Friday, March 29, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 34)


“Vàng Ðen” là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Dũng Tiến, được xây dựng trên những tư liệu cùng huyền thoại liên quan tới vùng “Tam Giác Vàng,” một trong những nguồn sản xuất và cung cấp thuốc phiện (“vàng đen”) lớn nhất thế giới. Ngoài việc viết văn, tác giả Nguyễn Dũng Tiến cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên có công gầy dựng vườn cây ăn trái cho người Việt ở xứ người. Ông hiện là chủ nhân vườn cây LA Mimosa Nursery, 6270 East Allston Street, Los Angeles, CA 90022-4546. Tel: (323) 722-4543. Ðược sự cho phép của tác giả, Người Việt hân hạnh giới thiệu tiểu thuyết “Vàng Ðen” trên mục truyện dài của Nhật Báo Người Việt cũng như Người Việt Online.


 


Kỳ 34


 


Cô cháu gái mới từ Vạn Tượng về chơi từ chiều hôm qua làm cô Hai muốn vò đầu, bứt tai về những câu hỏi.


-Cháu mang tiếng ở Mỹ về mà cụng không biết chi hết. Bị thiến rồi thì sẽ thành ái nam, ái nữ. Họ chỉ còn biết sướng ở chỗ hậu môn thôi. Thành ra mệ mới lấy chồng. Thôi đừng cọ hỏi nữa.


Phong Sương chưng hửng nghe những gì cô mình vừa nói. Trong đầu tuy còn mù mờ về nhiều điểm, nhưng thấy cô Hai có vẻ bẳn gắt rõ ràng, nên đành lặng thinh.


Dăm ba câu nói chuyện đã đưa hai cô cháu về đến trước cửa nhà. Cô Hai giữ cháu lại ngay trước cửa hỏi:


-Tối nay cháu muốn ăn món gì, cô cho người nhà nó nấu.


-Phở đi cô, cháu thèm ăn phở Lào, tối nay cô cho cháu ăn phở đi cô.


Câu trả lời không một chút suy nghĩ, vì nó vọt ra từ trong một sự háo hức bị đè nén gần hơn chục năm. Sống nơi xứ Mỹ, Phong Sương không bị thiếu bất cứ những gì được coi cần thiết cho một đời sống văn minh tối thiểu. Nhưng thiếu rõ ràng những thứ như tại quê nhà. Phong Sương tạm cho xứ Lào là quê nhà, tuy không bao giờ quên ước vọng được về thăm quê cha, đất tổ, một xứ Việt Nam tuy gần mà xa.


-Ðược, cô cho ngay người đi mua cần sa kẻo họ dẹp chợ.


-Lúc nẫy, cháu thấy ngoài chợ có nhiều bó cần sa ngon, ngon, ngon. Thôi để cháu chạy đi mua cho. Cô cứ bảo người nhà lo tìm con cẩu là vừa.


Nước trong chiếc thùng vuông đã bắt đầu sôi lên sùng sục, nổi lên những lớp bọt trắng đục. Nhìn cô gái giúp việc của cô Hai đang lom khom vớt những bọt trắng hất ra ngoài, Phong Sương buột miệng hỏi:


-Nước này là nước thứ mấy hả em?


Người tớ gái lễ độ trả lời:


-Thưa cô, mới nước đầu.


-Em đã bỏ những gì trong đó?


Miệng hỏi nhưng Phong Sương đã với đôi đũa cả khoắng vào trong thùng.


-Không có xương bò à?


-Thưa cô, em chỉ mới bỏ hai chiếc đùi thôi, bà dặn tý nữa mới bỏ xương bò.


-Nước sôi khá rồi đấy, em đổ nước ấy đi. À lúc nẫy em có ngâm nước gạo không đấy?


-Thưa cô, em chỉ ngâm sơ qua thôi, vì em sợ không kịp cho chiều nay.


-Cũng được, đợt nước nóng này, mình cũng đã rửa sạch được mùi gây của máu và tủy, nước tới em phải để nhỏ lửa.


Tự nhiên Phong Sương có cảm tưởng như đang bơi trong một không gian, thời gian của hơn hai mươi năm về trước, cũng cái giàn bếp thật lớn ấy, cũng những thùng dầu tây vuông vức, được rửa sạch để dùng vào đủ thứ chuyện, từ việc gánh nước mã (cơm heo) lấy từ từng nhà, đến những việc nấu nướng cho gia đình khi có hội hè, hoặc khi xưa cô Hai còn dùng để nấu cơm heo, nhiều người còn dùng những chiếc thùng dầu tây ấy để làm phương tiện sinh sống vào thời bấy giờ, gánh nước thuê cho từng nhà.


Thùng dầu tây với gần đầy nước đang sủi bọt trắng được cô người làm nghiêng thùng đổ nước xuống đất. Hơi nước nóng bốc lên mù mịt. Cô gái mặt ửng hồng vì đứng gần bếp lửa, đưa tay thấm những giọt mồ hôi cạnh tóc mai.


-Thưa cô, em chỉ luộc hai cái đùi thôi vì con này béo quá.


-Vàng hay đen?


-Thưa cô con mực ạ.


Nghe đến chữ con mực, Phong Sương ngụp lặn hẳn trong những ngày vui khi còn bé. Phong Sương nhập cuộc.


-Em đã nấu phở với bà mấy lần rồi?


-Thưa cô khoảng ba, bốn lần.


-Thôi để cô phụ em nấu cho, lấy xương bò đi, để cô rửa lại hai cái đùi này đã.


Nước dùng của nồi phở phải cầu kỳ, nồi phở mới ngon. Dân bên Việt, mỗi khi sang Lào buôn bán hay đến Lào lần đầu tiên, được ăn một tô phở rắc đường của người Lào, đều né lần thứ hai. Nhưng được ăn một tô phở do người Việt sinh đẻ ở Lào nấu, sẽ phải tấm tắc khen mãi. Khen xong sẽ đờ người khi biết nước dùng phở được hầm bởi xương bò cùng vài chiếc đùi chó. Phong Sương đang rửa hai chiếc đùi của con chó mực. Luôn luôn phải đổ bỏ nước đầu luộc thịt chó, để bỏ bớt đi mùi gây của thịt, rửa sạch rồi hầm tiếp với xương bò. Nước sẽ phải để nhỏ lửa khoảng bẩy, tám tiếng cho nước dùng được trong.


-Nhà có ngũ vị hương chưa em?


-Thưa cô, em đã sửa soạn sẵn cả rồi.


Cô tớ gái trao cho Phong Sương một túi vải.


-Có gì ở trong ấy?


-Thưa cô, em bỏ ngũ vị hương, hoa hồi, quế, gừng.


-Em không nướng gừng à?


-Thưa cô không.


-Thôi, nướng thêm củ gừng nữa em ạ. Nhớ nướng cho cô khoảng ba bốn củ hành tây, rồi bỏ chung cả vào. Nhớ để nhỏ lửa.


Ngắm nghía mãi nồi nước đang bắt đầu sủi tăm lại, Phong Sương lẩm bẩm:


-Nước dùng cũng khá nhiều, thôi bỏ cổ nó sáu cành.


Mớ cần sa tươi nằm chênh vênh trên góc bàn trong cái nhà bếp rộng đang bắt đầu héo những lá non ở ngọn. Phong Sương chọn sáu nhánh bằng ngón tay trỏ, tuốt lá, lấy dao chặt lấy sáu khúc bằng cả gang tay, buộc chung chúng lại rồi bỏ trong nồi nước dùng. Thêm một yếu tố chính để cho những dân Việt đến từ Việt Nam, không bao giờ trong đời lại có thể quên được một tô phở ngon đặc biệt như vậy.


Ðứng rửa tay bên bồn rửa bát, Phong Sương chợt nhớ ra một điều vô cùng quan trọng cho tô phở “Việt-Lào.”


-Em à, nhớ không được bỏ chút nước mắm nào hết nghe.


-Thưa cô, em biết, bà cũng dặn em như vậy.

MỚI CẬP NHẬT