Thursday, March 28, 2024

Đinh Phụng Tiến và, ám ảnh chiến tranh trong tác phẩm




DU TỬ LÊ


(Tiếp theo và hết)


Tôi vẫn nghĩ, nếu ví chiến tranh như con bạch tuộc nghìn chân, có dễ cũng không phải là điều quá đáng! Bởi vì, chiến tranh dù ở đâu, thời gian nào, cũng vẫn là một ám ảnh khủng khiếp, với tất cả mọi sinh linh. Ngay với thú vật, chứ không chỉ riêng với con người! Nó tựa như lời nguyền không một ai có thể bước qua.



 Với tôi, tất cả mọi sinh linh từ người già đến trẻ thơ chưa rời khỏi vú mẹ… hết thảy đều là con tin của chiến tranh. Hết thẩy đều bị giam cầm trong trùng vây bi thảm đa tầng, nhiều mặt. Nhiều trạng huống bất trắc. Đau thương. Hết thẩy đều có thể bị chiến tranh hay định-mệnh-địa-ngục chọn để đã nư những cơn khát thèm xương, máu tựa bản chất tiên thiên của nó. Bản chất phóng hỏa, thiêu đốt cả những nụ hoa chưa kịp nở! Những đời trẻ chưa kịp lớn!


Trong trùng vây chiến tranh bi thảm nhiều mặt kia thì, ám ảnh tình yêu là một trong vài nét khắc sâu, lắng nhất của văn xuôi Đinh Phụng Tiến. Ở truyện-vừa “Hòn Bi” họ Đinh viết:


“…Hòn bi chạy nhanh, hòn bi chạy nhanh. Mắt tôi chợt hoa lên và chỉ còn thấy một vùng thuần mầu đỏ. Không phải một hòn bi đang chạy, mà tôi còn thấy có trăm ngàn hòn bi khác đang lăn nhanh. Chúng lăn nhanh trên những đường cơ như những con tầu chạy trên đường rầy. Những con tầu ấy sẽ đến những ga nào? Những con tầu ấy sẽ ngừng ở đâu? Ở đâu? Thủy ơi, Thủy ơi…” (Sđd. Tr. 20 &21)


Và, vẫn “Hòn Bi” ở một đoạn khác:


“…Mỗi lần đi Thủy đều khóc. Và tôi, từ một thành phố rất ồn ào trở lại vùng cao nguyên trong nỗi nhớ nhung cùng với gió núi, cùng với sương mù. Đã hơn hai năm trời yêu Thủy mà trong thâm tâm, chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện sẽ sống với Thủy. Thủy sẽ theo anh đến cứ nơi nào. Tại sao anh không nói. Tại sao mỗi lần Tủy ngỏ ý muốn đi theo anh là anh lại lưỡng lự. Anh làm như Thủy là một vướng bận cho anh. Em không ân hận là đã lỡ yêu anh, nhưng giả dụ ngày xưa đừng có tình cơ nào xui khiến mình quen nhau thì hôm nay em đâu có khổ thế này. Anh thì đi luôn, mãi thật lâu mới về một lần. Khoảnh khắc rồi lại đi ngay. Những giây phút ở gần bên anh, em cũng chẳng hề yên ổn. Lo sợ ngày mai anh lại đi. Lo sợ những ngày anh đi mù mịt không tin tức. Và lo sợ đến cả những ngày anh về. Vì anh về là thế nào cũng lại chia tay nữa. Mà anh, sao anh chẳng bao giờ cho em chia sẻ những buồn vui mà anh đang gánh chịu. Sao anh ác thế? Thủy khóc. Nước mắt người con gái rơi vào hồn tôi một nỗi xót xa đến những điều cay đắng nhất. Tôi muốn hôn Thủy và muốn xa Thủy ngay. Tôi sẽ ra đi vĩnh viễn để Thủy đi lấy chồng. Và mỗi lần trở về, tôi sẽ ngó hạnh phúc ấy dửng dưng như một người xa lạ. Rồi tôi lại lăn đi, lăn đi rất xa…” (Sđd. Tr. 30 & 31)


Những người yêu nhau ở thế hệ sau chiến tranh hôm nay, không thể hình dung, tưởng tượng cảnh tình tuyệt vọng của thế hệ trước họ, trong chiến tranh. Nhưng tôi tin, bằng cảm nhận của trái tim trong yêu thương, họ vẫn có thể trải lòng, để chia sẻ với một trong những bất hạnh của thế-hệ-con-tin-chiến tranh. Một thế hệ không chỉ mất mát từng phần hay toàn bộ thân thể mà, họ còn mất cả thanh xuân – – Cái quãng đời đẹp nhất chỉ duy nhất, một lần có được cho mỗi cuộc đời.


Cũng vẫn cái cảm thức “con tin” trong trùng vây chiến tranh bi thảm đa tầng, nhiều mặt, ở “Cơn Lốc” Đinh Phụng Tiến gặp lại mình. Ông gặp lại chính ông trên đỉnh nhọn tình yêu chênh vênh, bất lực:


“…Tôi muốn quay trở lại Saigon ngay tức khắc. Tôi muốn trở về để gặp Thịnh ngay và nói với Thịnh rằng Thịnh có thể lập gia đình với Thái. Tôi sẵn sàng ném Thịnh ra khỏi đời sống tình cảm của mình, như đứa trẻ hờn dỗi liệng vứt một món đồ yêu thích nhất…” (Sđd. Tr. 37)


Và, đây là một hình thái “con tin” khác của những người yêu nhau trong chiến tranh trong văn xuôi Đinh Phụng Tiến. Tôi muốn gọi đó là một thứ “con tin” trong ngục tù có hai lớp song sắt của thế hệ lớn lên giữa khi cuộc chiến miền Nam, 20 năm ở giai đoạn cực điểm xương, máu:


“…Đèn chuyển sang mầu tối huyền hoặc. Điệu Slow bắt đầu cất lên. Tiếng hát của người ca sĩ huồn mênh mang. Tôi rất thích bản nhạc này. Thịnh vẫn thường hát một mình. Thịnh hát không hay nhưng tiếng hát của Thịnh thường đưa tôi về với những buổi chiều trên bến sông của những ngày đầu chúng tôi mới quen nhau. Những hình ảnh ấy chẳng bao giờ phai. Tôi đã lạc loài trong tiếng hát của người ca sĩ như tự bao giờ. Tôi chìm đắm trong không gian quạnh quẽ của những buổi chiều trên bến sông ngày nọ. Tôi chìm đắm trong mối tình đã vỡ tan cùng với nước mắt, và niềm xót thương cho thân mình (…)


“…Dưới ánh đèn mờ, khuôn mặt con bé vô cùng lộng lẫy.


Cùng với tiếng trống, tiềng kèn của nhạc công, tôi đang bước trên những thân sóng lênh đênh của biển rộng. Lưng con Hiển mềm, bước đi của nó vững vàng và thanh thoát. Nó ngửa mặt nhìn tôi, ánh mắt ấy khiến tôi rùng mình. Đó là cảm giác của đứa con trai mới lớn. Đó là cảm giác của người đàn ông si tình vụng dại. Thịnh ơi, anh nhớ em vô cùng. Duyên ơi, anh là con mèo hoang lang thang ngoài phố chợ…và tôi buột miệng nói:


-Tối nay Hiển đẹp quá.


(…)


Tôi và con Hiển đi giữa trời khuya, trăng mờ lạnh. Nhiều tiếng côn trùng bốc lên từ lùm cây, bụi cỏ và nhiều hạt sương đêm lất phất như bụi bay tạt trên vai lạnh buốt. Trong vòng tay qua lưng Hiển, bấy giờ bên tôi là những hư vô. Tôi không thể phân tích được tình cảm của mình lúc ấy ra sao. Tôi vừa giận vừa thương mình hết sức. Khi đi qua con suối trên đường về, thình lình con bé bảo tôi:


– Cháu muốn nhẩy xuống đây để được chết với cậu quá.


Lời con bé nói, tợ hồ như một dòng nước lạnh chảy khắp quanh tôi. Tôi cất tiếng như một cơn mê:


– Nếu được chết với Hiển ở đây, vẫn hơn là…tử trận…” (Sđd. Tr. 106, 107, 108 109 và 110).


Định-mệnh-địa-ngục sẽ bất lực trước chọn lựa tự chấm dứt đời mình của những người yêu nhau trong chiến tranh. Nhưng thực tế, không mấy ai làm được. Đó cũng là một phần hiện thực trong văn xuôi của Đinh Phụng Tiến. Một hiện thực cay đắng, xác nhận tính bất lực nơi những “con tin” trong chiến tranh của tất cả mọi sinh linh thuộc miền Nam, 20 năm máu, xương vậy.


(Calif. Oct. 2013)


*Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 9 tháng 11 tới đây, Nhà xuất bản Người Việt và Nhóm Thân Hữu Du Tử Lê sẽ tổ chức buổi giới thiệu “Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê (1957-2013) tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt. Cá nhân chúng tôi trân trọng kính mời quý bạn đọc, thân hữu bớt chút thì giờ đến với chúng tôi, để buổi sinh hoạt thêm phần ý nghĩa.
Trân trọng,
Du Tử Lê

MỚI CẬP NHẬT