Thursday, March 28, 2024

Hữu Phước ca cà giựt là do… xe hơi


Ngành Mai


 


Mới nghe qua cái tựa đầu đề chắc ai cũng nghĩ rằng, vì tai nạn xe hơi đã khiến cho nghệ sĩ Hữu Phước có giọng ca cà giựt, cà giựt, nhưng sự thật thì không phải thế, dù rằng cũng do xe hơi mà ra, nếu đúng như lời của ông bầu một gánh hát lớn: Ông Ba Bản.









Một nét diễn xuất của nghệ sĩ Hữu Phước. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)



Khán giả cải lương, và những người hâm mộ cổ nhạc nói chung, hầu như ai cũng nhận định được giọng ca Hữu Phước dù là trên sân khấu hay trong dĩa hát, hễ nghe là biết ngay. Làn hơi ca thiên phú, điêu luyện của Hữu Phước từng được các hãng dĩa hát mời thu thanh rất nhiều bộ dĩa thời thập niên 1950-1960 phát hành cùng khắp. Do đó nói đến Hữu Phước thì giới hâm mộ cổ nhạc, cải lương hầu như ai cũng biết tài nghệ ca diễn của ông, đặc biệt là vai Cậu Tư Kiên trong tuồng Con Gái Chị Hằng được thiên hạ đánh giá là vai trò để đời.


Theo nhận xét của một số người am tường về ca vọng cổ thì lối ca của Hữu Phước có đặc điểm ở chỗ xuống xề câu 5 hoặc câu 6 rất độc đáo, mà nhiều ca sĩ tài tử cố gắng học vẫn không được, đó là lối ca đi một mạch không ngừng và dứt câu rơi đúng chữ “xề.” Nhiều tay ca đã cố tình nhái giọng cà giựt ấy, mà trong số có Hoài Vĩnh Phước ở Mỹ Tho, đã nhái giọng ca y chang như Hữu Phước, nhưng mà những ai sành sỏi về vọng cổ thì phân biệt được ngay ở chỗ xuống “xề” này.


Nhiều người cho rằng giọng ca cà giựt của Hữu Phước là do bẩm sinh, tiếng ca trời cho là như vậy, nhưng đối với những người từng biết Hữu Phước từ lúc còn hàn vi, thì khoảng 1949-1950 Hữu Phước đã từng ca ở quán Họa My của cô Năm Cần Thơ trong khuôn viên Ðại Thế Giới, thì lúc ấy giọng ca Hữu Phước dài chứ không phải cà giựt như sau nầy.


Tôi có tìm hiểu thì được ông Ba Bản chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn nói rằng, lúc Hữu Phước cầm tấm giấy giới thiệu của tướng Bảy Viễn đến gặp ông, ông thâu nhận thì lúc ấy Hữu Phước quá nghèo nên nói gì nghe nấy, luôn miệng dạ dạ thưa thưa. Rồi đến lúc ca vô 2 bộ dĩa bán chạy quá, các nhà buôn dĩa hát yêu cầu cho ra thêm dĩa tiếng ca Hữu Phước, thì chàng ta bắt đầu hoạnh hẹ, làm eo. Khi vô bộ dĩa thứ ba thì Hữu Phước đòi mua xe hơi chạy cho giống Út Trà Ôn, ông Ba Bản còn chần chờ chưa chấp thuận thì Hữu Phước nói rằng: “Nếu cậu ba không mua xe hơi cho con thì con đi qua hãng dĩa khác” (nghe nói lúc ấy hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên đã cho người bí mật kêu Hữu Phước về ca với điều kiện ưu đãi).


Thế là ông Ba Bản chấp thuận, bảo Hữu Phước đi tìm xe ông mua cho. Lúc ấy có một người Pháp chủ hãng hộp quẹt diêm đang đi chiếc xe Peugeot 203 décapotable mui trần màu trắng, ông ta về Pháp kêu bán và Hữu Phước chọn chiếc xe này.


Rõ ràng là nhờ giọng ca Trời cho mà từ một chàng phổ ky tiệm nhậu, một bước nhảy lên địa vị một ca sĩ đi xe hơi. Cũng theo lời ông Ba Bản thì Hữu Phước cứ mỗi ngày ngồi xe mui trần đưa đầu dưới ánh nắng, mà ở Việt Nam thì phải biết là nóng kinh khủng, ánh nắng mặt trời chiếu mỗi ngày trên đầu nên ảnh hưởng đến “hai sợi dây ca” trên não và hậu quả là giọng ca trở nên cà giựt. Ðiều này có đúng hay không chắc chỉ có những nhà cơ thể học thuộc ngành y khoa mới có câu trả lời. Rất tiếc là lúc bấy giờ tôi quên hỏi ông Ba Bản tại sao lại “2 sợi dây ca” mà không phải là 4 sợi, 8 sợi hoặc nhiều hơn nữa.


Riêng tôi, người viết bài này năm 1990 được sang Hoa Kỳ định cư theo diện HO và bắt đầu viết tiểu thuyết, đến năm 1995 viết xong tác phẩm tình cảm xã hội, đặt tên tựa là “Cá Bóng Kèo Kho Tộ.”


Lúc đi mời bạn bè thân hữu tham dự buổi ra mắt sách, tôi gặp Hữu Phước tại tiệm cà phê gần Phước Lộc Thọ (ông từ Pháp mới sang). Tôi trao cho Hữu Phước tấm thiệp mời, ông tham dự và lên sân khấu ca bài Tình Anh Bán Chiếu. Tôi có nhờ chuyên viên thu video và chụp hình làm kỷ niệm. Thời gian sau thì nghe ông qua đời tại Pháp.


 

MỚI CẬP NHẬT