Thursday, March 28, 2024

Làm báo Tết con rồng đầu tiên trên xứ người

VIÊN LINH










Hình bìa màu giai phẩm Lửa Việt Xuân Bính Thìn, tháng 1 năm 1976, Nguyễn Ngọc Bích chủ trương, Viên Linh thực hiện, tờ báo Xuân đầu tiên của người Việt tị nạn cộng sản trên đất Mỹ. (Hình: Lê Văn Khoa)


Lúc 1 giờ 55 phút ngày 3 tháng 8, 1975, chuyến xe buýt Capitol Trailways rời bỏ Building số 3-109 trong căn cứ quân sự dùng làm trại tạm cư người tị nạn Việt Nam ở Indiantown Gap, thuộc Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania, và đúng 3 giờ 20 phút sau, đổ gia đình chúng tôi xuống bến xe công cộng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Những phút đầu tiên sau khi xe chuyển bánh, còn nhớ cặp mắt thất thần của Thanh Nam đứng dưới đất ngó theo. Ngay từ lúc rời Phú Quốc, anh đã dặn dò: nhớ đừng rời nhau nhé. Và hai gia đình chúng tôi đã không rời nhau từ tháng 4, 1975, cho tới lúc đó. Suốt trong ba tháng, ngày ngày từ lều riêng lên trụ sở phỏng vấn của các cơ quan thiện nguyện, tôi đã dặn anh: tụi mình nhất định chỉ rời trại để đi một trong hai nơi mà thôi: hoặc New York, hoặc Washington, D.C. Tôi đã từ chối sự bảo trợ của một giáo sư đại học ở ngay Harrisburg, đến nỗi cơ quan thiện nguyện khó chịu, vặn hỏi tại sao. Lý do viện dẫn thật dễ hiểu và được chấp thuận: chúng tôi là người viết văn làm báo chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ xin đi hai nơi đó, vì chỉ hai nơi đó trên nước Mỹ là có hai thư viện lớn nhất có đầy đủ sách báo Việt Nam, chúng tôi phải làm việc quanh các thư viện đó, mới dễ sống, và mới có thể giữ được nghề cũ. Quả như thế, ai cũng biết: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô nước Mỹ, và Thư viện Ðại học Cornell ở New York là hai thư viện có nhiều sách báo nhất thế giới, và đặc biệt có nhiều ấn phẩm Việt ngữ nhất thế giới. Và gia đình tôi được bảo trợ sớm từ nhà thờ Mt Vernon Place Church trên đường số 9, Washington, D.C. Chỉ ba tháng sau, tôi vào làm việc trong một nhà in trên đường Lee Highway, và đem tờ Văn Nghệ Tiền Phong của anh Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng vào in tại đây. Tới tháng 11, tôi đã điều khiển chiếc máy gấp báo dài thoòng, khoanh tay ngắm những tờ Văn Nghệ Tiền Phong số 1 tại hải ngoại chạy ra từ chiếc máy ấy. Tôi trở lại nghề báo kể như không gián đoạn. Tháng 12, 1975, bạn Nguyễn Ngọc Bích nhờ tôi thực hiện tờ báo Xuân Bính Thìn Lửa Việt cho tổ chức có tên là The National Center for Vietnamese Resettlement, Trung tâm Phối hợp Ðịnh cư Việt kiều. Cứ theo cuốn Mục lục Báo chí Việt Nam Ðầu tiên (1975-1985) của IRAC do anh Lê Xuân Khoa chủ trương, thì đây phải là tờ báo Xuân Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ, nếu không là trên thế giới. (1)


Tết Bính Thìn nhằm ngày 31 tháng 1, 1976. Bài này được viết vào ngày mùng 2 Tết Nhâm Thìn, vừa đúng 36 cái Tết tị nạn, và là cái Tết năm Rồng thứ 3, tròn ba con giáp. Trong tháng 1, 1976, có một số báo xuất bản, nhưng mức độ chuyên nghiệp (đặc biệt về báo Xuân) và bề dày như thế nào, chúng tôi không được rõ, có thể kể Văn Nghệ Tiền Phong (Arlington, Virginia), Ánh Ðạo Vàng (Washington, D.C.), Khuông Việt (Tokyo), Hồn Việt (Glendale, Calif.) Có thể có một số báo khác do sinh viên Việt Nam du học tại Âu Châu (Pháp, Bỉ, Ðức) thực hiện, song chắc cũng không qui tụ nhiều các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và tên tuổi như trên tờ Lửa Việt: Mặc Ðỗ, Phạm Duy, Nghiêm Xuân Hồng, Ngọc Dũng, Lê Văn Khoa, Võ Phiến, ký giả thể thao Huyền Vũ, nhà biên khảo sử địa Hà Mai Phương, diễn viên Lê Tuấn, cụ Trương Cam Khải, Kim Y, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Nguyễn Ðức Nam, Phạm Trần, Trần Phong Vũ, Ngô Vương Toại, nhạc sĩ Hùng Lân với bài Tuyết Rơi, các họa sĩ Long Ân, Thái Bá, và sau cùng là Nguyễn Ngọc Bích và Viên Linh.


Anh Nguyễn Ngọc Bích là người chủ trương, lúc ấy làm việc trong Trung tâm Phối hợp Ðịnh cư Việt kiều, và tờ báo ghi rõ do trung tâm này xuất bản. Thu góp bài vở do Nguyễn Ngọc Bích và Viên Linh. Viên Linh trình bày, kể cả đánh máy một số thơ văn và bỏ dấu Việt ngữ. Lúc ấy chưa có computer tiếng Việt, phải đánh máy vừa bằng máy chữ văn phòng, vừa bằng máy varityper (?)không có dấu, và cũng không thể dàn cột chữ. Thế mà tờ báo vẫn dàn 3 cột, 2 cột như thường, và cột chữ, phía tay phải, vẫn thẳng băng, dù dàn bằng mắt, ước tính bằng mắt, ước chừng cứ 9 chữ là một dòng cho trang chia 3 cột, hay 12 chữ một dòng cho trang chia 2 cột. Việc bỏ dấu kỳ khu đến nỗi ít người nhận ra là chữ bỏ dấu bằng tay: chúng tôi đã mua những ngòi bút nhỏ nét nhất, nhúng vào mực đen, chứ không đánh dấu bằng bút bi nguyên-tử. Tờ Lửa Việt còn hơn nhiều báo bây giờ ở chỗ bài viết có minh họa bởi họa sĩ chuyên nghiệp Ngọc Dũng (minh họa: đọc bài báo xem tác giả viết cái gì, tả cái gì, rồi theo đó vẽ ra), khác với lối trình bày bằng computer hiện nay (nếu có tranh vẽ, là tranh trình bày, không phải tranh minh họa). Mức truyền thống của một “Giai phẩm Xuân” của Lửa Việt khá cao: ông giám đốc Thông tin Quốc ngoại của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở Hoa Thịnh Ðốn Nguyễn Ngọc Bính vừa viết Lời Phi Lộ (Xuân Tha Hương), vừa viết “Năm Rồng kể chuyện Rồng,” vừa tính sổ cuối năm (Mấy bông hoa đầu văn hóa Việt Nam tại Mỹ,” và vừa làm Sớ Táo Quân, cẩn thận ký là “Táo Quân lưu vong.”


Giai phẩm Xuân chắc chắn là một nét đặc thù của văn học Việt Nam. Ðó là một tập báo phải đẹp, cần thể hiện tính truyền thống của tử vi lịch sách, cần có bài vở về con vật cầm tinh trong 12 tháng tới, nên ôn lại chuyện cũ trong năm, và đó là tờ báo ít thông tin mà nhiều sáng tác, biên khảo. Văn hóa của báo Xuân là cần nêu lên nét truyền thống còn và mất, và văn học cần kiểm điểm sự thành tựu trong năm qua. Nếu báo Xuân hàng năm không có cái cá tính của năm đó, thì nó là báo bốn mùa, hay thiếu bản sắc của sự thay đổi, của lễ lạc dân tộc. Với Lửa Việt, nếu chỉ dùng một hai dòng thôi, để nói về các tác giả trong số báo, và điều họ viết trong tờ báo, người viết bài này xin tóm tắt như sau về giai phẩm Xuân đầu tiên của người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, Lửa Việt Xuân Bính Thìn, tháng 1, 1976:


-Nghiêm Xuân Hồng: “Riêng tôi thầm nghĩ không thấy cao hứng gì về việc thay đổi quốc tịch. Có lẽ sống làm một người vô cố hương thì vui hơn.” (Xuân thực, xuân mộng, tr.7)


-Mặc Ðỗ: “Trong thời gian ở trại tạm trú (Fort Chaffee), thấy ngày dài là một nỗi khổ tâm lớn…” (Chiếc áo len màu rêu, tr.22)


-Viên Linh: “Tỉnh ra ta ở quê người / Hiên nay vắng bạn, lòng thời thiếu ai / Cửu Long ôi! Chín sông dài / Lao xao Ðất gọi, hoài hoài Nước kêu…” (Cố hương, tr.14)


-Võ Phiến: “Tuyết là cả một mối bận tâm của đám người lưu vong từ xứ nóng sang xứ lạnh.” (Mưa giăng tuyết đổ, tr. 24)


Nguyễn Ðức Nam: “Sau đó, hơn một trăm ngàn người Việt Nam đã di tản bằng mọi cách bằng mọi giá đến đất Mỹ hoặc các nước tự do khác.” (Mùa xuân không trở lại, tr. 30)


-Kim Y Phạm Lệ Oanh: “Dời đất Thục lòng quê man mác / Hận sầu này dằng dặc khôn quên / Ngày xuân đằng đẵng như niên / Dặm trường thui thủi như quyên gọi hồn!” (Hồn Vong Quốc, dịch lại để kỷ niệm ngày dời xứ, và để mở đầu cho một nếp sống mới nơi quê hương thứ hai, tr 31)


-Huyền Vũ: “Tự do hay là chết! Bao nhiêu người yêu nước đã gục ngã vì lý tưởng thiêng liêng ấy thì vì tự do mà phải buồn day dứt, xa gia đình, xa quê hương, cũng chưa phải là quá đáng.” (Hướng nhớ người đi, tr. 34)


-Trần Phong Vũ: “Một đồng nghiệp cũ [dạy học] ở Sài Gòn hiện làm cu li cho một nhà máy ở Ohio biên thư cho tôi than thở đủ điều về những đảo lộn trong đời sống hiện tại. Cuối thư anh viết: ‘Vì qua đây không có chỗ chạy rông nên mình có dịp gần gũi vợ con hơn hồi ở Sài Gòn… Âu cũng là một cái may, phải không anh?’” (Trả lời phỏng vấn của V.L., tr. 40)


-Phạm Duy: “Cái khác biệt nhất là ở Việt Nam ngày nào cũng là ngày Tết đối với tôi còn ở Hoa Kỳ thì chắc Tết năm nay không phải là cái Tết.” (Trả lời phỏng vấn, tr. 41)


-Lê Văn Khoa: “Hiện tại ở đất Mỹ này chưa có việc làm ở không buồn muốn điên. Tôi sẽ cố làm cho người Mỹ biết đến văn hóa và những khía cạnh đẹp của Việt Nam.” (nt, tr. 40)


-Nguyễn Ngọc Bích: “Tập báo này đến trong tay quí bạn có thể với một cái nhói trong tim. Tết tha hương đầu của số lớn chúng ta, làm sao khỏi chút ngậm ngùi, nhung nhớ? Ðây là một tựu điểm mà chúng tôi mường tượng và mong đạt thành khi đặt chân lên đất Mỹ. Một ao ước thành sự thật, chứng tỏ chúng ta không chỉ có biết nhìn xuống… Một bông hồng phải được đem tặng cho anh Viên Linh đã thức khuya dậy sớm, mặc dầu ốm o gầy gò, đã quyết thực hiện cho xong số báo này. Làm việc như anh, không trách anh được lòng mọi người.” (Xuân tha hương, tr. 1).


-A Bibliography of Overseas Vietnamese Periodicals and Newspapers, Nguyễn Hùng Cường, Indochina Resource Action Center, Washington, D.C., 1985.


Ghi thêm: Trong năm 1975, từ tháng 5 đến tháng 12, chỉ có khoảng 6, 7 tờ báo mỏng. Năm 1976 có nhiều hơn, song báo Tết, ra vào tháng 1, 1976, chỉ có vài tờ, như đã kể ở trên. Sau Tết và nội trong năm 1976, còn những tờ sau đây được xuất bản: Dòng Lửa Việt, Ðất Việt, Ðuốc Tuệ (Calif.), Ðuốc Tuệ (Washington, D.C. – là tiền thân của Nguồn Ðạo hiện nay, vẫn đặt trụ sở tại Chùa Giác Hoàng, đường 16), Lạc Hồng, Mê Linh, Người Việt Tự Do (Nhật), Phục Quốc, Quê Mẹ (Pháp), Trắng Ðen (Calif.), Việt Báo (Virginia).

MỚI CẬP NHẬT