết coi anh cùng trang lứa, cách nhau mấy tuổi, anh vẫn có cái gì ở trên một bực, có cái gì mà mình không có, tuy tình bạn chẳng đổi thay, từ ngày gặp anh nơi Nha Trang là miền quê hương cát trắng, năm 1959 xa vời. Từ ngày anh đặt bảy cái chai la-de cách xa 20 mét, và từng phát súng đập vỡ tan từng cái chai trước mặt viên trung úy quận trưởng Ninh Hòa… thiếu kém lễ nghi.


Mới gần đây, mà đã tám năm rồi. Ðó là vào mùa Xuân 2004. Bạn bè họp nhau chừng 10 người nơi tư gia của chàng TMK, Phi đoàn trưởng Ó Ðen ngày xưa. Từ hai đầu bàn, anh Ngọc ngồi đối diện với một người Sơn Tây ngày ấy. Ðôi mắt người Sơn Tây là bài ca đầy cảm khái. Hôm đó anh Ngọc nói có lớn tiếng hơn thường lệ, “Ông ơi, ông chấp nê to tiếng chửi bới cái cộng đồng này làm chi vậy? Có được gì không?” Hai người Hà Nội lừ lừ nhìn nhau, tưởng chừng như sắp có một màn tóe khói đến nơi. Chẳng ngờ anh Ngọc Toét nghĩ sao nói vậy thẳng thừng. Lạ thay, người bạn Sơn Tây kia cũng có giọng nói nhẹ nhàng, nhấn nhấn từng chữ, trả lời anh, rồi huề. Tất cả cùng nhau nâng ly rượu vang. Ðến khi xem xong dĩa DVD do một vị tướng Mỹ ghi lại buổi nói chuyện của “người Sơn Tây” trước Bộ Ngoại Giao Việt Nam, lời lẽ thẳng thắn, có đoạn gay gắt thì mới thấy rõ đôi lời phê phán mấy ông tướng lãnh Saigon xưa đi đầu quân cho một cái đảng “cầu may” ngoài này, từ huênh hoang dần sang lụi tàn, thật là chẳng oan chút nào…


Người Sơn Tây chợt ra đi, vĩnh viễn. Một ngôi sao khuất nẻo trùng dương, bí ẩn, khó nói ra lời. Anh Ngọc vội xuống Los Angeles dự lễ tang cho đến ngày cuối. Khi đủ 49 ngày, anh Ngọc vẫn tiếp xuống dự lễ cầu siêu. Một năm sau, thân nhân, bạn hữu tổ chức tưởng niệm người quá cố, anh Ngọc không còn trong tình trạng di chuyển được nữa nên không xuống miền Nam Cali. Anh dự một nghi thức đơn giản tại một ngôi chùa bên đường McLaughlin, San Jose. Anh đi trên chiếc xe lăn, do người bạn – anh Trí – từng là tùy viên vị tư lệnh Không Quân, giúp anh. Cao lớn, ngồi thẳng băng trong bộ complet bleu-noir, chiếc nón feutre, cứ như một nhà trinh thám về hưu, như một chính khách, hơn là một anh Ngọc Toét thân tình vui đùa ngày nào. Sau lễ, tôi đến bám vô vai anh, gầy guộc xương bọc da, anh đang phải thở bằng ống dưỡng khí. Anh kêu lên bút hiệu nhỏ nhoi của tôi, xin số điện thoại, mà anh chẳng còn bao giờ sử dụng nữa.


Sau buổi tiễn đưa người xưa quê cũ, anh Ngọc xuống sức hẳn. Bạn bè nói, anh bị chấn động tinh thần quá nặng. Cũng có thể là do cao tuổi, theo lẽ tự nhiên đời người. Anh Ngọc có nhớ, là nhớ bạn nhớ bè, nhớ quê, nhớ mái trường mẹ Chu Văn An, nhớ Hà Nội trước 1954. Nhớ bỏ quê di cư vô Nam. Nhớ đời quân ngũ, có nét ngang tàng. Cùng đi một đoạn đường với anh Ngọc Toét, không một lần người viết nghe anh phê phán một ai, không bao giờ nói chuyện chính trị chính em, không đả động gì đến tôn giáo, thì anh thương nhớ người đồng hương núi Tản sông Ðà, chỉ là tình nghĩa con người.


Các con anh – Ðoàn Thi Ngọc Thanh và Ðoàn Xuân Giang – tổ chức mừng thượng thọ cho Cha. Bạn bè khá đông, không nhớ hết danh tính, có H.C. Long, có Thanh Thương Hoàng và phu nhân, cụ cậu Bùi Thanh Tùng người linh hoạt trong các lễ nghi sinh hoạt cộng đồng; cô Ngọc Bích MC có hạng vốn dòng Sơn Tây, cô Phương Nam của Không Quân, Ngọc Thủy talk-show… không nhớ hết những bạn xưa Hà Nội. Chúng tôi sắp hàng lần lượt mừng tuổi anh Ngọc. Tôi nắn vai anh gầy, nghe nho nhỏ anh gọi bút hiệu ngày nào rơi rớt của tôi… Về hai cô cậu con anh, đều lớn con đẹp đẽ khác người, đã thể hiện một tinh thần, phong cách đáng bực con nhà. Nhìn cô Ngọc Thanh cúi khom múc chút nước cháo cho cha, mím môi, nước mắt chảy ròng, thật khó ai mà cầm lòng.


Hai ngày sau, Thứ Ba, 25 Tháng Chín, 2012, lúc 0 giờ 55 sáng, anh Ðoàn Xuân Ngọc-anh Ngọc Toét -từ giã cõi hồng trần. Tình yêu đã hoàn thành, mà đường đi còn dang dở. Nhớ anh, gởi theo anh vài lời thơ mọn:


 


Con biết có một linh hồn trong xác


Khi xác con tàn, hồn sẽ phiêu diêu.


Không hóa kiếp, hãy làm mây tản mác


Cùng đời đời ẩn ức nỗi niềm yêu.


 


Thưa, rồi ngày nào đó, ai ai cũng ra đi theo anh. Tôi xin chưa vội về trời, hãy làm mây lãng đãng trên quê hương Việt Nam, và trên những người thương yêu một đời gắn bó…


(Nguồn:macphuongdinh.blogspot. com)

MỚI CẬP NHẬT