Friday, April 19, 2024

Khánh Trường, ‘đáo bỉ ngạn,’ hay, một trường hợp rũ sạch, thăng hoa kỳ diệu qua mầu sắc?

 


Hồ Huấn Cao


Giới yêu chuộng hội họa nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung, mấy ngày vừa qua, đã nhận được một tin vui. Tin họa sĩ Khánh Trường sẽ có một cuộc triển lãm cá nhân, theo lời mời của các ni sư ở Thiền Viện Sùng Nghiêm.


Ðây là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Khánh Trường, sau nhiều năm (và nhiều lần) những tưởng ông không thể thoát khỏi tay thần chết vì, những trận tai biến mạch máu não, liên tiếp.










Tác phẩm sơn dầu “Hành trình giác ngộ” của họa sĩ Khánh Trường. (Hình: sangtao.org)


Với chủ đề “Ðáo Bỉ Ngạn,” tự thân thuật ngữ này, đã hiển lộ một xác định lớn, rất lớn về sự chuyển hóa thân/tâm của họa sĩ. Ðó là:


-Sự vượt qua, đến được bờ kia của trí tuệ. Thăng hoa.


Trong một phát biểu ngắn về 30 tác phẩm làm thành cuộc triển lãm “Ðáo Bỉ Ngạn” tại Thiền Viện Sùng Nghiêm tác giả của những bức tranh chan chứa thiền vị này, tiết lộ:


“Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình. Với cá nhân tôi, thiền chỉ giản dị thế thôi.”


“Nên khi vẽ những bức tranh liên quan đến chủ đề thiền, tôi luôn tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ý niệm trên. Vì vậy 30 bức tranh trong lần triển lãm này đều được gạn lọc, hạn chế tối đa từ đường nét, màu sắc đến đề tài; cũng như không để mình bị cuốn vào những lãnh địa mới, lạ mà hầu hết họa sĩ đều mong thử nghiệm, khai phá.”


“Cũng có nghĩa tôi dùng một bút pháp rất chân phương, mộc mạc để chuyển tải những giáo lý cơ bản nhất của Phật Giáo với mong ước ai cũng có thể tiếp cận và hiểu dễ dàng.”


“Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình…” cụm từ phản ảnh tính an nhiên, tự tại, hay sự đã tới được bờ bên kia của Khánh Trường, chúng ta đọc/nghe chỉ trong một chớp mắt…


Nhưng để sống/vẽ/viết được “chỉ trong một chớp mắt” ấy, thực tế, người họa sĩ tài hoa này, đã trải qua nhiều lần lột da. Nhiều lần tưa máu. Nhiều lần chết đi sống lại.


“Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình…” là cách nói của họa sĩ, một con người theo tôi, đặc biệt, hiếm hoi, đã đạt tới một định lực tương hòa giữa thân và tâm, trong thực giới bất toàn của thân thể. Tôi muốn nói tới sự giới hạn mọi hoạt động của Khánh Trường trong chiếc xe lăn.


Tôi muốn nhấn mạnh tới cái tâm thái, cái tuệ-lực trong thân tứ đại của Khánh Trường xương thịt, khi ông không thể đứng lên, vẽ những bức tranh lớn.


Hơn một bằng hữu từng kể với tôi rằng, ngồi trong xe lăn, tác giả của 30 bức tranh, làm thành phòng tranh “Ðáo Bỉ Ngạn” đã vẽ bằng cách nhìn phóng chiếu sự vật theo chiều nghịch đảo.


Nói cách khác, dễ hiểu hơn thì, chúng ta sẽ không thể có phòng tranh “Ðáo Bỉ Ngạn” sẽ được khai mạc vào Chủ Nhật, 22 Tháng Giêng tới đây, nếu Khánh Trường không thể vượt, thoát khỏi giới hạn ba chiều không gian: Trên/dưới, trái/phải, xa/gần.


Mặt khác, vẫn trong cảm nhận của riêng tôi, từ sự vượt, thoát kể trên, Khánh Trường cũng đã xóa bỏ được cái nhìn của những cập đối đãi nhị nguyên, như: Ðúng/sai, được/mất, hợp/tan, thành/bại… Vốn là thuộc tính căn để của mỗi chúng ta, giữa thế gian này. Trong đó, hệ trọng nhất là cái tâm phân biệt hình/tướng. Ông trở về nhất nguyên. Trở về cái Một.


Khi đem được tâm trở về nhất nguyên, trở về cái Một, cũng đồng nghĩa với sự kiện Hiền giả/Saga, kẻ thức ngộ đã vượt qua biển đối đãi, để tới được bờ kia.


Với tôi, Khánh Trường, qua hội họa của mình, chính là kẻ thức ngộ ấy.


Bởi thế, qua một phát biểu khác, khi phải giới thiệu bức tranh “Bát Nhã Tâm Kinh” (Oil on canvas 45“x 65”) của mình, Khánh Trường viết:


“Ngoài cây Bồ đề, Vô ưu cũng là loại cây rất được tôn quí trong Phật giáo. Cây Vô ưu nở hoa quanh năm, đặt biệt từ Tháng Hai đến Tháng Năm, cũng là mùa Phật đản, màu hoa rất rực rỡ. Hoa Vô ưu màu cam đỏ, hương thơm dịu, nở thành từng chùm. Theo kinh điển, Hoàng Hậu Mahamaya khi mang thai, năm 564 TCN, đã rời hoàng cung về quê sinh nở như tập tục của quê hương bà thời bấy giờ. Trong lúc ghé vườn Lâm Tỳ Ni bà đã hạ sinh Thái Tử Tất Ðạt Ða, tay vịn cành Vô ưu. Khi trưởng thành, nhìn thấy con người mãi trầm luân trong vòng sinh lão bệnh tử, ngài muốn tìm đường giải thoát cho tất cả, nên quyết định lìa xa vợ con, cung vàng điện ngọc, ra đi tầm chân lý. Trải qua bảy năm với nhiều biến cố, có khi rất nghiệt ngã, cuối cùng ngài chứng ngộ, dưới cội Bồ đề.”


“Bát nhã ba la mật đa tâm kinh, thường gọi tắt Bát Nhã tâm kinh là kinh ngắn nhất, gồm 260 chữ, của Phật giáo Ðại thừa và Thiền tông được hầu hết Phật tử các quốc gia như Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Tây Tạng, Nhật… đọc, tụng hàng ngày. Kinh này ra đời khoảng 100 năm TCN. Bản phổ biến nhất tại VN là của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng) dịch ra tiếng Trung Hoa từ Phạn ngữ sau khi đi thỉnh kinh về vào năm 649. Tuy ngắn nhưng Bát nhã Tâm kinh lại rất thâm diệu, uyên áo, thâu tóm toàn bộ triết luận Phật giáo. Người ta thường ví bài kinh này như con thuyền – thuyền Bát nhã – đưa người vượt biển khổ đến bờ Giác ngộ.”


“Bát nhã tâm kinh hiển thị qua ngôn ngữ màu sắc bằng tư duy hội họa.”


Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ của bài kinh để người xem có thể hiểu khái quát nội dung:


“Bát nhã ba la mật đa tâm kinh


“Bồ tát Quán tự tại khi hành Bát nhã ba la mật đa sâu xa soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách.


“Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.


“Xá Lợi Tử! Tướng không các pháp đây, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt. Cho nên, trong không, không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới, cho đến không ý thức giới; không vô minh cũng không vô minh hết; cho đến không già chết cũng không già chết hết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc.


“Bởi không sở đắc, Bồ tát nương Bát nhã ba la mật đa, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn. Chư Phật ba đời nương Bát nhã ba la mật đa nên chứng a nậu đa tam miệu tam bồ đề.


“Nên biết Bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật không dối.


“Nên nói chú Bát nhã ba la mật đa, nên nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha.


(Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua, tuệ giác thành tựu).” (Khánh Trường).


“…Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia…”


Hay “rũ sạch, rũ sạch, rũ sạch (để) thăng hoa…” như Khánh Trường, một trường hợp cực kỳ hãn hữu trong thời loạn kiếp, mạt tâm này!?!


 





Triển lãm tranh họa sĩ Khánh Trường

Chủ đề: “Ðáo Bỉ Ngạn”
Thời gian: 10 AM-6 PM, từ Chủ Nhật, 22 Tháng Giêng đến Thứ Hai, 6 Tháng Hai
Ðịa điểm: Thiền Viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841.





 

MỚI CẬP NHẬT