Friday, March 29, 2024

Nỗi buồn bìm bịp

 


* Hồng Thuận


 


 


Truyện ngắn này em viết để tặng Thầy Gerard Sasges, một người Thầy em luôn yêu quý và kính trọng. Với một trái tim chứa chan tình cảm dành cho con người và đất nước Việt Nam, Thầy đã dạy cho em hiểu thêm rất nhiều điều về quê hương của em.










Lớp học ở nhà quê. (Nguồn: Google)


Cô gái quê trong truyện là một hình ảnh đất nước Việt Nam tuy mộc mạc, nghèo nàn, nhưng chân thật và tràn đầy tình cảm. Em biết đây chính là một Việt Nam trong mắt Thầy. Chỉ còn vài tuần ngắn ngủi nữa thì Thầy sẽ rời xa hình ảnh thân thương này, nơi mà Thầy từ lâu đã coi như nhà. Em mong Thầy sẽ luôn nhớ về nơi này và những con người ở đây. Và hy vọng một ngày nào đó em lại được gặp Thầy ở ngôi nhà Việt Nam thân yêu của chúng ta.


Cũng mùa Hè năm ngoái, cả cái xóm Trại Cưa này rộn lên khi nghe tin có một thầy giáo nước ngoài đến đây để dạy cho con nít xóm tôi tiếng Anh. Nghe đâu anh chỉ khoảng ngoài ba mươi, có thân hình cao to, và một đôi mắt xanh rất đẹp. Anh được xã cho ở nhà bà Mai, có lẽ vì nhà bà khá tiện nghi so với những căn nhà khác ở cái xóm này. Hôm đầu tiên anh đến, con nít ở xóm ùn ùn kéo đến nhà Bà Mai để “coi mắt” anh. Hôm sau tôi nghe đám con nít cứ xít xoa nào là anh thầy giáo Tây đẹp trai y chang tài tử điện ảnh, anh thầy giáo Tây nói tiếng Việt giỏi như người Việt Nam mà anh còn tốt bụng cho tụi nó kẹo sô cô la quá trời. Thằng Tèo nhà tôi thì kể về anh như là thần tượng, còn say mê hơn lúc nó nói về anh Hai Lam Trường của nó. Vậy là “thầy giáo Tây” được cả xóm bàn tán rất sôi nổi suốt cả tuần. Sau này khi quen với anh rồi thì tôi mới biết thì ra anh là người Ca-na-đa (mà tôi cũng đâu biết Ca-na-đa là cái xứ gì đâu).


Ðang cùng thằng Tèo thẫn thờ dước gốc cây mận để tìm trái chín thì nghe tía kêu, “con Hồng mày nướng miếng khô cá lóc đem qua cho ông thầy giáo Tây ăn, từ hồi ổng về xóm mình tới giờ mình hổng có quà gì cho người ta hết.”


Tôi ậm ừ gật đầu, lật đật đi nướng khô, không quên bỏ vào bao ni lông một chút nước mắm me do tía làm sẵn đem qua nhà bà Mai. Vào bên trong thì thấy anh đang ngồi đong đưa trên cái võng đọc sách một cách rất chăm chú, tôi rụt rè đưa khô cho anh.


“Cái này tía em biểu đem qua cho anh ăn. Tía em là chú Tư Thẳng, nhà ở cuối xóm. Nhà em có thằng Tèo cũng học trong lớp tiếng Anh của anh.”


Anh vừa ăn vừa không ngừng tấm tắc khen khô ăn lạ quá. Anh hỏi tôi làm gì, sao không vào lớp anh học cho vui.


Tôi thì học tiếng anh với tiếng u gì, tôi học được hết lớp 7 ở trường xã thì theo tía đi chăn vịt rồi. Ðược dịp nói chuyện với anh, tôi không ngừng khoe về đàn vịt bầu mập mạp mà tôi nuôi mỗi năm từ hồi nước chưa lên. Lúc ruộng còn khô, ngày nào tôi cũng lùa tụi vịt từ đồng này qua đồng nọ để chúng kiếm ăn. Có khi tụi nó ăn trụi lúa vừa chín của người ta, làm tôi phải hớt ha hớt hải đuổi chúng đi, sợ chủ ruộng biết được sẽ bắt đền tía. Mà nuôi vịt vui lắm đó nghen. Tôi nhớ hồi tụi nó còn nhỏ, có chút xíu, lông vàng óng ánh, đi còn chưa vững, cái dáng đi thì khập khiễng rất dễ thương. Khi mà tụi nó đã cứng cáp, đủ lông đủ cánh, thì ngày nào tôi cũng đi lang thang với chúng khắp nơi. Vậy mà bây giờ tôi lại sắp xa tụi nó rồi.


Cũng hổng biết cái chuyện chăn vịt của tôi nó hấp dẫn đến cỡ nào mà thấy anh vừa nghe kể chuyện vừa nhìn tôi đăm đăm.


Bắt đầu từ hôm đó tôi hay qua nhà bà Mai, lúc thì đem theo một vài củ khoai lang lùi, lúc thì một miếng khô cá lóc hay vài ba trái mận. Mỗi lần qua như vậy tôi hay líu lo kể cho anh nghe những câu chuyện của xóm tôi: Từ chuyện thằng Hưng bị té sông nhưng nó hên ôm được trái dừa khô để bì bõm bơi lên bờ, cho tới chuyện con vện nhà ông Hai A đi đâu mất tiêu hổm rày, ông Hai già khập khựng đi khắp xóm tìm hoài mà hông thấy.


Ngược lại, anh kể cho tôi nghe những câu chuyện về nơi anh ở, một cái chỗ nghe rất văn minh, giàu có, với hằng hà xa số xe ô tô và các ngôi nhà lầu (có nằm mơ chắc tôi cũng không bao giờ mơ ra được một nơi như vậy). Nhưngá anh nói ở quê anh tuy giàu có nhưng ít ai nói chuyện hay quan tâm đến ai như ở cái xóm này. Tôi nghe anh kể mà thấy chỗ đó sao buồn da buồn diết.


Có lần ngồi ở bờ sông, tôi hỏi anh ở bên Ca-na-đa sướng vậy sao anh hông ở mà về cái vùng nghèo xơ xác này của tôi làm gì (tôi nghĩ là rất nghèo so với lời anh kể về quê anh). Anh nhìn mơ màng ra sông, nói hông hiểu sao anh rất thương Việt Nam, thương những con người Việt Nam, đặc biệt là mấy đứa con nít như thằng Tèo em tôi. Anh nói người Việt Nam rất thông minh, nhưng tụi tôi lại không có cơ hội để vươn lên và phát huy cái thông minh của mình.


Tôi nghe anh nói mà thấy sống mũi mình cay cay. Tự nhiên cảm thấy thương mấy đứa con nít ở xóm quá trời quá đất luôn.


***


Ðang định cùng anh ra vườn nhà bà Mai để coi mít chín chưa thì thằng Tèo ở đâu lù lù xuất hiện với một bọc trứng kiến để rủ anh đi câu tép. Thấy cái môi nó đen y chang như kẹo sô cô la anh tặng làm tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cái thằng này lớn đầu rồi mà còn thích ăn ô môi như hồi còn con nít. Cười xong chúng tôi dẫn nhau đi tìm lá dừa để làm cần câu. Thằng Tèo nhí nha nhí nhảnh chỉ anh cách dùng cọng kẽm để làm lưỡi câu. Còn anh cũng hào hứng búng vào nước nhè nhẹ theo cách tôi chỉ để dụ tép đến ăn mồi. Mỗi lần câu tép là tôi và thằng Tèo chỉ thì thào với nhau, vì sợ tép bỏ mồi. Nhưng hôm nay tụi tôi cứ nói chuyện oang oảng, chắc vì được làm thầy anh một bữa. Vừa ngồi câu tép với anh và thằng Tèo vừa nghe gió chiều thổi hiu hiu, không hiều sao lòng tôi lại thấy nao nao.


Thấy tôi chơi với anh thân quá mấy bà trong xóm thường hay rù rì với nhau, “con Hồng xóm mình sắp được đi Tây rồi bây ơi.”


Tía tôi nghe được chỉ cười cười không nói gì. Tôi thì bực mình quá trời luôn. Tôi có ham đi tây đi ta gì đâu. Nghe kể nhiều về quê anh nhưng sao tôi vẫn thích cái xóm Trại Cưa của tôi hơn. Có rất nhiều các chị trong xóm đã bỏ ra đi. Tía nói tại mấy chỉ đẹp quá, ở lại đây thì uổng.


Trong xóm này hông ai khen tôi đẹp bao giờ, nhưng mọi người hay nói tôi có duyên giống như má tôi hồi còn sống. Tôi thấy tự hào lắm. Ðẹp làm chi như chị Hoa hay chị Lén rồi cũng bỏ xóm lên thành phố. Cũng không biết cái thành phố kia có cái gì hay ho mà các cô gái xóm tôi ai cũng lần lượt vì nó mà ra đi. Tôi thì cứ muốn ở hoài chỗ này, hàng ngày dẫn đám vịt bầu của tôi đi từ ruộng này qua ruộng kia. Rảnh rỗi thì đi bắt ốc hay hái mận với thằng Tèo.


***


Có một buổi tối đang ngồi thổi bếp ở ngoài sau nhà thì nghe tía nói là có thầy giáo Tây đến chơi. Tôi bỏ nồi cơm đang nấu dỡ chạy đi tìm rơm để lùi khoai, món mà anh thích ăn nhất. Vừa lên nhà thì thấy anh ngồi ở cái đi văng để lại từ hồi cố tôi còn sống. Mỗi lần động đậy thì nó kêu ken két, nghe riết tôi cũng thấy tiếng kêu này hay hay. Tía thấy anh qua thăm nên vui ra mặt, liền chạy qua nhà bác Hai kế bên xin một con cá rô để nướng làm mồi nhậu với anh. Lâu rồi không thấy tía vui như vậy. Ông kể chuyện không ngừng, kể một hồi kể ra luôn chuyện má tôi bị nước cuốn trôi ra làm sao…


Năm đó đúng vào mùa nước lớn, tôi chỉ mới tám tuổi, thằng Tèo thì còn ẵm trên tay. Nước ngập lênh láng ở ngoài ruộng vào tới trong nhà. Vì thiếu thức ăn nên tía và má đem tụi tôi qua nhà bác Hai gởi rồi chèo xuồng ra ruộng bắt cá. Không ngờ chiều hôm đó mưa tầm tã, sóng lớn thì nổi lên cuồn cuộn. Tía cố chèo về nhà nhưng không may giữa đường thì xuồng bị lật. Má tôi chới với trong dòng nước lớn. Lúc đó tía gắng sức kéo tay má để bơi đến một căn nhà sàn nằm ở mé sông. Nhưng má biết ông trời hông thương mình. Sợ tía sẽ cầm cự hông nổi với dòng nước dữ, má đã cắn tía một cái nhớ đời để ông buông tay má ra. Vậy là má gieo mình vào dòng nước trong cái nhìn đau như cắt của tía. Tía hay nói với tụi tôi, “má bây mà hông hy sinh thì giờ chưa chắc tao còn ngồi đây với bây.”


Kể tới đây thì tía tôi rưng rưng nước mắt. Tôi biết ông đã say nên đi lấy tấm chiếu trải ra cho ông nằm ngủ.


Trời càng về chiều tự nhiên tiếng bìm bịp trầm trầm ở đâu cứ kêu “bịp bịp bịp…” Anh hỏi là tiếng con gì kêu mà nghe bồi hồi quá. Tôi kể cho anh nghe về con bìm bịp. Loại chim này dựa vào thủy triều để kiếm ăn, cho nên mỗi lần nghe tiếng bìm bịp là biết nước lại sắp dâng lên. Bìm bịp thường đi có đôi. Nghe người ta nói bìm bịp kêu khoắc khoải như vậy vì nó đang lẻ bạn tình. Anh không nói gì nhưng tôi cảm giác được một nỗi buồn man mác trên mặt anh.


“Em đã từng yêu ai chưa?” Anh bất chợt hỏi tôi.


Tự nhiên bị anh hỏi ngang xương tôi đâm ra lúng túng. Tôi chợt nghĩ mang máng đến mấy thằng con trai mà tôi chơi thân trong xóm từ hồi còn học tiểu học. Hồi còn đi học ngày nào chúng tôi cũng ra đồng đá banh với nhau rồi dẫn nhau đến mấy con rạch bắt ốc. Nhưng cũng đâu có ai là người yêu tôi đâu. Mà tụi nó bây giờ đã lấy vợ hết ráo.


“Em chưa có người yêu. Tía nói mai mốt gặp ai coi được thì tía sẽ gả em cho người đó, không cần yêu đương chi cho mệt.”


“Còn anh thì sao?”


Anh uống cạn chén rượu trên tay, với một nỗi buồn lìm lịm trong giọng nói, “anh đã có vị hôn thê rồi, cô ta hiện vẫn đang sống bên Ca-na-đa.”


“Sao chỉ hông về đây cùng với anh cho vui?”


“Cô ấy không thích Việt Nam em à.”


Tôi hông hỏi thêm gì nữa, tự nhiên cầm chén rượu của tía để lại mà uống hết. Không biết bình đế hôm nay tía pha là bình thứ mấy mà sao tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn một cách kỳ lạ.


***


Ðêm nay nhà bà Mai làm tiệc để từ giã anh. Ba tháng vậy mà qua cũng lẹ thiệt. Mọi người ai cũng vui vẻ cụng tới cụng lui trăm phần trăm. Tôi thì cứ chạy lăng xăng để múc thức ăn cho mọi người.


Ðang rửa chén ở sau nhà thì bất thình lình ở đâu anh đi xuống.


“Sao Hồng không lên ăn cùng mọi người?”


“Em phải rửa xong đống chén này trước cái đã.”


“Anh ngồi chơi với em nha?”


Tôi dạ nhẹ.


Tôi hỏi anh, “Ngày mai anh về rồi có còn quay lại đây hông?”


Anh trầm ngâm một hồi nhưng không trả lời tôi liền.


“Hồng có muốn anh quay lại không?”


Tôi cười nhẹ nhưng tự nhiên cảm thấy như có cái gì đó đang chận ngay cổ họng mình.


“Thôi anh lên nhà trên. Em rửa chén lẹ rồi lên ăn cùng mọi người cho vui.”


“Mai mốt đi rồi anh sẽ nhớ Hồng nhất đó.” Anh vừa nói vừa đứng dậy bỏ đi rất lẹ.


Tôi gật đầu, muốn nói thêm vài câu nữa nhưng anh đã quay lưng đi.


Nếu anh không đi, không biết tôi có dám nói với anh là “anh nhớ trở lại nghen, nếu anh về đây em có thể lùi khoai hay nướng cá cho anh ăn mỗi ngày, em có thể dẫn anh đi bắt tép về rồi xào hẹ…”


Tự nhiên ở đâu mấy con bìm bịp lại kêu lên những tiếng rất thê lương.


Tri Tôn (An Giang), 19 tháng 11, 2009

MỚI CẬP NHẬT