Thursday, March 28, 2024

Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương


VIÊN LINH


 


Trong những ngày tháng 2 âm lịch năm nay Nhâm Thìn, người viết bài này giở sách báo cũ, lục tìm thơ văn viết về hai vị nữ anh thư, và nhất là về Trưng Trắc, người Lĩnh Nam đầu tiên đã võ trang nổi dậy lật đổ cuộc đô hộ của giặc Tầu, kéo dài từ năm 111 trước Tây lịch tới lúc đó, năm 39 sau Tây lịch, tức là 150 năm, (sau này ta quen gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất).










Chân dung nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác, thi sĩ từ trần tại giảng đường Văn Khoa khi đang đọc bài thơ “Trưng Nữ Vương.”


Sau vài ngày, chúng tôi chỉ tìm thấy có một vài bài đã cũ, thuộc các thế kỷ trước, nhưng bất ngờ là cùng một lúc, có hai ba nguồn tài liệu xuất hiện, nhắc đến bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nhà thơ nữ Ngân Giang và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ khi ông đang đọc bài thơ đó. Ðông Hồ (1906-25.3.1969) (1) là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam, lại là người đã mở trường dạy chữ quốc ngữ tại Hà Tiên khi mới trên 20 tuổi. Theo tác giả “Dự báo bùng nổ thơ ca,” thì chi tiết về bài thơ và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ, đã xảy ra như sau:


“Trưng Nữ Vương của Ngân Giang là bài thơ hay nhất về vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Ðược sáng tác ở tuổi 23 (1939), ‘Trưng Nữ Vương’ đã đi vào huyền sử nền thơ Việt với sự ra đi thần thoại của người thầy – nhà thơ Ðông Hồ – trên bục giảng đường Văn Khoa Ðại Học Sài Gòn, ngày 28 tháng 3, 1969, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.” (2)


Ðoạn văn dưới đây tác giả in nghiêng, nhưng không ghi rõ lời của ai, tuy nhiên theo như câu thứ ba và câu cuối cùng, “thầy đọc các con nghe,” thì phải là lời của chính thi sĩ Ðông Hồ:


“Thơ về Hai Bà kể rất nhiều. Nhưng có điểm chung các tác giả đều là đàn ông. Họ chỉ nhìn khía cạnh Hai Bà yêu nước, diệt xâm lăng. Cho đến ngày thầy được xem bài của một nữ sĩ tên là Ngân Giang trong tập ‘Tiếng Vọng Sông Ngân’ mới chợt thấy: Trời ơi, có một điểm mà từ trước tới nay chưa một ai nghĩ tới, mà tới nay mới có một người nhìn thấy! Ðó là khi đánh đuổi quân Tầu, thắng khắp nơi, Bà Trưng vẫn là một người góa bụa. Dù chiến thắng nhiều, dù quân thù kinh hãi, bà vẫn là một người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà, đến bốn câu kết thì thật tuyệt. Ðể thầy đọc các con nghe; ai thích thì chép.” Ðọc xong khổ cuối “Trưng Nữ Vương,” Ðông Hồ đứng vịn vào tường, gục xuống…” (tr. 532)


Bài thơ của Ngân Giang như sau:


 


Trưng Nữ Vương


 


Thù hận đôi lần chau khóe hạnh


Một trời loáng thoáng ánh sao rơi


Dồn sương vó ngựa xa non thẳm


Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.


 


Ngang dọc non sông đường kiếm mã


Huy hoàng cung điện nếp cân đai


Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa


Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.


 


Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ


Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!


Hồn người chín suối cười an ủi


Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.


 


Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận


Non Hồng quét sạch bụi trần ai.


Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận


Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.


Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa


Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.


Chàng ơi! Ðiện ngọc bơ vơ quá


Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi…


(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)


 


[Bản này bị chép khác ở cuốn “Thơ Mới, 1932-1945,” NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, 1998: Câu thứ 2 in là: “bóng sao rơi” thay vì “ánh sao rơi,” câu thứ 7 in là “gió bão dồn chân ngựa” thay vì “gió bãi lùa chân ngựa,” câu 9 in là “cốt xương” thay vì “cốt xong,” – câu 15 in là “Cờ tang điểm tướng,” thay vì “Cờ tang điểm trống,” câu 16 in là “ngắt mấy trời” thay vì “ngát mấy trời,” câu 18 in là “Giáp vàng khăn trổ” thay vì “khăn trở” (tức khăn tang). Các cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Ðại của Vũ Ngọc Phan hay Việt Nam Thi Nhân Hiện Ðại của Phạm Thanh đều không nói đến Ngân Giang. Thi ca Việt Nam của Trần Tuấn Kiệt có mục về Ngân Giang, (đăng nguyên bài do Thẩm Thệ Hà viết thay), song lại không có bài Trưng Nữ Vương.] (3)


Ngoài đời, nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác là một người mảnh khảnh, y phục trang nhã, phong thái ung dung, tươi cười. Khi tòa soạn Nghệ Thuật của chúng tôi (Mai Thảo, Thanh Nam, Anh Ngọc, Viên Linh) đặt tại Thư Lâm Ấn Thư Quán, chủ nhân là con rể thi sĩ, tôi có được gặp ông và nhà thơ Mộng Tuyết. Người thơ Ðông Hồ, khi đọc bài Trưng Nữ Vương, hẳn đã nhập thần với đề tài. Quả thật, chỉ có Ngân Giang đã nhìn “thấu hai cõi” khi làm thơ về Trưng Trắc, và chỉ có Ðông Hồ mới nhìn thấy “cái thấy” của Ngân Giang. “Ta cũng nòi tình…”


 


Chú thích:


1. “Vào ngày 25 tháng 3, 1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Ðại Học Văn Khoa [Sài Gòn], Ðông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Ðông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Ðược các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó.” (Võ Văn Nhơn, Ðông Hồ, thi sĩ yêu tiếng Việt, online).


2. Nguyễn Phan Cảnh, “Ngân Giang, hình hài tình tự thế hệ,” 347-371, La Giang Publishing, Toronto-Hong Kong, 2007.


3. Một bài thơ có 20 câu, Hội Nhà Văn Việt Nam chép sai 6 câu. Ðược biết trong niên giám Hội in xong tháng 4, 2007, dầy 1200 trang đóng bìa cứng, có lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, khoe hội có non 1000 hội viên là nhà văn. Thật ra không biết có bao nhiêu hội viên ngành xuất bản đọc thông thơ văn?

MỚI CẬP NHẬT