Thursday, March 28, 2024

Thơ Ðiên Nguiễn Ngu Í


Viên Linh


 


Còn nhớ, trong sinh hoạt thi ca Miền Nam, có một dạo trên báo chí xuất hiện nhiều bài thơ được/bị mệnh danh là Thơ Ðiên. Một vài người dần dần được nhìn nhận là thi sĩ thơ điên, thực hay giả lại là chuyện khác, do đó mà có những chữ phẩm bình như “điên giả,” hay “điên có sổ sách.”










Nhà văn nhà báo Nguiễn Ngu Í (1921-1979). (Ảnh chụp 1958, nguồn Châu Hải Kỳ)


Thơ điên xuất hiện đều đều, song các thi sĩ điên được nhiều người công nhận, hay ít nhất cũng có đôi bài được tán thưởng, là Bùi Giáng Giàng Búi, hay Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư. [Ðương thời, và cả sau này, nhiều bài báo tự tiện viết tên nhà thơ này là “Nguyễn” Ngu Í là sai: họ Nguyễn (chữ I ngắn) là tên ông đã xin được án tòa cho phép viết như vậy.]


Nhà văn nhà thơ Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư (1921-1979) trong thực tế, vào nhà thương điên Biên Hòa nhiều lần:


 


Cũng tưởng một đi không trở lại


Nào dè Duiên nợ lại dằng dai.


Bỗng nhiên, sực tỉnh, nằm trong “khám”


Khám của lòng ai, ai của ai.


(Bài thơ tái ngộ Dưỡng trí viện, 7.1964, đề tặng các bác sĩ Ng Tuấn Anh, Tô Dương Hiệp, Trịnh V Lang)


 


Không phải lúc nào thi sĩ cũng điên. Nhiều bài thơ ông viết trong khi tỉnh, đoạn trên ông ghi rõ nơi làm: ngay trong Dưỡng trí viện Biên Hòa. Ðoạn dưới đây còn rõ hơn: “Tôi là Nguiễn Hữu Ngư, 58 tuổi, bút hiệu Nguiễn Ngu Í, là nhà văn, nhà giáo, nhà báo nông [không?] chuyên nghiệp, hiện là bệnh nhân ở khu 3, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (tức nhà thương điên Biên Hòa)… Tôi mắc bệnh cuồng não tuần hoàn từ năm 18 tuổi. Lúc trẻ, năm bảy năm bệnh tái phát một lần, càng có tuổi chu kỳ càng hẹp. Biến cố lịch sử Tết Mậu Thân xúc động tôi quá mạnh, tôi lên cơn dữ đội.” (Tài liệu tìm thấy tại phòng lưu trữ nhà thương điên Biên Hòa, viết năm 1976 – do ông VKD [viết tắt] phổ biến trên Oregon Thời Báo). Bài này có đoạn rất quan trọng như sau: “Bệnh khởi phát từ năm 1940 với triệu chứng nói nhiều, […],đã điều trị ở bệnh viện Chợ Quán một đợt sáu tháng, choáng điện nhiều lần. Ðến năm 1974 điều trị ở trại an trí Quảng Ngãi sáu tháng, bệnh giảm vài tháng, bệnh trở lại, đến Biên Hòa, ra vào 12 lần, mỗi lần hai ba tháng.”


Như thế, nhà văn Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư là người điên có hồ sơ. Tâm sự của ông ra sao? Thân thế của ông ra sao? Khác với Bùi Giáng, ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, con của nhà chí sĩ lão thành từng tham gia phong trao Ðông Du, Ðông Kinh Nghĩa Thục, sinh ở Hàm Tân, Phan Thiết, song lưu lạc nhiều nơi theo hoàn cảnh gia đình. Là bạn hoạt động với cụ Huỳnh Thúc Kháng, thân phụ ông từng bị tù ở Lao Bảo. Khi cha mất, ông làm đôi câu đối lộ rõ chí khí của mình, cũng như hoàn cảnh của hai cha con. Hai câu này được trình bày như một bài thơ, như sau đây:


 


Thầy (1887-1953)


Mắt mờ đã thấy xiềng nô lệ


Hồn đi còn mơ gió tự do


(1953)


 


Trước đó ba năm, khi khóc mẹ, ông tình cảm hơn, đau khổ hơn:


 


Má ơi con má điên rồi


Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi? […]


Má đã khổ vì Thầy bị đày Lao Bảo


Má có đau vì nhà nát quê lìa


Má còn sầu vì con ở đâu kia…


(Má, Quê Hương, tập A, 1950)*


 


Trong cuộc sống, với thể chất và tinh thần bất thường, ông gặp nhiều điều không ưng ý, và hay phẫn nộ. Lúc nhỏ học Petrus Ký, ông sống với đám bạn sau này trở thành những người thiên tả quá khích, hay bị kẹt trong làn ranh Quốc Cộng. Từng là trưởng một cơ sở của Việt Minh ở Phan Thiết, ông đã phản đối một cái lệnh từ Hà Nội, liên hệ tới lúa gạo, nên bị họ đưa ra tòa án, bị tù, và bị họ khai trừ khỏi đoàn thể. Năm 1946 ông đã làm một số thơ khác thường, và đáng lưu tâm hơn cả, là bài thơ Hồ Hoàn Kiếm của ông: [Xin để ý tới chú thích của chính Nguiễn Ngu Í viết dưới bài thơ]


 


Trên hồ trả kiếm lại (1)


 


Mưa, nắng bao lần chơi mặt nước


Kiếm than một trận biết vùi đâu?


Ngàn sau ngược lại đường Nam tiến


Có kẻ im lìm ngắm nước cau


Tháp Rùa, Trung Thu Bính Tuất 1946


(1) Ngoài nghĩa Hồ Hoàn Kiếm, xin hiểu thêm: họ Hồ, hãy trả lại kiếm thần cho dân tộc.


Bài này in trong tập “Có Những Bài Thơ” (1937-1970).


 


Ðọc cuốn tiểu sử về Nguiễn Ngu Í (**) thì biết thêm rằng năm 1946 ông từ Hàm Tân ra Hà Nội, xin gặp ông Hồ, nhưng không gặp được. Thuở đó, làm bài thơ như trên, tác giả “Sống và Viết Với” đã công khai chống lại Việt Minh. (VL, viết ngày 21.11.2012)


* Trong sách ông viết “đâu cia,” và “Qê Hương,” vì ông chủ trương một lối giản lược cách viết, tự mình viết theo âm ngữ, mà không theo văn phạm thông dụng.


**Nguiễn Ngu Í, cuộc đời và văn nghiệp, Châu Hải Kỳ, Sài Gòn 1992

MỚI CẬP NHẬT