Tuesday, April 16, 2024

Hy vọng nào cho việc bảo tồn và phát triển âm nhạc đờn ca tài tử



Bài và hình: Văn Lang/Người Việt



Có vẻ như một “làn gió mới,” “một sức sống mới” đang về với nền âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ?


Ngày 11 Tháng Hai vừa qua, tại dinh Ðộc Lập, đã diễn ra buổi lễ nhận bằng công nhận của UNESCO rằng âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể chung của nhân loại.









Chủ đề của buổi nói chuyện với diễn giả – Giáo Sư Trần Văn Khê.


Sau buổi lễ long trọng với sự tham gia của nhiều đoàn và các nghệ nhân thuộc 21 tỉnh thành phía Nam biểu diễn phục vụ công chúng, với sự phối hợp chủ tọa của Bộ văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch của thành phố Sài Gòn. Tiếp theo những ngày sau đó, không riêng gì Sài Gòn hay các tỉnh thành miền Tây, miền Ðông Nam Bộ mà ngay cả các tỉnh miền Trung như Nha Trang-Khánh Hòa, cũng có những buổi hội thảo, với sự dẫn dắt chương trình của những diễn giả là những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc đờn ca tài tử có tên tuổi.


Gần một tháng sau đó, vào ngày 18 Tháng Ba, chúng tôi tham gia một buổi nói chuyện của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê, về chủ đề âm nhạc đờn ca tài tử miền Nam, buổi nói chuyện do báo Tuổi Trẻ tổ chức và mở cửa tự do cho công chúng yêu thích đờn ca tài tử miền Nam tới tham dự.


Phải có mặt tại buổi nói chuyện này mới ghi nhận được nhiều hình ảnh đặc biệt.









Quang cảnh nơi thính phòng của buổi nói chuyện với chủ đề đờn ca tài tử miền Nam.


Diễn giả Trần Văn Khê “đăng đàn” trên một chiếc xe lăn (năm nay ông đã 94 tuổi), nhưng khi đã yên vị trên ghế, ông vẫn tỏ ra tinh tường, hóm hỉnh dù giọng ông đã không còn vang như trước kia.


Theo Giáo Sư Trần Văn Khê thì đờn ca tài tử Nam Bộ đã là một giá trị được khẳng định trước đó, chứ không phải đợi đến khi UNESCO công nhận thì nó mới trở thành một giá trị. Cũng theo ông, công chúng được biết là khi Việt Nam trình hồ sơ lên UNESCO thì chỉ trình riêng phần đờn ca tài tử Nam Bộ mà không có hồ sơ về phần cải lương. Và giáo sư cũng cho biết thêm về phía Trung Quốc họ cũng làm như vậy, chỉ trình hồ sơ về âm nhạc có trước Kinh Kịch chứ không trình hồ sơ về Kinh Kịch. Qua phần trình bày của ông, công chúng hiểu hơn về cái gọi là “di sản chung của nhân loại,” với cái gọi là “quốc hồn, quốc túy” của mỗi quốc gia, như cải lương đối với người miền Nam hay Kinh Kịch đối với người Trung Hoa.









Nghệ sĩ Thanh Sang với trích đoạn vở cải lương “Bên Cầu Dệt Lụa” – phụ diễn trong buổi nói chuyện của Giáo Sư Trần Văn Khê.


Dĩ nhiên, bài bản cải lương là dựa trên âm nhạc của đờn ca tài tử Nam Bộ, mà cái “ngưỡng” quan trọng được ghi nhận là bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng đờn ca tài tử là “ngẫu hứng” tài tử với nhau trong một nhóm đờn ca, với khoảng 20 bản nhạc tổ, trình diễn trên một không gian hẹp như phòng khách, không hẳn là nhạc thính phòng, cũng không hẳn là nhạc “xa-lông” vì tính chất của nhạc đờn ca tài tử là khoáng đạt và dân dã hơn nhạc thính phòng phương Tây. Nhưng đờn ca tài tử không có tuồng tích hay “lớp lang” hoành tráng như sân khấu cải lương.


Minh họa cho sự phát triển của đờn ca tài tử, bản vọng cổ (từ 16 nhịp cho tới 32 nhịp) và phần cải lương là những nghệ sĩ có tên tuổi và giàu lòng đam mê yêu nghề. Ca sĩ trẻ Minh Ðức với bài “Tình Anh Bán Chiếu” và đặc biệt sự có mặt của nghệ sĩ Thanh Sang.









Ca sĩ Minh Ðức với bản vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu.”


Nghệ sĩ Thanh Sang chào khán giả bằng một câu hài, nhưng giọng nghe lại thật buồn: “Xin nói thật, không dám nói thách với quý khán giả, năm nay Thanh Sang đã… 72 tuổi rồi, hơi hám cũng không còn được như xưa.” Không khí trong khán phòng bất chợt “chùng” xuống, rồi bỗng tiếng vỗ tay bật lên rào rào. Sự thật, không ai ngờ tới tuổi của nghệ sĩ Thanh Sang, trong trái tim của nhiều người, kép Thanh Sang đẹp trai, hào hoa vẫn mãi còn đó (thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương miền Nam). Một bác lớn tuổi, trong một phút chạnh lòng quay qua cho chúng tôi biết, bữa trước bác đi coi cải lương thì một nữ nghệ sĩ rất tên tuổi (xin không nêu tên) trong vai tuồng, khi quỳ trên sân khấu, rồi chị không đứng dậy được nữa vì tuổi già chân run. Một anh kép trẻ phải chạy ra dìu chị đứng dậy trong tiếng vỗ tay đầy khích lệ của khán giả trong nhà hát. Có lẽ, trong “buổi chiều” tà của nghệ thuật cải lương, bộ môn nghệ thuật này vẫn có được những khán giả trung thành và cảm động, như hình ảnh của một đôi tình nhân già chầm chậm dìu nhau về nơi cuối dốc khi bóng chiều đổ dài phía sau lưng.









Nghệ sĩ đờn tranh Hải Phượng với Giáo Sư Trần Văn Khê và ban nhạc trong buổi nói chuyện.


Trong phần khán giả đặt câu hỏi, một vị khán giả thắc mắc là tìm hiểu về đờn ca tài tử sao khó quá, lên mạng Internet cũng không thấy có, vậy muốn được học đờn ca tài tử thì học ở đâu? Một vị trong ban tổ chức giới thiệu một số địa chỉ nhà văn hóa ở Sài Gòn, còn giới thiệu luôn nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng – là người đang có mặt trong chương trình cũng sắn sàng thu nhận “môn đệ.”


Cũng xin nói rộng thêm, là trong và ngoài nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, cũng như nhiều vị khán thính giả, hoặc một số nhà báo đã đăng bài đề nghị đưa âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ cũng như một số bộ môn nghệ thuật khác của dân tộc vào trong trường học để giáo dục từ cấp tiểu học.









Giáo Sư Trần văn Khê với những khán thính giả yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại Sài Gòn có khoảng 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử với khoảng 2000 hội viên, chưa kể số không chính thức đăng ký. Tại Trung Bộ như tỉnh Khánh Hòa cũng có hơn 20 câu lạc bộ đờn ca tài tử. Nhưng khi chúng tôi hỏi một nữ nghệ sĩ đờn ca tài tử khá tên tuổi về việc kiếm sống thì chị “thú nhận” là chỉ mơ ước được vô trình diễn ở mấy nhà hàng khách sạn, resort có du khách nước ngoài thì hy vọng thù lao mới đủ sống, chứ đời sống người nghệ sĩ đờn ca tài tử thu nhập thấp lắm, nhất là với những anh chị em phải đi dạy đờn, ca.


Bảo tồn, nuôi dưỡng và phát triển bất kỳ bộ môn nghệ thuật dân gian nào, không riêng gì đờn ca tài tử Nam Bộ, là “lưu giữ” được không gian sống đã sản sinh ra bộ môn nghệ thuật đó. Ðó là bài toán khó cho rất nhiều quốc gia trên bước đường phát triển, riêng miền Nam bây giờ đã khác quá xa so với ngày xưa, vậy bao giờ cho đến mùa nghệ thuật phục hưng?


Tại một số quốc gia ở Châu Á, nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc vẫn phải sống đời sống hẩm hiu, bên lề so với cái gọi là nghệ thuật trong dòng chảy chính thống – đương đại, chỉ do các quốc gia đó “mù quáng” chạy theo ánh “hào quang” của thứ văn hóa thương mại – phổ thông đang thống trị toàn cầu.


 

MỚI CẬP NHẬT