Thursday, March 28, 2024

Đọc lại Đinh Phụng Tiến, truyện ngắn

 

DU TỬ LÊ


Độc giả tạp chí Trình Bày của nhà văn Thế Nguyên (1) trước tháng 4-1975, hẳn chưa quên, tạp chí này đã chọn con đường dùng thơ, văn để lên án chiến tranh, phản đối sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam. Những cây bút nòng cốt của nhóm, cũng không quên tấn công mạnh mẽ những nhà văn không cùng lập trường. Họ xếp những nhà văn đứng ở phía đối nghịch vào hàng ngũ của những người mà, họ gọi là cổ suý cho dòng “văn chương viễn mơ”. Nhà văn bị coi đứng đầu khuynh hướng “văn chương viễn mơ”, bị nêu đích danh là nhà văn Mai Thảo. (2) Nhóm này cũng gần như công khai tố giác những gì mà, họ cho là sai trái của chế độ miền Nam.








Bìa sau truyện “Cơn Lốc” của Đinh Phụng Tiến


Dĩ nhiên, mọi nỗ lực làm sáng lên hay, nêu bật chủ trương của mình, dù ở lãnh vực nào, cũng đều dễ vượt qua biên giới của thực trạng, hay bước quá xa nhu cầu phản ảnh trung thực thời thế.


Đa số những cây bút chính của nhóm Trình Bày đều có chung nỗ lực cường điệu hóa mọi thảm kịch miền Nam và, gần như họ không bao giờ tự đặt câu hỏi:


– Chiến tranh, những mảng tối chất đầy lở loét của những bất hạnh đất nước tại sao? Và bởi đâu?


Giữa bầu khí nghiêng, lệch nghiêm trọng một phía của tạp chí Trình Bày thì, chí ít cũng có một cây bút thoát khỏi bóng cờ phản chiến, lên án chế độ của nhóm chủ trương. Đó là nhà văn Đinh Phụng Tiến.


Là người có liên hệ thân tộc với cố nhà văn Thế Nguyên, nhưng họ Đinh cho thấy, ông độc lập với đường lối của Trình Bày. Cũng có thể nói, ông là mặt khác, phía bên kia của dàn nhạc đại hòa tấu mang tên Trình Bày.


Là người cẩn trọng với ngòi bút của mình, Đinh Phụng Tiến sáng tác không nhiều. Lại nữa, gần như truyện của ông chỉ xuất hiện trên tạp chí Trình bày mà, không thấy ở các diễn đàn văn chương khác.


Tác phẩm đầu tay “Hòn Bi” của Đinh Phụng Tiến do nhà Trình Bày ấn hành năm 1967. Hai năm sau, ông có thêm “Cơn Lốc” cũng mang nhãn hiệu nhà xuất bản này.


Cả hai truyện nói trên, đều có số trang khiêm tốn. “Hòn Bi” chưa tới 100 trang. “Cơn Lốc” dầy hơn, khoảng 150 trang. Vì chúng không quá ngắn, để gọi là truyện ngắn mà, cũng chưa đủ dài, để có thể xếp vào loại truyện dài. Do đấy, nếu cần phải xếp loại cho hai 2 tác phẩm văn xuôi kia của Đinh Phụng Tiến, theo tôi, có lẽ chỉ danh “truyện vừa” là tương thích hơn cả.


“Hòn bi” và “Cơn lốc” xuất hiện, tuy không tạo được tiếng vang lớn, ở giai đoạn đó. Nhưng, đọc lại, độc giả sẽ thấy: Đó là hai tác phẩm đem lại sự “quân bình” phần nào, cho sự xu hướng quá độ của nhóm Trình bày – – Nhờ tính khách quan, độ sâu, chín tự thân của nội dung tác phẩm.


Nhân vật chính trong cả hai truyện vừa, có thể coi là đại diện cho đa phần thanh niên miền Nam thời giặc giã. Họ tiêu biểu cho thế hệ thanh niên miền Nam thời bấy giờ. Họ bị động viên. Vào quân trường. Ra mặt trận. Cả hai nhân vật chính đều mang cấp bậc Trung úy. (Trong hàng ngũ sĩ quan thì đó là một cấp bậc thấp. Cho thấy họ mới ra trường, ở với lửa đạn, chưa quá 6 năm).


Tôi nghĩ, chẳng cần phải chú ý nhiều, độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra: Họ Đinh không nhắm dùng văn chương để “tố cáo chế độ miền Nam”. Ông cũng không cho thấy một cố tình ngợi ca người lính quá lố…


Nói cách khác, người lính, trong truyện Đinh Phụng Tiến là một người bình thường. Một thanh niên với đầy đủ những ưu, khuyết của một con người.


Người đọc không tìm thấy những than oán việc ông bị động viên vào quân đội. Nhưng, tuyệt nhiên, người đọc cũng tìm thấy trong truyện của ông những dòng chữ mang ý nghĩa của những tự phong, tự trao cho mình, những vòng nguyệt quế vinh quang từ vai trò người lính đánh giặc.


Bằng văn phong điềm tĩnh, khá lạnh, truyện của Đinh Phụng Tiến không có những dồn dập cao trào của các nút thắt, mở. Tựa như ông không chọn cho truyện của ông, những biến chuyển dồn dập, để đẩy không khí truyện tới những đỉnh điểm gay cấn, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả. Mặc dù không gian, những tình huống truyện, luôn được ông mô tả một cách chi tiết, như thể đó là những nơi chốn ông đã đi qua. Đã sống với. (Hay tác giả cố tình xóa mờ vai trò của hư cấu, tưởng tượng, trong văn chương của mình?)


Với tôi, 2 tác phẩm của họ Đinh, giống như một loại bút ký hay hồi ký. Tôi nói giống như, bởi bút ký hay hồi ký, vốn không đòi hỏi phải có tính văn chương, như trong “Hòn bi” và “Cơn lốc” của Đinh Phụng Tiến:


“…Quận Kiên Đực nằm trên ngã ba của những trục giao thông cao nguyên. Quốc lộ 13 đi lên, Quốc lộ 14 ở chỗ này. Rẽ phải, đường liên tỉnh dẫn về thị xã bằng một quãng đường gần mười ba cây số. Buổi sáng, chuyến xe đò độc nhất già nua đưa một vài khách hàng quen thuộc về thị xã. Chuyến xe ấy sẽ trở ra vào buổi chiều cùng với vài thùng rượu đế và những mớ rau ế của ban mai.


“…Quận đường và văn phòng Chi khu dựng trên đỉnh đồi cao. Dưới chân đồi là dãy phố nghèo nàn, tiệm ăn của người Tầu, quán cà phê thường mở cho đến khuya. Tiệm hớt tóc do ông Chủ tịch xã kiêm Trưởng chi Bưu điện làm chủ. Những chiếc xe ủi đất sau khi hoàn tất công việc trong ngày trở về nằm lười biếng trên lưng dốc vào mỗi buổi chiều. Có những người dân miền núi xếp hàng dọc rất dài đi giữa phố với gùi trên lưng và xà gạc vác trên vai. Đôi khi, những thớt voi to trở về trong khuya khoắt gây ồn ào trong mùi bùn, mùi đất khô lẫn với mùi khói ẩm…”


(“Hòn Bi”, trang 23)


Hoặc:


“…Suốt ngày hôm nay tôi đã đi trên một đoạn đường mệt nhọc. Những ngày phía trước không biết ra sao. Những tháng ngày sau lưng, để lại trong tôi những vết hằn sâu đau nhức. Đó là những tháng ngày buồn tẻ của một người lính không có những kỷ niệm hào hùng. Những công tác mở đường nhàm chán. Những lần bị đánh lén không kịp trở tay và những xác người ngã xuống, trong đó có cả bạn lẫn thù. Tôi và con Tư đều không nhìn rõ mặt nhau và cũng chưa hề trao đổi với nhau một lời. Điều ấy thật khó cho tôi, dù là khi nằm với một đứa gái điếm, để có thể làm tình tự nhiên


Tôi nằm quay mặt ra phía ngoài, đầu óc hoang mang hỗn độn. Tôi cảm thấy khó chịu và tự nhiên giận với cả chính mình. Khi không rơi vào một hoàn cảnh oái oăm. Tôi thèm một giấc ngủ để quên. Quên luôn cả việc ngày mai sẽ trình diện đơn vị mới và không biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi muốn quay trở lại Saigon ngay tức khắc…”


(“Cơn lốc”, trang 37)


Đó là một vài thí dụ về tính hiện thực và, thấp thoảng bản năng con người trong truyện của Đinh Phụng Tiến vậy.


Du Tử Lê,


(Còn tiếp)


_________


Chú thích:


(1) Nhà văn Thế Nguyên tên thật Trần Gia Thoại, tác giả truyện dài nổi tiếng “Hồi chuông tắt lửa”. Ông sinh năm 1941, mất năm 1989, tại Saigon.


(2) Nhà văn Mai Thảo, tên thật Nguyễn Đăng Quý. Ông sinh năm 1927, mất năm 1998, ở miền nam California. Ông là người chủ trương tạp chí Sáng Tạo, năm 1956 Saigon.

MỚI CẬP NHẬT