Tuesday, April 16, 2024

‘Trả Caesar những gì của Caesar’


Ðằng sau câu Kinh Thánh



 


Viên Linh


 


Không phải tự dưng người viết bài này mang chuyện Caesar ra kể với bạn đọc. mà có hai nguyên do: thứ nhất trong tháng 3 này, ngày 15, vào năm 44 trước Tây lịch, Julius Caesar bị người bạn thân và đồng nhóm gồm 17 người (có sách nói 23 người), cầm dao đâm chết, mỗi người một nhát; thứ hai, một ông tân Caesar, tiếng Nga là Czar, hay Tsar, hôm Chủ Nhật 4 tháng 3 vừa tuyên bố trở thành tổng thống nước Nga.










Julius Caesar bị đâm chết tại Nghị Viện La Mã, tranh Vincenzo Camuccini.


Trước ngày bầu cử, hàng vạn người đã biểu tình ở Mạc Tư Khoa tố cáo đảng ông gian lận. Song có những người khác ủng hộ ông, cho rằng Vladimir Putin đã đem nước Nga trở lại vị thế một cường quốc sau những năm xáo trộn thời ông Yelstin. Ông từng là tổng thống, và bốn năm qua đã phải lui xuống làm thủ tướng, nay bầu ông trở lại làm tổng thống thêm ít nhất là 6 năm nữa, nếu không là 12 năm, chỉ là chuyện “Hãy trả lại Caesar những gì thuộc Caesar,…” có gì đâu mà phải chống? (1)


Caesar là tên một gia tộc thượng lưu ở La Mã. Từ Julius Caesar (102-44) và người cháu (con trai của cô em gái) là Hoàng đế Augustus, Caesar gợi cho người ta nghĩ đến một nhân vật xuất chúng, hiệp liệt. Sau Ðế quốc La Mã, tiếng Caesar trở thành “kaiser” đối với người Ðức, và Czar hay Tsar đối với người Nga. Nhân vật kiệt xuất đó cầm quân viễn chinh qua phương Tây, đặt xứ Gaul (Pháp) dưới sự cai trị của mình, mang hàng chục chiến thuyền đổ bộ Anh quốc; đánh qua phương Ðông thì cặp kè với Hoàng hậu Cleopatra, giúp nàng trị vì đất nước. Julius Caesar vừa là một vị tướng đa mưu, vừa là một chính khách khôn ngoan. Ông phù giúp Pompey trở thành tư lệnh tối cao của quân đội, tạo lập liên minh quyền thế và liên kết với giới giàu có. Ông đưa ra những cải cách được dân chúng tán thành và có giá trị lịch sử. Phát minh lịch Julian là một đóng góp vĩ đại của ông.


Thanh thế lên cao, binh lực bành trướng, Caesar trở thành nhà chỉ huy quân sự La Mã vĩ đại của mọi thời. Nhưng sau cùng, cũng vì tham vọng và tài năng vượt bực, Nghị Viện La Mã thấy nguy, quyết định giải tán quân đội dưới quyền Caesar, song ông được sự ủng hộ của hai đồng minh thế lực là Marc Antony và Quintus Cassius Longinus, đối nghịch với thông gia và đồng minh cũ, Pompey. Ðược toàn thể quân đội ủng hộ, Caesar chống lại Nghị Viện. Năm 49 ông vượt dòng Rubicon trở về Ý, làm chủ La Mã, và gây ra cuộc nội chiến trong đất nước mình. Không ai địch nổi ông. Pompey thua, chạy qua Ai cập, Caesar đuổi kẻ thù tới tận Ai cập. Pompey chết tại đây và Caesar trở thành người tình của Nữ hoàng Cleopatra, giúp nàng nắm vững ngai vàng. Ông ở lại Ai cập một thời gian. Cuộc đời Julius Caesar tới đây đã làm tốn biết bao xương máu, và giấy mực, cho lịch sử và văn chương nghệ thuật.


Trở về La Mã, Caesar cải thiện đời sống dân chúng và tới năm 44 trở thành nhà độc tài tuyệt đỉnh. La Mã trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Ông không lên làm vua nhưng phong cho người cháu, Gaius Octavius là người sẽ kế vị ông! Người ta thấy rõ ông đang xây dựng một đế quốc cho riêng gia đình mình. Ngôi vị độc tôn và tham vọng bá quyền đã khiến ông trở thành mục tiêu của một âm mưu ám sát, mà những kẻ đầu não lại là bạn ông. Họ gồm 60 người, các nghị sĩ và các thành phần cộng hòa…


Khoảng 11 giờ sáng ngày 15 tháng 3, 44, Caesar tới Nghị Viện, theo sau là Marc Antony. Có người gọi giật Antony lại, Caesar đi trước. Ngay khi vào trong nghị trường, Caesar bị bao vây bởi nhóm mưu sát, gồm 23 người, cầm đầu bởi Casca, kẻ đầu tiên rút dao găm đâm vào thân thể ông. Ông bị đâm 23 nhát dao tất cả. Mới đầu ông còn chống đỡ, nhưng khi thấy người bạn thân nhất là Brutus rút dao ra, Caesar sững sờ kêu lên: “Et tu, Brutus!” và buông xuôi. Ông chết dưới chân bức tượng Pompey.


Với cái chết của Julius Caesar, quyền lực La Mã truyền qua tay Gaius Octavius, Lepidus, Marc Antony. Chỉ một thời gian ngắn, cuối cùng Octavius nắm trọn quyền hành, đổi tên thành Gaius Julius Caesar Octavianus (hay Octavian), sau đổi tên thành Hoàng đế Augustus, và La Mã ngày càng phát triển, ngày càng giàu có.


Các sự việc xảy ra sau đó:


Năm 42 trước Tây lịch, Brutus và Cassius thua trận ở Philippi, tự tử chết.


Năm 40, Herod được chỉ định làm vua Judaea ở La Mã.


Năm 38, Marc Antony trở lại Ai Cập (sống với Cleopatra).


Năm 31, Octavian kéo quân đi đánh Marc Antony và Cleopatra, đụng trận ở Actium, cặp này tự tử chết, Ai Cập trở thành một tỉnh của La Mã.


Năm 30 trước Tây lịch, Octavian đổi tên thành Hoàng đế Augustus, trị vì lâu bền tới năm 14, sau Tây lịch.


Julius Caesar là người tài ba quán thế, sống một cuộc đời huy hoàng, hậu thế không ngừng nhắc đến tên ông, ca ngợi các chiến công của ông, những canh tân luật lệ nhân sinh ông đã thực hiện cho La Mã, mà ít nhắc đến hai bộ sách lớn ông để lại cho đời sau: 7 cuốn binh bị về cuộc chiến tranh Gallic (đánh Gaul (Pháp) và Anh, và 3 cuốn về Cuộc Nội Chiến ở Ý. Cuốn Columbia Từ điển Bách khoa thu gọn gọi những cuốn sách mà Caesar là tác giả là “Tuyệt phẩm Văn chương và đồng thời cũng là Tài liệu Binh bị Cổ điển.” Ông lấy vợ 3 lần, với Cornelia, Pompeia và Calpernia. Cuộc đời ấy lại rất ngắn ngủi: lúc bị ám sát chết, ông mới 56 tuổi. Một năm trước, năm 45, Caesar đã được nước Ý tôn vinh là “Người cha của dân tộc.” Ðến Chúa Jesus cũng đã lên tiếng bênh vực ông, thì đủ biết. Dù bị giết, song Ðế quốc La Mã mà ông xây dựng đã thành hình, và tồn tại với người con trai của cô em gái trở thành Hoàng đế Augustus, trị vì qua tới thế kỷ I của Tây lịch. (05.03.2012)


 


Chú thích:


1. “Render therefore unto Caesar the things which are Caesar’s, and unto God the things that are God’s.” (Matthew 22:11). Câu này do Chúa Jésus phán cùng mấy người Pharisees khi họ hỏi rằng có nên đóng thuế cho Caesar không, trong khi họ đang tiêu những đồng tiền có hình Caesar trên đó. Nghe câu đó, họ ngỡ ngàng bỏ ngài mà đi. Sự liên tưởng của người viết không ở nội dung câu chuyện, mà chỉ xin coi như một câu văn dùng để mở đầu câu chuyện.


2. Sách tham khảo:


-The Great Moments in History, S. Nisenson &A. Parker, Grosset &Dunlap, 1932;


-Timetables of History, Bernard Grun, Touchstone Book, 1946;


-The Cambridge Biographical Encyclopedia, 1994;


-The Columbia Encyclopedia, 1983.

MỚI CẬP NHẬT