Thursday, March 28, 2024

Từ Nguyễn Chí Thiện tới thơ Nguyễn Sỹ Tế

 

Ðêm thơ trong tù tại Prague

Viên Linh

Vào tối Thứ Ba, mồng 8 tháng 11, 1994, trong khi tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 61 tại Prague, phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đã tham dự Ðêm Thơ Trong Tù do ban phát thanh phần Việt ngữ của đài phát thanh quốc gia Tiệp Khắc tổ chức. Trong chương trình, phái đoàn Việt Nam sẽ nói về thơ trong tù của mình, và thơ trong tù của Nguyễn Chí Thiện.



Tổng thống Tiệp Khắc khai mạc Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế kỳ 61, 1994. (Hình: Viên Linh)

Ðêm thơ tổ chức trong một trà thất tại Old Town, phía ngoại quốc có trên 20 thi sĩ Tiệp Khắc tham dự, trong có thi sĩ nổi tiếng Jáchym Topol, phía Việt Nam có Nguyễn Sỹ Tế, Viên Linh, Cung Trầm Tưởng, Phạm Việt Tuyền, Ðỗ KH., cựu TNS Trần Ngọc Nhuận, và các cô Minh Nguyệt, Cao Mỵ Nhân. Các phóng viên Xuân Hồng của Ðài BBC và Lê Ðô của đài CNBC và đài truyền hình Viên Thao ở San Jose có mặt để tường thuật. Sinh viên Việt tại địa phương tham dự khá đông đảo.

Dư luận từ hai ba tháng trước ghi nhận, đây là một hội nghị đặc biệt, vì Tiệp Khắc chỉ mới thoát khỏi gông cùm cộng sản mới bốn năm trước. Nhưng người ta cũng được biết rằng, đây không phải lần đầu tiên Tiệp đứng ra tổ chức Hội Nghị Văn Bút. Năm 1938, Prague đã là nơi diễn ra Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 16, đó là công lao của nhà văn Karel Capek.

Tên ông chỉ mấy ngày trước đã được nhắc đến tại sảnh đường của Bộ Giáo Dục Tiệp, khi một giải thưởng văn chương mang tên Karel Capek được thành lập, cứ hai năm phát một lần, lần này hai người được trao giải là Philip Roth của Mỹ và Gunter Grass của Ðức, sau khi chín vị giám khảo đã thảo luận rất gay go. Giải sẽ được Tổng Thống Václav Havel trao, cả hai nhà văn trúng giải đều sẽ có mặt trong buổi tiếp tân trong Dinh Tổng Thống.

Ðây là Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế đầu tiên được tổ chức bởi một nước hậu cộng sản. Các thành viên thế giới ghi tên tham dự rất đông. Việt Nam hải ngoại là phái đoàn đông thứ ba, 9 người, chỉ sau Triều Tiên và Nhật Bản, 11 người. Trên 500 nhà văn quốc tế tham dự, trong có những danh tiếng như Arthur Miller, Francis King. Khắp thành phố Prague, từ gầm cầu tới công viên, hầu hết có dán bích chương cổ động hội nghị. Hội nghị sẽ diễn ra trong một tuần tại khách sạn 5 sao Atrium Hotel. Giá một đêm là 450 Mỹ kim, chỉ trưởng phái đoàn và một người nữa được miễn phí.

Trong khi đó, tổng thống Tiệp là một kịch tác gia, nổi tiếng với cuộc “Cách Mạng Nhung” lật đổ cộng sản mà không tốn một giọt máu nào. Ðề tài ông đưa ra, gửi cho trên 100 trung tâm hội viên International PEN trên thế giới là “Khoan Dung.” Phòng hội khoảng 900 người, mọi người háo hức chờ giờ khai mạc, ngày 7 tháng 11. Mọi cái máy hình đều kêu sè sè, lách cách khi ông Václav Havel xuất hiện trên sân khấu, kể cả máy của tôi.

Nhà văn tổng thống khai mạc: “Thứ nhất nhân danh là một đồng nghiệp, thứ hai nhân danh người đại diện cho Cộng Hòa Tiệp Khắc, tôi xin chào mừng các bạn văn tới dự Hội Nghị Văn Bút hôm nay. Tôi tin rằng sự có mặt của quí bạn sẽ mang lại niềm kích thích tinh thần và trí tuệ vào chốn ‘tỉnh lỵ’ đôi khi quá vật chất này, và trong lúc này ít nhất quí bạn sẽ giúp các công dân của tôi lưu tâm tới các vấn đề vượt qua chân trời nhỏ hẹp của những bận rộn hàng ngày của họ.”



Các thành viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trong Dinh Tổng Thống, Viên Linh, Ðỗ Kh., Nguyễn Sỹ Tế. (Hình: Lê Ðô)

Một lời khai mạc thật khiêm tốn và giản dị. Chẳng thế mà chủ đề của hội nghị là “Văn Chương và Sự Bao Dung.”

Trong hội nghị, các nghị quyết của nhiều phái đoàn in và được phát ra (đầu đề mà thôi). Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đứng chung với Văn Bút Canada và Văn Bút Ba Lan, lên án nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ trái phép Nhóm Diễn Ðàn Tự Do đứng đầu bởi Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt, kết án nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ các trí thức tranh đấu cho dân chủ trong Cao Trào Nhân Bản đứng đầu bởi Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế. Ðiểm thứ ba là kết án chính phủ Việt Nam cấm đoán tăng ni Phật tử truyền báo các tài liệu về tự do tín ngưỡng. Hội nghị đã thông qua nghị quyết này với tuyệt đại đa số (không một phiếu chống).

Ðêm Thơ Trong Tù diễn ra vào lúc 8 giờ tối. Anh em sinh viên vui vẻ cho biết là rất đông người tham dự, nhiều hơn là dự đoán. Viên Linh trước khi cùng thi sĩ Jáchym Topol đọc 7 bài thơ tù của Nguyễn Chí Thiện, đã ngỏ lời ca ngợi Văn Bút Tiếp Khắc, vốn gia nhập Văn Bút Quốc Tế năm 1925, chỉ 4 năm sau khi tổ chức này được thành lập ở London. Tài liệu về thơ, tiểu sử Nguyễn Chí Thiện đã do ông soạn và người em là Nguyễn Hữu Hiệu dịch được in ra, gồm 10 bài thơ, cả 10 bài đều do Phạm Duy phổ nhạc, tạp chí Thời Tập ấn hành từ 1980, đã được mang theo tới Prague và phổ biến cho các thính giả. Jáchym Topol còn trẻ, đọc chứ không ngâm. Tiếp đó, nhà thơ giáo sư Nguyễn Sỹ Tế đọc bài thơ nhan đề Mùa Xuân Tiệp Khắc do ông sáng tác bằng Pháp ngữ, với giọng hùng hồn, người tù cộng sản kiên giam trước sau 13 năm đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng dài. Ðêm thơ chỉ chấm dứt sau hơn 3 tiếng đồng hồ, gần nửa đêm.

Sau đó hai tờ báo Tiệp Khắc phỏng vấn ba người trong phái đoàn, Phạm Việt Tuyền, Trần Ngọc Nhuận, và trưởng phái đoàn Việt Nam. Ðược hỏi tình trạng các nhà văn ở trong nước ra sao, tôi nói, “Người ta không cần biết hết các chi tiết, quí vị có thể hình dung ra tình trạng của họ khi hiện nay ở Việt Nam không có một nhà xuất bản nào do dân làm chủ, không có một tờ báo nào do dân làm chủ.”

MỚI CẬP NHẬT