Friday, April 19, 2024

Người Ði Trên Mây (Kỳ 32)

 


Kỳ 32


Anh kể lại câu chuyện. Cách đây hai tháng về thăm vợ ở Biên Hòa là nguyên nhân về cái bàn chân bị mất ngón út của anh. Vợ Nhật là con gái rượu của viên đại tá công binh. Chị tên Lê, xinh đẹp và thông minh.

Ở tỉnh lẻ, Lê nổi bật như một thiếu nữ tân tiến. Chị đọc sách nhiều, đầu óc cởi mở. Tuy mới lớn, chị đã dám vượt khỏi khuôn khổ của lề thói mà con người sống trong tỉnh nhỏ thường vẫn tự trói buộc. Tôi không hiểu từ miền Trung xa xôi, Nhật đã gặp, quen và cưới Lê trong trường hợp nào, nhưng tôi biết nếu cuộc hôn nhân ấy thành cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy thỉnh thoảng gặp Nhật, tôi vẫn nghe anh thở than về cuộc sống của gia đình anh.

Là một sĩ quan Dù, Nhật chiến đấu giỏi, gan dạ và mưu trí. Những bài báo viết từ chiến trường của anh có tiếng vang lớn.

Chính những bài báo đó đưa anh từ Dù sang Chiến Tranh Chính Trị và làm phóng viên chiến trường. Cuộc sống nay đây mai đó của Nhật làm Lê khó chịu. Nhiều khi cả tháng anh lê la mấy quán nước ở Sài Gòn, lăn lóc chè chén với đám bạn bè. Tới hôm về thăm vợ chợt nhớ ra sinh nhật của Lê đã qua cách đây hai hôm. Nghe lời tôi, Nhật mua về một bó hoa hồng xin lỗi vợ, nhưng Lê một mực lặng thinh. Chị nhất định làm con ốc biển mặc cho sóng vỗ ào ạt lên bờ cát.

Tối hôm đó, khi Nhật bắt đầu “chiến tranh lạnh” trở lại, Lê lên tiếng. Ðến nửa đêm, khi thấy mình cứ lải nhải mà chồng thì cứ ngáy khò từ đời nào, Lê đập Nhật dậy bật đèn sáng cả nhà, liệng xuống sàn nhà tất cả ly chén cốc dĩa nào trong tầm tay, xong cầm cái dao lính của Nhật vẫn thường giắt lưng, đặt ngón tay trỏ của bàn tay trái mình lên bàn chặt phựt một cái.

-Mày biết không? Nhật tiếp,

-Tao điên lên vì tức, vì buồn ngủ, vì lo sợ. Nó muốn qua mặt mình, muốn dằn mặt mình. Tao nghĩ vậy, bèn giật con dao còn dính máu, đặt bàn chân này lên chỗ bàn ngủ, cứa mẹ cái ngón chân út này. Thế là huề.

-Còn mày? Nhật hỏi tôi.

-Ối! Tao còn tệ hơn mày nhiều!

-Tới đâu?

-Mày không nghe Tuấn-luật sư nói sao?

-Thì cũng mơ mơ màng màng vậy thôi. Nhưng sao có thằng nói mày sắp làm phò mã ông Phan?

Nhật làm tôi giật mình. Sao lại có cái cớ sự này?

-Ai nói? Tôi hỏi gặng.

-Thì tụi nó nói. Ðại khái là vậy. Thế nhưng còn em bé gì làm ở China Air Lines thì sao?

-Có sao đâu! Tôi chống chế.

Phùng mang một dĩa thức ăn đến chỗ tôi và Nhật.

-Ê, Thăng. Tình hình hồi này ra sao?

-Tình hình gì?

-Thì còn tình hình gì nữa? Tao muốn nói tình hình chính trị ở đây?

-Chính trị? Sao mày không hỏi thằng Nhật hoặc ông Ðình mà hỏi tao?

-Tin sốt dẻo bây giờ chỉ có mày là nhất. Tao sợ thằng Nhật hay ông Ðình rồi cũng phải đến hỏi mày mà thôi!

Phùng làm tôi tức cười. Bạn bè biết tôi là thằng không ưa chính trị. Trong đám đông có ai nói chiến tranh hay chính trị thì tôi luôn luôn là kẻ ngồi im câm miệng hến. Tại sao? Tôi cũng không rõ nữa. Có lẽ tôi là tên dốt chính trị. Ðằng nào tôi cũng là tên lơ tơ mơ về mặt này. Còn nhớ có lần Trọng, một bạn đồng nghiệp hỏi tôi rằng đâu là mối tương quan giữa chính trị và văn chương. Tôi trả lời hắn thẳng thừng văn chương và chính trị chẳng có ăn nhậu gì với nhau hết. Trọng, tất nhiên là không hài lòng về câu hỏi đó. Hắn chờ một câu ngược lại. Tuy vậy mặt hắn cứ lạnh như tiền. Thật ra, trước đó, hồi cùng thụ huấn chung tại quân trường Quang Trung, khi tôi được cử làm tờ báo cho Liên Ðoàn Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan, Trọng có viết cho tờ đặc san một bài xã luận về cuộc chiến Việt Nam. Suốt bài, hắn lên án quân đội Mỹ và đồng minh là kẻ xâm lược, giọng điệu sặc mùi tả phái bởi vì bài báo ấy chỉ nhìn từ một phía nên không thể đi được. Hắn lạnh lùng nhìn tôi và nói:

-Rồi mày sẽ hối hận.

Tôi không hiểu ý nghĩa của lời hắn nói. Khi được biệt phái trở về nhiệm sở cũ, và cũng như Phùng, hắn được chuyển về làm phụ khảo cho môn Triết Tây tại đại học Văn Khoa Sàigòn, hắn viết và cho xuất bản một tập tiểu luận dưới nhan đề: “Cái chết của một nhạc sĩ.” Bài viết của hắn lập tức được đài Hà Nội đọc lại và gây một phản ứng dữ dội từ nhiều phía.

MỚI CẬP NHẬT