Thursday, March 28, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 32)


Kỳ 32


 


Phong Sương tự dưng biến thành đứa trẻ, nhìn cái gì cũng muốn ăn. Bên này hàng bánh ít, bên kia hàng bánh khói, bánh bèo. Hàng bánh ram kèm tôm khô, thịt bốc hơi đưa mùi thơm đi loạn xạ.


Lại còn hàng bán bánh canh chân giò heo, khói bốc nghi ngút trông đã làm sao. Ðịnh kéo cô Hai vào ngay hàng bánh canh chân giò heo để xì xụp húp, bỗng Phong Sương chợt trông thấy hàng bún bò Huế bên cạnh với nồi nước dùng đỏ ối những ớt, mỡ trên mặt, nước miếng tự dưng ứa đầy miệng. Không cầm lòng nổi và cũng không cần hỏi ý kiến cô Hai, Phong Sương sà ngay xuống hàng bún.


“Bà hàng, cho tôi hai tô bún.”


Bà bán hàng chăm chăm nhìn Phong Sương rồi hỏi:


“Cô em ni muốn ăn nhiều ớt hay ít ớt?”


“Bà hỏi kỳ vậy, tôi dân Pặc Sế mà, bỏ nhiều ớt vào, lẹ lẹ nghe bà, làm cho thật ngon, ngon nghe bà.”


“Răng mà tôi chưa bao giờ thấy cô em ở đây cả.”


Lại tiếng Huế.


“Hai mươi năm trước tôi đã ở đây, tôi mới ở Vạn Tượng về. Làm ngon, ngon, ngon nghe bà, thêm nhiều rau muống chẻ, rồi tôi thêm tiền.”


Cách sử dụng ba tĩnh từ liên tiếp để diễn đạt được cái “rất” của người Việt sinh đẻ tại Lào như Phong Sương, đã khiến cho các bạn Việt Nam đến từ Việt Nam, cùng sinh sống ở Mỹ đã phì cười.


Lớp mỡ trộn lẫn ớt đỏ au nổi trên mặt tô bún, điểm xuyết cùng những mầu xanh của hành lá, rau mùi, rau răm khiến tô bún trông hấp dẫn lạ. Những cọng bún lớn cứ tuồn tuột trôi khỏi đôi đũa, để rồi cũng không tránh khỏi rơi vào chiếc thìa Phong Sương đã hứng ở dưới, đành thúc thủ, ngoan ngoãn để Phong Sương lùa vào miệng.


Nồi nước dùng phải thật khó tính mới chữa được cái nhạt nhẽo của những sợi bún. Nước dùng phải được nấu với chân giò heo, thêm chút mắm ruốc nướng, cộng với vài lát khóm (trái thơm) cho dịu cái mặn của mắm ruốc. Tất cả phải được hầm nhỏ lửa để nước phải thật trong. Ðể chữa cái cay của nước, miếng thịt bò lẫn gân bò phải được thái con cờ, không được hầm quá kỹ, như vậy trong khi miệng đang phải chậm rãi nhai, cái nóng của ớt có thể từ từ len lỏi trốn thoát ra ngoài chút ít. Sau miếng thịt bò, lại một thìa nước dùng, cả hai thật hài hòa qua khỏi cổ họng và từ đó chúng tấn công không ngừng nghỉ, chúng đốt từ trên cổ xuống đến bụng. Nhưng kệ, còn cái giò heo, giò heo đã được thui kỹ trên lửa, trông sạch và vàng lượm.


Phong Sương bỏ hẳn đôi đũa xuống mặt sạp bún để dùng cả hai tay tấn công cái giò heo. Ðó là cứ điểm cuối cùng của tô bún bò Huế. Phong Sương đã tấn công chúng một cách mạnh bạo ngay từ lúc đầu cuộc chiến, rau muống chẻ, bắp chuối sắt mỏng, trộn lẫn lộn với những sợi bún để kềm chúng cho khỏi chạy. Một miếng bún, một thìa nước dùng. Phong Sương làm dữ quá, khiến một vài lần xém bị sặc vì ớt. Chúng đã phản ứng bằng cách phát ra một nồng độ thật cao, hầu mong chặn bớt sự phũ phàng của Phong Sương. Tiêu bột do Phong Sương rắc lên mặt tô bún lúc khởi đầu cũng phản ứng không kém.


Cuối cùng, tô bún bò Huế đã thật tuyệt trần. Phong Sương đã thắng, nhưng cũng phải khá vất vả, mồ hôi ra như tắm.


“Bà hàng, bà làm cho tôi tô nữa.”


Bà hàng với ánh mắt nghi ngờ nhìn Phong Sương, trong khi tô bún của cô Hai vẫn còn non nửa.


“Cô ăn hết cả đĩa rau rồi.”


“Có sao đâu.”


“Tôi muốn nói cô em ăn nguyên tô bún với cả đĩa rau, coi chừng ăn không hết tô thứ hai.”


“Bà làm cho tôi một tô nữa đi.”


Bà hàng lẳng lặng cho bún vào tô. Chuyến này, tô bún đã hạ Phong Sương ngã ngựa. Thêm nửa tô bún nữa, Phong Sương đã thở hết muốn nổi. Cô Hai chỉ lẳng lặng cười, móc tiền ra trả.


“Chưa bao giờ trong đời cháu lại được ăn một tô bún bò ngon, ngon, ngon như vậy.”


“Tại cháu đi đã lâu nên không có dịp được ăn.”


“Không cô, bên Mỹ thiếu gì nơi bán bún bò Huế, nhưng ngon như bên Lào của mình thì không có. Cũng bõ công cháu ngồi máy bay cả ba tiếng đồng hồ từ Viên Chắn xuống đến Sà Vằn của cô. Viên Chắn cũng chẳng bằng.”


Hai cô cháu thả bộ đi khắp chợ. Chợ kéo dài ra đến cuối con đường của phố chính, nơi ấy, sáng sáng những cô bạn hàng người Việt mặc áo dài thường dùng đòn gánh để mua hàng.


Ðịa dư của Lào là một dải đất chạy song song với Việt Nam, ngăn bởi rặng Trường Sơn, nhưng ngắn hơn. Những tỉnh chính của Lào được thể hiện qua ba tỉnh Vạn Tượng, Sà Vằn, Pặc Sế. Cả ba lại đều thể hiện phong tục, tập quán của người Việt Nam tại ba miền Nam, Trung, Bắc. Sự thể hiện rõ ràng nhất được thấy qua ba chợ chính của cả ba tỉnh chính của Lào.


Pặc Sề (Sế), nơi quy tụ những anh hùng, hảo hán, giang hồ tứ chiến hay những công chức miền Nam được bổ lên làm việc, hoặc những người bất mãn chính quyền tại miền Nam thời chúa Nguyễn, định cư và lập nghiệp tại đấy.

MỚI CẬP NHẬT