Friday, April 19, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 1)


LTS –
“Vàng Ðen” là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Dũng Tiến, được xây dựng trên những tư liệu cùng huyền thoại liên quan tới vùng “Tam Giác Vàng,” một trong những nguồn sản xuất và cung cấp thuốc phiện (“vàng đen”) lớn nhất thế giới. Ngoài việc viết văn, tác giả Nguyễn Dũng Tiến cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên có công gầy dựng vườn cây ăn trái cho người Việt ở xứ người. Ông hiện là chủ nhân vườn cây LA Mimosa Nursery, 6270 East Allston Street, Los Angeles, CA 90022-4546. Tel: (323)722-4543. Ðược sự cho phép của tác giả, Người Việt hân hạnh giới thiệu tiểu thuyết “Vàng Ðen” trên mục truyện dài của nhật báo Người Việt cũng như Người Việt Online.


 


TỰA


 


Tôi vẫn hình dung những tiểu thuyết gia là những nhà ảo thuật, hay hơn thế, những tay phù thủy. Tôi đã di chuyển bằng tàu biển, nhưng đó chỉ là con tàu chở hành khách, như tàu Athos 2, năm 1948, đi từ Sài Gòn đến Marseille mất 28 ngày.


 Nhưng chưa bao giờ tôi được di chuyển dưới đáy biển, chưa bao giờ được bay vòng trái đất bằng khinh khí cầu. Jules Verne, bằng những vung tay của ngòi bút, đã giúp tôi có được những phiêu lưu xúc cảm đó của tuổi nhỏ mà không bao giờ tôi lãng quên. Phù thủy Lan Khai đưa tôi lên rừng, phù thủy Lê Văn Trương dắt tôi đi tìm vàng. Phù thủy Tchya thật ghê gớm bắt tôi quỳ mọp trong kinh hoàng để hầu hạ một Thần Hổ. Phù thủy Nguyễn Tuân đưa tôi đi coi Chém Treo Ngành, cho tôi uống Chén Trà Trong Sương Sớm. Tôi không nói chắc các bạn cũng biết tôi có khuynh hướng thân thương với những tác phẩm văn xuôi có chủ đề kỳ thú. Tiểu thuyết Vàng Ðen của Nguyễn Dũng Tiến đến với tôi như một đoàn quân tiến vào một thành trì bỏ ngỏ.


Vàng Ðen lại nghiễm nhiên có một vị trí riêng trong tiểu thuyết Việt Nam đã có du đãng, có tướng cướp, có tay “ném bút chì” có người “bỉ vỏ.” Nhưng buôn bán các chất ma túy, những bạch phiến, hắc phiến và hồng phiến gọi chung là vàng đen là thế giới của phù thủy Nguyễn Dũng Tiến lần đầu tiên mang lại cho chúng ta một cách quy mô. Nhiều nhà phù thủy của chữ nghĩa văn xuôi quan tâm nhiều đến việc từ vùng ngoại ô của hư vô tạo ra những người, những vật, những tình yêu và thù hận. Người không giống ai, người tử tù đó, vật càng khác biệt, nét chữ kia, hương cuội nọ.


Nguyễn Dũng Tiến bằng những phất tay chữ nghĩa mang lại những người, những vật của thế giới vàng đen, lại còn rất bạo tay mở rộng những thế giới đó từ Vạn Tượng, đến Chiang Mai, từ Tam Giác Vàng sang Mỹ quốc. Tôi thích đề tài rất kỳ thú của Vàng Ðen, tôi càng thích những người và vật, những bi kịch đời, bi kịch người, bi kịch đầy ắp đam mê chất chứa trong đó. Tôi thích hơn nữa không gian mênh mông kia của tiểu thuyết. Người viết tiểu thuyết cách đây hai mươi năm có những vấn đề khác biệt với những ưu tư của người sáng tạo hồi đầu thế kỷ.


Nhân vật của tiểu thuyết là nhân vật ngôi thứ nhất hay nhân vật được nhìn ngắm trên căn bản tâm lý học ngôi thứ ba. Ðào sâu vào nội tâm, đi mãi đến tận cùng của nội quan, những tiểu thuyết của thập niên ba mươi với những Francois Mauriac, những André Maurois bị Sartre chất chính, thế ra tiểu thuyết gia là Thượng đế hay sao? Làm sao biết Lan nghĩ xong rồi lại biết Ngọc nghĩ.


Tiểu thuyết gia mô tả nhân vật bằng chính nội quan, coi như tâm lý ngôi thứ nhất, thì những nhân vật khác chỉ có thể mô tả phản ứng, ngôn ngữ và động tác, tâm lý ngôi ba. Có thể dùng tới nội quan trá hình như thư từ, nhật ký, nhưng không thể áp dụng nội quan cho hơn một nhân vật trong cùng một cuốn truyện. Nhưng một nền tiểu thuyết thuần túy ngôi ba, hoàn toàn phản ứng có làm mất đi một kích thước cần có của một tiểu thuyết hay không? Tiểu thuyết của những năm năm mươi và sáu mươi đối đầu với những thắc mắc, một truyện hay nhiều truyện, nhiều chuyện trong một truyện có làm mất thống nhất tính hay không, một chuyện trong một truyện có phảng phất bi kịch Hy Lạp đã xa xưa và tệ hơn, có giản lược cuộc đời vốn có hơn một truyện trong cùng một thời gian.


Nhưng vấn đề tôi chú ý đặc biệt trong số những khắc khoải mà các người làm tiểu thuyết hôm nay là vấn đề bút pháp, nhất là trong loại tiểu thuyết có những đề tài kỳ thú. Tay chơi thứ dữ loại Vàng Ðen phải có ngôn ngữ khác biệt với chú tiểu trên chùa Long Giáng, khác với Ðạt của tiểu thuyết Yêu, và giọng cười của tay chơi khi rút ra con sắt trắng không thể giống tiếng cười của ông Nghị Hách khi tìm thấy những quả táo tầu. Ngôn ngữ không phải chỉ là những mẩu đối thoại, mà còn gồm bút pháp của toàn bộ cuốn sách, từ ngôn ngữ chữ viết, ngôn ngữ phản ứng cho tới ngôn ngữ của những ngõ ngách tâm hồn mỗi nhân vật. Ngôn ngữ mở rộng đó của thế giới Vàng Ðen, đúng thế là ngôn ngữ đầy bạo động, đầy tuyệt vọng, đầy ma túy. Ðó là những ngón nghề riêng của bàn tay đầy nghệ thuật phất lên của phù thủy Nguyễn Dũng Tiến.


Nguyên Sa


Aug. 29. 1995


 


Kỳ 1


 


Cuối Xuân 1994.


Ánh sáng ban mai trải dài trên lớp mái vàng của hoàng cung Lào, phản chiếu lên những tia sáng chói chan, rồi len lén trải nhẹ trên thân một tượng Phật bằng vàng, thật lớn giữa vườn thượng uyển. Quanh quanh, tiếng chim líu lo hót làm tăng thêm cái thanh thản, êm đềm của một bình minh nơi thủ đô của xứ ngàn voi phục.


Nhưng cái thanh thản của một sớm mai không giúp được hoàng thân Souvano Xithôn, một trong những hoàng thân còn lại trên tước hiệu của vương quốc Lào, bớt phải vội vã.


Bên ngoài, dưới sân đoàn hộ vệ và người tài xế riêng của hoàng thân đang lăng xăng chuẩn bị đoàn xe trong một tư thế sẵn sàng khởi hành.


Thùng thình trong bộ quốc phục, sàrông xanh đậm với những sọc kim tuyến nhạt chạy ngang, một chiếc áo lụa trắng tinh, tóc rẽ ngôi thẳng tắp, hoàng thân vội vã bước đến bàn thờ lộ thiên trước mặt tượng Phật, xì xụp làm lễ thật nhanh với sự phụ giúp của một nhà sư già, đoạn thẳng bước ra đoàn xe đang chờ sẵn. Nhà sư già cùng lên xe, ngồi cạnh hoàng thân.


Từ ngày hoàng thân Souphanouvong qua đời, hoàng thân Souvano Xithôn phải lãnh phần kế vị chức cố vấn chính phủ.


Hôm nay hoàng thân phải tham dự lễ cắt băng khánh thành một cây cầu, dù đã có sự hiện diện của người thủ tướng Lào do cộng sản Pathet Lào đưa lên; Cây cầu nối liền biên giới Thái-Lào do chính phủ Úc Ðại Lợi thực hiện và trao tặng cho hai quốc gia để tăng thêm phần hữu nghị giữa ba nước. Trong lòng thật không muốn đi, nhưng buổi lễ bắt buộc phải có sự hiện diện của hoàng thân Xithôn, vì lần đầu tiên trong hai trăm năm, quốc vương Thái, hoàng hậu cùng hoàng thái tử sẽ từ tỉnh Nông Khai, qua cầu để đến Viên Chắn của xứ Lào.


“Quốc sư nghĩ sao về chiếc cầu?”

MỚI CẬP NHẬT