Thursday, March 28, 2024

Người Ði Trên Mây (Kỳ 36)



Kỳ 36



8

Rốt cuộc ông Phan và tôi cũng gặp nhau. Ðó là buổi sáng của một mùa Hè được kéo dài do cơn lốc thời sự gây nên. Suốt đêm qua tôi khó ngủ, nhưng không hiểu sao tôi lại dậy được sớm hơn thường lệ.

Ngồi quán, tôi gọi cà phê, chờ đám bạn mà tôi biết thế nào chúng cũng sẽ đến. Bọn chúng tôi không có thói quen thăm nhau ở nhà. Sáng cà phê Cái Chùa, chiều bia Chợ Ðũi, đêm nghêu sò ốc hến La Cai& Ðó là những nơi chúng tôi có thể tìm gặp nhau mà không cần hẹn.

Mỗi đứa trong bọn có cuộc sống riêng và nỗi khổ riêng. Cái chung của cả bọn ấy là chúng tôi đều cảm nhận được sự lạc long của mình trước cuộc sống. Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên tù túng trong những khu phố chật chội. Tầm mắt chúng tôi không vượt quá cái cao ốc mười tầng của nhà hàng Caravelle. Những đứa may mắn được đi du học, nhìn bạn bè ở lại như người ngư phủ nhìn những con cá mắc cạn. Một vài đứa vào quân đội tưởng đã thoát ra khỏi được chiếc lồng nhỏ bé là những con đường mát bóng cây dẫn đến một giảng đường đại học nào đó, để lao vào cuộc chiến tranh không thương xót mà kẻ thù chủ nghĩa ẩn hiện như một bóng ma, -vẫn không làm sao quên được màu nắng vàng rớt trên con lộ một khu phố quen. Có đứa đi biệt không về, không bao giờ về nữa. Có đứa may mắn hơn trở lại chỗ ngồi cũ thì đã tật nguyền cả thân xác lẫn tâm hồn. Và nhà cửa, cơm áo vợ con cũng đủ làm cho chúng tối tăm mặt mũi. Tình yêu đến hay đi, đối với chúng tôi như một cái phao hơn là một lẽ sống. Một lần gặp nhau ở Chợ Ðũi, bên những chai bia, khi cả bọn đã ngà ngà say, Ký nói ông Vũ Hoàng Chương thế mà hay, ông ấy không chỉ nói giùm cho những người cùng thời đại ông mà còn nói giùm cho cả thế hệ bọn mình nữa. Và anh buồn bã đọc những câu thơ mà cả bọn gần như thuộc lòng. Tuy vậy, mỗi lần Ký đọc là mỗi lần anh đem đến cho chúng tôi một xúc cảm mới:

Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh



Sáng nay, nhìn quanh quẩn trong quán không thấy người khách nào khác ngoài mình, tôi bỗng nhớ Tâm. Tâm nổi tiếng trong bọn là người hay ra quán sớm nhất, sớm đến nỗi một hôm nó đụng một người lạ mặt cũng đang đứng chờ trước cửa như nó. Ông ta hỏi Tâm:

“Chào ông, ông đi đâu sớm vậy?”

Tâm trả lời:

“Tôi đi uống cả phê”.

Và nó hỏi lại người lạ:

“Còn ông, ông đi đâu mà cũng sớm quá vậy?”

Người lạ đáp:

“Tôi là quản lý nhà hàng, nhưng& xin lỗi ông cho tôi vào trước, sẽ có cà phê nóng cho ông ngay.”

Tôi cười thầm khi nhớ lại câu chuyện uống cà phê của Tâm. Ðúng lúc tôi nghe cánh cửa bật mở. Tôi nghĩ, chắc sẽ không phải ai khác hơn ngoài Tâm. Nhưng không! Người mới bước vào to lớn dềnh dàng như một con khỉ đột. Y ngó quanh nhà hàng, và khi thấy tôi một mình, y xăm xăm bước tới, hai chân thẳng, đầu cúi thấp:

“Xin lỗi, ông có phải là ông Thăng không ạ?”

“Phải! Chính tôi!” Tôi ngừng dao bôi bơ lên bánh, ngạc nhiên.

“Thưa ông, tôi là người nhà cụ Phan. Cụ sai tôi mời ông có việc cần.”

Tôi đặt bánh xuống đĩa, lau tay:

“Nhưng sao anh biết là tôi ở đây?”

“Thưa cô Uyên bảo là ông ở đây!”

Y trả lời, giọng ngập ngừng.

“Cô Uyên? Nhưng cô ấy ở đâu?”

“Cô đang chờ ông ngoài xe.”

Tôi đặt tiền lên bàn, đứng dậy theo người nhà ông Phan. Y đi trước, mở cửa, giữ tay nắm, nhường lối cho tôi. Bên lề
đường, một chiếc Mercedes đen vẫn còn nổ máy. Y mở cửa sau:

“Mời ông!”

Trên đệm xe, Uyên kéo chiếc kính mát màu nâu thấp xuống sống mũi, nhìn tôi tinh nghịch:

“Anh thấy chưa, không ai biết anh bằng Uyên!”

Nàng nhích vào trong nhường chỗ cho tôi.

“Cám ơn cô! Chưa ai bằng cô thật!”

MỚI CẬP NHẬT