Friday, March 29, 2024

Văn thơ vùng tề (1947-1954)

 

Viên Linh

Tháng trước, trong bài “Một Thời Văn Học Dinh Tê” người viết đã nói qua về khung cảnh thời gian 9 năm (1945-1954) tại Hà Nội và Hải Phòng, và các thành phố nằm trong vùng Quốc Gia (để đối chiếu với 9 năm Văn Học Kháng Chiến – của các nhà văn nhà thơ sống trong các vùng do Việt Minh (thật sự là cộng sản) kiểm soát.

Trong khoảng 9 năm này, văn thơ vùng Tề tái sinh sau trận đánh khủng khiếp giữa Hà Nội, các báo được xuất bản, các nhà văn cầm bút trở lại. Những người tham dự sinh hoạt văn hóa, chữ nghĩa không thể ngờ rằng sau đó, số phận, hay định mệnh, của rất nhiều người trong bọn họ đã bị vùi dập hẳn, ở cả hai bên, vì những gì họ viết ra.



Phố xá Hà Nội Trong Chiến Tranh (Rue de Hanoi pendant la guere), tranh Nam Sơn, 1947. In trong L’Aventure de l’Art Modern au Vietnam, Paris musées, 1998. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Thời gian chín năm không là bao, nhưng nó bùng nổ bằng một cuộc chiến tranh, sau này quen gọi là chiến tranh Quốc Cộng, và chấm dứt bằng sự chia đôi đất nước, cuộc chia đôi khủng khiếp ảnh hưởng tới mấy chục triệu người, đến cả dân tộc, nữa là chỉ một số ít oi các văn nghệ sĩ. Nhưng các văn nghệ sĩ kẹt trong Hà Nội, Hải Phòng trong 9 năm đó sẽ kẹt suốt cuộc đời họ, vì khi đất nước đổi chủ, họ là những tội đồ hết đường trốn chạy, vì những gì họ viết ra trong 9 năm trước, đã là những bản án buộc tội họ. Mà họ viết trong hoàn cảnh nào? Cuộc chiến với Pháp ở Hà Nội xảy ra ngày 19 tháng 12, 1946, kéo dài khoảng hai tháng. Thành phố đổ nát, nhiều xác chết chôn vùi chôn lấp đâu đó, không kể trên ba ngàn cái xác sinh viên trí thức đã được chôn chung vào một vài cái hầm, cái hố, nhất là khu giao thông hào bên hông Tòa Án Hà Nội, nơi sau này chúng tôi có khi họp bạn bên trên mà không biết.

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết:

“Sau hai tháng cầm cự [tức là tới hết tháng 2,1947], cố giữ vững thủ đô với bụng đói, dạ rét, nhiều chiến sĩ của Trung Ðoàn Thủ Ðô đã gục chết tức tưởi trong đống gạch và trong các giao thông hào xuyên trong các dãy phố. Khi quân đội Pháp đã làm chủ được Hà Nội, lập tức người Pháp kêu gọi dân Hà Nội tiếp tay với họ một mặt vãn hồi trật tự thành phố, một mặt dọn dẹp những đổ vỡ. Một số trí thức Hà Nội, ý thức vấn đề Quốc Gia-Cộng Sản và trách nhiệm mình nên phải đứng ra lập Hội Ðồng An Dân, tiếp đón người hồi cư, cũng như cho ra báo để thông tin, tuyên truyền, ổn định đời sống cho toàn thể.” (NTK, Hà Nội cuối năm 1947)

Như thế, báo chí xuất bản trở lại tại Hà Nội bắt đầu mạnh lên trong năm 1947. Tờ báo qui tụ nhiều tên tuổi trí thức đáng kể là tờ Thời Sự của các ông Nghiêm Xuân Thiện, Ðào Hữu Dương, Nhượng Tống, Nguyễn Cao Hách, Nghiêm Toản, Lê Bá Kông. Còn các nhà văn, nhà thơ: Họ là ai? Văn thơ của họ ra sao? Không biết bao nhiêu lần người viết bài này được hỏi câu hỏi đó. Câu hỏi rất khó trả lời vì “thời văn học dinh tê” người viết bài này sống ở Hà Nội nhưng còn quá nhỏ tuổi, ý niệm mơ hồ, lại chưa từng có ý định trở thành một nhà biên khảo. Viết văn viết truyện thì có, mà viết nhận định phê bình thì chưa. Thời 9 năm đó (thực sự chỉ có 7 năm), người ta làm thơ ra sao? Trước hết, hãy đọc những bài thơ “thương nhớ về Hà Nội” thời đó, ta có thể hình dung ra tình cảm và văn thơ của một thời, một thời hầu như không còn thấy ai nói đến sau đó.

Cửa ô năm ngả bừng hương gió
Lối cũ đi về nhạt ánh sương
Tâm sự chìm sâu dòng mực lạnh
Nằm đây nhớ lại buổi lên đường

Tôi viết thư này gửi Bắc phương
Qua sông Bến Hải, nhịp cầu sương
-Hỡi ai, quen thói làm tôi tớ
Kiếm sắc còn đây tặng cố hương

Chu Anh Thiện
(Trích tập “Hà Nội Ơi”)

Anh đi ngày quốc nạn
Sông Hồng chưa hết đau
Nước mắt dân xứ Bắc
Dắt nhau vào Cà Mau.

Trường Sơn hai khúc máu
Vĩ tuyến một sông sầu
Thương mùa Thu Tháng Tám
Non nước lạc về đâu.

Chế Tần Lĩnh
(Chưa biết bao giờ về)

Thương về đất Bắc

Ngày ấy tôi ra đi
Mưa giăng mơ kinh kỳ
Tóc mềm phơi phơi gió
Sầu đọng trên hàng mi!

Hồng Hà ơi!
Bốn phương nhàu nát những mây trời
Tôi khóc thương dòng máu đỏ
Rên xiết trong đêm buồn ủ rũ
Mấy nhịp cầu sương nắng phai phôi!
– Loang loáng ánh đèn pha
– Gáy lạnh đen ngòm sắt thép
– Bóng ma!
– Bóng ma!
Ðêm về Hà Nội
Khóc thầm trong ngõ tối
– Im!
– Ấm ức!
– Nghẹn!
Tiếng chân người!!

Tô Vân

Người có đến Việt Nam, ngập ngừng và khẽ hỏi:
– Tổ quốc các anh biển vây Ðông Hải
Tảng Trung Hoa đổ xuống sập cong mình
Sao vẫn còn truyền thống của tinh anh?

Thanh Hữu
(Có đến Việt Nam)

Những nhà thơ trong giai đoạn vùng Tề còn nhiều, như Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Quốc Trinh. Báo chí văn học hay có các trang văn chương hồi đó có Thế Kỷ, Cải Tạo, Giác Ngộ, Sinh Lực, Tiếng Dân, Tia Sáng, Giang Sơn,… Tôi tin rằng ở đâu đó có những người vẫn lưu giữ những tờ báo ấy, và rải rác trong đó còn những bài thơ mang tâm tư thời đại của những người sống và viết ở đó, nhưng kẹt lại đó sau 1954 – không kể những người sống và viết tại đó, nhưng may mắn đã vào được Miền Nam sau 1954 và trở thành những tên tuổi lẫy lừng của Văn học Miền Nam, như Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Nguyễn Sỹ Tế, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Văn Quang, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, và lớp tiếp theo. Hy vọng sẽ có một ngày…

MỚI CẬP NHẬT