Friday, March 29, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 33)


Kỳ 33


 


Áo bà ba nhan nhản ngoài phố chợ. Thức ăn cũng hoàn toàn theo khẩu vị của người miền Nam Việt Nam. Món ăn nào cũng có nước cốt dừa, giá sống. Người Việt đã đồng hóa rất nhiều người Lào, thay vì bị đồng hóa.


Khởi điểm từ những thức ăn và tập quán. Tại Pặc Sề, người Lào còn giữ được vài món ăn thật thuần túy của Lào như món gà nướng, rất nổi tiếng tại làng Sê Bạn Hếnh. Gà để nguyên con, bửa đôi, kẹp ống tre tươi, nướng nguyên con. Người Lào ăn gà với xôi nếp và tầm sụm (mắm cá trộn đu đủ xanh bào nhỏ, tỏi và thật nhiều ớt).


Tỉnh Pặc Sề lại có một con sông chạy dọc theo tỉnh nên rất hợp với những người đến từ miền Nam nước Việt. Ngược lên phía Nam hai giờ máy bay, chính là Sà Vằn, nơi hai cô cháu Phong Sương đang đi tản bộ trong chợ. Người Việt ở đây đều xuất xứ từ miền Trung của nước Việt, phần đông người Huế, họ vẫn giữ cái cung cách của giòng dõi vua chúa Việt Nam qua chiếc áo dài mặc đè lên chiếc áo lá mỗi khi bước ra đường.


Sáng sớm của những ngày họp chợ, những phụ nữ bạn hàng Việt Nam đã cùng đòn gánh đứng chờ ngay từ mé đầu tỉnh, trên con đường dẫn vào chợ, để chờ mua hàng cùng rau cỏ của những người Lào bản xứ từ những thôn quê hẻo lánh đem ra tỉnh bán. Vừa ý món hàng, hoặc gánh hàng nào. Các bà, các cô sẽ đè đòn gánh ngay lên gánh hàng đó để nhận là của mình. Ðôi khi xảy ra những chuyện tranh dành vì cả hai đòn gánh đều hạ xuống cùng lượt. Món hàng sẽ được chia đôi nếu cả hai cùng quá găng, hoặc một người sẽ nhường cho người nọ.


Tuy chưa nhận tiền của người mua, dù chính người mua cũng chưa biết giá món hàng mình đang dành mua sẽ là bao nhiêu, những người nông dân Lào hiền lành đã mất quyền làm chủ món hàng của mình. Nhưng định luật thuận mua, vừa bán cũng làm cả hai bên hỉ hả cười, đôi khi những người Lào chất phác cũng bị chèn ép chút đỉnh.


“Cô à, người Huế của mình vẫn ở đầy ở đây.”


“Chứ cháu nói họ chạy đi đâu.”


“Cháu tưởng hồi 75 họ chạy hết rồi chứ.”


“Một vài người có tiền họ mới chạy thôi, nhiều người có tiền họ cũng đâu muốn chạy. Như cô, cô không chạy, có ai làm gì cô đâu.”


“Người ta vẫn buôn bán như cũ cô hí.”


Cô Hai sa sầm mặt lườm Phong Sương một cái thật dài. Chứng nào tật nấy, lớn, có chồng vẫn còn nghịch. Chữ “hí” Phong Sương dùng để hỏi cô không có một chút nào thiện ý quê hương Huế cả. Chữ “hí” ấy, tiếng Lào dùng để chỉ cái “giống” của người đàn bà.


Chữ “hí” của Phong Sương làm cô Hai nhớ đến một người. Người này vì thói quen ngôn ngữ nên vô tình bị va chạm nhiều lần với người bản xứ. Câu nói nào cũng dính kèm chữ “hí” phía sau.


“Nói chi thì nói, lát nữa phải đến thăm mệ một chút.”


“Thôi, cháu không đi đâu.”


“Mệ biết cháu về mà không đến thăm, mệ chửi chết. Mệ nhắc đến cháu hoài.”


“Ðến thăm mệ, mệ lại nói tiếng Pháp hoài à.”


“Kệ, mệ nói vài câu cho vui, thôi nhân tiện cô cháu mình lại thăm mệ luôn đi.”


Bầu trời Sà Vằn xanh ngăn ngắt, vài đám mây lãng đãng trôi. Hai cô cháu dừng chân trước một cánh cổng tò vò.


“Ồ, mệ kia rồi. Chào mệ.”


Trên chiếc ghế đặt giữa sân, trước cửa nhà, một ông lão Việt Nam hom hem đang ngồi sưởi nắng. Có lẽ ông đã già lắm, miệng móm mém không còn chiếc răng. Trái ngược hẳn với những cụ già cùng đồng tuổi khác, ông lão không có được một sợi râu bạc, dù trên chiếc cằm lẹm không có một dấu hiệu gì ông đã từng dùng đến dao cạo, lớp lông mỏng trên da mặt đã chứng minh điều ấy.


“Mệ có khỏe không? Con dẫn con Phong Sương lại để chào mệ.”


“Méc xì hí.” (Cám ơn, hí.)


Ông lão hấp háy đôi mắt lên để nhìn Phong Sương.


“Còm măng va hí?” (Comment ca va? “hí”) (Có khỏe không? Hí.)


Phong Sương hoàn toàn nghe không rõ và cũng chẳng hiểu ông muốn nói gì. Ðưa mắt nhìn cô.


“Mệ nói, con có khỏe không?”


“Con chỉ hiểu được tiếng ‘hí’ của mệ thôi. Mệ à, con khỏe, con lại thăm mệ nè, mệ có còn nhớ con không?”


Ông lão nhè nhẹ lắc đầu sau một lúc lâu ngắm nghía Phong Sương. Ðôi mắt đục dường như chẳng còn thần trí. Cô Hai kéo khẽ Phong Sương nói nhỏ:


“Mệ ngủ nữa rồi, thôi mình về.”


Một ngày trong những ngày cuối cùng của một đời người thật buồn tẻ, lãng đãng như mây trời.


“Cô à, sao mệ là đàn ông mà mọi người đều gọi là ‘mệ’ hết vậy?”


“Khi xưa mệ có chức cao trong triều nội Huế, nhưng mệ là thái giám nên mọi người đều phải gọi là ‘mệ’ hết.”


“Các bà người ta mới gọi là mệ, sao thái giám cũng gọi là mệ?”


“Tại mệ có chồng. Tại có chồng nên mọi người mới kêu bằng mệ.”


“Ðàn ông sao lại có chồng?”


“Mệ đâu còn là đàn ông nữa. Mệ đã từng làm thái giám mà.”


“Cháu cũng chưa hiểu mệ làm thái giám, sao lại còn lấy chồng?”


“Tại vì… tại vì mệ bị thiến mẹ nó đi rồi, coi nì, con ni nó hỏi răng mà hỏi nhiều rứa.”


Thấy cô nổi nóng, gắt lại. Phong Sương càng nổi trí tò mò, tiếp tục hỏi tới:


“Tại cháu không biết nên cháu mới hỏi. Nè cô, bị thiến rồi, sao lại còn lấy chồng?”

MỚI CẬP NHẬT