Friday, March 29, 2024

Niềm vui của tuyết

 


Võ thị Trúc Giang Lúa 9


 


Có người nói với tôi khi ghé quán caffee dọc bên đường, khi đứng dậy ra về, họ ít khi nào nhớ tới nữa, quên như quên những người tình qua đường hờ hững. Còn tôi, cái gì cũng làm tôi nhớ, có lẽ vì quá nhạy cảm với những việc xảy ra quanh mình, vì chúng cho tôi chút hạnh phúc nhỏ nhoi.










(Nguồn hình: Thư viện Sáng tạo)


Mỗi lần xuống phố lúc nào tôi cũng ghé quán cô bạn Việt Nam đang làm, gọi một ly cà phê, tán gẫu bằng ngôn ngữ Việt là điều thú vị vô cùng, khác với trên đồi Thông vắng vẻ của tôi. Hôm qua cũng vậy, bên ly cà phê nóng, trong khi bên ngoài tuyết đang rơi, xe hơi vùn vụt qua làm bông tuyết trên mặt đường luôn bị dòng đời tốc xoáy cuồn cuộn theo gió, vẽ lên những hình thù vằn vện trông như những lằn sóng trắng biết múa, hay là những cô vũ balê mặc váy trắng tinh, không yên ổn, luôn động đậy.


Hai đứa tôi bắt đầu câu chuyện tầm phào. Cô bạn nhỏ tuổi hơn, kêu tôi bằng chị, hỏi: “Chị đi công chuyện gì hay đi đâu giờ này, thời tiết xuống âm độ, lạnh thấy bà!”


“Ừ đi công chuyện, đem mấy cái thư mời Tết đến vài cơ quan từ thiện Ðức, mình đến văn phòng mời tận tay vẫn hay hơn là gửi email.”


“Từ tiệm em, chị đi bằng gì ra phố? Lội bộ xa chết.”


“Ðang suy nghĩ đây nè, hừm, nếu lái xe hơi ra phố phải lái vô parking, khi không mất toi 4 đồng. Còn lội bộ… trời mát đi bộ thì okê nhưng trời này, ngán tuyết lạnh, rát da mặt quá.”


Cô bạn nói ngay: “Chị lấy thẻ xe của em nè, nhưng nhớ đem trả trước sáu giờ nha, em tan sở đó.”


“Ừ chị sẽ quay lại trước 6 giờ mà, an tâm.”


Xe của tôi đậu bên hông siêu thị cạnh quán cà phê, cầm thẻ xe của cô bạn cho mượn bỏ vào bóp, cảm ơn nó xong, tôi nói, lát sau quay lại chị mua vài mẩu bánh mì về cho ngày mai ăn sáng rồi tính tiền luôn nha nhỏ. Trời ơi, chuyện nhỏ như con thỏ bà chị ơi. Mặc áo đội mũ len tươm tất, bước ra khỏi quán, đi bộ mất mười phút mới tới trạm xe lửa, tôi leo lên và đi thẳng ra phố. Ngồi trên xe tôi thấy hạnh phúc, dù chỉ là một hạnh phúc thật nhỏ nhoi, mượn thẻ xe của bạn để xuống phố, được vừa uống cà phê vừa nói tiếng Việt là điều hạnh phúc trên đời này. Khách trên xe người nào cũng áo mũ găng tay kín mít, xe dừng mạnh ai nấy lầm lũi co ro đi trong tuyết. Tôi có giờ hẹn với bác sĩ HNO, Bác Sĩ Kiefer, khám tai mũi họng, cũng vì cái bệnh đau cuống họng của tôi lâu nay chưa khỏi, mà chẳng ông nào tìm ra đúng bệnh để chữa. Tôi sợ, khi tìm ra căn bệnh thì đã trễ mất rồi.


Ông Kiefer khám sơ và quyết định ký giấy gửi tôi vào nhà thương khám, tôi đe dọa: “Tui vẫn thường đi đến ông khám bệnh mấy năm nay, nếu lần này, dây dưa mất thì giờ mà vẫn chưa tìm ra, đến khi bệnh viện chiếu CT phát giác tôi có mầm ung thư độc trong cuống họng, phải chữa bằng xạ trị, oje oje, lúc đó thì ông chịu trách nhiệm đó nhe!” Ông Kiefer đăm chiêu gật gù… Tống khứ tôi vào bệnh viện khám chứng tỏ chàng bó tay chứ gì? Khà khà! Chống mắt mà coi nhá.


Thật ra tôi chả sợ chết là gì. Tôi đã dặn dò ông xã mình, là “nếu em chết trước anh, thì chẳng cần chôn cất gì ráo. Ông la lên, không có một nấm mồ thì về sau con cháu biết đâu mà thăm mẹ? Ối, cần gì thăm, đâu phải ra nghĩa trang thăm mộ mới nhớ đến mẹ cha, cứ treo hình mẹ trên bàn thờ làm giỗ là xong, khỏi mộ bia, khỏi mướn đất nhà thờ, khỏi thuê người chăm nom mộ nếu mai kia anh già, con cái ở xa, không ai chăm nom. Nấm mộ cũng như cái nhà, thà không có mộ, có mộ thì phải trồng hoa, phải cắt tỉa, phải tưới hoa… Thiêu xong đem tro của em rải sau mé rừng, chỗ em hay trồng trọt đó, thì là em vui lắm rồi. Còn anh có bước thêm bước nữa không hả? Khi em ngủm củ tỏi rồi thì anh đừng ở cái nhà này nữa, lớn quá rộng thênh thang anh lo một mình không xuể đâu. Bán nó đi dọn vào cái nhà nhỏ hơn, lấy con khác coi chừng nó ngắm nghía liệu thấy đàn ông góa vợ có gia tài, nó nhào vô vì của cải chứ chả phải vì thương yêu anh đâu. Còn làm lễ thì đừng để Cha Thy làm lễ nha, Cha nói tiếng khó nghe quá, giảng lại không hay không cảm động, em muốn mời Cha Minh về làm lễ cơ. Nhớ đặt bánh của Schubert bảo họ chở tới, đãi khách tiễn đưa em cho tươm tất nha cha nội. Bánh ngọt đãi còn dư nhớ bảo nhà hàng gói đem về đừng bỏ lại uổng lắmà”


Thói quen hay lo xa tôi cứ dặn dò chồng mình từng li từng tí. Ðó là những gì tôi đã vẽ sẵn trong đầu nếu mà trời bắt tôi ra đi sớm lúc này thì tôi thiết nghĩ, tôi chẳng có gì để tiếc nuối. Cho mình, cho gia đình, chồng con, và tha nhân xã hội và cộng đồng.


***


Bước ra khỏi phòng mạch của BS tai mũi họng (HNO), tôi đi thẳng xuống Karstadt, tính mua vải đen may 3 cái rocks cho ban múa Chiều Lên Bản Thượng, ngắm nghía mãi một hồi cũng tìm ra nền vải ưng ý. Tìm cô bán vải, nói: “Cắt cho tui một khúc đi bà, may 3 cái váy, mỗi cái 1 mét, tức tôi cần 3 mét cả thảy.”


Ðang mùa Fasching, dân tình mua sắm vải vóc may quần áo hóa trang rần rần ngoài phố, họ cứ sống theo thói quen, mùa Fasching thì cứ A Lê Hấp, A Lê Hấp nhộn nhịp, thấy họ hồn nhiên vô tư vui làm mình bỗng vui theo. Trong khi đó người Việt mình thì mua sắm để chuẩn bị tổ chức Tết Nguyên Ðán. Miết rồi người Ðức họ cũng hiểu cái Tết của mình tính theo Mond Kalender (lịch tính theo mặt trăng).


Xong xuôi hai việc rồi, giờ ghé vào Rathaus cái, đưa thư mời cho ông Becker, cơ quan sở ngoại kiều, cầm Thư Mời ông đọc, suy tư chậc lưỡi: “Ðúng ngay mùa Fasching, khó đi dự hai nơi quá nha… để chúng tôi xem lại trong văn phòng ai có thời giờ để đến dự chung vui Hội Tết của quý ông bà tổ chức, chúng tôi cũng tò mò muốn biết người Việt ăn Tết ra sao.”


Biết rồi, Fasching người Ðức coi quan trọng chẳng khác nào ngày lễ lớn của mình. Ghé qua vài cơ quan nữa, ở đâu họ cũng nói câu tương tự. Kệ, mời thì tôi cứ mời, quý vị tới được thì vui.


Giờ hẹn cuối cùng là họp với ông hiệu trưởng trường trung học Otte Hahn Gymnasium có mặt ông Mueller, chủ tịch của Hội Landesarbeitsgemeinschaft Pro Ehrenamt. Tôi là người đại diện của hội NVTN làm thiện nguyện, dạy tiếng Ðức cho những em học sinh lớp 5, lớp 6 thuộc trường trung học này. Ông Bauer hiệu trưởng cho biết, các em học sinh ngoại quốc từ Nga, Sri Lanca, Thổ… rất yếu tiếng Ðức, nên tìm cô giáo kèm thêm. Ngoài tôi ra còn có một bà người Nga, và một bà người Ðức. Ngày 7 tháng 3 tới là giờ dạy kèm bắt đầu. Tôi rất vui, vì tôi ngày xưa đã học sư phạm.


***


Ra khỏi trường tôi lại leo lên xe đi ngược về quán cà phê của cô bạn. Giải quyết được nhiều việc ghê nhưng sao tôi thấy vui chứ không chút mệt mỏi. Ghé vào quán, cô em bán quán tươi cười: “Xong việc chưa bà chị?”


“Xong hết rồi, mai mốt chị dạy học gần đây nè, chị sẽ ghé uống cà phê mỗi chiều trước khi về.”


“Vậy vui à. Chị dạy tiếng Ðức cho người ngoại quốc, còn trường Việt ngữ của mình thì tới đâu?”


“Thì khai giảng lại chứ sao, chuẩn bị chở con tới học nha.”


“Dĩ nhiên rồi bà chị.”


Tôi ngồi chờ cô gói cho tôi vài mẩu bánh mì, vài cái bánh ngọt, nó nói: “Chị trả cho em 2 Euro thôi.”


“Rẻ quá vậy cưng, coi chừng chủ cằn nhằn đó.”


“Ðâu có, từ lúc chị ghé tới giờ em bán được khá hơn đó. Hình như khi khách bộ hành đi ngang qua, hễ thấy có khách ngồi ăn uống thì họ mới dám ghé mua, còn ế quá thì họ cho đồ mình dở, họ đi luôn. Nên có chị ghé ăn uống làm không khí quán vui, em còn phải cảm ơn chị nữa đó.”


“Vậy mai mốt ‘mướn’ chị ghé uống nghe.”


“Dạ hì hì, yên tâm em hổng tính tiền đâu.”


Lái xe về, trước mắt tôi lại thấy cảnh bao bông phấn tuyết nhảy múa tung tăng trên mặt đường, tuyết chưa kịp đóng băng đã bị xe chạy nhanh qua, tốc những bông tuyết trắng không nằm yên, biến thành những cô vũ ba lê mặc váy trắng xóa trên sân khấu mặt đường náo nhiệt. Tôi liên tưởng tới thân mình hóa thành cát bụi một ngày nào đó, được yên tĩnh sau mé rừng, đìu hiu trong trăng thanh gió mát, bên cạnh ngàn Thông vi vu, chim muông líu lo kể lể. Vậy mà cũng làm tôi vui.


Mitt, 8 tháng 2, 2012


(Nguồn: [email protected])
Bài VTGiang
Hình: QV_Tuyet


(Nguồn hình: Thư viện Sáng tạo)


 


 


 


 

MỚI CẬP NHẬT