Friday, April 19, 2024

Thơ Việt, từ 4 chữ qua 3 câu


Viên Linh


 


Nói về thơ, nếu kể về số chữ, ta có thơ tứ tự, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát và song thất lục bát. Nếu kể về số câu, ta có tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, hay trường thiên, dài bao nhiêu câu cũng được.










Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1909-1971), người thành lập Trường thơ 2 chữ Bạch Nga. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Thơ tự do không kể mỗi câu bao nhiêu chữ, và mỗi bài bao nhiêu câu. Hồi tiền chiến, nhà thơ Nguyễn Vỹ làm một bài thơ mỗi dòng chỉ có 2 chữ, ông gọi là thơ Bạch Nga.


(Sương rơi / Nặng trĩu / Trên cành / Dương liễu / Nhưng hơi / Gió bấc / Lạnh lùng / Hiu hắt / Thấm vào / Em ơi / Trong lòng/ Hạt sương / Thành một / Vết thương – Bài Sương Rơi.) Hồi trước 75, nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan (mất năm ngoái) xuất bản một thi phẩm nhỏ chỉ có lục bát, và mỗi bài chỉ có ba câu, gọi là “Lục bát ba câu” (hiểu một cách khác: bài thơ phải gói ghém ý tình trọn vẹn trong 20 chữ – tức là hai câu lục 12 chữ, và một câu bát 8 chữ) – một hạn chế tương tự thơ Haiku của Nhật: bài thơ phải trọn vẹn trong “ba câu tổng cộng 17 chữ,” nhưng tự do ở mỗi dòng: có dòng 3 chữ, có dòng 5 chữ, có dòng 7 chữ. Hơn ba mươi năm sau qua Mỹ thăm bằng hữu, khi hết hạn phải về, ông để lại một bài lục bát ba câu tức cảnh:


 


Ma tru quỉ khóc trưa nay


Ôm em nửa một vòng xoay lỏng lề


Sài Gòn buồn mửa, đành về.


(Nguyễn Tôn Nhan, Lá bùa số 7)


 


Luật gia, nhà văn Mặc Ðỗ, một trong ba cột trụ của Nhóm Quan Ðiểm từ 1950 ở Hà Nội và hiện chỉ một tháng nữa sẽ bước vào tuổi 96 (ông sinh năm 1917), đã xuất bản một thi phẩm hoàn toàn viết bằng thể thơ Haiku, do Khởi Hành xuất bản năm 2002, ở bìa sau có bài sau đây:


 


Tự nhiên thành núi băng


Lục địa lạnh một ngày tách biệt


Lênh đênh vào có không.


(Mặc Ðỗ, haiku Ba Câu Ở Biển Ngoài)


 


Nói về thơ, song nếu kể về vần điệu, thơ Việt có vần lưng và vần chân, tức là vần ở giữa câu và vần ở cuối câu, sách vở giáo khoa thường viết là “yêu vận và cước vận.” Ðiển hình nhất là thơ lục bát của ta, vần ở cuối câu 6 và vần ở giữa câu 8, như bài sau đây người thi sĩ có khuôn mặt hồng nhan đã làm trong lúc trí tưởng tràn đầy vẻ đẹp của danh ca Thanh Thúy, trong khi nàng đang hát:


 


Từ em tiếng hát lên trời


Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh


Sợi buồn chẻ xuống lòng anh


Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.


(Hoàng Trúc Ly, Ca Sĩ I)


 


Và một bài lục bát của người viết bài này, trong khi một ca sĩ khác đọc thơ:


 


Bài thơ em đọc hôm nay


Thực ra anh viết tự ngày hôm qua


Câu trên làm ở trong nhà


Còn câu dưới lúc đã ra ngoài đường.


(Viên Linh, Mai Sau)


 


Các loại thơ tứ tự, ngũ ngôn hay thất ngôn của Trung Hoa, vần phải gieo ở cuối câu, tức là cước vận. Không thấy Trung Hoa có vần ở giữa câu (ta còn gọi là vần eo) như lục bát của Việt Nam, và của Chàm. Cổ phong của Trung Hoa tự do hơn, là chỉ có vần mà không có niêm luật. Dưới đây là một vài đoạn thơ gieo vần ở cuối câu:


 


Tứ tự (bốn chữ):


Chi chi chành chành


Cái đanh nổi lửa


Con ngựa chết trương


Ba vương ngũ đế.


(Ðồng dao Việt Nam)


 


Năm chữ:


Giỏi thay Trần Bình Trọng


Dòng dõi Lê Ðại Hành


Ðánh giặc dư tài mạnh


Ðền vua một tiết trinh.


(Phan Kế Bính, Vịnh Trần Bình Trọng)


 


Hai đoạn trên 4 chữ và 5 chữ, nhưng trong phương cách của Cổ phong, tức là chỉ cần âm điệu mà không cần bó buộc niêm luật chặt chẽ. Nếu làm thơ 4 chữ, 5 chữ cần niêm luật, có thể kể hai đoạn dưới đây. Thơ tứ tự rất ít người làm, có lẽ vì quá ngắn, đọc lên không thấy du dương, nên không thích hợp lắm với nhiều người. Bài bốn chữ theo thể “tứ tuyệt” hay bài năm chữ theo thể “ngũ ngôn tuyệt cú” thì trong 4 câu, câu thứ 3 vần trắc, ba câu còn lại phải vần bằng, cùng một vần:


 


Mùa xuân qua đây


Chiều trên phố này


Em về với nắng


Thương tà áo bay.


(Kim Tuấn, Mùa xuân qua đây)


 


Em hát trong rừng sao


Tôi ngủ dưới cội đào


Chợt mùa đông tuyết phủ


Biết tìm em phương nào?


(Trần Tuấn Kiệt, Hát thầm)


 


Làm thơ cho đúng niêm luật hẳn nhiên là khó, ít ra là khó hơn loại thơ phóng bút. Nhưng khó mà hay cũng hẳn nhiên là tốt hơn dễ mà chỉ đọc tạm được. Làm thơ được xuất bản bởi những nhà xuất bản danh tiếng, cũng khó hơn là tự biên tự diễn tự xuất bản. Thời tiền chiến Việt Nam có những nhà xuất bản giá trị như Tân Việt, in sách của Trần Trọng Kim, Ðào Duy Anh, còn văn nghệ hơn thì có nhà xuất bản Tân Dân, Ðời Nay, in sách của những Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, hay Yễm Yễm (đọc là Diễm Diễm) Thư Trang, in sách của Ðông Hồ ở trong Nam. Miền Nam sau 1954 có các nhà xuất bản Tự Do, Nguyễn Ðình Vượng, Nam Chi Tùng Thư, Cảo Thơm, hay của các tạp chí có tiếng như Văn, Sáng Tạo, Văn Nghệ hay vài nhà có định hướng tôn giáo như Lá Bối, An Tiêm, Ca Dao… Ở hải ngoại chưa thấy một nhà xuất bản có tầm vóc, có chủ trương định hướng, và có bản sắc nghệ thuật đặc thù xuất bản thơ. Sách do tác giả tự in đa số là đáng khuyến khích, song cần chọn lựa kỹ.


Qua thể thơ Bảy chữ, cũng có nhiều loại: từ “thất ngôn tứ tuyệt” – nghĩa là cả bài chỉ có 4 câu, tới thất ngôn trường thiên thường gọi là “Bài hành.” Bài hành Việt Nam không nhiều lắm, có tính chất phức tạp và đặc thù mà không giản dị chỉ là thơ bảy chữ, có dịp sẽ nói đến sau. Xin mời đọc một bài bảy chữ đặc sắc của thi ca Việt Nam:


 


Phật rằng: trong lửa có hoa sen


Lửa mách người: trong nước có tiên


Nước réo: trong cây đều có quỷ


Làm yêu làm quái để tìm quên.


 


Lời yêu: quên được đã quên rồi!


Thánh vẫn than trong Vàng đấy thôi.


Uổng có miệng thêu lòng nở gấm


Dao vung lên cũng đứt làm đôi.


 


Còn trong đất chẳng có gì sao?


Nghe hỏi, cây trên bến nghẹn ngào


Cuội chợt khóc vang, người chợt tỉnh:


Có mầm đau rắc tự trời cao!


(Vũ Hoàng Chương, Có gì ở trong, 1973)


[VL, bài viết tối 27 tháng 11, 2012)

MỚI CẬP NHẬT