Friday, April 19, 2024

Êm ái… những mùa Xuân

 


Nguyễn Thị Kim Loan


 


Ðó là những mùa Xuân ở trại tỵ nạn Thailand! Chắc những ai đã từng trải qua đời tỵ nạn trên đất nước tạm dung, sẽ thấm thía và hiểu rõ nhất những cảm xúc ngày Xuân xa quê, tuy thiếu thốn mọi bề, nhưng chưa bao giờ tình đồng hương, tình con người lại gắn bó đậm đà đến như vậy!


Mọi lỗi lầm được bỏ qua, những hiềm khích được tha thứ, để cùng nhau hướng lòng về quê hương đón mùa Xuân, khơi dậy tình tự dân tộc, đón chờ tương lai phía trước…


Tôi may mắn có được bốn mùa Xuân như thế trên đất tỵ nạn Thailand.


Mùa Xuân đầu tiên cũng nhiều kỷ niệm và nhiều bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa chân ướt chân ráo vào trại Panatnikhorm sau 3 tuần lễ ở tạm dưới trại cảnh sát thị trấn Tha Luông miền nam nước Thái. Ngày đầu nhập trại còn quá nhiều ngỡ ngàng, tôi cùng ba cô bạn gái chưa biết phải làm những gì trong khi đúng hai tuần nữa là Tết đến. Tiền bạc thì chắc chắn là không có một xu vì chưa liên lạc được với thân nhân ở nước ngoài để… ca bài ca “xin tiền” (khi ở trại cảnh sát thì không được liên lạc thư từ). Tuy lúc vượt biên có mang theo chút đỉnh phòng thân, nhưng chuyến tàu chúng tôi hai lần bị bắt ngay trên đất cảng Kongpongcham, Kampuchia, bị vơ vét hết tiền của bởi những người lính, trước khi họ thả cho tàu chúng tôi trực chỉ về Thailand. May mắn trong nhóm chung chuyến tàu, có mấy người tìm được người quen trong trại nên giúp chúng tôi mượn một ít tiền để mua những thứ cần thiết, như tấm trải nhựa, tre nứa để làm nhà, rồi mua thêm đồ lặt vặt nấu nướng vì ở trại nhỏ chỉ được phát nồi niêu, chén bát, mùng mền… nên chuyện mua sắm ăn Tết coi như là trong… mơ, chúng tôi không dám nghĩ tới, mà cũng chẳng còn tâm trí nào để ăn Tết khi còn biết bao điều âu lo đang đón chờ…


Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy anh thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên đến nhận “đồng hương đồng khói.” Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả:


-Mấy em ở vùng nào?


-Dạ, gần chợ Xóm Mới ạ! Còn các anh?


-Mấy anh thì ở khu chợ Gò Vấp, kéo dài trên đường Lê Quang Ðịnh…


Ôi, nếu còn ở Việt Nam, thì Xóm Mới và khu Lê Quang Ðịnh cách xa nhau, như kẻ đầu sông người cuối sông, có khi cả đời cũng chẳng gặp nhau, nhưng vì nơi đây trên đất khách quê người, lại mang thân phận tỵ nạn khổ đau, nên bỗng dưng trở nên… gần gũi lạ thường! Mấy anh đồng hương “Gò Té” chợt nhìn chúng tôi… thương hại:


-Bộ mấy em ở Việt Nam không nghe tin gì hay sao?


Chúng tôi cùng nhau… ngơ ngác:


-Dạ, không ạ!


-Hèn chi các em hớn hở như vừa vào… đất Hứa vậy!


Thế là chúng tôi được giảng giải về những khó khăn thử thách sắp tới vì trại tỵ nạn đã chính thức đóng cửa “từ khuya,” ai vào trại sau ngày đóng cửa sẽ bị thanh lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, nếu qua được thì mới gặp phái đoàn các nước phương Tây… Chúng tôi rầu rĩ như trái bóng vừa xì hơi, Tết lại sắp đến… ôi sao mà buồn! Như đoán được nỗi buồn lo của chúng tôi, các anh đồng hương bỗng dưng nổi máu “Lục Vân Tiên”:


-Thôi, hãy cứ vui hưởng đời tỵ nạn trước đã, người ta sao mình vây, lo gì! Ngày mồng Một mời các em đến nhà ăn Tết nhé…


Chúng tôi vui vẻ nhận lời, ít ra cũng có mục “xuất hành đầu năm” giống như người ta vậy.


Vài ngày sau, tôi gặp lại thầy giáo xóm cũ ở Việt Nam. Thầy chẳng dạy tôi ngày nào nhưng là thầy của các anh tôi, Thầy nói trại có hơn mười mấy ngàn người (ở thời điểm đó, chứ sau này lên hơn vài chục ngàn người) nên mãi bây giờ mới nghe tin có dân Gò Vấp nhập trại và tìm đến cầu may, ai dè gặp người quen! May đâu chưa thấy, chỉ thấy thầy phải “mời” lũ chúng tôi đến nhà thầy 7 giờ tối giao thừa ăn chè và đậu phộng da cá chiên bơ đón năm mới.


Vậy mà chưa hết đâu nhé, chỉ ba ngày trước Tết, một cô bạn trong nhóm tôi lại tình cờ gặp lại bạn “tù vượt biên” ngày xưa khi chúng tôi đang xếp hàng lãnh nước trong trại. Qua lại vài câu trao đổi, thấy chúng tôi còn “bơ vơ” chưa có tiền tiếp tế, nên người bạn này cũng mời chúng tôi ăn tiệc trà bánh đêm giao thừa… Kể từ ngày đó, chúng tôi không dám đi lang thang trong trại nữa, vì sợ gặp… người quen mời ăn Tết thì làm sao dám… từ chối! Ðó là những kỷ niệm vui của Tết đầu tiên, dù không có tiền, nhưng Tình Người thật bao dung, thân ái.


Những cái Tết sau đó thì tôi đã trở thành một người tỵ nạn thực sự với đầy đủ vui, buồn, lo âu của những ngày sống trong đợi chờ. Tôi đến trại với tuổi đôi mươi phơi phới nên lao vào làm việc thiện nguyện là niềm vui. Năm đầu tiên làm cho Bưu Ðiện với một bà người Úc, sau đó tôi đậu thanh lọc thì buổi sáng dạy học trường Việt Ngữ, rồi chạy qua làm Văn Phòng Cao Ủy Ðịnh Cư với người Thái, chưa kể sinh hoạt trong nhà thờ… nên quen biết rộng rãi với nhiều người Việt trong trại, thân có, sơ có… Và mỗi khi Tết đến, bên cạnh nỗi nhớ nhà, là niềm vui rộn ràng cùng mọi người đón Xuân Tỵ Nạn…


Người Việt mình nổi tiếng cần cù và thông minh, nhất là trong cái khó ló cái khôn, nên Tết đến cũng tìm ra được vài hương vị quê mình dù đang lạc loài nơi trại tỵ nạn. Từ đầu Tháng Chạp, trời Thailand cũng se lạnh, nắng hanh vàng và gió Xuân mát rượi vào những buổi sáng. Chẳng biết ai mách bảo với người Thái, mà lúc này ra chợ đã thấy hàng hóa phong phú hơn ngày thường: dưa hấu, trái cây, hoa tươi, đậu xanh, nếp, măng, củ hành tím, kiệu, dừa khô làm mứt, v.v… các sạp thịt, bò, gà, cá cũng nhiều thêm nên hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho trứng.


Từ chiều ngày hăm ba đưa Ông Táo, đã nghe người ta bảo nhau đi mua bánh chưng, bánh tét, tôi cũng đi dạo ngay một vòng làm cuộc “phỏng vấn bỏ túi.” Ở một điểm nấu bánh tét trong một khu nhà, kẻ gói bánh, người buộc dây, rồi đặt vào nồi chuẩn bị nổi lửa rộn ràng tiếng chuyện trò cười nói. Tôi hỏi chị chủ nhà:


-Gạo, thịt, đậu xanh thì mua ở chợ… Còn lá chuối, củi lửa, nồi bự chị mua ở đâu?


-Dễ lắm em ơi, có tiền nhờ người Thái ra ngoài mua gì chẳng có…


Rồi chị dẫn tôi ra mảnh đất kế bên lô nhà chị, ở đó mấy anh thanh niên đang hì hục đào một lỗ sâu khoảng ba gang tay, đặt mấy cục gạch ống xung quanh, làm nơi đặt nồi nấu bánh tét đêm nay, khung cảnh thật tưng bừng, ấm áp, làm vơi đi nỗi lòng những người con xa quê.


Thời điểm này tôi đã đậu thanh lọc, (ba cô bạn đi chung bị rớt, chuyển qua trại Sikiew) tôi được chuyển qua trại chờ định cư, nên cuộc sống tinh thần rất thoải mái, được đi học tiếng Anh với người nước ngoài, thân nhân gửi tiền đầy đủ, mọi người đều vui vẻ chờ ngày lên đường định cư. Cứ vài ba tuần lại có người mời ăn party… chia tay, thỉnh thoảng có tiệc birthday, giỗ quảy, v.v. nên Tết đến thì tại sao không làm hết mình để đón Xuân? Ngoài món mứt dừa đi đâu cũng thấy các bà các cô ngồi bên chảo trổ tài khéo, có chị còn làm món “hiếm” như mứt gừng dẻo thái sợi, mứt tắc, mứt cà chua… tôi đi một vòng hỏi thăm đều được mời ăn thử cũng đã thấy no bụng!


Cũng xin mở ngoặc một chút ở đây, những người tỵ nạn Việt Nam chờ định cư được ở khu bên cạnh người Lào-Hmông và Campuchia, không có hàng rào ngăn cách, nên những năm ở đây, tôi được tham gia những cái Tết giao lưu văn hóa rất thú vị. Tết Lào tôi không nhớ nhiều vì không có bạn Lào nhưng những món ăn của họ khá lạ miệng, (tôi được ăn trong lớp học English), chủ yếu là nếp nấu trong ống nứa hoặc gùi tre, ăn với món thịt bằm rất cay và nhiều gia vị khác, nhưng phong tục đeo dây nhiều màu vào cổ tay nhau như một lời chúc phúc trước lời tụng kinh của những nhà sư, thật dễ thương và đơn sơ như tâm hồn người Lào-Hmông.


Tết Campuchia vui nhộn hơn vì tôi có mấy người bạn Miên làm chung phòng Cao Ủy. Phong tục rải phấn thơm vào người khác của ngày đầu năm làm cả trại náo động, có khi mới ra đường chưa được một tiếng mà người và mặt mũi chân tay bị một màu trắng xóa do nhiều người “ưu ái” chà phấn thơm cho mình! Sau đó, người Campuchia theo phong tục cổ truyền là mang các hũ thức ăn ngon dâng lên chùa cho các sư sãi, tôi đi theo họ, ngồi nghe các sư đọc kinh (dĩ nhiên chẳng hiểu một chữ Campuchia nào), nhưng đến mục ăn uống thì hơi… rùng rợn vì tôi chẳng ăn được mắm bò hóc của họ trong khi mọi người sì sụp và khen ngon. Tôi đành phải enjoy mấy món xôi hấp với thịt gà.


Vui hơn là Tết Thái, vào giữa Tháng Tư, chúng tôi cũng được… hưởng ké lệnh xả giới nghiêm và nghỉ làm của Ðức Vua Thái. Ông trưởng trại còn hào phóng cho tổ chức một đêm văn nghệ người Việt tỵ nạn hát hò cho nhau nghe trên sân khấu dựng ngay giữa trại. Những món ăn Thái có nhiều nước dừa hay đậu phộng, có món cũng hơi giống Việt Nam, tôi thích nhất món giống như bún tàu xào bắp cải, thịt gà, thêm gia vị của Thái được gói trong lớp trứng chiên mỏng bao bọc bên ngoài, để trên dĩa ăn nóng với nước tương khá hấp dẫn… Mấy ngày Tết Thái, ai ra đường cũng bị tạt nước vào người, đó là điều may lành mà người Thái tin tưởng vào những ngày đầu năm. Người Việt mình được dịp… quậy xả lảng, phá nước tung tóe khắp nơi, tôi rút kinh nghiệm, nằm trong nhà ăn mì gói cho chắc ăn, khỏi phải ra đường bị ướt quần ướt áo!


Trở lại Tết Việt Nam trên đất Thái, sau màn bánh tét và mứt, người ta rủ nhau tìm các cành cây khô đem về nhà, cắt hoa mai bằng giấy vàng, nhụy đỏ, lưa thưa lá xanh, dán lên cây, điểm thêm vài tấm thiệp Xuân màu mè, là có ngay một cành mai, dù là bằng giấy, nhưng vẫn… rực rỡ như thường!


Hai câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, ” vậy mà cũng… gần đủ trong trại tỵ nạn rồi. Này nhé, nồi thịt kho trứng thì hầu như ai chả có, bánh chưng bánh tét đã nấu xong, chỉ việc… mua về! Dưa hành củ kiệu cũng đã nằm sẵn sàng trong các keo lọ ở các nhà. Câu đối thì sao? Xin vào chùa hay nhà thờ, sẽ thấy ngay hai hàng câu đối đỏ viết theo lối thư pháp mới, bay bướm, đẹp như rồng bay phượng múa được đặt uy nghi trang trọng hai bên bàn thờ.


Và các bạn có tin không, đêm giao thừa cũng có pháo! Tuy không nhiều, nhưng đã có người mua được bên ngoài đem vào trại. Giao thừa năm ấy, tôi vừa đi lễ nhà thờ về khoảng 11 giờ khuya, đã có mấy người bạn làm chung vừa ghé qua, mang theo một dây pháo nhỏ (pháo chuột) đến nhà tôi làm quà mừng tuổi. Khi đồng hồ chỉ 12 giờ đêm, chúng tôi bắt đầu châm ngòi đốt pháo, rồi lác đác nghe vài tiếng pháo vọng lại ở đâu đó trong trại, xen lẫn tiếng khua động nồi niêu xoong chảo thay cho tiếng pháo, rồi tiếng cười nói, chúc tụng nhau giữa những bữa liên hoan đón phút giao mùa làm cho đêm Xuân trên xứ người bớt quạnh hiu.


Tôi cũng chẳng ngờ người Việt mình vẫn mang theo những phong tục tập quán quê hương. Ðêm giao thừa, nhiều người vẫn chưng hoa quả, nhang khói ngay trước cửa nhà như bàn thiên tại Việt Nam. Tết đầu tiên, tôi và mấy cô bạn còn đang miệt mài ngủ nướng sau một đêm ăn uống liên tục, đã nghe tiếng người ta xôn xao đi chúc Tết đầu năm, chúng tôi cũng vội vã trở dậy, sắp xếp lại chỗ ở cho gọn gàng để chuẩn bị đón bạn bè người quen ghé qua. Từ đó, mỗi sáng Mồng Một, tôi luôn có sẵn chương trình “xuất hành đầu năm,” ghé thăm và chúc Tết những người thân quen, bạn bè làm chung, lũ học trò nhỏ, đến đâu cũng được mời ăn uống, có khi chỉ là miếng mứt, ly trà thơm, nhưng những câu chuyện luôn rôm rả, đầy lạc quan cho một ngày không xa trên quê hương thứ hai.


Trời bắt đầu đứng bóng, chúng tôi kéo nhau đến ngôi chùa Việt Nam do một sư Việt tỵ nạn trụ trì. Người ta đến chùa đông như kiến, xếp hàng vào chánh điện lạy Phật, mùi hương trầm ngào ngạt cả một vùng không gian. Chúng tôi được mời ở lại dùng cơm chay vừa ngon vừa lạ miệng, Thầy trụ trì còn vui vẻ xem chỉ tay cho chúng tôi trước khi ra về. Tiết mục tiếp theo là kéo nhau qua khuôn viên nhà thờ ngay bên cạnh do Cha Nguyễn Ðức Hậu coi sóc, xem các gian hàng vui chơi ngày Tết do đội Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách…


Ðến khi trời sẩm tối mới trở về. Khi đi ngang qua các khu nhà trong trại, dưới ánh đèn dầu hay đèn điện xài bình accquy, đây đó vẫn còn những nhóm người tụ tập ăn uống mừng Xuân, chơi đánh bài, và bỗng vang lên tiếng đàn guitare thùng bập bùng điệu bolero da diết, với giọng ca nam trầm ấm, đầy tâm sự: “Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui – Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi…,” buồn muốn khóc!


Nói đến khóc, tôi cũng phải nhắc đến những giọt nước mắt của những đứa con xa quê mẹ trong những ngày Tết. Ngay trong nhóm chúng tôi, một cô bạn mới sáng mồng một của Tết đầu tiên đã ngồi khóc sụt sùi, sau đó thì thêm phần… nức nở và… tức tưởi tưởng không dừng lại được, đã vậy còn đòi về… Việt Nam nữa chứ! (Cái này thì ai mà chiều nổi?). Các bà các cô ở gần sợ… xui vội chạy qua dỗ dành, chúng tôi cũng xúm lại vừa năn nỉ vừa… răn đe mới xong! Khi đi chúc Tết người này người kia, đôi khi thấy ai đó cặp mắt đỏ hoe, sưng vù, hỏi ra mới biết đêm qua khóc vì nhớ… pháo giao thừa quê hương. Riêng tôi, Tết đầu tiên đậu thanh lọc một mình, không có ba cô bạn, tôi cũng nằm vùi và khóc ròng suốt một buổi chiều sau khi đi lễ nhà thờ về thấy buồn và trống trải mênh mang, vừa nhớ bạn, vừa nhớ nhà mà nước mắt tuôn rơi…


Rồi thì ba ngày Tết cũng trôi qua, dù không đầy đủ hương sắc như ở quê nhà, nhưng rõ ràng đó là những cái Tết đầy kỷ niệm trong lòng mỗi người Việt đã từng sống qua đời trại tỵ nạn.


Cuộc sống tha phương, có đôi lần giữa những mệt mỏi của đời sống cơm áo gạo tiền, tôi nằm mơ thấy mình được trở lại trại tỵ nạn Panatnikhom một buổi sáng mùa Xuân, đang theo dòng người rộn ràng đi chợ, có một người đứng chờ tôi bên cây me già trước sân trường học ESL. Người ấy đã ngại ngùng, bối rối trao tặng tôi mấy đóa hồng đàm tiếu còn đẫm những hạt sương long lanh, tôi đã thấy cả một trời Xuân lâng lâng, êm ái, quá đỗi ngọt ngào… Ôi, Xuân trong lòng ta có ở bất cứ nơi đâu, dù ở quê nhà hay chốn tha hương, cũng vẫn đầy say đắm, ngất ngây… Rồi khi bừng tỉnh dậy giữa trời Canada tuyết rơi lạnh lẽo, tôi lại nuối tiếc ngẩn ngơ như nhà thơ Onono Komachi:


“Ôi, nếu biết đó là giấc mơ


Thì tôi đâu muốn tỉnh bao giờ!”


Những mùa xuân đời vẫn đến rồi đi, tuy nhiên những mùa Xuân êm ái như Xuân tỵ nạn Thailand của tôi (và của các bạn, ở một trại tỵ nạn nào đó), mãi mãi không quay trở lại được nữa, nhưng sẽ sống mãi trong ký ức của từng người. Vì dù muốn hay không, đó cũng là một phần đời của chúng ta.


(Nguồn: thanhduongtx@yahoo. com)


Xuân Nhâm Thìn, 2012.

MỚI CẬP NHẬT