Friday, March 29, 2024

Mười năm xa khuất Thanh Tâm Tuyền, 22.3.2006


Viên Linh


1- Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền từ trần tới tháng 3 năm nay 2016 là đúng 10 năm, ông mất hôm 22 tháng 3 năm 2006 tại xứ sở vạn hồ Minnesota, ít lâu sau chuyến về thăm mẹ ở Việt Nam trở qua. Trước 1975 với tư cách thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự trong thời chiến (chênh lệch nhau 2 tuổi), khoảng 3 năm chót trong quân ngũ chúng tôi phục vụ tại cùng một cơ sở, cùng một phòng: Tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, ông tới với tư cách biên tạp viên rồi trở thành phụ tá cho chủ bút Phan Lạc Phúc, [hiện nay dường như vẫn còn ở Úc], tôi làm tờ báo từ tháng đầu tiên khi nó ra đời năm 1966 với tư cách thư ký tòa soạn. Thanh Tâm Tuyền còn giữ hai mục thường xuyên trên hai tờ báo bên ngoài do tôi chủ biên, với nhuận bút cao nhất: 2.500 và 1.500 đồng một bài khoảng 1800 chữ : Âm Bản trên Khởi Hành, và Sống-Viết, tùy bút văn học trên Thời Tập. Cả hai mục đều là những tiểu luận văn học cô đặc hằn nét luận thuyết nếu độc giả không đón đọc ngay cũng sẽ giữ lại để đọc sau. Có một mục ông rao trên Thời Tập thật hấp dẫn như sau: “Kể từ số tới – khởi đăng ‘Truyện Hà Nội’ thời mới lớn trong kinh thành quá khứ của một thanh niên sẽ trở thành nhà văn sau này: Thanh Tâm Tuyền, loạt truyện ngắn được viết riêng cho Thời Tập.”



Thanh Tâm Tuyền qua ống kính Trần Cao Lĩnh. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Đúng thế, chính Hà Nội là khoảng quá khứ “lửa” và “nước” của ông. Không kể “Bếp Lửa” là tác phẩm văn xuôi đầu tay của Thanh Tâm Tuyền, không kể “Tôi không còn cô độc” là tác phẩm thi ca đầu tay của Thanh Tâm Tuyền, cả hai tràn đầy không gian và thời tiết Hà Nội, ông còn một quá khứ đau đớn ở Hà Nội còn ám ảnh, còn mơ hồ, còn lẩn khuất trong các tác phẩm của ông. Nó ở giữa người cha sinh đẻ xa khuất đột ngột và ông K., người cha dượng. Những ai đọc văn xuôi Thanh Tâm Tuyền hẳn đều cảm thấy một bóng dáng tranh tối tranh sáng, – ông không viết rõ mà viết trong bóng hình – nhân vật đã khuất bóng trong đời mình.


Nhắc đến Thanh Tâm Tuyền người ta nghĩ ngay đến việc viết văn làm thơ, từ thái độ đến cung cách, sự việc. Cái gì cũa phải khúc chiết, sắc nét, hằn vết, không lơ mơ không ừ ào.


Ông viết: “Anh có thấy không? Không ai nói viết thơ cả, viết thư thì có. Khi người ta nói làm văn, đó là có ý dè bỉu. Một nhà văn làm văn, thật không có gì miệt thị hơn lời ấy. Nhưng một người làm thơ lại là lẽ tự nhiên. Chỉ ngô nghê khi anh nói ngưòi làm thơ viết thơ.


Như thế anh thấy gì?


Giản dị hết sức, làm không phải viết. Làm thơ không cần viết. Không cần viết nghĩa là không cần tờ giấy, không cần cây bút, hơn thế không cần cả chữ. Phụ tùng hết thẩy. Một anh chàng làm thơ đã hùng hồn tuyên xướng: Nếu ai cướp mất bút tôi, tôi sẽ dùng dao khắc thơ lên đá… Nghe cũng rung đấy, nhưng cần gì phải thế. Anh chỉ cần đọc lên cho người khác nghe. Thế là xong. Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Thơ gốc như thế. Nó chỉ cần có tiếng nói, không cần chữ. Có chữ ghi chép lại càng hay.” (Âm Bản đoạn số 2, Thanh Tâm Tuyền).


Làm thơ đối với Thanh Tâm Tuyền diễn tả vắn tắt và rành rọt là như thế, bình dân hay cao xa cũng chỉ là như thế. Đó là thực tế mà nhiều lần giá trị hơn lý thuyết.


Còn viết văn đối với ông ra sao?


“Tôi muốn nhắc lại: viết đầu tiên phải ngồi xuống, phải cố định. Ngồi trước bàn, ngồi trong quán, trong vườn, trong nhà tù… Nhưng bắt buộc phải ngồi một chỗ. Phải ở lại một chỗ trong một thời gian. Những nhà văn ‘sống’ nhất, phiêu lưu nhất, cũng thế thôi. Họ không thể viết khi đang đi. Ngưòi làm thơ có thể.


Khi anh cầm bút là anh đã có một chỗ để ngồi. Anh không lang thang nữa. Cái gì đã đẩy anh tới chốn đó? Sức mạnh nào cầm giữ anh ngồi hý hoáy trong một cơn mê tình thức anh cố kéo dài? Mỗi người đều có những câu trả lời riêng tư.


Tôi thì tôi nghĩ chúng ta đều bị cám dỗ. Văn chương là mối cám dỗ.” (Âm Bản số 9)


Như thế Thanh Tâm Tuyền không viết lý thuyết về việc viết văn. Ông chỉ diễn lại thực tế thôi. Cung cách như thế khiến ông tách riêng ra khỏi một tầng lớp chung chung.


2- Một kỷ niệm về Thanh Tâm Tuyền, với người chứng là họa sĩ Lê Tài Điển hiện còn ở Paris.


“Tại tòa soạn tạp chí Thời Tập nơi Thanh Tâm Tuyền viết thường xuyên có một chuyện khẩn cấp xảy ra cho ông, chắc chắn họa sĩ Lê Tài Điển còn nhớ, vì Điển là người đứng giữa. Tôi kể chuyện này ra vì nghĩ rằng nên kể khi nhân chứng còn đó.


Hôm ấy như thường lệ, cứ khoảng 4, 5 giờ chiều là anh em bằng hữu tới tòa báo. [Năm 1972] Tôi đã giải ngũ sau đúng hai nhiệm kỳ quân dịch làm nhiệm vụ thanh niên thời chiến trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị – và đã trở về đời dân sự làm việc toàn thời gian cho mình từ sáng tới chiều được một năm.



Nhật báo Tiền Tuyến, nơi quy tụ một số tay viết. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Đang ngồi trước cửa nhà in Phúc Hưng, nơi đặt tòa soạn Thời Tập, với cô Ch. và nhà phê bình Nguyễn Nhật Duật, thì Điển tới. Ch. là người thiếu nữ mà y phục gồ ghề hạng nhất Sài gòn, mặc blouson da màu đen, quần da màu đen bó sát thân thể, đi giày bốt ống ngắn, và lái xe hơi La Dalat, là loại xe tương tự xe Jeep nhưng do Việt Nam chế tạo. Như cách ăn mặc, cô cũng rất ngổ ngáo và thẳng thắn trong chuyện đời. Cô tới thu tiền bán giấy in báo cho Thời Tập, còn nhớ là 7000 đồng một ram 500 tờ, mỗi tháng phải cần 20 ram cho tờ báo, và khoảng 6 ram để in sách. Vừa trao cho cô 180 ngàn, còn đang ngồi uống cà phê thì Điển hiện ra ở cửa ngõ 51/51 B đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn. Chúng tôi mang bàn ghế ra ngoài cửa nhà in ngồi, bên trong chật, 14 thợ in và một thợ máy đang làm việc, cái máy in cũ kỹ hiệu Đài Loan chạy rầm rầm.


Lê Tài Điển vào đề ngay: “Thanh Tâm Tuyền đang cần 20 ngàn, cần ngay lập tức, bây giờ.” Anh đưa mảnh giấy T3 viết nguệch ngoạc cho tôi. Chữ T3 bao giờ cũng mạnh nét, hằn xuống mặt giấy, nếu lật tờ giấy thì thấy có thể đọc ngược qua mặt sau, vì nét chữ nổi lên gần muốn rách tờ giấy.


Số là hai nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và Duyên Anh nộp một dự án làm một cuốn sách lớn về Sự Tiến Triển của Việt Nam Cộng Hòa cho ông phó thủ tướng, Kiêm Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Nguyễn Văn Hảo. Dự án chỉ do 10 nhà trí thức văn nghệ sĩ viết, mỗi bài viết được trả nhuận bút 40.000 đồng, hơn một tháng lương của một đại tá có gia đình. Lúc ấy nhuận bút một bài viết tạp chí chỉ khoảng 1.500 đồng, chẳng hạn Tạp chỉ Văn. Riêng Thời Tập rao công khai với mọi người trả gấp đôi là 3.000 một bài. Những ai nhận lời viết cho dự án nói trên được đưa trước một nửa, khi sách ra sẽ lãnh nốt nửa còn lại. T3 đã lãnh 20 ngàn, tới hạn chót không có bài, vì một lý do nào đó. Hẳn là Duyên Anh đòi lại từ lâu, nhưng tới hôm ấy là hạn chót, Duyên Anh đòi với một lời nhắn: Ngày mai tên tuổi Thanh Tâm Tuyền sẽ hiện lên mặt báo, kiểu báo Con Ong, nếu tới tối hôm nay anh không trả lại số tiền đã lấy.


Trong mảnh giấy nhỏ T3 viết cho tôi, nói tới nước cùng: Anh có hai thùng sách quý, những cuốn sách nằm lòng của anh cả chục năm nay, anh muốn để lại cho tôi với giá 20 ngàn. Đọc xong mảnh giấy, tôi ngước lên nhìn họa sĩ Lê Tài Điển. Hẳn Điển đang quan sát nét mặt tôi theo mấy dòng chữ gán nợ của người bạn văn ở vào thế cấp bách.


Khi viết những dòng này, chúng tôi không gặp nhau đã khoảng gần 20 năm nay. Nếu trí nhớ không lệch lạc, khuôn mặt Điển thường đăm chiêu, mái tóc dày, phủ xuống ót, vừng trán rộng có những nét hằn, tay cầm điếu thuốc lá đang cháy dở, có một sợi khói lẩn quất xung quanh; sợi khói này được châm tiếp bằng nhiều điếu thuốc đen. Và khi trả lời một câu hỏi, Điển hay nhún vai, có khi lại còn cười khẩy. Điển nhìn tôi không nói. Tôi khều Ch., chỉ cái túi da của cô, trong có 180 ngàn tiền mua giấy in báo tôi mới trả. Không biết từ lúc nào xấp tiền đã được cuộn tròn, quấn quanh bằng một sợi cao su. Tôi rút ra 10 ngàn đưa cho bạn, và nói: “Toa nói giùm moa chỉ có thế, và bảo Thanh Tâm Tuyền cứ giữ lấy thùng sách, khi nào cần thì moa lấy.” Tôi còn nhớ ngôi nhà của cây bút nòng cốt nhóm Sáng Tạo trong một con hẻm ở Gia Định.


Khi nghe tin Thanh Tâm Tuyền qua được Hoa Kỳ, đang ở nhà một thân nhân ở New Orleans, tôi gọi điện thoại tới hỏi thăm. Giọng một người đàn ông nói: “Ông ấy nói là không tiếp ai cả.” Từ đó cho tới khi tác giả “Đào Thoát” qua đời, sự còn lại chỉ là văn chương.” (Đoạn này trích lại từ tác phẩm “Những Mảng Rời” của Lê Tài Điển, trang 163-164, NXB Biển Khơi, Paris-Normandie, France, 2012.


(Viết nhân ngày giỗ thứ 10 Thanh Tâm Tuyền).

MỚI CẬP NHẬT