Thursday, March 28, 2024

Lê Ngọc Minh, người viết lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam



Dan Huynh/Người Việt


 


Cách đây hơn năm năm, tôi có dịp tham dự triển lãm ảnh nghệ thuật tại San Jose. Lần đầu tiên cuộc triển lãm mang tên “Incistence on Hope” giữa những nhà nhiếp ảnh Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chung một quyển sách ảnh sau năm 1975. Một kỷ niệm thật khó quên của một đời nhiếp ảnh. Tôi được vinh dự đại diện phái đoàn Việt Nam sang dự triển lãm cùng với chín nhiếp ảnh gia Việt Nam và 14 nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ.










Nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


Cuộc triển lãm và buổi tổ chức bán đấu giá các tác phẩm cho tổ chức từ thiện Coco Vietnam thành công mỹ mãn. Niềm vui chung khiến ai cũng nở nụ cười rạng rỡ, nhưng có một kỷ niệm ưu tư khó quên khi sau cuộc triển lãm. Ðó là tôi đến thăm nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh tại tư gia của anh.


Anh Lê Ngọc Minh tiếp đón tôi thật niềm nở và chân tình. Ðiều khiến tôi xúc động và khâm phục anh hơn nữa là khi anh khệ nệ mang ra một bản thảo dày cộm được viết bằng tay lẫn cả đánh máy, hơn cả ngàn trang giấy!


Anh tiết lộ cho tôi một bí mật: “Ðây là bản thảo quyển sách ‘Lịch Sử Nhiếp Ảnh Việt Nam’ mà tôi đã dày công sưu tập để viết ròng rã từ năm 1993 đến nay. Ðiểm đặc biệt của quyển sách này là sự trung thực, phi chính trị, bởi vì tất cả nhiếp ảnh gia hay phóng viên ảnh của Việt Nam từ thời kỳ đầu tiên khi Việt Nam bắt đầu có chiếc máy ảnh của cụ Ðặng Huy Trứ (1874), ông tổ nhiếp ảnh Việt Nam, cho đến ngày đất nước chia đôi vì chiến tranh, nhiếp ảnh gia hay phóng viên của hai miền Nam Bắc đều có công ghi nhận lại ít nhiều những hình ảnh của lịch sử, họ và tác phẩm là những nhân chứng sống của lịch sử.”


Mặc dù đang sinh sống tại Hoa Kỳ, anh Lê Ngọc Minh đã dày công tổng hợp hơn cả ngàn nhà nhiếp ảnh Việt Nam qua từng thời kỳ. Những nhà nhiếp ảnh tiền bối của Việt Nam từ Võ An Ninh, Lại Hữu Ðức, Bàng Bá Lân, Nguyễn Mạnh Ðan, Khưu Từ Chấn, Ngô Ðình Cường, Nguyễn Cao Ðàm, Trần Cao Lĩnh, Phạm Văn Mùi… cho đến thế hệ khi đất nước chia đôi hai miền Nam Bắc.


Miền Nam Việt Nam có những nhà nhiếp ảnh tên tuổi nối tiếp như Lê Ngọc Minh, Lý Lan Siêu, Tôn Lập, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lê Văn Khoa, Thu Hồng, Nguyễn Bá Mậu, Thu An… Trong khi đó, miền Bắc có Mai Nam, Ðỗ Huân, Lâm Hồng Long, Lâm Tấn Tài, Lê Phức, Văn Bảo…









Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) trong một lần đến thăm nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


Thế hệ trẻ sau năm 1975, đem khá nhiều thành tích nhiếp ảnh thế giới về cho Việt Nam, gồm có Ðinh Duy Bê, Lê Hồng Linh, Ngọc Thái, Hữu Hùng, Bùi Minh Sơn, Hoàng Quốc Tuấn, Ðào Hoa Nữ, Phạm Thị Thu, Hồng Nga, Hữu Hùng, Lê Nguyễn, Hoàng Thế Nhiệm, Trương Hoàng Thêm, Trần Vĩnh Nghĩa, Hoàng Trung Thủy, Dương Quốc Ðịnh… và không biết bao nhiêu nhà nhiếp ảnh trẻ đã trưởng thành trên đấu trường nhiếp ảnh thế giới thật vinh dự và xứng đáng khi Việt Nam hiện nay là một trong những cường quốc nhiếp ảnh trên thế giới.


Lê Ngọc Minh cho biết anh đã ấp ủ dày công cho đến ngày hôm nay và đã chuẩn bị in quyển sách “Lịch Sử Nhiếp Ảnh Việt Nam” trong năm 2010.


Anh ưu tư nhớ lại: “Thật không biết bao nhiêu khó khăn qua thời gian tôi biên tập quyển sách này. Ðiều khó khăn ở chỗ nội dung quyển sách có chung các nhà nhiếp ảnh của miền Nam tự do và miền Bắc cộng sản. Chẳng ai chịu ai dù Việt Nam đã hết chia cắt! Làm sao in quyển sách này ở Việt Nam mà chính quyền Cộng Sản hiện tại cấp giấy phép? Chắc chắn là không bao giờ có! Và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ có chấp nhận được những nhiếp ảnh gia cộng sản có mặt trong quyển sách này không? Chắc cũng có người không chấp nhận.”


Anh nói tiếp: “Hình ảnh của lịch sử phải trung thực, không thiên vị, không bôi nhọ giữa người Việt Nam với nhau, tôi phải thật sự khách quan đánh giá tất cả những người lưu giữ lại cho hôm nay những hình ảnh của quá khứ đều được đáng trân trọng như nhau, bởi vì họ là những người làm nghệ thuật, đó là người nghệ sĩ họ luôn phi chính trị!”


“Trong quyển sách của tôi cũng sẽ có những nhà nhiếp ảnh không xứng đáng để được ghi nhận nhưng thôi cứ để họ đứng đó, để cuộc đời đánh giá và lịch sử phán xét họ,” anh Minh nói thêm.


Về việc phát hành quyển sách dày cộm hơn 4,000 trang giấy này, anh Minh cho biết: “Tôi biết chắn chắn rằng sẽ lỗ hơn phân nửa, nhưng phải chấp nhận thôi, bởi vì nó là đứa con tinh thần của mình nuôi nấng gần 10 năm nay. Tôi thiết nghĩ Việt Nam đang cần một quyển lịch sử nhiếp ảnh trung thực và đầy đủ như vậy, không như một vài quyển lịch sử nhiếp ảnh trước đây ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Ðức Chính, hoàn toàn không khách quan, thiếu trung thực và chỉ với mục đích phục vụ chính trị.”


Là một nhà nhiếp ảnh tên tuổi, anh Lê Ngọc Minh đã bỏ rất nhiều thời gian công sức để sưu tập biên soạn quyển sách này, đủ để thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam đi sau trân trọng và cũng thật đầy đủ những yếu tố chứng minh anh là một nhiếp ảnh gia có “tâm” với nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, một người nghệ sĩ đích thực, xứng đáng là người thầy, là tấm gương cho những nhà nhiếp ảnh trẻ Việt Nam mãi mãi kính trọng.










Từ trái, Dan Huynh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lê Ngọc Minh và Văn Lan. (Hình: Bảo Thạch)


Nhưng cho đến hôm nay, bản thảo quyển sách giá trị đó vẫn nằm im ắng sau hai năm trời anh lâm trọng bệnh, căn bệnh ung thư quái ác đã khiến công trình quý báu của nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh bị đình lại.


Không biết ai sẽ là người tiếp nối con đường còn lại của anh.


Hôm tôi đến thăm anh cùng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, Văn Lan và anh Bảo Thạch, mặc dù anh đã yếu nhưng vẫn nở nụ cười chân tình, anh ngồi đó tiếp chuyện chúng tôi với nỗi đau đớn của căn bệnh ung thư, tôi biết anh vui, hạnh phúc khi gặp lại những người bạn đồng nghiệp. Nghị lực phi thường đã khiến anh chịu đựng hơn bao giờ hết, nhưng riêng tôi không có nghị lực để dám hỏi anh một câu mà trước đây tôi thường xuyên hỏi thăm khi gặp anh: “Chừng nào xuất bản quyển sách vậy anh?”


Tôi chỉ sợ đụng vào nỗi đau của anh, những hy vọng ấp ủ của một đời người gần đến ngày thành đạt lại rã tan. Nỗi đau đó không những của riêng anh mà của tất cả chúng em, thế hệ tiếp nối nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam cho đến mai sau.


Chỉ biết cầu ơn trên linh thiêng đem đến sự hồi phục cho anh và cho tác phẩm yêu quý của anh.

MỚI CẬP NHẬT